7. Cấu trúc của luận văn
2.1.3. Tác động của xu hướng phê bình chấn chỉnh cách nhìn
Như đã nói ở trên, chấn chỉnh cách nhìn là vấn đề khá thường xuyên được đặt ra trong lịch sử phê bình văn học nước ta. Trong thời gian qua, xu
hướng này đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc chỉ rõ và uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, những sai lầm của người viết trong việc lí giải các vấn đề của văn học Việt Nam. Bên cạnh vai trò tham gia tích cực vào việc đấu tranh để bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, góp phần vào việc chỉ đạo sáng tác và nghiên cứu văn học, nâng cao chất lượng của các tác phẩm văn học, định hướng tiếp nhận cho công chúng thì xu hướng này còn có những tác động không nhỏ đối với sự phát triển của lịch sử văn học nói chung mà đến nay vẫn còn nhiều những vấn đề chưa khắc phục được.
Mỗi nhà phê bình, khi thực sự tham gia vào đời sống phê bình, vào cái
“vương quốc của cái tranh luận” (Lã Nguyên), họ muốn thể hiện nhận thức,
quan điểm của mình trước một vấn đề dư luận quan tâm. Và một khi nhận thức, quan điểm của họ được dư luận đồng tình thì vai trò của họ sẽ được đề cao, được lăng xê, ca ngợi. Điều này không khỏi khiến cho một số cây bút phê bình rơi vào ngộ nhận, tự huyễn hoặc mình. Nhưng ngược lại, không ít tác giả của những bài phê bình không may trở thành đối tượng uốn nắn, chấn chỉnh nhanh chóng mất nhuệ khí và quyết định chọn cách im lặng. Trong trường hợp này, có thể kể đến nhiều tác giả phê bình từng ca tụng Nỗi buồn
chiến tranh của Bảo Ninh, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, hay Cánh đồng bất
tận của Nguyễn Ngọc Tư… Vài năm gần đây dư luận ồn ào về “vụ” Nhã
Thuyên - một cây bút trẻ từng làm xôn xao dư luận phê bình với Luận văn thạc sĩ Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn
văn hóa. Với lối viết cố gắng khách quan, tác giả trẻ này đã đưa đến cho
người đọc một cách nhìn khác về thơ nhóm Mở miệng, và cả thơ nhóm Ngựa
trời xuất hiện giữa thập niên đầu thế kỉ này. Đương nhiên, thứ thơ “jác jưởi”
của các nhóm trên vốn đã gây sự với mĩ cảm truyền thống lại thêm một lần bị “công kích”. Kết quả của việc đi chệch “quỹ đạo” sáng tác đó là luận văn và bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên bị thu hồi. Chị bị mất việc làm tại khoa Ngữ văn
Đại học Sư phạm Hà Nội và PGS.TS Nguyễn Thị Bình trong vai trò của người hướng dẫn khoa học cho chị cũng bị về hưu sớm hơn thông lệ.
Như vậy, trong “cuộc chiến” của những nhà phê bình, sự thắng thế vẫn thường nghiêng về những nhà phê bình theo xu hướng chấn chỉnh cách nhìn. Từ thực tế đó, điều lo ngại đối với phê bình văn học hiện nay chính là sự rút lui dần về phía “hậu trường” sân khấu phê bình của các nhà phê bình sau khi họ đã tìm cách chiêu tuyết cho những hiện tượng văn học. Nhà phê bình Lê Quang Trang khi đánh giá về hoạt động phê bình hiện nay cũng đã chỉ rõ hiện trạng đáng buồn của đội ngũ phê bình là “không ít người né tránh, hoặc im lặng, hoặc tìm cách chuyển sang lĩnh vực khác ít đụng chạm hơn, như đi vào nghiên cứu những gì đã ổn định, đã là quá khứ, chứ không trực tiếp tham gia
công tác phê bình như một hoạt động trực chiến nữa” [69, 1010].
