1.2.3.1. Phá vỡ tính gò bó của cấu trúc giờ học
Việc vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở THPT đặt ra nhiều vấn đề thuộc phạm trù phương pháp dạy học văn mà đầu tiên là vấn đề xây dựng mô hình - cấu trúc của giờ học, nhất là giờ đọc hiểu văn bản. Hiện nay, giờ giờ đọc hiểu văn bản ở nhà trường phổ thông - về cơ bản - vẫn được xây dựng theo các bước từng được Dương Quảng Hàm đề xuất từ những năm 30, 40 của thế kỉ XX - tuy có những điều chỉnh về tên gọi các bước cũng như hình thức tổ cức thực hiện chúng. Phương pháp dạy học tuy không đồng nhất với cấu trúc chung của giờ học, với hình thức tổ chức hoạt động dạy học nhưng lại chịu sự chế ước, chi phối của chúng. Do vậy, việc duy trì mô hình - cấu trúc giờ học hiện nay (có thể tiện cho việc kiểm soát và đánh giá hoạt động dạy học đọc hiểu văn bản, theo thói quen đã hình thành từ lâu) sẽ là rất khó cho việc áp dụng phương pháp mới đạt hiệu quả mong muốn. Sẽ còn dài dài những lời ta thán về sự quá tải của chương trình, sự hạn hẹp về thời gian, cả những cách thức vận dụng lý thuyết bản đồ tư duy của Tony Buzan vào dạy đọc hiểu văn bản cũng sẽ vấp phải nhiều trở ngại. Như vậy, việc xây dựng một cấu trúc mở cho giờ dạy đọc hiểu văn bản nói riêng và giờ dạy học Ngữ văn nói chung đã đến lúc cần thiết phải đặt ra. Cấu trúc mở ở đây là một cấu trúc vận động, trong đó, người ta chấp nhận sự linh hoạt trong việc phát hiện ra các mối tương quan (bao hàm cả trật tự trình bày về các mối tương quan) giữa các yếu tố cấu thành đơn vị kiến thức, thành bài
học mà ta phải dạy, học. Cấu trúc mở của giờ học sẽ sẵn sàng thu nạp những tham số mới nảy sinh trong hoạt động của cả thầy và trò, vượt ngoài dự kiến ban đầu vốn được thể hiện trong giáo án. Cấu trúc mở đó cũng giúp ta nhận ra mối liên hệ hệ thống giữa giờ học này với giờ học khác, giữa hoạt động trong giờ học với hoạt động ngoài giờ học.
Sự vận dụng kỹ thuật liên văn bản sẽ phá vỡ mọi gò bó, câu thúc mang tính hình thức nhằm phát huy cao độ khả năng của trường liên tưởng, tưởng tượng..., chính sự nhạy bén xử lý các vấn đề của người dạy, người học khi đối diện với văn bản sẽ là một nhân tố hết sức năng động thúc đẩy sự tìm tòi đến với cấu trúc mở đó của giờ dạy học Ngữ văn, nhất là giờ dạy học đọc hiểu văn bản.
1.2.3.2. Tạo nên tính đặc thù của dạy học tích hợp ở môn Ngữ văn
Hơn mười năm nay (tính từ năm 2002), bộ sách Ngữ văn cùng với các bộ sách giáo khoa khác dành cho học sinh THPT đã được biên soạn theo nguyên tắc tích hợp - trên cơ sở quan niệm rằng tất cả hoạt động của con người (trong đó có hoạt động dạy học) cũng như mọi đơn vị kiến thức được đưa đến hình thành cho học sinh đều có tính tích hợp. Điều này chi phối việc lựa chọn các đơn vị bài học, với mục đích tạo ra được sự kết nối tích cực nhất - thuận lợi, tiết kiệm thời gian nhất - với hàng loạt kiến thức mà học sinh đã có và cần phải có. Từ đây, nguyên tắc tích hợp được xem là một nguyên tắc dạy học cơ bản, hiện đại và sự tích hợp được nhìn nhận như là một tiêu chí quan trọng để đánh giá các giờ dạy học. Với dạy học theo nguyên tắc tích hợp, giáo viên sẽ đánh thức mọi trữ lượng tinh thần của học sinh trong tiếp nhận tri thức, không để cái gì có ý nghĩa từng được học sinh thu vào bộ nhớ lại bị bỏ quên, vì tất cả đều có thể hữu ích. Nhờ đó, học sinh sẽ học được cách tư duy tổng thể về thế giới, về sự vật; có thể nhận diện được hoặc sẵn sàng tìm ra mối tương quan qua lại chằng chịt giữa mọi vấn đề của cuộc sống và
của văn học. Ở đây, có sự tương đồng giữa cách tư duy trên một vấn đề cụ thể của việc dạy học với cách tư duy mà từ đó, người ta khám phá ra tính Liên văn bản của mọi văn bản. Chính sự phát triển của Lý thuyết liên văn bản đã đưa một số nhà nghiên cứu đi từ việc nhận ra bản chất đích thực của văn bản đến việc khẳng định “bản chất văn bản” của tất cả những gì tạo nên xã hội loài người, từ các biến cố lịch sử, sự kiện văn hóa đến ý thức, vô thức - một văn bản thế giới.
