- Tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế
3.2.6. Chính sách vốn, tín dụng
Để có thể hoàn thiện chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu rau quả nhằm đạt được mục tiêu phát triển xuất khẩu rau quả cần phải có những giải pháp đồng bộ, hỗ trợ cho các loại đối tượng, các trường hợp cụ thể. Để có thể hoàn thiện chính sách vốn, tín dụng hỗ trợ xuất khẩu rau quả theo những mục tiêu đó ta có thể thực hiện theo một số giải pháp cụ thể như sau:
3.2.6.1. Đa dạng hóa nguồn cung ứng vốn cho vay tới người nông dân và các doanh nghiệp.
Việc đa dạng hóa nguồn cung ứng vốn giúp cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu rau quả có nhiều sự lựa chọn, nhiều điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn, không bị bó hẹp bởi số ít những nguồn cung ứng vốn.
Thay vì chỉ cho vay thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Nhà nước cần phải tăng thêm các nguồn cung ứng vốn thông qua các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ hỗ trợ phát triển …
Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần tạo liên kết với các tổ chức đoàn thể như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên để có thể giúp đưa nguồn vốn đến với người nông dân được tốt hơn thông qua hình thức cho vay tín chấp bởi các ngân hàng không thể bao quát hết từng địa bàn, các nhân viên ngân hàng cũng không đủ sức để có thể tiếp xúc với toàn bộ những người có nhu cầu sử dụng vốn tại địa phương.
Với việc đa dạng hóa nguồn cung ứng sẽ tạo điều kiện giúp việc tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp được dễ dàng có thể nắm bắt được những cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh tốt hơn. Ngoài việc đa dạng hóa nguồn cung ứng vốn, các ngân hàng còn cần phải quan tâm đa dạng hóa các hình thức, đối tượng cho vay để mở rộng số lượng khách hàng.
3.2.6.2. Ưu đãi về lãi suất và tăng thời hạn cho vay đối với các hộ dân có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất rau quả xuất khẩu.
Để khuyến khích các hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra những quy định về mức lãi suất ưu đãi thấp hơn những lĩnh vực khác từ 3-4%/năm. Đây sẽ là mức trần lãi suất được áp dụng đối với hoạt động cho vay sản xuất rau quả xuất khẩu, căn cứ vào đó, các Ngân hàng thương mại, các quỹ hỗ trợ phát triển sẽ đưa ra những mức lãi suất phù hợp đối với khách hàng của mình. Thời hạn cho vay đối với những hộ chuyển đổi sang sản xuất rau quả phục vụ cho xuất khẩu có thể sẽ là 10 -
15 năm với mức hỗ trợ lãi suất 100% trong 2 năm đầu tiên, 50% trong 3 năm tiếp theo.
Việc đưa ra cơ chế lãi suất phù hợp trong một thời gian dài sẽ giúp cho người nông dân an tâm đầu tư sản xuất. Khuyến khích việc sản xuất rau quả với quy mô lớn, áp dụng những ứng dụng KHCN tiên tiến vào trong quá trình sản xuất góp phần nâng cao diện tích, sản lượng rau quả và tăng chất lượng của mặt hàng rau quả xuất khẩu.
3.2.6.3. Ưu đãi về lãi suất đối với hoạt động mua sắm dây chuyền công nghệ hiện đại phục vụ cho sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm rau quả.
Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành mức trần lãi suất đối với các hoạt động mua sắm, chuyển giao công nghệ hiện đại của các doanh nghiệp sản xuất nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến rau quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm rau quả xuất khẩu. Mức lãi suất có thể là 4- 6%/năm, hỗ trợ 100% lãi suất trong năm đầu tiên, 50% trong 2 năm tiếp theo.
Các ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người nông dân vay mức tối đa để mua các loại máy, thiết bị quy định theo danh mục chủng loại máy, thiết bị sản xuất trong nước, nhập khẩu do Bộ NNPTNT công bố bằng 100% giá trị hàng hóa. Đối với các khoản vay thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất, mức cho vay tối đa là 70% giá trị của dự án. Về thời hạn cho vay, đối với các khoản vay thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất rau quả: Thời hạn cho
vay là các khoản cho vay dài hạn, trung hạn do Ngân hàng cho vay và khách hàng thỏa thuận, phù hợp với khả năng thu hồi vốn của dự án.
3.2.6.4. Đơn giản hóa các điều kiện và thủ tục cho vay.
Cụ thể, các quy định về điều kiện và thủ tục cho vay vốn đối với các hộ nông dân và doanh nghiệp sẽ được giảm thiểu tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được với nguồn vốn của Nhà nước. Các điều kiện yêu cầu quá khắt khe như quy định về tài sản thế chấp, về vốn chủ sở hữu, … cần được xem xét gỡ bỏ. Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn có tính thời sự. Bởi lẽ, những thủ tục rườm rà cùng yêu cầu thế chấp tài sản khi vay vốn ngân hàng hiện vẫn là rào cản lớn hạn chế nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức.
Mặt khác, cần tích cực tổ chức tuyên truyền về các chính sách tín dụng hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu rau quả đến với những đối tượng đang cần vay vốn để sản xuất kinh doanh. Tránh tình trạng người cần vay vốn không biết đến những chính sách ưu đãi mình có thể được hưởng.