Xét theo tiến trình giờ dạy đọc hiểu văn bản văn học thì việc hệ thống hóa kiến thức chủ yếu nằm ở phần cuối tiết dạy, phần mà giáo viên xâu chuỗi - “tổng kết” - lắng đọng lại trong học sinh những điều tinh túy nhất, những hồn cốt của văn bản được dạy - học.
Thực ra, việc vận dụng kỹ thuật liên văn bản diễn ra trong suốt tiết học với những ý tưởng, cách thức đổi mới phương pháp dạy học đọc hiểu văn bản văn học đã nêu ở hai mục trên chính là sự chuẩn bị, là tiền đề cần thiết cho việc hệ thống hóa kiến thức này. Ở đây, cần nhấn mạnh một điều là, theo tinh thần Lý thuyết liên văn bản, quá trình chế tác văn bản là một quá trình phức tạp mà thường khi, chính tác giả - người viết văn bản cũng không ý thức được đầy đủ. Vì thế, việc dạy học đọc hiểu văn bản ở THPT theo kỹ thuật liên văn bản đòi hỏi sự sáng tạo ở người đọc - giáo viên và học sinh. Nói chung, khi nêu lên các mối liên hệ liên văn bản, giáo viên cần có những dẫn giải thuyết minh và phân tích thuyết phục. Sự sáng tạo ở đây là sáng tạo mang tính chất cá nhân, tùy thuộc vào vốn đọc, vốn trải nghiệm nghệ thuật, vốn sống của người đọc - giáo viên và học sinh. Ở đây, vấn đề đặt ra là giáo viên cần có sự khơi mở, khơi gợi, kích thích năng lực sáng tạo; có cách thức để “đánh thức” năng lực sáng tạo (thông qua việc từng chút một, rèn tập cho học sinh kỹ năng đối thoại, hình thành và mở rộng dần trường liên tưởng, tưởng tượng, ý thức phản biện...) của học sinh, để từ đó cùng với giáo viên trở thành người “đồng sáng tạo” văn bản đang được dạy - học. Thông thường, người đọc nhiều thơ với năng lực thẩm thơ, cảm thụ thi ca sâu sắc chính là người đọc am tường, có
khả năng mở rộng trường liên tưởng, xây dựng được mảng liên văn bản, tạo ra đối thoại cho các văn bản đã được thu thập vào trong mạng kết nối ấy.
Vấn đề đặt ra ở đây là nên “hệ thống hóa kiến thức” trong giờ dạy đọc hiểu văn bản văn học ở THPT như thế nào? Trước hết là không được phủ nhận vai trò quan trọng của tác giả, người thực hiện sự tương tác giữa các văn bản “ngoài” với văn bản đang được dạy học, làm nảy sinh ý nghĩa - giá trị của tác phẩm, dù chúng ta đang triển khai ý tưởng “sự lên ngôi của người đọc” theo tinh thần Lý thuyết liên văn bản.
Hiện nay, việc hệ thống hóa kiến thức trong giờ đọc hiểu văn bản văn học ở THPT được “định hướng” ở sách giáo khoa trong mục Kết quả cần đạt
và mục Ghi nhớ. Giáo viên cần sử dụng các nội dung này một cách tự chủ sáng tạo và linh hoạt; cần “hệ thống lại” - “tổng kết” trên cơ sở những “điểm sáng” về ý nghĩa - giá trị của văn bản mà giáo viên và học sinh đã cùng kiến tạo nên từ đầu tiết học; kết hợp với việc gợi mở để học sinh chủ động xây dựng và thu nhận những “ấn tượng”, những điều tâm đắc của mình về ý nghĩa - giá trị của tác phẩm.