Ưu nhược điểm
Là phương pháp được lựa chọn hàng đầu trên thế giới và Việt Nam hiện nay, có thể nói không có phương pháp nào khác có thể cạnh trạnh được với phương pháp DCF về mặt lý luận. Các kết quả thu được từ mô hình tốt hơn nhiều so với mô hình chiết khấu cổ tức khi ước tính giá trị công ty trả cổ tức thấp hơn khả năng (cổ tức thấp hơn FCFE) trong trường hợp sử dụng phương pháp FCFE. Đối với các công ty có sử dụng đòn bẩy tài chính cao hay đang thay đổi đòn bẩy thì sử dụng mô hình FCFF để định giá là tốt nhất. Tuy có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp khác nhưng có cũng bộc lộ những hạn chế như sau:
Thứ nhất,Dự báo dòng tiền trong dài hạn từ 5 đến 10 năm thường không chắc chắn. Trong mô hình chiết khấu dòng tiền, yếu tố quan trọng nhất là công tác dự phóng dòng tiền, hay nói cách khác là ước đoán chuỗi các kế hoạch tạo ra dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp. Đến nay, DCF vẫn là một phương pháp có cơ sở chắc chắn nhất, cơ sở lý thuyết khá tuyệt vời và được nhiều nhà phân tích tài chính sử dụng. Tuy nhiên, để phương pháp này cho một kết quả hợp lý thì cần phải ước tính dòng tiền từ 5 đến 10 năm. Vấn đề kỹ thuật chiết khấu dòng tiền 5 đến 10 năm là rất đơn giản đối với người phân tích tài chính, vấn đề là ở mức độ tin cậy của dòng tiền ước tính. Một chuyên gia phân tích tài chính tài ba thì cũng chỉ có thể ước tính được dòng tiền hợp lý trong 3 năm trở lại mà thôi. Như vậy, quả thật đây là điều rắc rối thật sự cho mô hình này. Vấn đề này không thuộc về lý thuyết của mô hình, mà thuộc vào yếu tố đầu vào của mô hình. Một mô hình cho dù được xây dựng trên nền tảng lý thuyết vững chắc, nhưng sự không hợp lý của yếu tố đầu vào cũng làm cho mô hình cho kết quả không chấp nhận được.
Thứ hai, ứng dụng mô hình CAPM để xác định tỷ suất sinh lời vốn chủ. Một thành
phần khác không kém phần quan trọng trong mô hình DCF là xác định tỷ suất sinh lời trên vốn re. Theo một tài liệu nội bộ của Pricewaterhouses-Coopers, có đến 65% chuyên gia phân tích tài chính sử dụng mô hình CAPM để xác định tham số re. Và đây chính là sự khởi đầu cho những điều không hợp lý. CAPM được xây dựng dựa trên nhiều giả định trong đó có hai giả định quan trọng là thị trường hoàn toàn thanh khoản và doanh nghiệp đã đa dạng hóa được danh mục đầu tư. Đây là hai giả định không phù hợp với thị trường Việt Nam trong nhiều trường hợp. Ở đây, chỉ trình bày hai trường hợp tiêu biểu của thị trường Việt Nam. Một là, khi định giá các công ty chưa niêm yết. Hai là, khi định giá các công ty vốn tư nhân có quy mô nhỏ.
Các công ty vừa và nhỏ không niêm yết (hoặc chưa niêm yết) có cổ phiếu kém tính thanh khoản. Thực tế trên thị trường Việt Nam đã chứng minh cho vấn đề này, các cổ phiểu của các công ty cổ phần vừa và nhỏ chưa niêm yết rất khó giao dịch, nếu có giao dịch được thì cũng mất nhiều thời gian và chi phí nhưng mức giá cũng
không chắc chắn. Điều này trái ngược với giả thuyết của mô hình CAPM, thị trường hoàn toàn thanh khoản.
