2.1.1. Định hướng trong điều hành tỷ giá giai đoạn 2000-2010:
Trong giai đoạn này tỷ giá hối đoái chính thức công bố hằng ngày, được xác định trên cơ sở bình quân mua bán thực tế trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của ngày giao dịch gần nhất trước đó. Đây là một sự thay đổi về cơ chế quản lý, điều hành tỷ giá cho phù hợp với quy luật thị trường. Tỷ giá do cung cầu về ngoại tệ trên thị trường quyết định và NHNN chỉ can thiệp trong những trường hợp cần thiết.
Trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới nên khi kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp kinh tế Việt Nam cũng gặp phải nhiều thách thức. Theo sát diễn biến thị trường, NHNN đã điều hành giá linh hoạt, thực hiện được các mục tiêu của chính sách tỷ giá, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong cơ chế giá thả nổi có quản lý đã lựa chọn, NHNN bằng cách này hay cách khác cố gắng đưa giá về vùng tỷ giá mục tiêu. Tại mức tỷ giá này có thể đáp ứng được một số mục tiêu như đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, kiểm soát lạm phát, hay hỗ trợ cho chính sách tiền tệ...Mục tiêu chính của chính sách tỷ giá của Việt Nam là mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và mục tiêu ổn định giá cả, cung cấp môi trường vĩ mô ổn định. Hai mục tiêu này đôi khi ở vào thế đối kháng nhau buộc NHNN phải có sự lựa chọn.
Thông điệp mới điều hành tỷ giá năm 2011 và những năm sau này được NHNN thể hiện qua việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. NHNN đã quyết định điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá chính thức áp dụng từ ngày 11/2/2011:
Về mức điều chỉnh, đây là lần điều chỉnh lớn nhất trong suốt hơn một năm qua với mức tăng 9,3%, từ 18.932 VND lên mức 20.693 VND/USD.
Về biên độ, tiếp tục xu hướng thu hẹp biên độ giao dịch qua 3 lần điều chỉnh tỷ giá trong vòng 1 năm qua, theo đó, biên độ giao dịch đã liên tục thu hẹp từ ±5%, rồi ± 3% và lần này xuống chỉ còn ±1%.
Như vậy, điểm mới của đợt điều chỉnh tỷ giá này của NHNN là tối ưu về lựa chọn thời điểm, tối đa về mức độ giảm giá nội tệ và tối thiểu về thu hẹp biên độ giao dịch cộng với cam kết của NHNN là điều hành tỷ giá bình quân liên ngân hàng tương đối linh hoạt, chủ động, phù hợp với tình hình cung cầu ngoại tệ, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường, góp phần kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn, đã cho thấy dường như đang và sẽ có những chuyển động khá sâu sắc cả về nhận thức, cũng như cách thức điều hành tỷ giá của NHNN.
Điều chỉnh linh hoạt tỷ giá là động thái cần thiết và bình thường trong đời sống kinh tế thị trường đầy biến động, nhất là trong bối cảnh có sự gia tăng cuộc chiến tiền tệ với sự dịch chuyển liên tục thị giá các đồng tiền trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, sự điều chỉnh tỷ giá này có thể ít nhiều làm tăng giá USD trên thị trường tự do. Giá của hàng hoá và nguyên liệu nhập khẩu tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá, cũng như làm giảm lượng hàng nhập khẩu, từ đó có thể làm gia tăng áp lực lạm phát. Về lâu dài, việc điều chỉnh tỷ giá này có tác dụng tốt nhằm hạn chế, giải tỏa tình trạng găm giữ, cũng như kỳ vọng đầu cơ, góp phần cân đối theo nguyên tắc thị trường cung - cầu ngoại tệ, khuyến khích xuất khẩu và sản xuất trong nước, từ đó góp phần kiềm chế vững chắc lạm phát.
Đặc biệt, sự điều chỉnh tỷ giá đã thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do sẽ giúp cải thiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam do không phải gia tăng bán USD theo tỷ giá thấp, giảm bớt kỳ vọng đầu cơ và cả hoạt động buôn bán vốn và ngoại tệ lòng vòng kiếm lời dựa trên chênh lệch giữa 2 tỷ giá.
Đồng thời, nó cũng giúp cho các doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ chi phí vốn ngoại tệ trong bảng hạch toán kinh doanh của mình, mà trước đó thường phải che giấu, hợp lý hóa các khoản mua USD trên thị trường chợ tự do với giá cao hơn giá chính thức.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục xu hướng điều hành linh hoạt tỷ giá theo các tín hiệu và nguyên tắc thị trường. Đặc biệt, cần tránh tín điều và kỳ vọng đầu cơ gắn với xu hướng chỉ có điều chỉnh tăng một chiều tỷ giá và tăng với giá sốc, biên độ hẹp sau khi neo cố định tỷ giá kéo dài. Tỷ giá có lên, có xuống với mức điều chỉnh thấp hơn và biên độ giao động có thể rộng hơn thì sẽ giảm bớt các cú sốc tỷ giá cũng như những hệ lụy do điều chỉnh tỷ giá.