Tính quyền uy của xu hướng phê bình chấn chỉnh cách nhìn

Một phần của tài liệu Những xu hướng chính của phê bình văn học việt nam trong thập niên đầu thế kỉ XXI (Trang 49)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1.Tính quyền uy của xu hướng phê bình chấn chỉnh cách nhìn

Phê bình văn học nước ta chỉ thực sự xuất hiện cùng với quá trình hiện đại hóa văn học ở nửa đầu thế kỉ XX. Trải qua một quá trình hình thành và phát triển, phê bình văn học đã đạt được những thành tựu to lớn với diện mạo ngày càng phong phú, đa dạng. Nhưng bên cạnh đó lại luôn tồn tại cái khó của phê bình là sự phức tạp về quan điểm tư tưởng. Việc định hướng phát triển nền phê bình như thế nào cho phù hợp với thời đại lại luôn được đặt ra cho nên xu hướng chấn chỉnh cách nhìn trở thành một vấn đề thường xuyên, liên tục trong chặng đường phát triển của phê bình.

Trên thực tế nền văn học nước ta, ở mỗi thời kì hay giai đoạn phát triển, việc xác định đường lối phương hướng cho nền văn nghệ để đưa hoạt động của văn nghệ vào đúng “quỹ đạo” của nó đã tác động rất lớn đến đời sống phê bình. Xu hướng phê bình chấn chỉnh cách nhìn dần hiện diện và thể hiện rõ tính quyền uy của nó. Trong khoảng ba thập niên đầu thế kỉ, là giai đoạn hình thành nền phê bình và bước đầu đã có những đóng góp đáng ghi nhận. Tư tưởng văn nghệ mác-xít đã được truyền bá vào Việt Nam và dần xác lập quyền lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản đối với văn hóa, văn nghệ. Năm 1943, Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời, là văn kiện đánh dấu một thời điểm rất quan trọng trong lịch sử phát triển tư tưởng văn hóa. Từ đây tư tưởng học thuật, văn nghệ Việt Nam đặt dưới quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản với các nguyên tắc lớn: dân tộc hóa, quần chúng hóa, khoa học hóa, đấu tranh cho

chủ nghĩa duy vật, cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, cho một nền văn hóa có tính dân tộc về hình thức và dân chủ mới về nội dung. Sau năm 1945, phê bình xã hội học mác-xít của Hải Triều, Đặng Thai Mai… đã hoàn toàn đững vững trên các diễn đàn văn học nghệ thuật. Những phương pháp (khuynh hướng) khác được hình thành từ trước năm 1945 và đã có những thành tựu nhất định như phê bình ấn tượng chủ quan của Hoài Thanh, phê bình tiểu sử của Trần Thanh Mại, phê bình văn hóa -lịch sử của Trương Tửu… không còn tồn tại độc lập với tư cách là một phương pháp, mà tự đánh vỡ mình để trở thành một bộ phận của phê bình xã hội học mác- xít. Trong khoảng thời gian dài từ 1945-1975, phê bình mác- xít đã giữ vị trí thống soái trên văn đàn.Trong điều kiện đội ngũ văn nghệ sĩ được thống nhất lại về tổ chức, công việc phê bình văn học trở thành lĩnh vực đặc trách của các cán bộ làm công tác quản lý văn nghệ và của những văn nghệ sĩ giữ các chức vụ lãnh đạo các đoàn thể, các cơ quan văn nghệ. Tổ chức và chỉ đạo, tổng kết và đánh giá, định hướng và uốn nắn, chủ yếu là về tư tưởng xã hội chính trị của tác giả và tác phẩm, là nhiệm vụ, mục tiêu trước hết của xu hướng phê bình này. Từ ý thức hệ chính trị đó mà tư duy phê bình của họ cũng đòi hỏi sự rạch ròi, minh bạch, trắng đen rõ ràng, dứt khoát, không chấp nhận lối tư duy vừa là thế này, vừa là thế kia. Nhà phê bình được trao sứ mệnh làm “cái roi” quất cho “con ngựa văn học” phải “lồng lên” (Trường Chinh, Chủ nghĩa Mác và

