Chính sách đầu tư KHCN

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Hoàn thiện chính sách xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam (Trang 100)

- Tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế

3.2.5. Chính sách đầu tư KHCN

3.2.5.1. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cho hoạt động nghiên cứu KHCN phục vụ cho sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm rau quả.

Hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nghiên cứu KHCN của Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu công nghệ trong nông nghiệp. Trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu dẫn đến các kết quả nghiên cứu bị hạn chế. Chính vì lẽ đó, việc đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực rau quả là một điều hết sức bức thiết trong thời điểm hiện nay, nó sẽ giúp cho các viện nghiên cứu cho ra những công trình đạt hiệu quả cao hơn.

Trong thời gian tới, Bộ KHCN cần chủ động đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động nghiên cứu KHCN. Nhà nước sẽ hỗ trợ về thuế suất, ưu đãi về chi phí chuyển giao công nghệ, ngoài ra sẽ có những cơ chế hỗ trợ khác để giúp cho các cơ sở nghiên cứu KHCN của Bộ cũng như của các Viện nghiên cứu có được những điều kiện cơ sở vật chất tốt phục vụ cho công tác chuyên môn.

3.2.5.2. Thu hút nguồn lực tham gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KHCN.

Hiện nay, lực lượng tham gia vào hoạt động nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp nói chung và ngành rau quả nói riêng còn rất ít, thiếu cả về chất lẫn về lượng. Chính vì lẽ đó, trong thời gian tới đây, cần phải thu hút nhiều hơn nữa những nhà khoa học giỏi phục vụ cho hoạt động nghiên cứu KHCN rau quả.

Để thu hút nhân tài phục vụ cho hoạt động nghiên cứu KHCN trong ngành rau quả cần phải có những ưu đãi, hỗ trợ tạo động lực như trang bị cơ sở vật chất hiện đại, chính sách đãi ngộ thỏa đáng ...

Một điểm nữa là nguồn kinh phí dùng cho hoạt động nghiên cứu KHCN trong ngành rau quả còn rất hạn chế, chính vì vậy, những năm tới đây cần phải đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động phát triển KHCN trong sản xuất và xuất khẩu rau quả, khuyến khích mọi thành phần tham gia đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu rau quả sẽ giúp khắc phục tình trạng thiếu vốn đầu tư trong hoạt động KHCN.

3.2.5.3. Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

Trong thời gian tới, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về mọi mặt, giúp cho họ có thể tiếp cận được với những tiến bộ về KHCN trên thế giới. Để có thể làm được điều đó, Nhà nước cần phải tiến hành những việc sau:

- Nhà nước sẽ tiến hành hỗ trợ về thủ tục pháp lý để các bên có thể tiến hành chuyển giao thuận lợi. Hoạt động hỗ trợ sẽ dựa trên sự phối hợp giữa “4 nhà”: doanh nghiệp, tổ chức KHCN, cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư.

- Hoạt động hỗ trợ trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ có thể được tiến hành thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ các công nghệ tiên tiến, hiện đại; tuyên truyền, quảng bá những thành tựu KHCN tiên tiến trên thế giới đến với doanh nghiệp và người dân; Nhà nước có thể mua những công nghệ hiện đại rồi chuyển giao lại cho doanh nghiệp và người dân …

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Hoàn thiện chính sách xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam (Trang 100)