+ GV chia nhóm học tập gồm khoảng 5 người/nhóm cho một lớp 25 SV, tổng cộng 5 nhóm/lớp.
+ GV thực hiện giảng dạy và đưa ra những “tình huống có vấn đề” phù hợp với mục tiêu bài học, môn học.
+ GV giao nhiệm vụ cho từng nhóm để SV mỗi nhóm cùng nhau giải quyết. GV khuyến khích và động viên SV tích cực hợp tác cùng nhau để giải quyết nhiệm vụ. SV các nhóm có thể tham khảo ý kiến của nhau để nguồn thông tin thêm đa dạng và việc giải quyết tình huống khách quan hơn.
+ GV tổ chức, hỗ trợ và kiểm soát công việc thảo luận của SV, tạo điều kiện cho SV chia sẻ, trao đổi, thảo luận để thống nhất ý kiến. SV tranh thủ sự giúp đỡ của GV đề làm việc tích cực, sáng tạo và hiệu quả.
+ GV tổ chức cho nhóm trình bày sản phẩm thảo luận trước lớp. SV cử đại diện trình bày vấn đề với sự hỗ trợ bổ sung của nhóm.
+ GV tổng kết và đánh giá kết quả làm việc của nhóm. Sau đó thống nhất và khái quát hóa tri thức của bài học.
- Điều kiện thực hiện biện pháp
+ Vấn đề đưa ra phải phù hợp với chủ đề, mục tiêu bài học, môn học. Trong quá trình là việc GV phải chú trọng phần quản lý để giúp SV không đi chệch mục tiêu, đồng thời tăng cường tính tích cực hợp tác trong SV.
+ Cả GV và SV phải có sự chuẩn bị trước vấn đề để phần làm việc diễn ra được nhanh chóng, không mất nhiều thời gian và đạt hiệu quả.
+ GV phải là nhà chuyên môn sâu, có năng lực tổ chức nhóm tốt và có khả năng hỗ trợ SV trong mọi tình huống. Bên cạnh NL chuyên môn đòi hỏi GV phải là nhà phân tích tâm lý tài ba, đồng thời phải biết rõ năng lực của SV.
+ GV phải cung cấp nguồn tài liệu phong phú cho SV và tạo điều kiện cho SV phát huy đến mức cao nhất khả năng của mình để hợp tác với các thành viên khác trong nhóm.
+ GV cần có tổng kết khéo léo, chính xác và thiết thực để SV có cảm giác được động viên nhưng cũng có động lực để nỗ lực hơn nữa trong học tập.
* GV tổ chức cho SV tạo thông tin phản hồi
- Cơ sở đề xuất
Biện pháp này được đề xuất trên cơ sở tương tác giữa người dạy và người học, trên cơ sở đó người học sẽ cho ý kiến phản hồi đến người dạy để người dạy hiểu rõ trình độ của người học, mức độ tiếp thu kiến thức của người học, đồng thời có những điều chỉnh cần thiết, kịp thời từ phía người dạy.
- Nội dung biện pháp
Phản hồi là một quá trình mà ở đó, kiến thức, kỹ năng của những lần thực hiện trước được thể hiện ra, dẫn đến sự điều chỉnh và cải thiện việc thực hiện trong tương lai.
Phản hồi có thể từ chính GV, SV đối với GV, SV đối với SV hoặc chính bản thân SV tiến hành. Phản hồi có thể diễn ra bất cứ thời điểm nào trong suốt quá trình lên lớp.
Phản hồi là sự phản ánh ngược những cái làm được và những cái chưa làm được. Như vậy, phản hồi điễn ra theo hai hướng:
+ Phản hồi theo chiều hướng tích cực cho thông tin người học đã thực hiện tốt việc học tập, cần phát huy và bồi dưỡng hơn nữa để tiến bộ cao lên.
+ Phản hồi theo chiều hướng tiêu cực cho thông tin người học học tập chưa tốt hoặc chưa đạt hiệu quả như mong muốn, vì thế GV phải có hướng điều chỉnh cách tác động để hiệu quả học tập xảy ra.