Sự kích thích mỹ học của các sáng tác mang tính cách tân

Một phần của tài liệu Những xu hướng chính của phê bình văn học việt nam trong thập niên đầu thế kỉ XXI (Trang 44)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.3. Sự kích thích mỹ học của các sáng tác mang tính cách tân

Tác phẩm luôn là đối tượng của phê bình và nhiệm vụ của phê bình là thẩm định giá trị của các tác phẩm văn học, do đó chuyển biến của phê bình không chỉ gắn với hoạt động lí luận hay nghiên cứu mà còn quan hệ mật thiết với đời sống sáng tác. Không thể nói đến sự đổi mới trong phê bình văn học giai đoạn này nếu tách khỏi những “món ăn lạ miệng” mà các nhà văn cung cấp cho bạn đọc, đặc biệt từ những thập niên cuối thế kỉ XX đến nay.

Thời điểm cuối thập kỉ 70 đầu thập kỉ 80 của thế kỉ XX, phê bình văn học rơi vào “thời kì buồn tẻ”. Nhưng đến khi xuất hiện những truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, tiểu thuyết Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Mạnh Tuấn, thơ Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh…, đời sống phê bình đã sôi động trở lại. Còn khi Tướng về hưu, Không có vua,

Những bài học nông thôn, Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết,… của Nguyễn Huy Thiệp ra đời là lúc công chúng nhận ra có một cuộc cách mạng trong phê bình với hàng loạt bài viết in trên báo trong và ngoài nước. Lực lượng phê bình tăng “đột biến” cùng với sự xuất hiện liên tục hững tác phẩm vừa lôi cuốn, vừa “gây hấn” với công chúng bạn đọc bởi mang tính cách tân khá lạ cả trong văn xuôi và thơ: Lối nhỏ (Dư Thị Hoàn); Ngựa biển (Hoàng Hưng); 36 bài tình (Lê Đạt & Dương Tường); Thơ tình Bùi Chí Vinh; Đêm mặt trời mọc

(Nguyễn Quốc Chánh); Bến lạ (Đặng Đình Hưng); Thiên sứ, Mê lộ (Phạm Thị Hoài); Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh); Cái đêm hôm ấy…đêm gì (Phùng Gia Lộc); Bến không chồng (Dương Hướng); Mảnh đất lắm người nhiều ma

(Nguyễn Khắc Trường),… Sự ra đời hàng loạt sáng tác mới mẻ đó thôi thúc các nhà phê bình vào cuộc. Các báo, tạp chí như Văn nghệ, Sông Hương, Cửa

Việt, Cộng sản, Văn hóa, Tác phẩm mới,… đã mở các cuộc “tọa đàm” để tập

hợp dư luận xung quanh một tác giả, tác phẩm. Có thể nói đây chính là phần tưng bừng nhất, ồn ào nhất trong đời sống văn học từ sau đổi mới. Trong văn xuôi, các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh,… thực sự mang đến những sắc thái mới mẻ về hệ đề tài, quan niệm nghệ thuật về con người, bút pháp ngôn ngữ… Đó cũng là “mảnh đất màu mỡ” để các nhà phê bình khai phá. Có người đồng tình ủng hộ với các sáng tác mang tính cách tân trong giai đoạn này, có người lại cho rằng đó là xu hướng “bạo ngược” trong văn học. Nguyễn Văn Bổng cho rằng việc in các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài là “đáng hoan nghênh”. Xuân Thiều đánh giá cao những nét mới trong các tác phẩm viết về chiến tranh của Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân, Hồ Anh Thái… Bùi Hiển công nhận bước phát triển mới khá ngoạn mục của văn xuôi truyện ngắn thời kì này vì xuất hiện “nhiều tác giả trẻ có giọng riêng”. Nhưng cũng phải thấy rằng văn học giai đoạn này cũng nảy sinh những phức tạp như loại tác phẩm

câu khách, giật gân, viết dễ dãi hay có khi viết quá đà. Vì thế, Đoàn Giỏi lưu ý đến “những kẻ làm đổi mới giả”, Bùi Bình Thi gọi xu hướng này là “bạo ngược”, Đỗ Chu tỏ ý phàn nàn về cái tục trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và gọi đó là “dấu hiệu của một ca bệnh”..vv… Trong thơ, đến cuối thập niên 80 của thế kỉ XX, những “hiện tượng” thật sự của thơ với các sáng tác của Dư Thị Hoàn, Hoàng Hưng, Lê Đạt, Dương Tường, Bùi Chí Vinh,… cũng tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi. Từ thập niên 90 các sáng tác mang tính cách tân phát triển khá rầm rộ với sự ra đời của nhiều tập thơ mang hơi hướng hiện đại chủ nghĩa như Bóng chữ (Lê Đạt), Người đi tìm mặt (Hoàng Hưng),

Ô mai (Đặng Đình Hưng), Về kinh Bắc (Hoàng Cầm), Sự mất ngủ của lửa

(Nguyễn Quang Thiều),… đã làm xôn xao dư luận. Nhìn chung, các ý kiến phân thành hai luồng: một luồng tán thành, ủng hộ và một luồng dị ứng kịch liệt. Cũng thời điểm này, nhiều cuộc hội thảo về thơ được tổ chức của Hội nhà văn, báo Văn nghệ, Viện Văn học, tạp chí Văn nghệ Quân đội,…Tất cả đều tập trung vào việc đánh giá thực trạng của thơ, ghi nhận thơ đang chuyển biến nhưng thật sự chưa có thành tựu. Sự khẳng định cái mới nhìn chung còn dè dặt, ngược lại những băn khoăn về nguy cơ “quá đà” cũng là tâm trạng phổ biến. Như vậy, những cuộc tranh luận văn học rất dân chủ đó đã thực sự là hiện tượng tốt, đáng mừng, tạo nên được những làn sóng mạnh mẽ trong đời sống phê bình dường như khá yên lặng trước đó.

Đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, văn học không xuất hiện những hiện tượng mang tính chất bước ngoặt hay những dấu mốc quan trọng thu hút sự quan tâm đông đảo công chúng như thời kì cao trào đổi mới những năm 1986-1991, nhưng cả trong sáng tác thơ và văn xuôi, sự kích thích mỹ học của các sáng tác mang tính cách tân vẫn thúc đẩy lực lượng người cầm bút trong cả sáng tác và phê bình. Trong văn xuôi, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị

Thu Huệ, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Xuân Khánh,… vẫn là những cái tên được nhắc đến khá nhiều và sáng tác của họ trở thành tâm điểm của dư luận.Trong thơ, từ thập niên 90, ý thức về sự đổi mới thơ dấy lên mạnh mẽ. Những cách tân thể nghiệm không còn lẻ tẻ, rời rạc mà đã hình thành hệ thống với hàng loạt những sáng tác của Lê Đạt, Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Cầm, Vi Thùy Linh, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Dương Tường, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Bình Phương, nhóm Mở miệng, nhóm Ngựa trời,... Tác phẩm của họ mang đến cho thơ một diện mạo khác với quan niệm thơ truyền thống và đều gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng. Nhưng khi mới ra đời chúng lại trở thành tâm điểm của sự phê phán, đồng nghĩa với việc chúng không được thừa nhận. Chẳng hạn, Nguyễn Văn Lưu cho rằng tập Ngựa biển của Hoàng Hưng là “một con vật lạ”; Hà Minh Đức cho rằng những cách tân về mặt ngôn ngữ của Dương Tường trong 36 bài tình là những trò chơi, vô nghĩa, rối rắm, phi lí. Người kịch liệt phản đối, bài trừ những cách tân của thơ ca giai đoạn này là Trần Mạnh Hảo và ông gọi đó là xu hướng “phi thơ”, “hũ nút”, “ú ớ, lảm nhảm”. Nhưng có những người đã ghi nhận tinh thần cách tân của họ như Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Trọng Tạo, …và gần đây là Inrasara vì tinh thần của họ là phải thay đổi, luôn thay đổi.

Bên cạnh những nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong nước, trước biến chuyển cách tân thi ca Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình hải ngoại như Đặng Tiến, Nguyễn Hưng Quốc, Phan Huy Đường, Thụy Khuê, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Vy Khanh, Đoàn Cầm Thi…cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt đến những nhà thơ cách tân, từ Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng đến Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm,… Họ không ngừng khẳng định vị trí văn học của các nhà thơ cách tân trong văn chương Việt ngữ bằng những lời tán dương và sau đó là đi sâu vào bút pháp từng tác giả để nhận diện thành

tựu cách tân của họ. Chẳng hạn, Phạm Thị Hoài đã có những lời tán dương khi nói về thơ Trần Dần: “Trong văn học Việt Nam, tôi chưa biết một trường hợp nào mà ham muốn sáng tạo và cách tân quyết liệt như ở Trần Dần…”

[32, 239]. Với Bùi Giáng, Đặng Tiến cho rằng: “Ông là một tác giả hàng đầu,

một nhà thơ lớn trong văn học Việt Nam hiện đại” và nêu bật tài năng Bùi

Giáng ở cách tạo chữ nghĩa, ở những câu thơ đơn giản. Nhà phê bình Thụy Khuê lại ghi nhận sáng tạo của Lê Đạt ở “trò chơi chữ, đảo lộn ngữ pháp cổ

điển để cắt chữ, phân câu theo một trật tự mới…” [32, 241]… Nhìn tổng thể,

sự nhạy cảm với cái mới dựa trên nền kiến thức và mĩ học hiện đại đã giúp phê bình hải ngoại không chỉ tiếp cận một cách thấu đáo những gương mặt thi ca phức tạp, nhiều thách đố mà còn cho thấy tính chất tiên phong khi đưa họ đến gần với thi ca phương Tây, một vị thế mà chắc chắn, phê bình trong nước chưa thể hết lòng ủng hộ.

Rõ ràng, dù đồng tình hay phản đối, bác bỏ hay ghi nhận, các sáng tác mang tính cách tân của văn học nước ta giai đoạn cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI đã tạo ra điều kiện phát triển mới cho phê bình văn học hôm nay.

Chương 2

NHỮNG XU HƯỚNG CHÍNH CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM TRONG THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI

TỪ GÓC NHÌN QUAN ĐIỂM PHÊ BÌNH

Một phần của tài liệu Những xu hướng chính của phê bình văn học việt nam trong thập niên đầu thế kỉ XXI (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w