7. Cấu trúc của luận văn
1.2.3. Phê bình văn học giai đoạn 1945 1985
Cách mạng tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời mở ra một thời kì mới cho văn học và văn nghệ sĩ. Nền văn học mới của một dân tộc vừa giành được độc lập do Đảng lãnh đạo, là sản phẩm và thành quả cuộc đấu tranh của nhân dân, mà nhân vật trung tâm là công, nông, binh, trí thức. Phê bình theo quan điểm chủ nghĩa Mác- Lê nin giờ đây được công khai xác lập nhằm định hướng sự phát triển nền văn học với nội dung dân chủ mới và tính chất dân tộc.
Trong giai đoạn 1945-1954, đất nước có chiến tranh, chiến trường phân cách, điều kiện dành cho văn học nghệ thuật nói chung, phê bình văn học nói riêng hoàn toàn không thuận lợi từ khâu in ấn, xuất bản, báo chí. Ngay cả thời gian vật chất mà công chúng dành cho văn học cũng rất ít. Việc giao lưu với thế giới bên ngoài dường như bị cô lập, tách biệt. Tuy nhiên, nền phê bình cách mạng non trẻ vẫn từng bước phát triển hiện diện cùng sáng tác. Những khẩu hiệu Văn nghệ là vũ khí; Văn nghệ sĩ là chiến sĩ; Văn nghệ phụng sự kháng
chiến, phụng sự nhân dân… được tôn vinh, đề cao. Một nền văn nghệ dân chủ
mới được xây dựng theo các phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng.
Trong lĩnh vực phê bình văn học, các nhà phê bình đã hướng vào việc phổ cập văn nghệ cách mạng vào trong nhân dân và hướng ra cho thế giới biết. Phê bình đã chú ý phát hiện, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ từ trong
môi trường quần chúng. Phê bình 1945-1954 đặt trọng tâm chú ý vào định hướng xây dựng nền văn nghệ nhân dân với một quyết tâm cao: xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo đi theo cách mạng, khắc phục những biểu hiện sai trái của bản thân, mau chóng hòa nhập vào cuộc sống của nhân dân. Phê bình thời kì 1945-1954 đã góp phần đưa tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ vào cách mạng, dứt bỏ bệnh xa dân và các quan niệm nghệ thuật cũ, đặt nền móng cơ bản cho một nền sáng tác phục vụ công, nông, binh, đồng thời mở đầu cho một chủ trương đúng của Đảng: nghệ sĩ phải đi vào cuộc sống, góp phần khẳng định những thành tựu đầu mùa của văn học kháng chiến.
Tính dân chủ, cởi mở trong phê bình được duy trì. Thông qua một số hội nghị, khuyến khích tranh luận trong hội nghị và trên báo chí, một số khía cạnh bức xúc trong đời sống văn nghệ đã được làm sáng tỏ. Có thể kể đến một số hội nghị sau: Hội nghị văn nghệ toàn quốc (từ 23 đến 25/7/1948), Hội
nghị văn nghệ bộ đội - đánh dấu sự khởi đầu phong trào văn nghệ sĩ đầu quân
(từ 9 đến 14/4/1949), Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (từ 25 đến 28/9/1949), Hội nghị tranh luận sân khấu (1950), Hội nghị cán bộ văn nghệ
Nam Bộ (1951),… Bên cạnh các cuộc tranh luận trên bàn hội nghị còn phải kể
đến các cuộc tranh luận trên báo chí: tranh luận giữa Đặng Thai Mai và Tô Ngọc Vân về tranh tuyên truyền và hội họa; giữa Hà Xuân Trường, Nguyễn Đình Thi và Tô Ngọc Vân về Học hay không học ?
Tất cả mọi hoạt động nói trên nhằm mục tiêu xây dựng một nền văn nghệ mới, củng cố lòng tin của văn nghệ sĩ ở chặng “nhận đường” lần thứ nhất. Các giải thưởng văn nghệ 1951-1952, 1954-1955 và Đại hội liên hoan văn công toàn quốc vào cuối năm 1954 có một phần đóng góp của hoạt động phê bình.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, văn học hướng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam. Đây
là cuộc “nhận đường” lần thứ hai của văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ, một cuộc “nhận đường” xem ra còn quyết liệt hơn cuộc “nhận đường” trước đó, 1945-1954. Nếu cuộc “nhận đường” trước đó là để giác ngộ về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thì cuộc “nhận đường” lần này là sự nhận thức về cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp chống Mỹ cứu nước với những yêu cầu quyết liệt, trong bối cảnh đất nước chia cắt hai miền với hai chế độ chính trị riêng biệt. Văn học miền Bắc phát triển dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa do Đảng lao động lãnh đạo. Ở miền Nam, tại các đô thị, chính quyền thân Mỹ, duy trì chế độ trong sự đối lập với miền Bắc. Các khu căn cứ và vùng nông thôn lại do mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát.
