Kết nối văn bản văn học với văn bản đời sống, văn bản văn hóa

Một phần của tài liệu Vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở trường trung học phổ thông (Trang 72 - 74)

Như phần đầu của luận văn về lý thuyết - kỹ thuật liên văn bản, khái niệm liên văn bản hòa điệu với các khái niệm khác, như “ảnh hưởng” văn hóa - chính trị - xã hội... để cùng suy ngẫm về cuộc sống, về con người. Vì thế, trong nội dung vận dụng kỹ thuật liên văn bản ở THPT, không thể xem nhẹ việc kết nối văn bản văn học với văn bản đời sống, văn bản văn hóa chi phối việc tạo lập nên tác phẩm đang được dạy - học ở nhà trường. Vấn đề đặt ra đối với người giáo viên Ngữ văn trong giờ dạy học đọc hiểu văn bản văn học là biết lựa chọn các “văn bản” đời sống - văn hóa tương hợp, với “liều lượng” vừa đủ để làm phong phú thêm hàm nghĩa của tác phẩm đang được dạy - học, đem lại sức sống tươi mới cho nó.

Với bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo, người đọc - giáo viên, học sinh - chúng ta khó có thể “đọc hiểu” bài thơ đến độ nhuần thấm cái hồn cốt, tâm cảm của nó nếu thiếu những hiểu biết về đời sống - văn hóa Tây Ban Nha - phương Tây cũng như Việt Nam - phương Đông trong cái “phông văn hóa” của mình. Trước hết, văn hóa Tây Ban Nha được nhân loại biết đến với những nét văn hóa đã trở thành biểu tượng vừa sôi động, hùng tráng vừa đắm đuối mê say,

hàm chứa cả cuộc sống cuồng nhiệt lẫn bóng dáng của tử thần: đó là cây đàn ghi ta, điệu nhảy Flamenco và đấu bò. Đàn ghi ta được nhiều người Việt Nam gọi là Tây Ban cầm, được coi là nhạc cụ truyền thống của Tây Ban Nha (Tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta xanh, tiếng ghi ta bọt nước, tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy...: đàn ghi ta đang chơi điệu Flamenco). Điệu Flamenco vừa là một thể nhạc vừa là một điệu nhảy phóng túng của vùng Andalucía - quê hương của Lorca, nhạc sĩ - nhà thơ được mệnh danh là “Con họa mi xứ Andalucía” (theo Lê Huy Bắc -

Liên văn bản trong “Đàn ghi ta của Lorca”). Trong khi đàn ghi ta dần phổ biến trên toàn thế giới thì môn đấu bò lại là sản phẩm văn hóa “đặc hữu của xứ sở Tây Ban Nha - đã được nâng lên mức nghệ thuật, trở thành “đạo” của người Tây Ba Nha (Ở đó, mỗi cú lượn vòng của chú bò kiêu hùng hay một cú khẽ lắc người của đấu sĩ trong tấm áo choàng đỏ gắt để tránh cú húc chí mạng từ con bò đang say máu... được người xem chiêm ngưỡng như những vũ điệu nghệ thuật phi phàm dường như chỉ có ở trong mơ).

Cùng với những “văn bản” đời sống - văn hóa Tây Ban Nha đó, người đọc chúng ta cũng cần kết nối văn bản đang dạy học với các mảng “đời sống - văn hóa - tâm thức” Việt Nam - phương Đông nữa - để cảm nhận một cách thực sự, gần gũi hơn với những mô típ trong bài thơ như “đường chỉ tay đã đứt” là dấu hiệu thần bí ấn định cái chết được báo trước, rồi “dòng sông rộng”, “sang ngang” (gợi triết lý nhà Phật: sang sông là giải thoát khỏi bến mê, là sự siêu thoát vĩnh hằng... Ngày nay ở nhiều vùng quê Việt Nam vẫn còn nghi thức tang lễ “đội cầu” của các cụ bà để đưa “linh hồn” người quá cố “sang sông” đến được cõi vĩnh hằng - miền Tây phương cực lạc).

Và nữa, những giá trị văn hóa Việt với những mô típ “vầng trăng”, “đáy giếng”... kết nối với những mảng “văn bản đời sống - văn hóa” Tây Ban Nha ở trên để học sinh không còn thấy lạ lẫm với lối viết của nhà thơ mà cảm thấy gần gũi, cộng cảm hơn trong tâm thức người đọc. Ai đó đã nói:

Đều xuyên qua một tia nắng Mặt Trời Chưa chi... Chiều đã tắt

Cái tia nắng mặt trời ấy - những dấu ấn văn hóa tinh thần Việt cùng với những “văn bản đời sống - văn hóa” Tây Ba Nha được kết nối với Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo đã làm tỏa sáng những giá trị văn chương trong văn bản đàn được dạy học và từ đó cứ lung linh, long lanh soi chiếu trong tâm thức người đọc.

Cũng như thế, dạy học bài Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ của Vũ Trọng Phụng), nếu giáo viên chỉ tập trung phân tích nghệ thuật trào phúng của nhà văn nhằm phô bày sự tha hóa, xuống cấp của đạo đức xã hội thì ta chưa khám phá được điều gì thực sự có ý nghĩa về văn bản này. Ở đây, giáo viên cần kết nối văn bản đang được dạy với “văn bản đời sống”, “văn bản văn hóa” Việt Nam những năm 1930-1939 mà Hà Nội là nơi nhạy cảm nhất với mọi biến động trong và ngoài nước. Chúng ta cần gợi mở trường liên tưởng cho học sinh đến một “đại thế giới” - nơi diễn ra sự đối thoại, va đập tưng bừng của bao nhiêu là “văn bản”, của các loại diễn ngôn: từ mụ me Tây dâm đãng đến những cô “gái mới”, tự bọn lang băm đến những lão sư hổ mang, từ hạng “thi sĩ” lãng mạn vẩn vơ đến lớp tư sản thượng lưu tha hóa, dị hợm, từ bọn cảnh sát ngán ngẩm vì không ai chịu... đái bậy đến những quan Toàn quyền, Thống sứ, vua Nam,vua Xiêm... cả một “tấn trò đời” diễn ra (Vua chèo còn chẳng ra gì. Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề) giữa thanh thiên bạch nhật, “chính hiệu con nai vàng” thời ấy. Tất cả ầm ào, cuồn cuộn đổ về như dòng sông Hồng mùa lũ, cuốn trôi ngòi bút nhà văn như “người lái đò trên sông” dẫn đưa người đọc - giáo viên và học sinh - chúng ta cất lên một “trận cười dài” thật sảng khoái thú vị; tràn đầy “hỷ, nộ, ái, ố” trước văn bản cuộc đời.

Một phần của tài liệu Vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở trường trung học phổ thông (Trang 72 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w