Giải pháp đối với doanh nghiệp

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Hoàn thiện chính sách xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam (Trang 105)

- Tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế

3.2.7. Giải pháp đối với doanh nghiệp

Để có thể tận dụng được những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả cần có những biện pháp cụ thể như sau:

- Các doanh nghiệp cần căn cứ vào thông tin của thị trường và khả năng sản xuất của mình, kết hợp với sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế với người sản xuất nguyên liệu thông qua việc lý kết các hợp đồng sản xuất và cung cấp sản phẩm như: hợp đồng dài hạn, hợp đồng chính vụ và trái vụ… để đảm bảo được nguồn

nguyên liệu cung cấp ổn định về giá cả và số lượng, vừa đảm bảo cho người sản xuất có thị trường tiêu thụ ổn định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên hỗ trợ cho người sản xuất nguyên liệu đế phát triển sản xuất bằng cách như: đầu tư ứng trước vốn chi phí đảm bảo bao tiêu sản phẩm, nắm chắc nguồn nguyên liệu ngay từ đầu; Mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân sản xuất, giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, xử lý giống, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, cung cấp những giống rau quả có chất lượng, năng suất cao… nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng được những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường.

- Xuất phát từ thực trạng sản xuất rau quả ở nước ta hiện nay ở tình trạng phân tán, manh mún, chưa hình thành các vùng chuyên canh lớn nên các doanh nghiệp cần phải coi trọng các cơ sở chế biến quy mô nhỏ và vừa tại chỗ, phù hợp với nguồn nguyên liệu hiện có và tận dụng được những chế phẩm tại chỗ sau chế biến, ở những nơi đã hình thành vùng chuyên canh, có nhiều sản phẩm hàng hóa cần bố trí đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến gần vùng nguyên liệu, điều đó sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển, sử dụng tốt công suất máy móc thiết bị, hạ giá thành sản phẩm.

- Các doanh nghiệp cần đầu tư kinh phí, công nghệ, nhân lực vào nghiên cứu thị trường thu thập thông tin thị trường thông qua báo chí trong nước và nước ngoài, tài liệu, tạp chí thương mại quốc tế, internet. Mặt khác, các doanh nghiệp nên thường xuyên tổ chức các đoàn đi công tác, tham quan, khảo sát, tham gia hội thảo, hội chợ để học tập kinh nghiệm của nước ngoài, giới thiệu sản phẩm và khảo sát thị trường nước ngoài nhiều tiềm năng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có quan hệ mật thiết với các cơ quan quản lý nhà nước để nắm bắt các thông tin hữu ích cho công tác nghiên cứu

thị trường của mình. Cần xây dựng chiến lược thị trường và chiến lược sản phẩm cho các mặt hàng rau quả xuất khẩu, coi trọng các thị trường truyền thống (Trung Quốc, Đông Âu, thị trường Đông Bắc Á, thị trường ASEAN…), đồng thời mở rộng thị trường sang Mỹ, thị trường Tây Âu và các thị trường khác, chú trọng thị trường lớn nhưng không bỏ qua thị trường nhỏ.

- Các doanh nghiệp cần tranh thủ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xúc tiến thương mại để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện 4 chương trình xúc tiến thương mại đã được Chính phủ phê duyệt cho ngành rau quả: Xây dựng website, tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, tham gia hội chợ triển lãm, tổ chức các lớp tập huấn xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực kinh doanh và xúc tiến thương mại qua mạng internet. Các doanh nghiệp nên thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến việc ký kết hợp đồng và tổ chức tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, quảng cáo hình ảnh của doanh nghiệp đối với khách hàng nước ngoài.

KẾT LUẬN

Vốn là một nước nông nghiệp với xuất phát điểm thấp, trình độ nhận thức của người nông dân còn có nhiều hạn chế, tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã ăn sâu vào tập quán sản xuất của người nông dân Việt Nam. Vì vậy, để có thể có được một nền nông nghiệp hiện đại hướng đến sản xuất hàng hóa xuất khẩu, Nhà nước cần phải đưa ra những chính sách phù hợp hỗ trợ, giúp đỡ những người nông dân trực tiếp sản xuất cũng như những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu rau quả. Với những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đối với mặt hàng rau quả của thị trường trong nước và thị trường quốc tế, việc phải có chính sách phát triển cụ thể hướng đến một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững là rất cần thiết.

Thông qua việc phân tích, đánh giá một cách toàn diện thực trạng các chính sách hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu mặt hàng rau quả trong những năm qua, có thể thấy bên cạnh những kết quả đã đạt được thì cũng còn những hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Có thể rút ra một số kết luận như sau:

- Kế thừa quan niệm về chính sách của các tác giả trong và ngoài nước, vận dụng vào lĩnh vực xuất khẩu rau quả, luận văn đã đưa ra khái niệm chính sách xuất khẩu rau quả. Khái niệm này được sử dụng trong toàn bộ nghiên cứu của luận văn.

- Vai trò, đặc điểm của chính sách xuất khẩu rau quả được phân tích trong luận văn cho phép có cách nhìn nhận đầy đủ và cụ thể hơn về chính sách xuất khẩu rau quả.

- Tác động tích cực của chính sách xuất khẩu rau quả Việt Nam tới sản xuất và xuất khẩu rau quả thể hiện ở thành tích nổi bật của xuất khẩu rau quả Việt Nam trong những năm qua, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng ở tốp đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng rau quả.

- Luận văn cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế của chính sách xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam thời gian qua như: thiếu một chính sách phát triển rau quả xuất khẩu dài hạn; chưa định hướng mạnh sản xuất và xuất khẩu rau quả vào phát triển chất lượng mà vẫn thiên về phát triển số lượng; thiếu sự phối hợp đồng bộ, thống nhất, sự gắn kết các chính sách ở tầm vĩ mô và vi mô trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả; chưa có chính sách xuất khẩu rau quả chủ động trong điều kiện thị trường thế giới có nhiều biến động; chất lượng quy hoạch sản xuất rau quả xuất khẩu chưa cao; …

- Một số giải pháp chung nhằm khắc phục những hạn chế chung của chính sách xuất khẩu rau quả và cũng là điều kiện bảo đảm cho những giải pháp hoàn thiện các chính sách cụ thể đã được đề xuất đạt được những mục tiêu đề ra có hiệu quả đã được luận văn nêu ra.

Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, song do trình độ nghiên cứu còn hạn chế nên luận văn khó tránh khỏi những thiếu sót. Học viên rất mong nhận được các ý kiến chỉ dẫn, đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng bảo vệ luận văn, của các chuyên gia và đồng nghiệp.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Hoàn thiện chính sách xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam (Trang 105)