1.3.2.1.Tự học ở trên lớp của sinh viên
Tổ chức tự học trên lớp cho SV là quá trình GV lựa chọn, sắp xếp các biện pháp dạy học nhằm hướng dẫn, điều khiển SV tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động nhận thức, hoạt động thực hành, hoạt động giao tiếp, hoạt động kiểm tra, đánh giá, nhằm đạt kết quả tối ưu mục đích và nhiệm vụ môn học đề ra. Đây là quá trình người GV sử dụng hệ thống các biện pháp, phương tiện, môi trường học tập, các mối quan
hệ trong quá trình giảng dạy ở trên lớp, nhằm phát huy cao độ tính tích cực, độc lập, tự giác, phát huy năng lực tự học của SV; GV phải tăng cường rèn luyện các kỹ năng thực hành, kỹ năng nghề nghiệp cho SV thông qua các bài tập tình huống; GV phải giúp SV chuyển dần từ phương pháp học tập sang phương pháp tự học, tự nghiên cứu, chuyển dần từ các phương pháp dạy học truyền thống sang các phương pháp dạy học tích cực như: Nêu vấn đề, làm việc nhóm, tổ chức thảo luận...
Tổ chức hoạt động trên lớp cho SV có ý nghĩa to lớn, nó giúp cho người học ý thức được mục đích, ý nghĩa của môn học, nắm được yêu cầu của từng loại bài học, chương học, phần học, trên cơ sở đó giúp họ hình thành được những kỹ năng, kỹ xảo, những phẩm chất cần thiết phục vụ cho nghề nghiệp tương lai. Đồng thời, việc tổ chức tự học trên lớp còn có vai trò định hướng cho hoạt động tự học ngoài giờ lên lớp của SV.
1.3.2.2.Tự học ngoài giờ lên lớp của sinh viên
Tổ chức tự học ngoài giờ lên lớp cho SV là quá trình GV tiến hành thiết kế, sắp xếp các biện pháp dạy học, nhằm sử dụng hay áp dụng các yếu tố, nguồn lực giúp SV tự lập kế hoạch bài học, hình thành kỹ năng tự học, rèn luyện ý chí tự học, phát triển mức cao nhất tính tích cực, độc lập trong quá trình tự học, tự nghiên cứu khoa học để thực hiện có hiệu quả mục đích và nhiệm vụ giáo dục đề ra.
Tự học ngoài giờ lên lớp là sự chuẩn bị hoặc tiếp tục một cách lôgíc cho hình thức tự học ở trên lớp của SV. Theo GS.TS. Nguyễn Cảnh Toàn, việc tổ chức tự học này “phải được tiến hành trên bốn mặt: nhận thức, cảm xúc, động cơ và siêu nhận thức, nói gọn hơn là về ba mặt: tâm lý, tư duy và kiến thức. Các mặt trên không đứng riêng rẽ, cô lập mà xuất hiện đồng thời, tác động lẫn nhau trong suốt quá trình học tập” [39]. Trong tổ chức tự học ngoài giờ lên lớp cho SV, GV cần tập trung vào bốn vấn đề chính đó là: tổ chức cho SV lập kế hoạch tự học; hướng dẫn SV kém tự mình lấp chỗ hổng kiến thức và SV khá, giỏi đọc thêm tài liệu tham khảo; hướng dẫn SV nắm chắc khái niệm mới và đi sâu nghiên cứu nội dung tài liệu. Theo đó, việc tự học của SV phải được tiến hành bằng một số hoạt động cụ thể như: Tự mình xây dựng và giải các bài tập thực hành môn Tâm lí học, SV tự mình củng cố và đào sâu kiến thức qua việc học ở trên thư viện, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua làm các bài thu hoạch, bài tiểu luận bộ môn...
Theo chúng tôi tự học ngoài giờ lên lớp có các hình thức sau:
* Tự học ở nhà: Là hình thức tự học chuẩn bị hay tiếp tục của tự học trên lớp. Chuẩn bị tự học trên lớp, SV phải đọc trước và nghiên cứu sơ bộ nội dung bài học trong giáo trình, xác định mục tiêu bài học, nội dung nào cần tập trung, nội dung nào cần ghi đầy đủ, nội dung nào cần ghi tóm tắt, các hoạt động tương ứng cho mỗi phần kiến thức. Để làm được điều đó, SV cần xem lại bài cũ để tiếp thu bài mới tốt hơn; nghiên cứu trước nội dung bài mới; đánh dấu những chỗ khó để khi nghe giảng sẽ tập trung nhiều hơn vào phần đó và có thể hỏi thêm GV.
Sau giờ học ở lớp, SV phải có thời gian tự học ở nhà để củng cố, hệ thống hóa, đào sâu và mở rộng những tri thức đã lĩnh hội trên lớp để hoàn thiện kiến thức, kĩ năng và kĩ xảo. Từ đó hình thành thái độ và tình cảm nghề nghiệp tích cực, có ý thức trách nhiệm đối với công việc và đối với cộng đồng.
Tự học ở nhà của SV khác với tự học ở trên lớp vì nó đòi hỏi bản thân SV phải tự mình tổ chức tự học tập một cách độc lập, tự giác, không có sự dìu dắt, hướng dẫn trực tiếp của GV.
Tự học ở nhà của SV là bộ phận không thể thiếu trong quá trình tự học nói riêng và quá trình học tập nói chung.
Muốn SV tự học ở nhà đạt hiệu quả, GV phải là người tổ chức, hướng dẫn cách thức cho các em tự học độc lập. Tổ chức tự học cho SV bắt đầu từ việc hướng dẫn SV lập kế hoạch tự học cho đến việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của chính các em.
* Tự học ở thư viện
Thư viện là nơi lưu giữ những tinh hoa trí tuệ của nhân loại kết tinh lại trong các tài liệu, sách, giáo trình, công trình nghiên cứu…đê các thế hệ kế tiếp sau kế thừa và phát huy nguồn tri thức vốn có, đồng thời phát triển chúng để tìm ra cái mới đáp ứng yêu cầu thời đại đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của nhân loại.
Học ở thư viện là học với tài liệu, không có thầy bên cạnh. Học ở thư viện đòi hỏi SV phải cố gắng động não, huy động kiến thức, kĩ năng kinh nghiệm tra cứu tài liệu, để khai thác thông tin nhằm giải quyết được vấn đề. Như vậy, tự học ở thư
viện có thể mất nhiều thời gian cho một vấn đề hơn so với tự học trên lớp nhưng bù lại SV phải động não và quen dần tác phong làm việc độc lập với sách, đó là năng lực cần thiết cho mọi SV để có thể học suốt đời.
*Tự học với bạn bè
Đây là hình thức tự học thông qua các câu lạc bộ, hội, nhóm, ngoại khóa,… của SV. Ngoài việc lĩnh hội kiến thức trên lớp và tự học ở nhà của bản thân, SV cần phải tham gia học với bạn bè để cùng hỗ trợ, động viên nhau vượt qua những khó khăn. Bên cạnh đó, những kiến thức mà cá nhân SV đã tiếp nhận nhưng còn mơ hồ hay chưa hiểu thì sẽ có cơ hội để làm sáng tỏ. Thông qua ý kiến trao đổi với bạn bè, SV khách quan hóa kiến thức của mình và từ đó áp dụng vào thực tiễn.