Như vậy, đọc văn bản là đụng đến một mạng lưới quan hệ vô cùng phức tạp. Sự tích hợp trong hoạt động dạy và hoạt động học đã được thực hiện lâu nay dù ở mức độ tự giác hay không tự giác. Nhưng khi đề cao quan điểm và nguyên tắc dạy học tích hợp thì nên tránh việc xem chúng như một “lý thuyết hiện đại”, hoàn toán mới, chưa từng được biết. Sự thiếu tinh tế này đã khiến cho giáo viên rối trí, khiến họ không khỏi có những “tưởng tượng” sai lạc về “lý thuyết mới” và theo đó, đã vận dụng chúng một cách máy móc, bị động. Trong thực tế dạy học hiện nay có thể thấy trong nhiều Sách giáo viên và một số sách định hướng chương trình - chứa nhiều gợi ý quá cụ thể - gợi ý mà có tính ràng buộc - ví như: khi dạy bài này, đơn vị kiến thức này phải chú ý tích hợp với bài kia, đơn vị kiến thức kia, nhiều khi trở nên cứng nhắc và khiên cưỡng. ở chừng mực nào đó, chúng không những không thúc đẩy sự tích hợp tự nhiên của hoạt động dạy học mà còn làm ngăn trở nó. Đó là chưa kể chúng có thể làm nhòa đi tính đặc thù trong dạy học tích hợp ở các bộ môn, chưa giúp giáo viên thấy được cái riêng trong dạy học tích hợp đối với môn Ngữ văn. Thế nên, khi soạn giáo án và khi lên lớp, nhiều giáo viên đã phải căng óc ra để tìm nội dung có thể tích hợp - những nội dung nằm ở đâu đâu, có khi thật xa vời - trong khi lại bỏ qua những nội dung, những khả năng tích hợp thật tự nhiên, gần gũi mà chỉ cần một chút nhạy cảm, họ có thể nhận ra được.
Trong môn Ngữ văn, để đọc hiểu một văn bản, cả người dạy và người học đều phải thực hiện một sự nối kết: nối kết văn bản này với những văn bản khác, không chỉ văn bản văn học mà còn cả những “văn bản” khác của hoạt động ngôn ngữ, của tập quán xã hội, của tinh thần dân tộc và thời đại... Đó chính là đọc văn bản theo tinh thần của Lý thuyết liên văn bản. Và đương nhiên, điều đó cũng tạo nên tính đặc thù của dạy học tích hợp ở môn Ngữ văn.
1.2.3.3. Góp phần làm giàu kiến thức văn học, văn hóa cho học sinh
Đọc một văn bản theo kỹ thuật liên văn bản, chúng ta không chỉ biết về riêng văn bản đó mà còn được biết và cần biết đến nhiều văn bản khác có liên quan. Hiểu được bản chất của văn bản cũng như biết vận dụng kỹ thuật liên văn bản, chắc chắn là người dạy sẽ nhận thấy có một cơ hội lớn tạo ra để làm giàu kiến thức văn học, văn hóa học, kiến thức về đời sống cho học sinh trong dạy học đọc hiểu văn bản.
Việc “làm giàu kiến thức” này bao hàm hai vấn đề có mối liên quan nhưng không phải là một, đó là củng cố và bổ sung kiến thức:
Củng cố: chương trình ngữ văn THPT là một hệ thống chặt chẽ. Một văn bản không xuất hiện trong chương trình một cách ngẫu nhiên. Nó là một mắt xích trong chuỗi xích, một điểm trên giao lộ, kết nối với nhiều ngả đường khác nhau. Khi tìm hiểu một văn bản; người dạy, người học đã có được những tiền đề thuận lợi, hình thành qua việc chiếm lĩnh các văn bản đã dạy - học trước đó. Những kiến thức tạo nên tiền đề đó nếu bị quên thì cần được nhắc lại: đó là trường hợp củng cố kiến thức/ củng cố song hành với việc hình thành, tiếp nhận kiến thức mới.
Bổ sung kiến thức: trường hợp người dạy hay người học thiết lập được đường dây liên hệ giữa văn bản được học với những văn bản khác chưa từng được học mà thực sự có giá trị soi tỏ ý nghĩa văn bản được quy định tìm hiểu trong chương trình - ta gọi đó là sự bổ sung kiến thức.
Đương nhiên cách gọi bổ sung này chỉ mang ý nghĩa tương đối, vì đối với người này thì nó là sự bổ sung, thêm vào nhưng đối với người khác nó chỉ là sự nhớ lại, nhắc lại. Nhìn chung, với sự bổ sung vừa để cập; điều có ý nghĩa quan trọng là người dạy, người học nhìn ra được tiềm năng ý nghĩa vô hạn của tác phẩm, rồi chính nó là động cơ kích thích họ tiếp tục khám phá. Hành trình kiến tạo ý nghĩa là hành trình không có điểm dừng. Những cái vừa đạt được, đến lượt mình sẽ tạo nên những điểm xuất phát mới cho việc chiếm lĩnh các văn bản tiếp theo. Và những giờ dạy đọc hiểu văn bản được đánh giá cao thường là những giờ học đầy tính gợi mở - biết đánh thức bao mối liên hệ tiềm ẩn giữa văn bản và đời sống bao quanh nó. Vấn đề không phải là từ đó học sinh ghi nhớ được bao nhiêu mối liên hệ cụ thể xác định mà là học sinh ý thức được là: những mối liên hệ đó có hay không hoàn toàn tùy thuộc vào sự hoạt động tích cực của chính mình - chủ thể tiếp nhận, chủ thể của hoạt động học.
Như thế, vận dụng kỹ thuật liên văn bản liên văn bản vào dạy học đọc hiểu văn bản ở THPT sẽ góp phần làm giàu kiến thức văn học văn hóa đồng thời bồi bổ năng lực sáng tạo của học sinh.
1.3. Thực tế vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu vănbản văn học ở THPT hiện nay