Không chỉ tác động đến tác giả phê bình, xu hướng này còn tác động đến cả sáng tác văn học của các nhà thơ, nhà văn. Khi tác phẩm của một nhà văn được in ấn và phát hành rộng rãi, nghĩa là nó đến với đông đảo công chúng và cũng được sự quan tâm chú ý của giới phê bình. Những nhà văn có bản lĩnh và tự tin, họ sẽ không quan ngại việc trao đổi, đối thoại, tranh luận với các ý kiến lên tiếng về tác phẩm của mình, từ phía đông đảo quần chúng và giới phê bình. Nhưng nhiều khi trước luồng dư luận quá gay gắt, khắt khe, nhà văn lại “nhụt chí”. Một thời, khẩu hiệu văn nghệ phục vụ chính trị được nêu lên hàng đầu đã dẫn đến quan niệm xem văn nghệ là công cụ tuyên truyền cho chính trị, đồng nhất văn nghệ vào chính trị, là cơ sở làm nảy sinh những sáng tác minh họa. Một mặt khác, do tiêu chuẩn chính trị được coi là tiêu chuẩn hàng đầu nên nảy sinh lối phê bình quy chụp chính trị, gây nguy hiểm cho người sáng tác. Người sáng tác luôn bị ám ảnh nỗi sợ hãi sai lập trường, quan điểm chính trị, không dám sáng tạo, mà có người nói là “sợ mấy ông tuyên huấn” không cho viết. Về sau, trong sáng tác văn học, tâm lí “sợ hãi” ấy
vẫn còn đeo đẳng người cầm bút. Và chúng ta có thể khẳng định rằng những nhà văn, nhà thơ, hầu hết đều có chung tâm lí chỉ thích khen tác phẩm của mình chứ ít ai thích người ta viết về những hạn chế. Mà phê bình lại có nhiệm vụ khám phá, phát hiện những giá trị nghệ thuật có khả năng tạo nên những bước ngoặt, mở ra một giai đoạn phát triển mới của tiến trình văn học, đồng thời kêu gọi nhà văn sáng tạo ra cái mới.Trong khi đó, ở nhiều bài phê bình, quan điểm của người viết là chê cũng phải chê đến tận cùng, xem nhẹ những tìm tòi sáng tạo của nhà văn. Đó là chưa kể đến nhiều bài phê bình thiếu sự hiểu biết, khen chê một cách tùy tiện, thiếu tôn trọng nhà văn. Từ đó dẫn đến một thực trạng của văn học hiện nay là sự thưa dần những tác phẩm gây tiếng vang trong dư luận và nhà văn cũng “ngại” tìm tòi những nội dung mới, cách viết mới, thậm chí không xuất bản sáng tác của mình, để tránh bị chê!
Cùng với những tác động không nhỏ đối với tác giả phê bình, đối với hoạt động sáng tác văn học, phê bình chấn chỉnh cách nhìn còn ảnh hưởng đến công chúng độc giả. Trước những cuộc tranh luận về văn học, công chúng nhiều khi không còn biết tin vào đâu, ai đúng, ai sai. Điều không phải hiếm thấy là trước một tác giả, tác phẩm, việc khen chê đôi khi trái ngược nhau đến lạ lùng khiến người đọc không thể hiểu được, không biết được đâu mới là giá trị đích thực của văn chương. Trong trường hợp này, phê bình đã làm nhiễu loạn chuẩn mực văn chương và khiến người đọc mất lòng tin. Chẳng hạn, những cuộc tranh luận về thơ trẻ từ năm 2001 đến nay vẫn chưa có hồi kết thúc. Có luồng ý kiến cho rằng thơ trẻ đã và đang mang đến cho thơ ca nước ta một diện mạo khác với những cách tân mạnh mẽ cả về nội dung và nghệ thuật, luồng ý kiến khác lại cho rằng đó là “thứ thơ thiếu nghiêm túc”. Tiêu biểu là những tranh cãi gần đây về thơ của nhóm Mở miệng và nhóm Ngựa trời ở miền Nam gây tâm lí hoang mang cho công chúng và cũng khó mà đưa ra một “cái chuẩn” nào để người đọc có thể thẩm định giá trị của nó.
Thiết nghĩ, chấn chỉnh cách nhìn là vấn đề đặt ra thường xuyên đối với hoạt động phê bình nói riêng và sự phát triển của nền văn học nói chung bởi lẽ một nền văn học nào phát triển thì cũng có những cái quy chuẩn của nó gắn với yêu cầu xã hội, lịch sử và thời đại.