Phê bình văn học trong bối cảnh đó phát triển theo hai hướng. Ở miền Bắc và vùng giải phóng, phê bình phát triển theo định hướng đường lối văn nghệ Mác- Lê nin. Phê bình được giao phó nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, góp phần khẳng định thành tựu quan trọng của văn học và đóng góp của các nhà văn, nhà thơ trong việc phản ánh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Qua các cuộc đấu tranh tư tưởng trên mặt trận văn nghệ vào những năm 1956, 1957, 1958, 1964 mà Nhân văn giai phẩm là một trong nhiều “vụ việc” nổi bật. Thông qua việc phê bình tập thơ Việt Bắc (nửa đầu năm 1955), qua việc phê phán những tác phẩm bị coi là “lệch lạc” về tư tưởng hoặc thiếu tính đảng: Phở (1957) của Nguyễn Tuân, Mạch nước ngầm (1960) của Nguyên Ngọc, Con nai đen (1961) của Nguyễn Đình Thi, Đêm không ngủ (1961) của Vũ Thư Hiên, Mở hầm (1961) của Nguyễn Đậu, Những người thợ mỏ (1961) của Võ Huy Tâm, Sương tan (1963) của Hoàng Tiến, Vào đời (1963) của Hà Minh Tuân, Cái gốc (1968) của Nguyễn Thành Long, Cửa mở (1970) của Việt Phương, Vòng trắng (1974) của Phạm Tiến Duật, Sẹo đất (1974) của
Ngô Văn Phú, Cây táo ông Lành (1974) của Hoàng Cát… Công việc cảnh giới về chính trị, tư tưởng rất được quan tâm trong yêu cầu đảm bảo cho văn học phát triển đúng hướng, lành mạnh theo cách nói, cách nghĩ một thời.
Qua việc đề cao thơ Tố Hữu, trao đổi các tác phẩm viết về hợp tác hóa nông nghiệp (Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm của Đào Vũ), phê bình tiểu thuyết
Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, biểu dương tác phẩm Xung đột của Nguyễn
Khải, Bão biển của Chu Văn, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu,
Vùng trời của Hữu Mai, Hòn Đất của Anh Đức, Sống như Anh của Trần Đình
Vân, Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận, Truyện và kí của Nguyễn Thi, truyện ngắn của Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, thơ Lê Anh Xuân, trường ca Thu Bồn… có ý nghĩa khẳng định thành tựu của văn học cách mạng. Nhiều công trình phê bình có giá trị: Phê bình và tiểu luận, 3 tập (1960, 1965, 1971) của Hoài Thanh; Những bước đường tư tưởng của tôi (1958), Dao có mài mới sắc
(1963), Đi trên đường lớn (1968), Và cây đời mãi mãi xanh tươi (1971)… của Xuân Diệu; Phê bình văn học (1962), Suy nghĩ và bình luận (1971) của Chế Lan Viên…
Trong các vùng đô thị miền Nam, khuynh hướng cơ bản vẫn là tìm về cội nguồn dân tộc: tìm về những giá trị nhân văn trong những tác phẩm như
Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm; các giá trị nhân văn ở các văn nhân, thi sĩ như
Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Lê Văn Trương, Võ Hồng,… hoặc tiếp nhận các trào lưu phê bình hiện đại phương Tây góp phần hiện đại hóa phê bình văn học nước nhà. Những đóng góp ấy gắn liền với tên tuổi của các nhà phê bình, các nhà văn đồng thời cũng là những nhà phê bình: Vũ Hạnh, Lữ Phương, Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Bằng, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Nguiễn Ngu Í, Bùi Giáng,…
Mười năm sau ngày đất nước thống nhất (1975-1985), hoạt động phê bình vẫn theo quán tính đã có, vẫn là sự tiếp nối công việc mà phê bình văn
