Kỹ thuật liên văn bản trong tiếp nhận

Một phần của tài liệu Vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở trường trung học phổ thông (Trang 32)

1.1.3.1. Xếp chồng văn bản

Khái niệm liên văn bản định hướng cho người đọc nhận biết một cách có ý thức rằng: mỗi văn bản tồn tại trong sự liên hệ với văn bản khác, có thể xuất hiện trước đó hoặc cùng thời và thực tế thì văn bản lệ thuộc vào những văn bản khác còn nhiều hơn vào chính người tạo ra nó. Điều này đã được M.Foucault, một lý thuyết gia hậu hiện đại nhấn mạnh: “Những biên giới của một cuốn sách không bao giờ rõ ràng: bên kia trang bìa ghi ra tựa đề cuốn sách, bắt đầu từ những dòng đầu tiên cho đến khi cuốn sách ngưng lại ở dấu chấm cuối cùng, vượt ra ngoài cấu trúc nội tại và hình thức tự thân của cuốn sách ấy; thực chất, cuốn sách bị trói chặt vào một mạng nhện các trích dẫn từ nhiều cuốn sách khác, những văn bản khác, hay những dòng văn lắng lại trong ký ức thu nhận được, trong nhiều quá trình đọc trước đây. Cuốn sách chỉ là một điểm nối kết nhỏ bé trong một mạng lưới vô cùng rộng lớn... Cuốn sách không phải là một vật thể độc lập mà người ta cầm nắm một cách tách biệt trên tay mình, tính chỉnh thể thống nhất của nó rất mong manh, dễ thay đổi và hết sức tương đối”. (Dẫn theo Nguyễn Minh Quân [34]).

Tính liên văn bản của văn bản văn học không phải bao giờ cũng lộ ra ở bình diện thứ nhất, vì quá trình làm ra văn bản là một quá trình phức tạp mà ngay tác giả của nó cũng không ý thức được đầy đủ. Vì thế, việc đọc liên văn bản luôn đòi hỏi, kích thích sự sáng tạo. Như trường hợp câu thơ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà trong bài Tràng giang của Huy Cận. Người đọc không khó để nhận ra Huy Cận đã mượn tứ thơ của Thôi Hiệu ở bài Hoàng Hạc lâu:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Nhưng người đọc - giáo viên và học sinh - cần lý giải được vì sao lại có sự vay mượn đó và sự vay mượn được thực hiện theo kiểu nào, có gắn liền với sự đối thoại, cải biến, làm mới hay không? Với những trường hợp khác - nói chung, việc nêu lên các mối liên hệ “xếp chồng văn bản” cần phải song hành với những thuyết minh, diễn giải, phân tích thuyết phục.

Cùng với đó, trong thể loại tiểu thuyết - nhất là tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ sau thời Đổi mới - người đọc dễ dàng nhận ra có sự tương tác, xếp chồng trong một văn bản nhiều những “văn bản” thể loại, những loại hình nghệ thuật và phi nghệ thuật khác như: thơ kinh điển của tôn giáo, các văn bản chính luận như hịch, chiếu, biểu, cáo... và các thể loại văn học trung đại như phú, hát nói, truyện truyền kì, quái dị... Vì vậy, người đọc buộc phải tìm hiểu và nối kết tinh thần, ý nghĩa của hai hay nhiều văn bản với nhau đồng thời truy tìm sự vận động của cuộc sống, kinh nghiệm thẩm mỹ của những giá trị văn hóa và tinh thần thời đại. Sự xếp chồng các văn bản cũng chính là cách thức để nhà văn “đối thoại”, luận giải nhiều vấn đề từ quá khứ - hiên tại đến tương lai. (Theo Nguyễn Văn Hùng: Liên văn bản thể loại và tính đối thoại trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986).

Như vậy, người đọc - trước sự chồng lớp của nhiều văn bản, có dịp trải nghiệm những điều thú vị trên trường diễn ngôn như một cuộc phiêu du, nhờ

đó mà được bồi đắp vốn dự trữ cảm giác và năng lực tìm tòi, khám phá được khơi động. Cũng bởi vì: ý nghĩa là linh hoạt, sự tương tác sống động của các văn bản sinh ra những nghĩa mới của chúng.

1.1.3.2. Liên hệ - so sánh

Sự kéo dài biên cương của văn bản này đến văn bản khác, đôi khi là hành vì có ý thức của tác giả - người viết, nhưng trong nhiều trường hợp viết chỉ là một “Trò chơi của ngôn ngữ”: người viết tạo ra càng nhiều yếu tố tự do trong ngôn ngữ bao nhiêu sẽ càng tốt bấy nhiêu và việc tạo nghĩa từ các trò chơi này tùy thuộc vào người đọc. Người đọc - trong nhiều trường hợp có vai trò to lớn trong việc tạo ý nghĩa cho “trò chơi ngôn ngữ” này.