văn hóa Việt Nam, 1943). Còn bản thân phê bình được coi là “một vũ khí bảo

vệ đường lối văn nghệ của Đảng, một hình thức giáo dục tư tưởng, tình cảm,

giáo dục và nâng cao thẩm mỹ của quần chúng” (Trường Chinh, Văn nghệ

phải góp phần giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, xây

dựng chủ nghĩa xã hội, tiến tới thống nhất nước nhà, 1968). Chính vì thế,

những vụ việc “mưu toan” đưa văn nghệ đi chệch khỏi quỹ đạo mác- xít và sự quản lí của nhà nước xảy ra như vụ Nhân văn giai phẩm năm 1958; Tranh

luận về “văn học phải đạo” (vấn đề văn học phản ánh hiện thực) năm 1979 xung quanh bài viết của Hoàng Ngọc Hiến Về một đặc điểm của văn học và

nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua…thì ngay lập tức bị “chấn chỉnh”.

Lúc này, hàng loạt các bài phê bình chỉ ra những “sai trái”, lệch lạc trong tư tưởng của người viết được đăng trên các tờ báo văn nghệ hoặc đề cập đến đời sống văn hóa văn nghệ chính thống (thuộc cơ quan chủ là Nhà nước quản lí) vào cuộc như: Tạp chí Tiên phong của Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam, Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam, Văn nghệ Liên khu Năm của Nam Trung Bộ, Văn nghệ miền Nam của Nam Bộ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, tạp chí

Văn học, Tạp chí Nghiên cứu văn học, Tạp chí Cộng sản, báo Nhân dân,…

như là sự khẳng định “quyền uy” của xu hướng phê bình này.

Đến đầu thế kỉ XXI, khi hoàn cảnh đất nước đã có nhiều thay đổi, các thành trì lý luận mác- xít một thời như Liên Xô, Trung Quốc rơi vào vận “bĩ”, khi chúng ta có dịp tiếp xúc với nhiều nguồn lí luận văn học tiến bộ của thế giới thì phê bình mác-xít thống soái trước đây vẫn giữ địa vị chính thống nhưng không còn độc tôn, bên cạnh những khuynh hướng phê bình khác. Các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước không trực tiếp tham gia hoạt động phê bình văn học bằng những bài nói chuyện, những ý kiến phát biểu về những vấn đề cụ thể của văn học như trong thời kì trước. Điều đó không có nghĩa là Đảng từ bỏ vai trò lãnh đạo đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật mà phương thức lãnh đạo đã có sự điều chỉnh. Từ những năm 90, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương được thành lập, trực thuộc Ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương (nay là Ban tuyên giáo) để giúp Trung ương Đảng trong công việc định hướng chỉ đạo công tác văn hóa văn nghệ. Qua những “hiện tượng” văn học gây xôn xao văn đàn đầu thế kỉ XXI như truyện của Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, thơ cách tân của thế hệ thơ trẻ, thơ nhóm Mở miệng, nhóm Ngựa trời, tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh, hiện tượng Nhã Thuyên (tức luận

văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan về thơ nhóm Mở miệng),… chúng ta vẫn thấy rõ vai trò định hướng, “uốn nắn” của những nhà phê bình kiêm lãnh đạo của các cơ quan thông tấn báo chí văn nghệ chính thống như Lê Thành Nghị, Phan Trọng Thưởng, Chu Giang, Nguyễn Ngọc Thiện…

Như vậy, tùy từng thời kì tính quyền uy trong xu hướng phê bình chấn chỉnh cách nhìn có những sự thay đổi khác nhau nhưng luôn hiện diện trong đời sống phê bình đã cho thấy sự thống nhất trong quan điểm chỉ đạo đường lối văn nghệ do Đảng cộng sản lãnh đạo.

Một phần của tài liệu Những xu hướng chính của phê bình văn học việt nam trong thập niên đầu thế kỉ XXI (Trang 49)