7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Nội dung phong phú của xu hướng phê bình nhận thức lại về các thước đo cũ
các thước đo cũ
Cùng với sự phát triển ngày càng phong phú, sôi động của nền văn học là sự thay đổi ngày càng rõ nét trong diện mạo, nội dung của phê bình. Và xu hướng phê bình nhận thức lại về các thước đo cũ cũng đã, đang tạo ra những dấu ấn sâu đậm và đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn học.
Trước hết, trong thực tiễn đời sống văn học, xu hướng phê bình này thể hiện ở việc đánh giá lại các tác phẩm xưa bằng những thước đo mới. Việc tiếp nhận các trường phái lý luận, phê bình văn học phương Tây đã đem đến những khát vọng đổi thay cho nền phê bình trên tinh thần sáng tạo của chính các nhà phê bình. Với những nhà phê bình có tâm huyết, tài năng, trên cơ sở những tư duy nhận thức của bản thân mình về văn học, họ luôn muốn tìm tòi những cách khám phá mới về các giá trị của tác phẩm. Từ đó, họ có thể lí giải một cách thuyết phục những hiện tượng văn học đang diễn ra trước mắt. Hoạt động phê bình, vì thế, là hoạt động đầy tính sáng tạo. Nhìn lại đời sống phê bình văn học nước ta, việc đánh giá tác phẩm không phải ở thời kì nào cũng giống nhau. Chúng ta từng biết đến một thời đại thơ nhiều sinh lực, mạnh mẽ trong thi ca Việt với phong trào Thơ mới (1932-1945) qua cách giới thiệu của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam (1942) với phương pháp phê bình ấn tượng. Thời điểm ấy, đó là một sự thành công vang dội của Hoài Thanh. Sau Hoài Thanh, có thể kể đến Phan Cự Đệ với cách tiếp cận xã hội học trong công trình Phong trào Thơ mới. Đến Con mắt thơ (1992), Đỗ Lai Thúy lại lựa chọn hướng tiếp cận thi pháp học và nó thực sự đã đưa đến những phát hiện mới. Nhiệm vụ của thi pháp học chính là tìm hiểu mô hình thế giới của nhà văn và của thời đại, logic của hình thức nghệ thuật.Vì thế ngay từ đầu ông đi
tìm cái phong cách riêng của mỗi nhà thơ. Phong cách của họ chính là sự lệch so với cái chuẩn của thời đại. Nhiệm vụ của nhà phê bình là phải phát hiện ra những sự “lệch chuẩn” trong cái nhìn nghệ thuật để phát hiện ra “con mắt thơ”. Cho nên, Con mắt thơ chính là một công trình nghiên cứu phong cách các nhà thơ mới bằng con đường thi pháp học. Nhưng để phát hiện ra “mắt thơ” thì phải bắt đầu từ tác phẩm, cụ thể đó là ngôn ngữ tác phẩm để định hướng, thăm dò, phân tích tác phẩm rồi sau đó tổng hợp, tái cấu trúc theo sự mách bảo của trực giác. Trên cơ sở đó, ông phát hiện chiều sâu của cái nhìn nghệ thuật của các nhà thơ mới, phát hiện quan niệm về con người của thơ mới ở chiều kích tâm linh… Như vậy, bằng con đường tiếp cận mới, Đỗ Lai Thúy mang đến cho người đọc những phát hiện thú vị về thời đại thơ mới và các nhà thơ mới. Hay với các sáng tác văn học của các nhà văn, nhà thơ thuộc phong trào Nhân văn giai phẩm (1958), Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, trong cách tiếp cận cũ của lối phê bình xã hội học độc tôn một thời giờ đã tỏ ra bất lực, chỉ còn phê bình thi pháp học mới có khả năng đi vào khám phá những giá trị của tác phẩm. Thậm chí, bằng phương pháp phê bình mới, giờ đây người ta nhận thấy trong sự đòi hỏi đổi mới trong sáng tác thơ của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… trong Nhân văn giai phẩm trước đây đã ít nhiều chứa đựng sự cách tân đáng được ghi nhận. Còn nhiều trường hợp khác như
Đèo Cả, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây của
Quang Dũng, Bên kia sông Đuống và Mưa Thuận Thành của Hoàng Cầm v.v. cũng từng trở thành đối tượng gây chú ý của phê bình, có khen, có chê, thậm chí còn bị cấm đọc. Đến sau này độc giả bấy giờ mới vỡ ra, văn thơ ta có những bài rất giá trị mà lâu nay không được biết.
Bên cạnh đó, việc cổ súy cho những sáng tác có những tìm tòi mới cũng là nội dung chính trong xu hướng này. Bước sang thiên niên kỉ mới, trong thập niên đầu, đời sống văn học nước ta cũng không kém phần sôi động
với sự xuất hiện của nhiều hiện tượng thơ văn rất thu hút sự quan tâm của công chúng và giới phê bình. Trong thơ, trước hết vẫn là những cây bút với khát vọng cách tân được khơi mào từ cuối thế kỉ trước như Lê Đạt, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Đặng Đình Hưng,… và thế hệ những nhà thơ trẻ quyết tâm đeo đuổi khát vọng đổi mới thơ ca như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Thanh Xuân,...Trong văn xuôi, người ta vẫn nhắc nhiều đến Nguyễn Thị Thu Huệ, Hồ Anh Thái,Tạ Duy Anh,Thuận, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu,.. và hiện tượng tiểu thuyết làm khuấy đảo văn đàn những năm gần đây là Nguyễn Xuân Khánh. Ở họ, bằng tài năng và bản lĩnh sáng tạo, họ đang dấn thân kiếm tìm khám phá những con đường mới đầy khó khăn, gian nan. Và sự chào đón nồng nhiệt của công chúng đối với những sáng tác của họ, chứng tỏ họ đang khẳng định được giá trị của mình và góp phần không nhỏ tạo nên một diện mạo mới cho văn học nước ta thế kỉ XXI.