hình sáng tác khác
Như đã đề cập trong phần Điều kiện để vận dụng có hiệu quả kĩ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở THPT, chúng ta không chỉ
thực hiện việc kết nối văn bản văn học với văn bản văn học mà còn cần phải kết nối chúng với những văn bản thuộc các loại hình sáng tác không thuộc phạm trù văn học như: hội họa, điện ảnh, âm nhạc..., những tri thức về lịch sử, địa lý, xã hội, dân tộc, tôn giáo... của hoạt động ngôn ngữ, của tập quán xã hội, của tinh thần dân tộc và thời đại.
Lâu nay, trong thực tế dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông, giáo viên đã thực hiện việc “kết nối” này bằng nhiều hình thức: từ giới thiệu những “tác phẩm” hiện diện trước mắt học sinh như các bức tranh, tấm ảnh, vật thật... hay qua các phương tiện khác từ radio cassete đến máy chiếu đa năng để giới thiệu các “văn bản” tác phẩm hội họa, âm nhạc, điện ảnh... tương hợp với văn bản đang được dạy học (và có thể kết hợp với hoạt động ngoài giờ học như tổ chức cho học sinh đến học tập ở các bảo tàng mỹ thuật, xem phim, xem các vở diễn sân khấu hay nghe các buổi ca nhạc...).
Ngày nay, văn hóa nghe nhìn với sự phát triển ồ ạt của nó đã lấn át văn hóa đọc ở học sinh. Giáo viên cần định hướng cho học sinh cách kết nối với các “văn bản ngoại tại” này trên cơ sở tận dụng tốt mọi cơ hội trong và ngoài giờ học.
Vấn đề cơ bản là dạy học “cách đọc hiểu văn bản”: “Con người đang sống trong thế giới của các hệ thống bất định, nơi các Trung tâm trượt đi trong mạng lưới chằng chịt của các văn bản”. Giữa một “rừng văn bản” hiện nay (chỉ nói riêng về văn bản của các loại hình nghệ thuật khác ngoài văn học) từ cổ đại đến đương đại, từ Việt Nam ra thế giới, từ tượng Venus ở Milo, đấu trường Coliseum ở La Mã, bức tranh La Joconde của Leonardo da Vinci đến lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc và Khuê văn các Việt Nam..., từ nhà thờ Đức Bà ở Paris, bức Mùa thu vàng của Levitan đến những bức tranh Đông Hồ, tranh Bùi Xuân Phái..., từ sonat Ánh trăng của Betoven đến các làn điệu ca trù, dân ca quan họ, đờn ca tài tử đến nhạc Trịnh, từ những vở kịch
của Shakespeare... đến những chuyển thể điện ảnh Mỹ trong xã hội hậu hiện đại..., từ những “văn bản” để đời, lưu danh hậu thế đến những tác phẩm “yểu mệnh”…, thật là khó cho chúng ta - giáo viên và học sinh - những người có vinh hạnh “đứng trên vai những người khổng lồ”! Đứng trên cao, chúng ta có thể nghe thấy “một tiếng kêu vang lạnh cả trời”, có thể “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”, song cũng dễ rớt xuống vực sâu hoang tưởng. Đừng để "vào rừng chẳng biết lối ra, thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm". Mà cái ranh giới ấy thật mong manh, mong manh... Điều cần lưu ý trong việc kết nối này là sự lựa chọn, biết “tinh tuyển” trong cái “thế giới văn bản ấy” những văn bản mang màu xanh của sự sống như cây đời mãi mãi xanh tươi.