7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Phê bình văn học giai đoạn 1932 1945
Từ đầu những năm 30 thế kỉ XX, khi văn học Việt Nam bắt đầu bước vào quỹ đạo văn học hiện đại, phê bình văn học với tư cách là một thể loại độc lập của khoa học văn học đã được ý thức qua những bài viết của Thiếu Sơn trên báo Phụ nữ tân văn, các năm 1931, 1932. Từ đây, phê bình theo nghĩa hiện đại mới thực sự khẳng định được sự có mặt của mình trong đời sống văn học nước nhà, bằng những hoạt động sôi nổi, náo nhiệt, bằng sự xuất hiện hàng loạt cây bút phê bình chuyên nghiệp, bằng những cuốn sách phê bình, và hàng trăm, hàng ngàn bài phê bình lẻ in trên các báo đương thời. Từ 1932 đến 1945, phê bình văn học đề cập tới tất cả các thể loại văn học: thơ, kịch, tiểu thuyết, nghiên cứu. Hoạt động lí luận- phê bình được triển khai trên mọi hình thức: diễn thuyết, tranh luận, báo chí; bao quát đối tượng từ phạm vi nhỏ tới những vấn đề mang tầm khái quát, từ phê bình một tác phẩm tới một giai đoạn văn học. Nghĩa là phê bình đã có sự trưởng thành, phát triển rầm rộ, ngoạn mục, sôi động trên cơ sở hoàn thiện và có nhiều thành tựu của các phong trào sáng tác: thơ, truyện, kịch… Số người tham gia vào lĩnh vực
phê bình thật đông đảo, đáng kể có Thiếu Sơn, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Hải Triều, Trương Chính, Đặng Thai Mai, Phan Khôi, Trần Thanh Mại, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế,… Và rất nhiều tờ báo có hẳn chuyên mục đọc sách, phê bình văn học- chuyên đăng tải, in ấn các bài phê bình văn học như: Tiểu thuyết thứ bảy, Phụ nữ tân văn, Trung Bắc chủ nhật, Ngày nay, Phong hóa,Tao Đàn, Tràng An, Tin văn, Hà Nội, Nghề mới,
Tiếng dân,…Bên cạnh đó là sự ra đời của một số cuốn sách phê bình thực sự,
do các nhà xuất bản có tiếng thời bấy giờ khuyến khích in ấn và phát hành.
Phê bình và cảo luận (1933) của Thiếu Sơn là tác phẩm đầu tiên về phê
bình văn học thuộc loại chân dung nhân vật. Trước đó, Lê Thước tuy viết về Nguyễn Công Trứ nhưng cái mới của Thiếu Sơn là viết về những người cùng thời với ông.
Trần Thanh Mại là tác giả sử dụng phương pháp phê bình tiểu sử khách quan của Sainte Beuve đầu tiên ở Việt Nam. Qua hai tác phẩm Trông dòng
sông Vị (1935) và Hàn Mặc Tử, thân thế và thi văn (1941), ông đã phân tích
cử chỉ, tính tình, giai thoại, các giai đoạn cuộc đời, và cả những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống của nhà thơ để tìm hiểu thơ của họ.
Đào Duy Anh trong Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943) đề cập đến các yếu tố về tác giả, thân thế, dòng họ, quê quán là những điều trước đó chưa được các nhà phê bình sử dụng để giải thích tác phẩm.
Hải Triều là người đầu tiên cổ súy cho chủ nghĩa tả thực trong văn chương, được biết đến từ cuộc bút chiến Nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân
sinh. Ông đã sử dụng phương pháp lí luận duy vật sử quan để đưa ra quan
điểm văn học mác-xít.
Tuy ngành phê bình ở nước ta vào thời điểm này còn quá mới mẻ, nhưng Trương Tửu (tức Nguyễn Bách Khoa) đã biết sử dụng các phương pháp khoa học Tây phương để cắt nghĩa các hiện tượng văn học. Trong
Nguyễn Du và Truyện Kiều (1943), Trương Tửu sử dụng phương pháp xã hội học và phân tâm học của Freud nghiên cứu huyết thống, đẳng cấp, cá tính, nhân sinh quan, di truyền về sinh lí, tâm lí của Nguyễn Du để giải thích tư tưởng yếm thế, thuyết nhân quả, thiên mệnh, tài mệnh tương đố trong Truyện
Kiều. Tuy nhiên, vì suy diễn theo chủ quan nên các tác phẩm phê bình của
ông gây nhiều tranh cãi.
Thi nhân Việt Nam (1941) của Hoài Thanh và Hoài Chân viết về 45 nhà
thơ, là một tác phẩm phê bình bằng cảm quan, chú trọng đến thi cảm, âm điệu, đến hồn thơ của nhà thơ. Ông chủ trương chỉ viết về những cái hay, cái đẹp nên chỉ có khen, không chê. Không phân tích giải thích, ông phê bình thơ bằng trực giác, bằng sự nhạy cảm và bằng khiếu thẩm mĩ thưởng thức của ông.
Trong bộ Nhà văn hiện đại (1942), Vũ Ngọc Phan xét giá trị tác phẩm thuần túy về phương diện văn chương và về kĩ thuật làm văn. Ông sử dụng phương pháp cổ điển có tính cách thuần túy kĩ thuật, chú trọng vào việc phê phán câu văn viết đúng hay sai, sự quan sát của tác giả tinh vi hay hời hợt, cốt truyện hay hoặc dở, lối mô tả, tự sự, đối thoại, hoặc cách cấu kết khéo léo hay vụng về… Ông dùng những lời phê phán của các nhà phê bình nổi tiếng Tây phương để áp dụng vào những nhận xét của ông. Tóm lại, ông phê bình tác phẩm theo quy tắc ngữ văn hơn là một người đi tìm cái đẹp, khám phá các công trình sáng tạo. Tuy vậy, ông là nhà phê bình có ý thức vững chắc và trung thành với nhiệm vụ cùng phương pháp phê bình. Ông đã phê bình các sáng tác văn học đúng theo tiêu chuẩn của ông.
Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan cùng với Thi nhân Việt Nam của
Hoài Thanh và Hoài Chân là hai phác họa rộng lớn và bao quát bức tranh văn học từ khi có chữ quốc ngữ tới đầu thập niên 1940. Đây là hai công trình quý giá cho những nhà nghiên cứu văn học, nhất là cho ngành phê bình văn học Việt Nam.
Tóm lại, phê bình văn học 1932-1945 đã hội đủ những tính chất cơ bản của một nền phê bình văn học hiện đại, với một thể loại riêng, một lĩnh vực hoạt động đặc thù. Các vấn đề về quan niệm và phương pháp phê bình được đặt ra. Phê bình văn học tận dụng mọi điều kiện từ sách vở, báo chí đến diễn thuyết, tranh luận để triển khai hoạt động phê bình. Ở nước ta lúc bấy giờ thực sự đã có một nền phê bình phát triển với một diện mạo phong phú và một gia tốc đáng kinh ngạc.