Đọc câu thơ Nguyễn Du trong bài Độc Tiểu Thanh ký:

Son phấn có thần chôn vẫn hận

Văn chương không mệnh đốt còn vương... ... Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Thi pháp Trung đại thường ẩn giấu đi cái tôi trữ tình nhưng ở đây, Nguyễn Du lại trực tiếp bộc lộ cái tôi trữ tình làm nao lòng người đọc. Nhà thơ đến Tây Hồ - Hàng Châu là để tìm đến với tri âm; Nguyễn Du đọc thơ Nàng hay đang đọc lời viếng Nàng trong nước mắt. Ranh giới giữa nhà thơ và người đọc chúng ta như đã xóa nhòa; người đọc không chỉ thấy lòng mình hòa điệu với tiếng lòng đồng vọng của Nguyễn Du đã làm sống lại Tiểu Thanh, sống lại hồn thơ của Nàng; trong tiếng thổn thức của Nguyễn Du mà còn hiển hiện trong tâm thức hình ảnh Nàng Kiều cũng giống như Nguyễn Du đồng cảnh Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân:

Nổi chìm kiếp sống lênh đênh Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều

Liên tưởng, so sánh trong văn bản như dòng sông mênh mông phù sa hòa chớp bể mưa nguồn trào tuôn thành sữa đất. Dòng sông ký ức ấy đã trôi từ miền ca dao xa xưa nào, vụt hiện lên trong ánh chớp xanh mờ kí ức:

Đêm qua ra đứng bờ ao Trông cá, cá lặn trông sao, sao mờ

Buồn trông con nhện chăng tơ Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai...

... Đêm đêm, trông giải Ngân hà Mối sầu tinh đẩu đã ba năm tròn...

Đêm đến... khi màn trời thêu đặc hoa sao, lúc nàng trăng ngái ngủ nép vào chăn mây; người Hy Lạp cổ đại nhìn lên giải Ngân hà ngỡ như một dòng tia sữa trắng ngà vọt ra từ bầu vú sữa của nữ thần Hera (vợ thần Zeus) khi dứt mạnh đôi môi của Hercules lúc mới được sinh ra - khỏi bầu sữa của mình. Còn người Việt Nam (và Trung hoa) ở phương Đông thì lại cho đó là một dòng sông bạc lấp lánh (Ngân hà) nơi ngăn cách vợ chồng Ngâu (Ngưu Lang - Chức Nữ) mỗi năm mới được Ngọc hoàng cho phép một lần gặp nhau qua “cầu Ô, nhịp Thước”... Thế đấy, người đọc Việt Nam chúng ta vốn giàu thi tính (ai bảo Tiếng Việt ta lại giàu chất nhạc, chất thơ?). Nên khi ai đó chả may “bị ốm” thì lại nhìn qua cửa sổ ngắm mãi sông Ngân trên trời rồi thủ thỉ với người mình yêu thương thế này:

Nếu Anh bị ốm, Em ơi

Lương y cũng chẳng cần mời đâu Em Cho Anh mượn chiếc gối êm

Dệt bằng muôn sợi trăng mềm mùa thu... ... Cho Anh xin cốc nước trong Tự tay Em múc trên sông Ngân hà...

Như thế, theo lý thuyết liên văn bản - vai trò người đọc nói chung và đọc hiểu văn bản văn học nói riêng - là rất quan trọng. Thừa nhận vai trò của người đọc không đồng nghĩa với việc phủ nhận vai trò của nhà văn - nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học cũng hàm chứa đầy tài năng, hồn cốt nhà văn - là điều kiện tiên quyết cho tất cả.

Trường diễn ngôn của người đọc - qua một thành tố là thủ pháp liên tưởng so sánh - nếu có sự gặp gỡ, tri âm với trường diễn ngôn của người viết thì thật là hạnh ngộ. Văn bản văn học càng hay, càng giàu tính liên văn bản thì càng đánh thức khơi dậy được trường liên tưởng mênh mang nơi người đọc.

1.1.3.3. Dùng ngôn ngữ khác với phong cách ngôn ngữ của văn bản để diễn giải nó

Lý thuyết của việc đọc - theo kỹ thuật liên văn bản bao quát không chỉ với thủ pháp liên tưởng so sánh, xếp chồng văn bản mà còn hướng đến sử dụng ngôn ngữ khác với phong cách ngôn ngữ của văn bản để diễn giải nó.

J.Kristeva, sau tiểu luận Bakhtine, từ ngữ, đối thoại và tiểu thuyết đã có những ý kiến bổ sung, cập nhật vào năm 1980 về liên văn bản: “tuy có sự quy chiếu hai chiều trên tọa độ (trục ngang và trục đứng) song sự minh họa đó chỉ có tính chất tượng trưng hơn là sự xếp đặt cứng nhắc và máy móc vào một hệ thống như thế. Liên văn bản sẽ là sự tỏa lan ra mọi chiều không gian và thời gian, và việc theo đuổi một hướng nào đó là tùy thuộc vào sự chọn lựa của người đọc, của nhà phê bình và người viết.” (Dẫn theo Nguyễn Minh Quân [34]).

