7. Cấu trúc của luận văn
3.3.2. Thực trạng thiếu bản lĩnh của chủ thể phê bình trên xu hướng này
Như đã nói ở trên, xu hướng phê bình hướng về các vấn đề thời sự của văn học đã phần nào cho thấy sự nhạy bén, linh hoạt của hoạt động phê bình nước ta trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, thực tế hiện nay xu hướng này cũng đang bộc lộ những hạn chế, nhất là thực trạng thiếu bản lĩnh của chủ thể phê bình.
Có thể nói, chủ thể phê bình hay đội ngũ tác giả phê bình là một trong những phương diện thể hiện sự phát triển của phê bình văn học trong từng
thời kỳ, từng giai đoạn. Và chắc chắn rằng, trên con đường đi tới hiện đại hóa, phê bình văn học phải hướng tới tính chuyên nghiệp. Nó không thể chỉ là một hoạt động tùy hứng, cảm tính... Trong khi đó, phê bình văn học hiện đại luôn gắn với sự phát triển của báo chí và các phương tiện truyền thông. Và giữ vai trò chủ đạo trong công tác phê bình trên các phương tiện truyền thông hiện nay chính là những nhà báo làm việc tại chỗ. Họ có điều kiện và khả năng tiếp cận thị trường văn học cũng như chủ trương của tờ báo, ý đồ của ban biên tập và do vậy, có thể đáp ứng được tính thời sự của một bài phê bình. Tuy nhiên, phần đông trong số họ lại chưa được đào tạo chuyên môn. Trên thực tế có thể thấy, nhiều bài phê bình hiện nay, hàm lượng học thuật không đáng kể, không quan điểm, ít luận chứng, không có quá trình suy diễn logic mà chỉ dừng lại ở mức hiện tượng và biểu hiện, không cách nào với tới độ cao văn học.
Một thực tế khác, cũng trước các vấn đề thời sự của văn học, nhiều nhà phê bình không dám “đối mặt”, ngại “va chạm”, nên đã tìm đường tránh, thậm chí cố ý né tránh sự thật, không theo lối chính diện thể hiện năng lực nhận định và giải thích của mình, mà “phê bình” bằng ngôn ngữ mơ hồ, loanh quanh, úp mở, thiếu cơ sở lý luận, giải thích vòng vo, thiếu những phát hiện cá nhân về văn học, … Thậm chí, tác phẩm hay không dám khen, dở không dám chê nhưng tác phẩm làng nhàng lại được khen nức nở. Hiện trạng đó được xem là một “căn bệnh” của phê bình hôm nay, theo nhà phê bình Inrasara gọi đó là “thứ phê bình chung chung, vô thưởng vô phạt”. Trước các tác phẩm có ý kiến khác nhau họ lại không muốn thảo luận, thể hiện thái độ mập mờ trước văn bản. Như thế, sự yếu kém về năng lực giải thích văn bản văn học cũng khá rõ, đồng thời còn làm cho độc giả hết sức hoài nghi năng lực cảm nghĩ và năng lực giải thích của nhà phê bình. Nhà thơ, nhà phê bình Dương Trọng Dật, trong bài tham luận tại Hội nghị lí luận, phê bình văn học
ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, diễn ra trong hai ngày 4,5/6/2013 đã nói rất đúng: “Trong khi sáng tác hăng hái xông vào
những vùng đất mới, những thể nghiệm sáng tạo thì lý luận phê bình lại tỏ ra thờ ơ với những điểm nóng trong sáng tác đa chiều đa sắc của văn học. Lý luận phê bình có vẻ như không mặn mà trước những vấn đề mới mẻ mà phong trào sáng tác đặt ra. Nhiều vấn đề gai góc, hóc búa của sáng tác không được đề cập. Một số lệch lạc, tiêu cực trong hoạt động sáng tác, những tác phẩm còn yếu về tư tưởng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc chưa được mạnh dạn mổ xẻ, phân tích. Những thể nghiệm nghệ thuật chưa được xem xét một cách khoa học và từ đó cổ vũ đúng mức. Bàng bạc trong hoạt động lý luận, phê bình là hiện tượng né tránh, ngại đụng chạm,
hời hợt, xuê xoa theo kiểu dĩ hòa vi quý…” [9]. Rõ ràng, nhà phê bình Dương
Trọng Dật đã nói đúng thực trạng vấn đề và như thế nền văn học nước nhà có trông chờ được một sự khởi sắc trong lĩnh vực phê bình ?
Bên cạnh đó, thực trạng thiếu bản lĩnh của chủ thể phê bình trên xu hướng này còn thể hiện ở khía cạnh văn hóa tranh luận, phê bình. Nhiều khi trước một vấn đề bàn luận, có không ít bài kiểu “ăn theo nói leo”, a dua, người ta chê thì mình chê, người ta khen thì mình khen theo kiểu bè phái chứ không còn là tạo ra không khí đối thoại dân chủ. Đối thoại, tranh luận là một biểu hiện của tính dân chủ trong phê bình, là con đường dẫn đến chân lí, song đôi khi, sự tùy tiện và thiếu trách nhiệm của những người phê bình lại khiến cho việc tranh luận ít mang màu sắc học thuật, thậm chí biến thành những cuộc cãi vã, mạt sát lẫn nhau, không chỉ ở thái độ mà ngôn từ tỏ ra thiếu tính văn hóa. Cho nên việc xây dựng đạo đức, văn hóa phê bình, một thái độ vừa khoa học vừa nhân văn là điều hết sức quan trọng.
Có thể nói cái khó nhất của phê bình hiện nay là đối diện với thực tế đa dạng và phức tạp về tư tưởng. Vì thế, ngoài yêu cầu nhà phê bình văn học cần một cái vốn kiến thức thật sâu và rộng, thì sự bản lĩnh của nhà phê bình cũng là điều hết sức cần thiết để hướng độc giả vào những giá trị đích thực của các sáng tác văn chương.