3.1.2.1. Các hạn chế trong tính toán tỷ giá thực đa phương (REER):
-Xác định tỷ giá danh nghĩa thích hợp: Các nước công nghiệp phát triển có
hệ thống tỷ giá linh hoạt và tiền tệ có khả năng chuyển đổi, hầu hết các giao dịch về vốn thì tỷ giá danh nghĩa thật sự phản ánh các mức tỷ giá thị trường. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, mặc dù các đồng tiền có khả năng chuyển đổi nhưng lại chưa sẵn sàng chuyển đổi được trên các giao dịch vốn. Đôi khi các giao dịch còn có sự kiểm soát tỷ giá và buôn lậu hoặc tồn tại một thị trường tỷ giá chợ đen. Mức độ ảnh hưởng và tầm quan trọng của các thị trường chợ đen này là khác nhau ở mỗi nước nên việc tính toán REER đưa trên tỷ giá chính thức có thể dẫn đến kết quả không chính xác.
Ở Việt Nam hiện nay, tỷ giá chính thức do NHNN công bố thông qua tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng. Các tổ chức tín dụng được qui định tỷ giá giao dịch VND và USD không vượt quá ±1% so với tỷ giá này. Thị
trường ngoại tệ liên ngân hàng ở Việt Nam đến nay vẫn chưa thực sự phát triển, tỷ giá vẫn chưa phản ánh đúng sức mua của VND. Tỷ giá liên ngân hàng chỉ mang tính chất tham khảo và khó đại diện cho tỷ giá danh nghĩa chính thức khi tính tỷ giá thực. Ngoài ra, tỷ giá còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố như lạm phát, lãi suất, thu nhập, kỳ vọng, can thiệp của chính phủ và môi trường kinh tế toàn cầu…Các nhân tố này tác động qua lại lẫn nhau khá phức tạp nên vấn đề xác định tỷ giá cân bằng là không rõ ràng.
-Xác định quyền số tỷ trọng thích hợp: số lượng các đối tác thương mại khác
nhau sẽ cho kết quả REER khác nhau. Việc xác định các tỷ trọng thương mại thích hợp Wi cho phù hợp trong khi tính REER là rất khó ở các nước đang phát triển. Ở các quốc gia phát triển không có các vấn đề như thị trường chợ đen, các giao dịch lớn không được khi chép…thì việc xác định tỷ trọng thương mại của đối tác không khó khăn. Thêm vào đó, sự khác biệt trong xuất nhập của các quốc gia càng làm phức tập thêm khi nước ta xuất khẩu sang một nước nào đó nhiều trong khi lại nhập khẩu rất ít từ quốc gia đó.
Nếu một quốc gia phải cạnh tranh xuất khẩu với một nước thứ ba mà nó không có các giao dịch thương mại trực tiếp đáng kể hoặc loại hình thương mại giữa các quốc gia là khác nhau thì việc xác định tỷ trọng thương mại cũng không ít khó khăn. Hơn nữa, thương mại quốc tế thường bị chi phối bởi một đồng tiền mạnh như USD, do vậy trọng số giữa các nước cần được điều chỉnh để phản ánh thành phần của các ngoại tệ mạnh trong giao dịch quốc tế thì chính xác hơn so với đồng tiền của nước đối tác.
Cơ cấu thương mại của Việt Nam chủ yếu là hàng hóa sơ chế và sản xuất dây chuyền, thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ, EU và Trung Quốc. Trọng số thương mại được sử dụng để tính REER bị chi phối bởi các nước này, nhưng các nước này lại không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu được tính bằng USD. Khi VND giảm giá thì có thể không có được lợi thế cạnh tranh do USD tăng giá so với các ngoại tệ khác. Cho dù VND có
mất giá cũng chưa chắc cải thiện được tình hình xuất khẩu.
-Lựa chọn năm cơ sở: như việc xác định trong phần lựa chọn năm cơ sở cho
việc tính REER, khi chọn năm cơ sở khác nhau sẽ có kết quả khác nhau.
-Rổ hàng hóa tính CPI: số liệu CPI của mỗi nước được tính trên rổ hàng hóa
khác nhau cũng ảnh hưởng đến chỉ số này.
-Chất lượng nguồn dữ liệu: sự khó khăn trong tìm kiếm dữ liệu và các nguồn
dữ liệu khác nhau sẽ ảnh hưởng đến chỉ số REER.
-Ngoài ra, ý kiến chủ quan của người nghiên cứu cũng tác động đến kết quả này.