Giáo sư Đặng Thai Mai đã từng kể về tiên ông Lã Động Tân (một trong Bát tiên bên Tàu) như thế này: Lã Động Tân có ngón tay kì diệu phi phàm có thể chỉ đá hóa vàng. Kết thúc khóa học, trước khi tiễn môn sinh hạ sơn hành đạo, ông bảo môn sinh mỗi người mang đến một hòn đá rồi trỏ ngón tay biến
hóa chúng thành những hòn vàng để tặng cho họ làm lộ phí “vào đời”. Duy có một học trò không mang một hòn đá nào đến mà chỉ đứng vòng tay và cất lời thỉnh cầu, xin sư phụ ban cho cái ngón tay “chỉ đá hóa vàng” kia...
Chúng tôi liên tưởng đến chuyện này trong dạy đọc hiểu văn bản văn học ở THPT hiện nay. Không ít giáo viên trong quá trình vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong giờ dạy học Ngữ văn - dù ở mức độ tự phát hay tự giác - đã biến học sinh thành người thụ động tiếp nhận tri thức, cả đến cảm xúc về văn bản được học từ người thầy của mình. Mặc dù phương châm “thầy chủ đạo, trò chủ động” và nguyên tắc tích hợp trong dạy học ở trường phổ thông đã lan tỏa vào môi trường học đường nhiều năm nay cùng với việc vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong dạy đọc hiểu văn bản văn học - song nó chưa thực sự nhuần thấm vào hoạt động dạy học của người thầy. Việc hợp tác hoạt động giữa giáo viên và học sinh còn rời rạc, lỏng lẻo - dù không còn phổ biến cảnh tượng “thầy đọc - trò ghi” như trước - song dường như còn không ít giáo viên chưa từ bỏ thói quen “độc quyền” trong vận dụng kỹ thuật liên văn bản ở các giờ dạy đọc hiểu văn bản văn học.
Thực ra thì chính luận đề “sự lên ngôi của người đọc” trong tiếp cận lý thuyết liên văn bản đã chỉ rõ sự cần thiết phải phá bỏ độc quyền vận dụng kỹ thuật liên văn bản của giáo viên trong giờ dạy học, bởi “người đọc” ở đây đương nhiên không chỉ là giáo viên mà còn là học sinh nữa.
Bây giờ, có lẽ còn ít giáo viên đã “đắc đạo” như Lã Động Tân và cũng thật là hy hữu những học sinh như “môn sinh đặc biệt” kia; nhưng rõ ràng là, với ý nghĩa cách tân của Lý thuyết liên văn bản - việc rèn tập, hình thành, nuôi dưỡng và phát huy năng lực vận dụng kỹ thuật liên văn bản cho học sinh trong giờ dạy học đọc hiểu văn bản văn học đã trở thành một việc không thể không làm và có thể làm đạt hiệu quả tốt.
Ở đây, trong việc chuẩn bị giáo án - kế hoạch dạy học trên lớp, giáo viên cần hình dung cho mình càng nhiều càng tốt việc kết nối các “văn bản” này đồng thời cần thiết hơn là dự kiến được những “kết nối” có thể có từ phía học sinh trên cơ sở hiểu được khả năng thực tế - cả tiềm năng nữa - của học sinh lớp mình phụ trách. Trong giờ lên lớp, người giáo viên có kinh nghiệm thường biết tiết chế sự triển hạn “vận dụng” của mình mà dành thời gian thích đáng để học sinh phát biểu, thực hành diễn ngôn, đối thoại... trong cộng đồng lớp học, được “truyền lửa” bởi sự kích hoạt, dẫn dắt của người thầy. Thực hành điều này, đòi hỏi giáo viên phải có đức “nhẫn”, tránh nôn nóng “quy hồi”, lại cần linh hoạt “liệu cơm gắp mắm” trên tinh thần thương yêu và tôn trọng học sinh. Thêm nữa cần bổ sung ở cuối giờ học - việc hướng dẫn, định hướng cho học sinh chuẩn bị ở nhà - mà trọng tâm là “vận dụng kỹ thuật liên văn bản” cho giờ học sắp tới.
Cũng cần phải nó thêm rằng, cái nguồn giúp học sinh từng bước chủ động tham gia vận dụng kỹ thuật liên văn bản trong giờ đọc hiểu văn bản ở THPT - xuất phát chính từ vốn “văn hóa đọc” của các em mà trong hiện trạng xã hội hiện nay, bởi nhiều lý do, nó đang lép vế, đang bị lấn sân so với văn hóa nghe - nhìn.
Chương 3