Khái niệm liên văn bản như thế tạo nên một lối đọc mới và mang tính chất cách mạng khi tiếp cận một văn bản văn học, để thưởng thức đối với người đọc - nói chung hay để phân tích, thẩm định dưới quan điểm của nhà phê bình. Biên thùy của văn bản sẽ hòa tan và thẩm thấu - như M.Foucault đã

đề cập đến, mỗi văn bản tồn tại trong một “cộng đồng rộng lớn” bao gồm nhiều thể loại và môi trường: không bao giờ có một văn bản nào hiện hữu như một ốc đảo cô độc. Vì thế mà người đọc (gồm cả nhà phê bình “người đọc đặc biệt”) không nên và không thể tự giới hạn mình trong một lĩnh vực hay một phạm vi cố định, phê bình một tác phẩm nghệ thuật cũng có nghĩa phải phóng chiếu ở nhiều góc độ khác nhau bằng cách đứng ở phía đối lập với tác phẩm, phá bỏ đi những hàng rào xung quanh nó, xé nát những đơn vị cấu trúc để kiến tạo và sắp xếp chúng thành một trật tự mới, mỗi động tác như thế sẽ tạo ra một cách diễn dịch mới, làm giàu và làm lớn thêm giá trị một văn bản. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Việc “đọc” theo kỹ thuật liên văn bản là lần tìm những mối tương liên và sự ẩn tàng trong văn bản để xác định một nền tảng hết sức tương đối, một ngữ cảnh, một hoàn cảnh xã hội, một giai đoạn lich sử,... để từ đó bắt đầu cuộc hành trình của sự tái tạo và diễn dịch. Một khi bắt đầu từ một góc độ văn hóa, một quan điểm đạo đức hay một ẩn dụ trong văn bản, việc “Đọc” này sẽ dẫn chúng ta càng đi xa và đi sâu trong sự phân tích. Khi đạt đến mức độ đủ sức phá vỡ tính chất trung tâm của cấu trúc, sự hoạt tác của các yếu tố trong cấu trúc/ hệ thống (văn bản) sẽ trở thành các yếu tố tự do và tương tác lẫn nhau trong bối cảnh của một trò chơi ngôn ngữ. Khi đó, sự diễn dịch văn bản sẽ trở nên phóng túng, vượt thoát khỏi mọi gò bó của định chế, quy luật hẹp hòi; hơn nữa, chính nhà phê bình - người đọc sẽ được viết lại bởi chính ngôn ngữ hoạt tác trong quá trình phân tích và chứng minh.

Kỹ thuật liên văn bản trong tiếp nhận (đọc hiểu văn bản) là một quá trình gồm bốn giai đoạn: phân tích, kết hợp, tái tạo và diễn dịch. Cái đọc trong khuynh hướng hậu hiện đại thực chất là một sự sáng tạo mới lạ dựa trên nền tảng phân tích - tựa như trò chơi Rubic: xóa đi những hình thể màu sắc được sắp xếp từ trước, để tạo nên những hình thái khác lạ trên cùng một nền tảng màu sắc sẵn có.

Bài phê bình Em đi qua đời tôi của Nguyễn Hưng Quốc, cùng bài

Liên văn bản trong “Đàn ghi ta của Lorca” của Lê Huy Bắc được đánh giá là những bài phê bình đậm chất văn chương, mang hồn cốt sáng tạo của một nhà văn.

Phong cách ngôn ngữ văn bản - với sự biểu hiện bằng hình tượng nghệ thuật - thường chỉ có thể biểu đạt một cách khái quát. Điều đó đòi hỏi người đọc (giáo viên - học sinh) phải biết tưởng tượng, biết “cụ thể hóa”, hình dung rõ ràng, sống động điều mà tác giả muốn gửi gắm bằng ít lời cô đọng - thành ngôn ngữ “khác” của riêng mình, tương tự như nhà phê bình vậy.

Như vậy là cách “dùng ngôn ngữ khác với phong cách của văn bản” để diễn giải một văn bản văn học - cùng với các thủ pháp “xếp chồng văn bản”, “liên hệ - so sánh” - là phương cách mà người đọc (từ nhà phê bình đến các nhà giáo, học sinh) tiếp cận các tác phẩm văn học một cách thông minh, sáng tạo, đầy hiệu quả.

1.2. Tính khả thi, điều kiện và ý nghĩa của việc vận dụng kỹ thuậtliên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở THPT

Một phần của tài liệu Vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở trường trung học phổ thông (Trang 32)