1.1.2.1. Sử dụng điển tích, điển cố
Như toàn bộ phần trên của luận văn, chúng tôi đã trình bày những khái niệm then trốt về Lý thuyết liên văn bản; liên văn bản như là thuộc tính bản thể của văn bản cũng như vấn đề liên văn bản từ những góc nhìn khác nhau để có cái nhìn đa chiều về khái niệm liên văn bản.
Phần tiếp theo, chúng tôi tiếp cận liên văn bản như một thủ pháp văn học - kỹ thuật liên văn bản trong sáng tác: dùng điển, vay mượn và giễu nhại.
Trước hết là sử dụng điển tích, điển cố.
Như chúng ta đã biết, Lý thuyết liên văn bản được xây dựng trên thế giới quan của thế kỷ 20 bởi các lý thuyết gia hiện đại và hậu hiện đại; vì thế nó tương ứng với những sáng tác của thời hậu hiện đại - vài chục năm trở lại đây. Tuy nhiên, do bản thân liên văn bản ôm chứa nhiều vấn đề của sáng tác, của tồn tại, trong đó có những vấn đề mang tính “xuyên thời gian” nên nó hoàn toàn có thể được vận dụng trong dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông đối với đối tượng khám phá của chúng ta là những văn bản thuộc các thế kỷ trước.
Trong các văn bản văn học thời trung đại Việt Nam vốn được tạo tác theo nguyên tắc của “mỹ học đồng nhất” nên các tác giả có thói quen quan tâm sử dụng các điển mẫu (điển tích, điển cố) hơn là thể hiện phẩm chất, tính cách, quan điểm cá nhân. Đương nhiên, thao tác kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng trong mọi văn bản của thời hiện đại, bởi liên văn bản là thủ pháp có cùng lịch sử với văn bản và không thuộc quyền sở hữu của riêng ai.
Vấn đề đặt ra là chúng ta cần thấy rõ sự khác biệt trong việc sử dụng điển tích điển cố trong văn bản văn học trung đại Việt Nam với thủ pháp này trong văn - bản - liên - văn - bản.
Theo Nguyễn Hưng Quốc, sự khác biệt này thể hiện trên sáu điểm:
Thứ nhất là ở phạm vi: điển cố và điển tích chỉ là một bộ phận của liên văn bản. Ngoài nó ra, liên văn bản còn bao gồm nhiều yếu tố khác như: ảnh hưởng, trích dẫn, đạo văn, những hồi quang của các diễn ngôn văn hóa khác...
Thứ hai, ở chức năng: việc sử dụng điển tích trong liên văn bản không chỉ là thủ pháp nghệ thuật mà chủ yếu là một đặc điểm - là bản chất của văn học: người ta không thể hiểu được một văn bản nếu văn bản ấy tuyệt đối không có quan hệ gì với các văn bản khác.
Thứ ba, ở quan hệ: thay vì quan hệ hai chiều (giữa văn bản và văn bản gốc - nơi được xem là xuất xứ của điển cố, điển tích) trong văn học trung đại; thì ở liên văn bản là mối quan hệ hết sức đa dạng: về hàng ngang, có quan hệ văn bản - tác giả; về hàng dọc, có quan hệ giữa văn bản này với vô số văn bản khác. Người ta có thể nhận diện được nguồn gốc của các điển cố, điển tích song không ai có thể nhận diện được một dấu vết liên văn bản: nó vô tận.
Thứ tư, ở mục tiêu: việc sử dụng điển cố, điển tích trong văn học trung đại với mục đích làm giàu lượng thông tin của văn bản bằng cách tận dụng vốn tư bản văn hóa có sẵn chung quanh một văn bản khác hoặc một sự kiện lịch sử đã được nhiều người biết; trong khi đó thì liên văn bản được sử dụng chủ yếu để làm nổi bật tính tương đối của văn bản và của sự sáng tạo.
Thứ năm, ở tính chất: trong khi việc sử dụng điển cố điển tích thường được tiến hành nghiêm trang, nhằm khoe kiến thức và tận dụng kiến thức của người đọc; thì việc sử dụng tính liên văn bản thường có tính chất chế nhạo, phê phán những thái độ quá tự tin, cứng nhắc và nhằm đặt ra những nghi vấn đối với các quyền lực văn hóa trong xã hội.