học giai đoạn trước đó đã làm, nghĩa là chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chính trị tư tưởng. Trước hết, điểm nóng của phê bình văn học thời kì này vẫn là cuộc thảo luận về trường ca. Từ những năm 1970, bạn đọc đã chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều các tác phẩm trường ca như: Theo chân Bác,
Nước non ngàn dặm (Tố Hữu), Vách đá Hồ Chí Minh (Thu Bồn), Núi rừng
mở cánh (Liên Nam), Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm),… Giới
phê bình văn học đã quan tâm đặc biệt đến hiện tượng này cả về phương diện đặc trưng, định danh thể loại,… và cả về phương diện thẩm định giá trị của từng tác phẩm. Những bài viết đáng chú ý của Lại Nguyên Ân (Mấy suy nghĩ
về thể loại trường ca, đăng trên Tạp chí Văn học, 4/1975), Nguyễn Văn Long
(Nguyễn Khoa Điềm với Mặt đường khát vọng, đăng trên tạp chí Văn nghệ
Quân đội, 4/1975), Đào Thái Tôn (Đọc “Những người đi tới biển” nghĩ về
trường ca, đăng trên báo Văn nghệ, 18/2/1978),… đã thực sự khơi dòng cho
hàng loạt bài viết về trường ca trên các báo chí trong những năm 1980-1985. Những khác biệt trong nhận thức về đặc trưng, giá trị, ý nghĩa của trường ca đã tạo nên không khí thảo luận, bàn bạc sôi nổi, lôi cuốn được dư luận đương thời. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tổ chức những cuộc trao đổi ý kiến, tổ chức hội thảo về trường ca và đăng tải nhiều kì trên tạp chí các số 11, 12/1980; 1, 2/1981. Rõ ràng, vấn đề trường ca đã trở thành một trung tâm chú ý trong văn giới suốt nhiều năm trời.
Bên cạnh đó, trong hoạt động phê bình văn học ở những thập niên cuối của chặng này còn phải kể đến cuộc tranh luận về văn học viết về chiến tranh và đánh giá nền văn học cách mạng giai đoạn vừa qua. Ở các bài viết ra đời trong những năm 1975-1978, hầu như các tác giả đều bày tỏ thái độ nâng niu trân trọng những tác phẩm viết về chiến tranh, các nhận xét đánh giá đều khẳng định những thành tựu đã đạt được đồng thời cũng chỉ ra cả những hạn chế, nhược điểm. Nhiều bài viết xuất hiện trên diễn đàn đã thực sự trở thành
cuộc trao đổi ý kiến rộng rãi trong văn giới liên tục được đăng trên Tạp chí
Văn nghệ Quân đội: Mấy suy nghĩ về đề tài chống Mĩ cứu nước và sáng tác
văn học trong giai đoạn mới của Lê Bá Súy, Đinh Xuân Dũng (số 4/1976),
Viết về đề tài chiến tranh sau chiến tranh của Nguyễn Đình Tiên (số 9/1976),
Nhìn lại một chặng đường của tiểu thuyết của Nguyễn Văn Long (số 6/1977),
Góp bàn về sáng tác đề tài chiến tranh và quân đội của Ngô Thảo (số 9/1978), Viết về chiến tranh của Nguyễn Minh Châu (số 11/1978),… Hàng loạt tác phẩm văn xuôi ra đời thời kì này đã tạo được tiếng vang và được giới phê bình quan tâm đặc biệt: Kí sự miền đất lửa (1978) của Nguyễn Sinh và Vũ Kì Lân, Cha và con và…(1979) của Nguyễn Khải, Đất trắng (1979) của Nguyễn Trọng Oánh, Đứng trước biển (1982) của Nguyễn Mạnh Tuấn,
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983) của Nguyễn Minh Châu,…
Qua hoạt động phê bình, giới phê bình cũng đã khẳng định được những giá trị thẩm mĩ mới trong các sáng tác của các nhà văn thời kì này.
Tuy nhiên, do chịu sự chi phối triệt để của mục tiêu phục vụ chính trị mà phê bình văn học 1945-1985 còn nặng về phương diện tư tưởng chính trị mà ít quan tâm đến tác phẩm nghệ thuật và ngôn từ của tác phẩm. Do đó, nó cần phải đổi mới ở giai đoạn tiếp sau, cùng với sự đổi mới đất nước trên nhiều lĩnh vực.