Hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản dưới luật tạo hành

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động xuất bản sách in ở Việt Nam (Trang 78)

7. Bố cục của luận văn

3.3.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản dưới luật tạo hành

lang thông thoáng cho hoạt động xuất bản phát triển

Những thành tựu và hạn chế trong hoạt động xuất bản sách in phụ thuộc rất lớn vào hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước. Hệ thống pháp luật đồng bộ, chính sách phát triển đúng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản sách phát triển mà còn huy động tốt nguồn lực xã hội vào hoạt động này. Vì vậy, cần:

Thứ nhất, thường xuyên rà soát và hệ thống hoá pháp luật xuất bản nhằm

sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc loại bỏ các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, trái pháp luật, có chồng chéo, mâu thuẫn để xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện, thống nhất, bảo đảm phục vụ hiệu quả cho hoạt động QLNN đối với lĩnh vực xuất bản. Việc này sẽ giúp cho cơ quan thi hành pháp luật có điều kiện nhanh chóng nắm bắt những quy định của Luật Xuất bản và các luật hiện hành có liên quan tới lĩnh vực xuất bản. Hơn nữa, việc rà soát và hệ thống hoá thường xuyên sẽ góp phần đáp ứng các yêu cầu, cam

kết mà Việt Nam tham gia trong hội nhập kinh tế quốc tế như xây dựng, hoàn thiện và minh bạch hệ thống pháp luật, tạo sự hài hòa, tương thích giữa pháp luật quốc gia với hệ thống thể chế quốc tế mà Việt Nam thừa nhận liên quan tới lĩnh vực xuất bản.

Việc rà soát và hệ thống hoá pháp luật xuất bản cần được tiến hành tại cơ quan QLNN về xuất bản và các cơ quan Nhà nước liên quan từ Trung ương tới địa phương.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện chế độ, chính sách, quy chế, mô hình hoạt

động cho các doanh nghiệp kinh doanh đặc thù; Sửa đổi cơ bản các chính sách về thuế, đặt hàng, trợ giá, trợ cước, lương, phụ cấp… đối với hoạt động xuất bản.

Hiện nay, XBP của NXB thực hiện Luật thuế, bao gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp 10 %; Thuế giá trị gia tăng 5% với sách và 10% đối với văn hoá phẩm, trừ các loại XBP thuộc diện đối tượng không chịu thuế. Nếu là doanh nghiệp và sự nghiệp, NXB phải tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động, tiền thu sử dụng đất, tiền thuê nhà áp dụng theo Luật nhà ở, Luật đất đai... Chỉ một số rất ít NXB là đơn vị sự nghiệp nên phải đảm bảo một phần kinh phí hoặc được Nhà nước đảm bảo 100% kinh phí nên không phải trả tiền sử dụng đất và tiền thuê nhà song bị trừ vào khấu hao tài sản hàng năm. Vì hoạt động xuất bản mang tính tư tưởng - văn hoá song vẫn phải đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị và đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, nên việc áp dụng các mức thuế như một đơn vị kinh doanh thuần tuý sẽ là khó khăn cho các NXB trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Vì vậy, nên có một số ưu đãi về chính sách cho các NXB như: được để lại thuế thu nhập doanh nghiệp phục vụ cho tái đầu tư phát triển; áp dụng thuế suất 0% cho một số loại sách theo quy định riêng; giảm thuế đất, tiền thuê nhà làm cửa hàng bán sách theo mức thu ở các đơn vị hành chính.

Thứ ba, xây dựng chính sách ưu tiên đặc biệt cho việc xuất bản, phát hành,

vận chuyển sách, XBP lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, hoạt động thông tin đối ngoại và cho một số loại sách cần truyền bá đặc biệt rộng rãi trong quần chúng.