Thứ sáu, ở ý nghĩa: việc sử dụng điển cố, điển tích không làm thay đổi ý nghĩa của điển cố và điển tích ấy, không làm thay đổi ý nghĩa của cấu trúc tác phẩm; việc sử dụng tính liên văn bản lại thường tạo ra những ý nghĩa mới và mang lại những diện mạo mới, chí ít chúng chứng minh tính chất vô vọng trong công cuộc tìm kiếm cái độc sáng... [35].
Như vậy, trạng thái liên văn bản ở văn học trung đại chủ yếu tồn tại ở dạng thức của việc sử dụng các điển cố, điển tích. Đến văn học hiện đại, dạng thức liên văn bản chủ yếu được vận dụng như thủ pháp, kỹ thuật viết: vay mượn và giễu nhại.
1.1.2.2. Vay mượn
Như R.Barthes đã nhận xét: Sáng tạo ra tác phẩm, mỗi tác giả sẽ chắt từ “kho lưu trữ” văn bản vô tận của mình với sự hỗ trợ của chất liệu được cất giữ trong văn bản; có thể là những lời, những câu riêng lẻ hay cả một đoạn văn được vay mượn từ tác phẩm của người khác, đọc được trên báo chí, nghe được ngoài đường phố, từ màn hình ti vi... những diễn văn thuyết trình đủ loại, những thể loại, phong cách, mã xã hội, diễn ngôn... tạo nên các ngữ cảnh văn hóa riêng lẻ cũng như văn bản văn hóa nói chung. Mọi văn bản đều là tấm vải mới đan dệt từ những trích dẫn đã từng được sử dụng.
Trong việc vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở THPT (bao gồm cả văn học trung đại, văn học hiện đại) với thủ pháp vay mượn này, chúng ta cần chú ý mấy điểm sau:
Thứ nhất, đây là một thành tố trong những “sự kiện hiển nhiên” (chữ dùng của Phan Huy Dũng [5]) vốn được tác giả chủ động xử lý; nó hiện diện công khai, dễ thấy - nhất là đối với văn học trung đại - nên trong phạm trù chú giải, cần phải tạo được cho học sinh thói quen làm việc nghiêm túc với tài liệu, không vội rút ra những “ý nghĩa” chung chung khi chưa khảo sát văn bản một cách kỹ lưỡng hoặc chưa thấu tỏ những tương tác đa chiều trong hệ thống
ngôn từ kết dệt nên nó. Đồng thời, tiếp sau việc giải thích nguồn gốc những “trích dẫn” - vay mượn của tác giả, phải chỉ ra được quy luật chung của sáng tạo ngôn từ với những biến thái riêng của nó trong phạm vi một thời đại hay loại hình văn học. Ví dụ, trước những từ ngữ như: Tống Ngọc, Tràng Khanh, chín chữ, ba sinh, liễu Chương Đài...(trong Nỗi thương mình - trích Truyện Kiều của Nguyễn Du), sau khi giải thích xuất xứ hay ý nghĩa ẩn dụ của chúng thì cần phải làm rõ những “quy ước diễn ngôn của thơ thời trung đại” mà Nguyễn Du đã chấp nhận một cách tự nhiên cũng như việc “vay mượn” mà Nguyễn Du đã làm - thực ra cũng chẳng khác biệt về mặt tính chất với việc “viết lại” các văn bản cũ của những nhà thơ hiện đại. Hay như trước hai câu luận trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
thì cùng với sự diễn giải về việc nữ sĩ mượn tích xa xưa về câu chuyện đau lòng của Thục đế đã để mất ngôi báu, giang sơn đất nước rơi vào tay kẻ khác để đến nỗi chết còn ôm mối hận thiên thu hóa thành con cuốc kêu đến bật máu tàn hơi - còn cần phải đặt chúng trong trường diễn ngôn “nỗi niềm hoài cổ” từ Thăng Long thành hoài cổ (một văn bản khác của bà) đến nhiều bài thơ của các tác giả khác thời trung đại.
