Chính sách vượt rào cản kỹ thuật

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Hoàn thiện chính sách xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam (Trang 97)

- Tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế

3.2.4. Chính sách vượt rào cản kỹ thuật

3.2.4.1. Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh theo hướng bền vững.

Để khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, các vùng chuyên canh không ổn định dẫn đến những biến động về năng suất và chất lượng sản phẩm rau quả cần phải hình thành những vùng chuyên canh bền vững với những quy hoạch cụ thể mang tầm chiến lược. Để có thể làm được điều này, cần phải có những biện pháp cụ thể như:

- Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh rộng lớn.

- Bộ NNPTNT tiến hành triển khai quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất rau quả một cách chi tiết theo hướng tận dụng những ưu thế về điều kiện tự nhiên của từng vùng, đặc biệt là với những loại rau quả chủ lực của Việt Nam. Tập trung sản xuất các loại rau quả ở ĐNB, ĐBSCL, ĐBSH và khu vực Lâm Đồng. Đây là những khu vực có điều kiện rất thuận lợi để hình thành những vùng chuyên canh lớn sản xuất phục vụ cho xuất khẩu. Ví dụ như miền Bắc với 2 vụ lúa, 1 vụ đông là một vụ thuận lợi để trồng rau cận ôn đới với các chủng loại rau củ quả, chi phí vừa không cao, sâu bệnh ít và tiêu tốn ít nguồn tài nguyên mà giá trị lại rất cao. Với 4 mùa khí hâu rõ rệt, miền Bắc có điều kiện vô cùng thuận lợi cho trồng rau.

- Đẩy mạnh việc đưa KHCN tiên tiến vào phục vụ sản xuất tại các vùng chuyên canh giúp nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng của các sản phẩm rau quả tại đây.

- Xây dựng cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân. Hỗ trợ và khuyến khích nông dân góp giá trị đất để tham gia cổ phần vào các doanh nghiệp sản xuất - tiêu thụ, gắn kết lợi ích của doanh

nghiệp với người nông dân. Cụ thể hóa và ưu tiên lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách đã được ban hành: Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về áp dụng GAP trong sản xuất; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn; Nghị định 210/2013/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Hoạt động gắn kết lợi ích giữa người nông dân và doanh nghiệp sẽ giúp tạo nên những vùng chuyên canh bền vững. Một khi lợi ích được gắn kết với nhau, người nông dân sẽ chủ động sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và doanh nghiệp cũng sẽ có trách nhiệm đảm bảo làm sao để nguồn nguyên liệu của mình luôn ổn định, phục vụ cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

3.2.4.2. Gắn hoạt động nghiên cứu nông nghiệp với thực tiễn sản xuất.

Để các công trình nghiên cứu có được hiệu quả thực tiễn cao nhất, cũng như có thể khắc phục được tình trạng thiếu kinh phí do Ngân sách dùng cho hoạt động nghiên cứu hạn hẹp, trong thời gian tới cần áp dụng nhiều hơn nữa việc nghiên cứu theo đơn đặt hàng. Có nghĩa là các Viện nghiên cứu sẽ tập trung nghiên cứu các giống cây trồng mới, các quy trình canh tác, xử lý và chế biến theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Khi áp dụng được cơ chế này, các công trình nghiên cứu sau khi hoàn thành sẽ có một giá trị thực tiễn rất cao, tránh được hiện tượng công trình nghiên cứu xong “cất ngăn kéo” gây lãng phí trong hoạt động nghiên cứu.

Việc đặt hàng nghiên cứu này không hề mới, nó được Bộ KHCN đưa ra từ năm 2011 nhưng vì thiếu cơ sở pháp lý nên việc thực hiện hoạt động này chưa thực sự hiệu quả. Luật KHCN 2013 với việc xác định rõ cơ chế đặt hàng và trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành, tổ chức khi đặt ra nhiệm vụ KHCN cũng như trách nhiệm của nhà khoa học khi nhận đặt hàng sẽ góp

phần giải quyết không ít vướng mắc hiện nay. Theo cơ chế này, bên đặt hàng phải bảo đảm mọi cam kết của mình với bên nhận đặt hàng như cung cấp phương tiện, kinh phí đầy đủ kịp thời để bên nhận đặt hàng thực hiện. Bên nhận đặt hàng phải bàn giao kết quả đúng quy định.

Tuy nhiên, để cơ chế này đạt hiệu quả cao, việc đặt hàng chỉ nên thực hiện đối với các nhiệm vụ nghiên cứu có tính khả thi cao, khả năng thành công lớn, đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của thực tiễn sản xuất và phù hợp với từng địa phương. Đơn cử như triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, lựa chọn giống mới hay nghiên cứu quy trình sản xuất.

Một điều nữa là hiện nay, các doanh nghiệp thường ít quan tâm tới đặt hàng nghiên cứu khoa học bởi đối với doanh nghiệp thì tiêu chí quan trọng là giá thành, chất lượng và hiệu quả trong khi đó việc nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài thường rẻ hơn, nhanh hơn đặt hàng nghiên cứu công nghệ trong nước. Hơn nữa, với tâm lý sính ngoại, các doanh nghiệp thường sẽ chọn công nghệ nước ngoài thay vì công nghệ trong nước. Chính vì lẽ đó, cần phải có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng mua công nghệ trong nước.

3.2.4.3. Tăng cường khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nâng cao bảo quản sau thu hoạch và chế biến sản phẩm đến với các doanh nghiệp và nông dân.

Để người nông dân và các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước cần phải thực hiện những biện pháp sau:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với doanh nghiệp và người nông dân về những hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong hoạt động bảo quản và chế biến sản phẩm. Chỉ rõ cho các đối tượng biết rằng, Nhà nước sẽ hỗ trợ về nguồn vốn

cũng như các thủ tục giúp cho các doanh nghiệp có thể đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động chế biến và bảo quản các sản phẩm rau quả. Cụ thể như việc cho vay với lãi suất thấp trong thời gian dài, thủ tục thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào phát triển KHCN nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm rau quả xuất khẩu.

- Một điểm nữa để chính sách hỗ trợ này có thể đến được với người dân và doanh nghiệp đó là cần đơn giản hóa điều kiện hỗ trợ, giảm bớt những điều kiện quá khắt khe hoặc khó thực hiện như việc yêu cầu phải mua dây chuyền máy móc sản xuất trong nước phục vụ cho hoạt động bảo quản sản phẩm. Đây là một yêu cầu khó, bởi các công cụ như vậy trong nước hiện chưa thể đáp ứng được yêu cầu đối với công tác bảo quản rau quả.

- Cần phải cải thiện các quy định về thủ tục hành chính để có thể đến với ưu đãi của Nhà nước theo hướng tinh giản, gọn nhẹ. Giúp doanh nghiệp và người dân không tốn quá nhiều thời gian và công sức để tiếp cận với những chính sách hỗ trợ đó.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Hoàn thiện chính sách xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam (Trang 97)