người dân sử dụng hàng nội địa:
Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đã rất thành công trong việc kêu gọi người dân dùng hàng nội địa. Đây là bài học về ý thức dân tộc, ý thức về tầm quan trọng trong cách tiêu dùng của người dân, góp phần ổn định, phát triển kinh tế của đất nước. Việc mở rộng kênh phân phối và tuyên truyền người dân ưu tiên tiêu dùng hàng Việt không phải là vấn đề mới trong thời gian gần đây. Tâm lý chuộng hàng giá rẻ ở đại đa số người dân và hàng xa xỉ ở người có thu nhập cao đã
làm trầm trọng thêm tình hình thâm hụt thương mại. Không thể đổ lỗi hết cho người dân và các doanh nghiệp nhập khẩu, do đó để cải thiện được tình hình cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và mỗi người dân để thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp sản xuất cũng phải tự đổi mới mình, để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý, đồng thời mở rộng các kênh phân phối để hàng hóa có thể đến tay người tiêu dùng. Thị trường tiêu dùng Việt Nam có tiềm năng rất lớn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần tạo lợi thế cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước.
Mỗi người dân cũng cần có ý thức trong hành vi tiêu dùng của mình, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam để góp phần cải thiện thâm hụt thương mại và ổn định kinh tế đất nước.
Kết luận chương 4:
Chương IV của đề tài là cái nhìn chủ quan của bản thân về định hướng trong chiến lược điều hành tỷ giá: linh hoạt, thận trọng, minh bạch và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững kinh tế. Giải quyết bài toán cân bằng trong cán cân thương mại, tăng cường sức cạnh tranh trong giao thương, góp phần khẳng định vị thế và nâng cao sức mạnh kinh tế của Viêt Nam thông qua công cụ tỷ giá cần phải xem xét kết hợp nhiều giải pháp. Tùy từng thời kỳ, sức khỏe của nền kinh tế và các ưu tiên vĩ mô khác để sử dụng tỷ giá với liều lượng thích hợp, hạn chế tối đa các tác dụng phụ đi kèm.
Các đề xuất đưa ra: ổn định cán cân thương mại, neo đồng tiền vào một rổ tiền tệ, cần quyết liệt trong xử lý vấn đề lãi suất - tỷ giá, và vấn đề đôla hóa …mang tính dài hạn. Vấn đề quan trọng là thực thi các chính sách cần có sự đồng bộ cũng như kiên trì với các mục tiêu đề ra, thực hiện một cách minh bạch và có lộ trình. Có như vậy mới đưa được hiệu quả của chính sách vào thực tiễn nền kinh tế.
KẾT LUẬN
Bài toán điều chỉnh tỷ giá được đặt ra với mong muốn lời giải sẽ đưa nền kinh tế của một quốc gia có sự khởi sắc trong tăng trưởng, nhưng vẫn chưa có một lời giải chung cho bài toán tỷ giá ớ tất cả các giai đoạn. Mỗi thời điểm thực tế sẽ đặt ra những giả thiết khác nhau, đòi hỏi có những công cụ riêng biệt để xử lý. Tuy nhiên, tất cả đều xoay quanh mục tiêu cơ bản là tăng trưởng ổn định, ngăn ngừa khủng hoảng và phát triển bền vững nền kinh tế.
Từ kết quả tính toán và phân tích cho thấy tỷ giá thực có tác động đến cán cân thương mại Việt Nam, kết hợp với tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại của Việt Nam, theo nhận định chủ quan của bản thân, đề xuất:
- Không tiếp tục phá giá đồng tiền để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu tại thời điểm hiện tại. Ưu tiên chính sách bình ổn tỷ giá để đạt được cân đối vĩ mô trước vì đầu năm 2010 đến nay đồng Việt Nam đã được phá giá và liên tục chịu áp lực giảm giá do các yếu tố kỳ vọng và đầu cơ.
-Nên tiếp tục sử dụng tỷ giá thực đa phương làm tỷ giá mục tiêu và tỷ giá sẽ được điều chỉnh để hướng về ngang giá sức mua so với một rổ tiền tệ nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh quốc tế của hàng hóa trong nước đồng thời cũng phải đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
-Giữ nguyên biên độ dao động ± 1% trong thời điểm hiện tại để đảm bảo tỷ
giá không tăng quá cao, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường liên ngân hàng và tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tỷ giá thả nổi có kiểm soát.
Do hạn chế về kiến thức chuyên sâu, thời gian, số liệu và phương pháp nghiên cứu và cũng do mục tiêu đã chọn ban đầu nên đề tài đã không tính hệ số co giãn xuất nhập khẩu cũng như chưa đưa ra được nhận định về tác động của tỷ giá thực đối với xuất nhập khẩu với độ trễ của thời gian. Do đó, để có thể đánh giá toàn diện hơn tác động của tỷ giá đối với cán cân thương mại của Việt Nam thì cần phải đưa vào phân tích trong những đề tài nghiên cứu tiếp theo.