Chính sách vượt rào cản kỹ thuật cho rau quả xuất khẩu

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Hoàn thiện chính sách xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam (Trang 29)

Trong thương mại quốc tế: Rào cản kỹ thuật là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu và/hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó (còn được gọi chung là các biện pháp kỹ thuật - biện pháp TBT)

Hệ thống rào cản kỹ thuật gồm có: các tiêu chuẩn về chất lượng; tiêu chuẩn về an toàn cho người sử dụng; tiêu chuẩn về lao động và trách nhiệm xã hội; quy định về môi trường; hệ thống thực hành sản xuất tốt.

Chính sách vượt rào cản kỹ thuật là một chuỗi các hoạt động, các phương pháp giúp cho sản phẩm hoặc quy trình sản xuất của doanh nghiệp trở nên phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật của thị trường đích.

Để vượt rào cản kỹ thuật có một số chính sách như:

Nhà nước sẽ đưa ra những biện pháp nhằm tận dụng lợi thế của từng vùng để hình thành những vùng sản xuất lớn, chuyên canh phục vụ cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao năng suất sản lượng.

Việc nghiên cứu tiềm năng của từng khu vực, dựa vào đó xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh rộng lớn sẽ giúp cho việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất được dễ dàng hơn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phát triển.

- Chính sách phát triển giống cây trồng và kỹ thuật trồng trọt.

Nhà nước sẽ tổ chức nghiên cứu tìm ra các giống cây trồng mới, có năng suất, chất lượng cao. Thêm vào đó là áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất nâng cao kỹ thuật canh tác của người nông dân để giúp cho các sản phẩm có thể đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu.

Các viện nghiên cứu sẽ tiến hành phát triển các giống cây trồng mới, các giống này có thể được nhập khẩu từ nước ngoài, có thể được phát triển từ những giống sẵn có tại quốc gia cũng có thể là những giống được hình thành nhờ vào kết quả nghiên cứu lai tạo của các nhà khoa học tuy nhiên tất cả đều phải đảm bảo tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm, đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Việc nghiên cứu, xây dựng những quy trình sản xuất công nghệ cao đảm bảo được những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và VSATTP cũng sẽ đóng góp không nhỏ vào khả năng vượt qua các rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu.

- Chính sách nâng cao kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch và chế biến sản phẩm.

Rau quả là một mặt hàng đặc biệt, rất dễ hư hỏng và giảm chất lượng sau thu hoạch nếu không được bảo quản đúng cách. Nhà nước sẽ hỗ trợ việc

đầu tư các công nghệ tiên tiến giúp bảo quản và chế biến rau quả nhằm tránh hư hỏng, tổn thất và nâng cao chất lượng của sản phẩm rau quả xuất khẩu.

Có rất nhiều các biện pháp hỗ trợ giúp cho người sản xuất có thể tiếp cận với các công nghệ bảo quản tiên tiến như: hỗ trợ vốn tín dụng để mua sắm công nghệ, Nhà nước nhận chuyển giao công nghệ từ quốc gia khác rồi phổ biến cho doanh nghiệp, nông dân …

Việc nâng cao chất lượng bảo quản và chế biến đối với các sản phẩm rau quả sẽ giúp cho tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch đối với các sản phẩm rau quả giảm đi, tăng năng suất và chất lượng đối với rau quả xuất khẩu, có thể đảm bảo chất lượng để đến với những thị trường xuất khẩu xa mà không lo hư tổn. Điều này sẽ giúp cho thị trường xuất khẩu rau quả ngày càng được mở rộng và phát triển.

Sau khi triển khai chính sách, căn cứ vào những kết quả đạt được như: năng suất, sản lượng thay đổi như thế nào; sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có thể xuất vào những thị trường nào, không thể xuất khẩu vào những thị trường nào; tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tiến triển ra sao … từ đó đánh giá những thành tựu đạt được và những điểm tồn tại, hạn chế của chính sách nhằm có những thay đổi phù hợp để hoàn thiện chính sách.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Hoàn thiện chính sách xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam (Trang 29)