Một giả định khác của mô hình là giả định rằng các nhà đầu tư đều đã đa dạng hóa đầu tư, xem như họ đều đang nắm giữ các danh mục đầu tư đã được đa dạng hóa hoàn toàn. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vốn thấp, họ đã dồn toàn bộ năng lực tài chính vào chính công ty của họ, và không còn khả năng đa dạng hóa đầu tư để giảm thiểu rủi ro, người chủ doanh nghiệp nhận hết rủi ro của doanh nghiệp. Mô hình định giá tài sản vốn, do dựa trên giả định rằng các nhà đầu tư đã đa dạng hóa đầu tư, nên không thể hiện được rủi ro do thiếu đa dạng hóa đầu tư của các doanh nghiệp này.
Thứ ba, mục đích của M&A là để hoặc là thâm nhập vào một thị trường mới, hoặc
cung cấp những sản phẩm mới, hoặc có được những công nghệ mới, hoặc mở rộng thị phần… hoặc tất cả các mục đích trên. Hay nói cách khác, nó mang lại cho doanh nghiệp những khả năng tăng trưởng. Và như vậy chúng có thể được ví như là một quyền chọn mà trong đó, nó cho doanh nghiệp cái quyền, nhưng không phải món nợ, để theo đuổi chúng. Thực tế là các khả năng này sẽ được giữ nguyên ở dạng tiềm ẩn cho đến khi ban quản trị công ty thực hiện những quyết định có ý thức. Như chúng ta đã biết, với những giả định của mô hình định giá DCF truyền thống, chúng có thể thất bại vì không xác định được giá trị của những cơ hội không chắc chắn như thế, cái mà cần phải sử dụng mô hình định giá quyền chọn. Như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng, giá trị hiện tại của doanh nghiệp gồm hai phần, phần lớn là giá trị dự đoán của dòng tiền tương lai và phần còn lại là giá trị của những cơ hội tăng trưởng doanh nghiệp trong điều kiện không chắc chắn.
Thứ tư, đối với phương pháp FCFF, phương pháp này bị giới hạn trong trường hợp
doanh nghiệp đang trong giai đoạn tái cơ cấu, vì việc ước tính các dòng tiền dự kiến sẽ khó khăn và tác động đến yếu tố rủi ro của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, không thể tính được các thông số rủi ro danh nghiệp để từ đó tính tỷ suất chiết khấu vì không có chứng khoán giao dịch trên thị trường.
Điều kiện áp dụng phương pháp DCF
Một phương pháp, mô hình định giá tốt không có nghĩa là có thể áp dụng trong tất cả trường hợp, phương pháp DCF cũng vậy. Những điều kiện để áp dụng phương pháp DCF như sau:
Thứ nhất, chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp đã phát triển ổn định trên 5 năm.
Các số liệu báo cáo tài chính là đáng tin cậy và chi tiết đủ để thực hiện phân tích.
Thứ hai, cần phải thực hiện nghiên cứu thị trường, nghiên cứu thị phần của doanh
nghiệp định giá một cách đúng đắn trước khi thực hiện công việc dự phóng dòng tiền, tốc độ tăng trưởng…
Thứ ba, đối với phương pháp FCFE tăng trưởng ổn định, mô hình này phù hợp nhất
đối với các công ty có tỷ lệ tăng trưởng bằng hay thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa. Tuy nhiên tỷ lệ tăng trưởng được sử dụng trong mô hình phải phù hợp, phải nằm trong mối tương quan với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa.
Thứ tư, đối với phương pháp FCFF, phương pháp này áp dụng trong trường hợp các
tài sản của doanh nghiệp là hữu dụng, các tài sản không hữu dụng cần được xem xét, đánh giá riêng bằng phương pháp khác. Sử dụng mô hình FCFF để định giá các công ty có đòn bẩy tài chính cao hay đang thay đổi đòn bẩy tài chính là tốt nhất.