Tính khả thi của việc vận dụng

Một phần của tài liệu Vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở trường trung học phổ thông (Trang 38 - 41)

1.2.1.1. Do đặc tính của văn bản tạo nên

Trong dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông, hoạt động cơ bản nhất là đọc hiểu VĂN BẢN. Để đọc một văn bản cả giáo viên và học sinh đều phải thực hiện một sự nối kết: nối kết văn bản này với những văn bản khác; không chỉ văn bản văn học mà còn bao gồm những “văn bản” khác của hoạt động ngôn ngữ, của tập quán xã hội, của tinh thần dân tộc và thời đại. Việc làm này được thực hiện tuân theo một lôgic tất yếu, phù hợp với bản chất và đòi hỏi của văn bản được đọc. Đó chính là đọc văn bản như một liên văn bản và nếu được thực thi với mức độ tự giác cao thì có thể nói đó là đọc văn bản theo tinh thần của Lý thuyết liên văn bản. Hơn nữa, văn bản còn được đặt trong mối

quan hệ với người đọc với các văn bản khác để cùng suy ngẫm về cuộc sống, về con người, về những điều đang xảy ra, đang được chứng kiến, đang va đập vào chúng ta. Vận dụng kỹ thuật liên văn bản không chỉ giúp chúng ta hiểu sâu đặc tính của văn bản nói chung mà còn tạo điều kiện để ta tìm ra cách tiếp cận phù hợp, đáng tin cậy đối với những tác phẩm mang tâm thức của thời đại mới và chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đã xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống văn học cũng như trong chương trình - sách giáo khoa ngữ văn phổ thông hiện nay.

Chính vì thế mà ta có thể khẳng định: do đặc tính của văn bản - theo nghĩa liên văn bản - việc vận dụng kỹ thuật liên văn bản vào dạy học đọc hiểu văn bản văn học ở THPT là hoàn toàn mang tính khả thi.

1.2.1.2. Do đặc trưng hoạt động đọc làm chỗ dựa

Sự đọc liên văn bản đối với văn bản mang đặc điểm phá vỡ mọi công thức, gò bó mang tính hình thức để nhằm phát huy cao độ khả năng liên tưởng, tưởng tượng và năng lực nhạy bén, xử lý các vấn đề của người dạy, người học khi đối diện với văn bản. Lối đọc này mang tính cách mạng khi tiếp cận một văn bản, giúp người đọc (giáo viên, học sinh) không chỉ biết cảm nhận, thưởng thức mà còn biết phân tích, thẩm định một văn bản dưới con mắt của nhà phê bình. Lý thuyết của việc đọc mới - theo Nguyễn Minh Quân - cần chú ý đến những khía cạnh sau đây:

Tính tự giác: thường thì một văn bản được viết theo lối liên văn bản một cách có ý thức sẽ làm cho văn bản đó vượt hẳn ra ngoài chủ định của người viết. Tác động của ngôn ngữ làm cho văn bản đi ra ngoài tầm nhận thức của chính tác giả - người viết. Còn với văn bản được viết theo bản năng tự phát - bằng lối đọc liên văn bản, ta có thể khám phá ra những động hướng ẩn tàng bên trong văn bản song khó có thể triển hạn thật xa văn bản đó.

Tính biến đổi: tính chất biến đổi một sự kiện, một tư liệu, một văn bản gốc bằng chính ý thức của người viết (bằng cách bắt chước, châm biếm, xoáy

vặn hoặc sắp xếp lại những chất liệu sẵn có) càng tinh tế bao nhiêu, ý thức về Liên văn bản của người viết càng sâu sắc bấy nhiêu.

Tính minh bạch: nói đến những nguồn tư liệu lịch sử và văn học được sử dụng để lịch sử hóa một tác phẩm văn học và văn học hóa một sự kiện lịch sử.

Tính phê bình trong sự nhận thức: quá trình Đọc với một văn bản viết theo lối Liên văn bản cần được tiến hành theo bốn giai đoạn: phân tích, phá vỡ, kiến tạo và diễn dịch.

Mức độ tiếp nhận và hợp nhất: người đọc nên ý thức về kỹ năng tiếp nhận, đan xen và hợp nhất các chất liệu từ ngồn khác nhau vào trong một văn bản bởi nhiều khi, sự kết hợp khéo đến mức chúng ta khó nhận ra tính tương liên của những tầng ý nghĩa trong việc xếp đặt đó.

Tính vượt thoát cấu trúc: người đọc tìm hiểu xem văn bản được trình bày như thế nào trong một bối cảnh lớn về thể loại, hoàn cảnh hay ngôn ngữ... để có thể phân tích và diễn dịch - mà đầu tiên là cần phá bỏ trung tâm cấu trúc để giải phóng mọi thành tố và tạo cho chúng một sự hoạt tác tự do - đây cũng là nơi thể hiện tài năng của người đọc [34].

1.2.1.3. Do yêu cầu của mục tiêu dạy học

Dạy học ngữ văn - cụ thể là dạy đọc hiểu văn bản - ở trường phổ thông không phải là nghiên cứu phê bình văn học song lại có mối liên hệ tất yếu với nó. Trước khi nói đến các mục tiêu dạy học - đương nhiên người dạy, người học phải có được ý niệm đúng và có nhận thức sâu sắc về những văn bản văn học được dạy học trong nhà trường. Người giáo viên dạy văn không thể không tiếp cận các lý thuyết nghiên cứu phê bình văn học “mới” (trong đó có Lý thuyết liên văn bản) để tự mình tìm hiểu, khám phá, kiến tạo và từ đó, hướng dẫn học sinh cùng tìm hiểu, khám phá, kiến tạo ý nghĩa những văn bản văn học được quy định dạy học trong nhà trường.

Trong mục tiêu dạy học cần phải đạt tới của giờ học; cần xác định rõ trật tự ưu tiên: các tri thức về phương pháp, tri thức về cách đọc là quan trọng hơn và phải đứng ở vị trí hàng đầu so với tri thức cụ thể về một văn bản cụ thể (bởi vì, tri thức cụ thể kia rõ ràng sẽ bị/ được thay đổi qua từng lần đọc, qua từng trường hợp đọc). Đưa tinh thần Lý thuyết liên văn bản vào dạy học đọc hiểu văn bản, chúng ta sẽ nhận ra những bất cập của kiểu “tổng kết” bài học lâu nay, của cách thiết kế nội dung cho mục Yêu cầu cần đạt hay mục

Ghi nhớ trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành.

Chính mục tiêu dạy học mới yêu cầu việc vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy học đọc hiểu văn bản văn học ở THPT hiện nay.

Một phần của tài liệu Vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở trường trung học phổ thông (Trang 38 - 41)