Nhìn chung về thành công và hạn chế của việc vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy học đọc hiểu văn bản văn học ở THPT hiện nay

Một phần của tài liệu Vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở trường trung học phổ thông (Trang 59 - 63)

Như vậy là cho đến nay, sự cần thiết của việc vận dụng Lý thuyết liên văn bản vào lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học ở nước ta đã được khẳng định và ở một chừng mực nào đó, việc ứng dụng kỹ thuật liên văn bản vào dạy đọc hiểu văn bản văn học ở THPT đã có những bước đi ban đầu đáng khích lệ. Qua sự khảo sát của chúng tôi, có thể bước đầu nhận xét, khái quát công việc vận dụng này ở các trường THPT như sau:

1.3.3.1. Về những mặt được, những thành công của việc vận dụng

Trước hết cần nói đến những yếu tố khách quan ít nhiều “thuận lợi” có tác dụng kích hoạt cho những “lứa quả đầu mùa” này:

Đó là hệ thống các văn bản đọc hiểu trong chương trình Ngữ văn THPT lưu hành từ 2002 đến nay. Bộ sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành có những đổi mới cả về mặt nội dung lẫn hình thức trên cơ sở của nguyên tắc tích hợp, giúp cho người đọc học được cách tư duy tổng thể về thế giới, tìm ra mối tương quan đa chiều giữa mọi vấn đề của cuộc sống của văn học nghệ thuật,

đặc biệt là sự góp mặt của nhiều tác phẩm đương đại Việt Nam và thế giới. Tuy còn xa mới đạt đến mức toàn bích, song về cơ bản các văn bản văn học trong sách giáo khoa THPT hiện hành đã đáp ứng được yêu cầu hiện đại, đổi mới (đó là so với chương trình Ngữ văn THPT trước 2002 và gần đây chúng ta được biết năm tới: 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định “đổi mới” toàn bộ chương trình - sách giáo khoa phổ thông).

Cùng với điều đó là sự thúc bách phải đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn dưới sự tác động của các lý thuyết mới về nghiên cứu phê bình văn học, về lý luận dạy học - trong đó có Lý thuyết liên văn bản. Sự thúc bách này còn đến từ thực trạng học sinh THPT nhiều năm nay thờ ơ với bộ môn Ngữ văn và các môn khoa học xã hội - nhân văn khác.

Về phía chủ quan: những giáo viên Ngữ văn THPT tâm huyết với nghề đã vượt thoát những ám ảnh thời cuộc, lặng thầm và đổi mới cách dạy học văn, góp phần đổi thay mối quan hệ giữa người dạy và người học, ngõ hầu đổi mới tư duy của học sinh về văn học và cuộc sống.

Nhờ thế mà thực tế vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở THPT hiện nay đã có những thành công bước đầu. Đã có sự khởi sắc trong giờ dạy đọc hiểu văn bản văn học nói riêng và dạy học Ngữ văn nói chung. Giờ dạy học đọc hiểu văn bản đã “mở” hơn, thông thoáng hơn, thực hiện nguyên tắc dạy học tích hợp có hiệu quả hơn, học sinh có cơ hội chiếm lĩnh trí thức phương pháp, trí thức về cách đọc văn bản nhiều hơn. Những giờ dạy đọc hiểu văn bản văn học giáo viên vận dụng kỹ thuật liên văn bản một cách tự giác được đồng nghiệp và thanh tra đánh giá cao. Kết quả học tập môn Ngữ văn THPT ở những lớp được thực nghiệm vận dụng kỹ thuật liên văn bản cao hơn một mức so với các lớp đối chứng. Một biểu hiện đáng mừng và nguồn động viên với giáo viên Ngữ văn THPT là: số lượng học sinh yêu thích môn học và học tốt môn văn đã có sự tăng lên.

1.3.3.2. Những hạn chế của việc vận dụng

Về phía người dạy: đó là sự trì níu, “sức ỳ” đáng nghi ngại của lối dạy cũ - kể cả lối dạy “nửa cũ nửa mới” tồn tại khá dai dẳng trong không ít giáo viên Ngữ văn THPT không chỉ ở những người lớn tuổi. Đồng thời trong dạy học Ngữ văn ở THPT, thực trạng hiểu biết, nhận thức về lý thuyết - kỹ thuật liên văn bản vào dạy đọc hiểu văn bản văn học của giáo viên còn nhiều hạn hẹp. Một nguyên cớ nữa - theo chúng tôi là việc vận dụng kỹ thuật liên văn bản vào dạy đọc hiểu văn bản văn học ở THPT đòi hỏi nhiều công phu, sự đầu tư của người dạy về thời gian tâm lực khá lớn từ quá trình lên kế hoạch, soạn giáo án đến triển khai trên lớp.

Về phía người học: lối dạy, cách dạy của giáo viên đã tác động khá lớn đến cách học của học sinh, chưa nói đến tác động không cưỡng lại được của “xã hội công nghiệp hóa hiện đại hóa” kéo theo sự lên ngôi của các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, đâu còn mấy “dư địa” cho Ngữ văn và các môn xã hội nhân văn khác. Nên chăng, từ với sự xuống cấp của “văn hóa đọc” học sinh THPT hiện nay cần phải “xóa đói giảm nghèo” dài dài về kiến thức văn học cùng phương pháp, cách thức học Ngữ văn.

Tựu trung, sự phát triển của Lý thuyết liên văn bản đã đưa các lý thuyết gia đi từ việc nhận ra bản chất đích thực của văn bản đến việc khẳng định “bản chất văn bản” của mọi thứ tạo nên xã hội loài người từ: biến cố lịch sử, sự kiện văn hóa đến ý thức, vô thức. Rõ ràng vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở THPT, dù tự giác hay không đã được thực hiện từ khá lâu, giúp giáo viên Ngữ văn THPT nhìn ra được tiềm năng ý nghĩa vô hạn của tác phẩm tạo nên những giờ học đầy tính gợi mở. Để đọc hiểu một văn bản, cả người dạy và người học đều phải thực hiện sự nối kết: nối kết văn bản này với văn bản khác, từ văn bản học đến các “văn bản” khác trong “văn bản thế giới”. Đây cũng chính là nội dung cốt lõi của dạy học tích hợp đối với môn Ngữ văn.

Văn hào Lỗ Tấn từng nói: “Thực ra trên thế giới này nguyên làm gì có đường. Người ta đi nhiều thì thành đường thôi”. Con đường ứng dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở THPT hiện nay mới khai mở chặng đường đầu tiên song đã không ít gập ghềnh, phía trước còn nhiều cái mốc, những ẩn số mà chúng ta phải giải mã. Chúng tôi tin rằng trên con đường đổi mới ấy, chúng ta sẽ khắc phục được những hạn chế tồn tại, việc đổi mới sẽ được tiến hành bài bản, đồng bộ. Nhất là xây dựng được một cơ sở lý luận khoa học vững chắc hơn.

Chương 2

Một phần của tài liệu Vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở trường trung học phổ thông (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w