Thứ hai, là không nên coi phần việc này là việc “khảo cổ thuần túy” với lòng tin ngây thơ vào quyền uy của tác giả mà cần khơi gợi cho học sinh hướng đến những vấn đề, những quy luật nhân sinh phổ quát đang điều hành, chi phối cuộc sống của chúng ta; giúp các em thu ngắn lại khoảng cách do thời gian, ngôn ngữ, hệ mỹ học... giữa các văn bản của quá khứ với cuộc sống hôm nay.
1.1.2.3. Giễu nhại
Việc nhìn nhận và sử dụng kỹ thuật liên văn bản - dù tự giác hay không - là một trong những vấn đề cốt lõi của thi pháp hiện đại và hậu hiện đại.
Thực tế thì, giễu nhại với tư cách là những thủ pháp bắt chước đã xuất hiện từ lâu, ngay trong văn học cổ đại Hy Lạp sau đó vẫn thường được sử dụng trong nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau: từ âm nhạc, hội họa, kịch nghệ, phim ảnh và cả văn học nữa (theo Nguyễn Hưng Quốc [35]).
Là một thủ pháp được sử dụng lâu đời và rộng rãi, giễu nhại được xem như một phong cách, như một chủ đề phụ trong một tác phẩm cụ thể và như một thể loại phụ trong văn học (chủ yếu là văn học trào phúng). Theo các nhà nghiên cứu, giễu nhại thường được gọi là “thi pháp của sự mâu thuẫn” vốn lan tỏa trong nhiều tác phẩm văn học hậu hiện đại. Giễu nhại - dù nhìn từ góc độ nào cũng có hai đặc điểm chính: nhại và giễu tức là bắt chước và châm biếm. Nhại có nhiều phạm vi khác nhau: văn bản hay khung hình thức của thể loại, trong văn bản lại có nhiều cấp độ khác nhau: từ, câu, đoạn, hay toàn văn. Châm biếm cũng có nhiều đối tượng khác nhau. Trong văn học dân gian, sự châm biếm trong hình thức nhại thường mang tính chính trị. Tỷ như hầu hết các lời sửa các bản nhạc hiện hành tại Việt Nam nhiều năm gần đây đều nhằm chế giễu hay đả kích một hiện tượng xã hội, một chính sách hay một giới lãnh đạo nào đó. Các bài thơ được nhại đăng trong các mục thơ Trào phúng trên các tờ báo cũng đều có ý nghĩa phê phán. Trong phạm vi thuần túy văn học, nhại có thể nhằm giễu một tác giả hay một tác phẩm, một thể loại, một phong cách, một phương pháp sáng tác, một quan điểm thẩm mỹ hay đến cả những điển phạm, quy phạm làm nền tảng cho văn chương nói chung... (Ví dụ bài thơ “Nắng chia nửa bãi chiều rồi” của Nguyễn Hoàng Nam nhằm giễu phong cách lãng mạn chủ nghĩa mà Nguyễn Hưng Quốc đã phân tích trên tạp chí Việt trước đây”. Ở điểm này, giễu nhại mang tính bản thể luận: nó đặt nghi vấn không phải với một hiện tượng mà chủ yếu với bản chất hiện tượng. Trong trường hợp này, hình thức giễu nhại trở thành một ý niệm (theo nghĩa nghệ thuật ý niệm) - ở đó, nghệ thuật trở thành một nghi vấn về chính bản
thân của nghệ thuật. Như thế thì: nghệ thuật - hay văn học, không còn là một cái gì nhất thành bất biến, ngược lại, nó được kiến tạo từ một số điều kiện xã hội và văn hóa nhất định.
Như vậy là, khi vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong sáng tác (sử dụng điển cố, điển tích - vay mượn - giễu nhại...) trong dạy học Ngữ văn ở THPT, chúng ta cần rất uyển chuyển, linh hoạt trong việc thực hiện các thao tác nhằm rèn tập cho học sinh một tư duy mới với những kỹ năng cần thiết để các em có thể có thể đọc hiểu văn bản văn học một cách sống động, ham thích, mang đầy tính đối lập, khám phá và sáng tạo theo tinh thần liên văn bản.