Sách báo chính trị, văn hoá, nghệ thuật truyền thống dân tộc, sách báo khoa học kỹ thuật, sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, sách đối ngoại của Đảng và

Nhà nước là những loại sách, ấn phẩm quan trọng song lại ít có khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Vì vậy, dù không bao cấp hoàn toàn cho hoạt động xuất bản song Nhà nước cần ban hành chính sách ưu tiên đặc biệt như đặt hàng, trợ giá, chiết khấu, cước vận chuyển, nhuận bút… để các loại sách, XBP đó đến được với đa số bạn đọc nhất là bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa.

Thứ tư, xây dựng và ban hành quy chế quản lí và định hướng hoạt động cho

lực lượng phát hành sách tư nhân.

Đến nay, phát hành XBP tư nhân gồm trên 70 công ty trách nhiệm hữu hạn và khoảng trên 13.000 cửa hàng sách, đại lý sách, nhà sách tư nhân… Số lượng đơn vị tư nhân làm phát hành XBP tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Họ trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của thị trường sách tạo ra việc làm cho nhiều người lao động. Nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, liên kết với NXB để thực hiện nhiều đầu sách có giá trị. Nhiều doanh nghiệp tư nhân phát triển thành thương hiệu mạnh, mua được bản quyền nhiều đầu sách nước ngoài có giá trị để xuất bản trong nước. Do tính chất của hoạt động phát hành vốn là một hoạt động mang tính thương mại rõ nét và người làm phát hành thường có tư duy của cơ chế thị trường sớm hơn nên họ chủ động trong kinh doanh và tạo ra nhiều lợi nhuận. Trong những năm tiếp theo, số lượng đơn vị tư nhân tham gia phát hành XBP chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy, cần có quy chế quản lý và định hướng phát triển của Nhà nước đối với các doanh nghiệp tư nhân nhằm đảm bảo đưa sách đến mọi vùng miền nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa; mở rộng thị trường ra nước ngoài nhất là các thị trường truyền thống; xây dựng thị trường sách lành mạnh và tránh tình trạng núp bóng NXB làm “đầu nậu” để khống chế XBP vì mục tiêu lợi nhuận…

Thứ năm, triển khai đồng bộ kế hoạch xây dựng các văn bản hướng dẫn thi

hành Luật Xuất bản năm 2012, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với Luật Xuất bản; tuyên truyền hướng dẫn Luật Xuất bản cần được thực hiện trên phạm vi cả nước. Luật Xuất bản 2012 được đánh giá là có nhiều điểm mới so với Luật Xuất bản 2008. Vì vậy, không phải đơn vị, tổ chức, cá nhân nào cũng hiểu và thực hiện đúng theo Luật. Chưa kể, nhiều tổ chức, cá nhân còn tìm kiếm kẽ hở của

Luật và các văn bản vì mục tiêu lợi nhuận làm ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thị trường sách. Hơn nữa, đứng trước tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, xu hướng phát triển của thị trường xuất bản trong và ngoài nước, việc xem xét cập nhật, bổ sung Luật Xuất bản là cần thiết là nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.

Thứ sáu, xây dựng quy chế toàn diện, ổn định về quan hệ giữa xuất bản, phát

hành sách và hệ thống thư viện trong cả nước. Trong điều kiện hiện nay, thư viện vẫn được nhìn nhận là phương thức hiệu quả để đưa sách, XBP đến được với bạn đọc ở Trung ương và địa phương kể cả vùng sâu, vùng xa… Giá sách đắt đỏ là vấn đề nhức nhối của thị trường sách hiện này và phần nào ảnh hưởng đến công tác bổ sung sách của ngành thư viện trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, các NXB, đơn vị phát hành cần đẩy mạnh chương trình hỗ trợ sách cho các thư viện cơ sở. Việc ban hành chính sách, quy chế phù hợp với cả NXB và hệ thống thư viện sẽ góp phần đảm bảo thư viện thực sự là nơi tiếp nhận và phát huy tốt nhất kết quả hoạt động xuất bản nói chung và phát hành nói riêng.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động xuất bản sách in ở Việt Nam (Trang 78)