Thế giới thiên nhiên

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 75)

Xuyên suốt trong các truyện ngắn của Haruki Murakami là thiên nhiên bao bọc lấy con người, làm cho con người có thể phơi trải lòng mình. Thiên nhiên hiện ra làm say đắm lòng người, nuôi dưỡng tâm hồn của các nhân vật. Cỏ cây, hoa lá, không khí trong lành…là không gian để các nhân vật của ông gửi gắm tâm sự và cảm nhận được sự ấm áp.

Thế giới thiên nhiên đa khung cảnh, đa màu sắc. Một nền nhạc Jazz, Rock trộn lẫn nét đẹp thiên nhiên đưa con người phiêu du lãng quên thực tại cô đơn, buồn tẻ: “Bãi cát rộng mênh mông, những đợt sóng trắng bạc êm đềm mơn trớn không ngừng. Hầu như hoàn toàn lặng gió. Chẳng nhìn thấy gì trên đường chân trời cả. Chỉ có mùi nồng mặn của biển. Mặt trời nóng gay gắt” [6, tr.85]. Thiên nhiên có lúc dịu dàng, có lúc nóng gắt. Đó cũng là một dấu hiệu thức tỉnh cảm giác con người trước thế giới thực tại. Thiên nhiên thẩm thấu vào thân thể của nhân vật “tôi”: “Mang giày như thế mà nằm trên giường, ngắm trần phong một hồi, tôi lại cảm thấy mùi biển. Còn đậm đà rõ ràng hơn trước nữa. Gió mặn bay trên mặt biển, đám rong biển bị sóng bỏ quên trong bóng khuất của các tảng đá, bờ cát ẩm…Tất cả những thứ ấy trộn chung trong mùi biển nồng mặn. Biển tháng Năm làm một nữa thân thể con người như trở thành trong suốt” [4, tr.100]. “Nhưng biển chỉ biến mất một giờ sau, để lại những ánh nắng của những ngày đầu hạ chiếu xuống mặt đất. Thay không gian biển là những cánh đồng hoang bao la lót xi măng, trên đó vài chục dãy bin dựng đứng lên như những bia mộ, nối tiếp nhau đến tận chân trời” [4, tr.105]. Biển đẹp bao nhiêu thì những ngôi nhà cao tầng kia lại gây cảm giác tẻ nhạt bấy nhiêu.

Thế giới tự nhiên và nhân tạo qua lăng kính mô tả của nhà văn thật tuyệt vời: “Hai đường ray này chạy song nhau một đỗi, nhưng đến đây lại cắt xéo nhau thành đỉnh nhọn 30 độ. Cứ như là xâu xé nhau mà phân cách hai miền Nam Bắc. Đứng ở đấy mà nhìn thì cũng là một quanh cảnh tráng tuyệt” [4, tr.138]. Khung cảnh an ủi lòng người nhưng tiếng ồn do nó mang lại thì vô cùng kinh khủng. Không gian thiên nhiên trôi nhè nhẹ theo dòng hồi ức của các nhân vật: “Bờ biển cách nhà tôi khoảng 200 m, có một con đập chắn sóng cao ngang tôi vào thuở ấy” [16, tr.73]. “Tôi ngồi xuống con đê và nhìn ra con đường chân trời như thể tôi đang lang thang trên một bờ biển tinh khôi và trải rộng” [16,

tr.74]. Thiên nhiên nuôi dưỡng tuổi thơ, đồng thời tác động mạnh đến những sự kiện, tình huống có liên quan đến nhân vật. Với người thứ bảy, biển là nơi vui thú của tuổi thơ, nhưng nó cũng cướp đi người bạn thân nhất của anh: “Ngọn sóng thần cao hơn cả tòa nhà ba tầng (hầu như nó không gây một tiếng động nào, hay ít ra trong kí ức của tôi, nó không vang lên một âm thanh nào hết, đó là một ngọn sóng vô thanh). Nó dâng cao như che lấp cả bầu trời xanh phía sau lưng K” [16, tr.76].

Ngòi bút siêu thực của Murakami di chuyển linh hoạt. Thiên nhiên rùng rợn hay hiền dịu đều làm nên những xúc cảm cho con người: “Gió gào càng lúc càng mạnh, không khí càng lúc càng ẩm ướt. Tôi sởn gai ốc và không tập trung vào bất cứ cái gì…Tôi biết thật là kì quặc khi diễn tả như thế, nhưng đó là cảm giác thực của tôi vào lúc ấy” [16, tr.165]. Và cũng chính nó đưa con người đối diện, nhận thức được bản ngã đích thực của mình.

Cô đơn, buồn chán, con người muốn được sống trong một thế giới với những khung cảnh trữ tình của ban mai giữa rừng vắng. Hay là chờ được một ngày đẹp trời để làm việc mà mình đã dự tính. Khám phá thiên nhiên, mở ra một chân trời mới, đồng thời thiên nhiên có sức mạnh thanh lọc tâm hồn của con người: “Trời hè, mà lại những ngày hè tuyệt đẹp đến mê tơi. Trên nền trời xanh có những cụm mây trắng lơ lửng như những hoài niệm cũ” [5, tr.114]. “Không khí mát mẻ. Không phải là cái máy điều hòa của không khí, mà là cái mát do không khí lay động. Như có gió lọt vào từ đâu đó, và thoát từ đâu đó” [5, tr.125]. “Thoáng chốc, ánh nắng rực rỡ choáng mắt và gió nam mát rượi chan hòa tràn vào trong phòng” [5, tr.126]. Ánh nắng của thiên nhiên xóa tan “không khí hầm nóng tù hãm” [5, 126]. Thiên nhiên làm dịu nhẹ bầu không khí căng thẳng, nỗi buồn, cô đơn của con người.

Trong Ngày đẹp trời để xem kangaroo, chúng ta nhìn ngắm kangaroo hay

chúng ta là kangaroo. Điều này không thể biết. Con người và thiên nhiên soi rọi và phản chiếu lẫn nhau. Thiên nhiên như chiếc gương soi vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn của con người, ngược lại từ đôi mắt – tấm gương đầy bí ẩn của con người, hình ảnh thiên nhiên được trình chiếu thật sinh động: “Rồi thì mắt nàng như mặt trăng trắng lặng và khêu gợi mờ nhạt đi khi một con chim kêu lẻ loi lúc bình minh. Mỗi lúc chàng nhìn vào đôi mắt nàng như thế, chàng chẳng nói gì với nàng nữa. Chàng không cảm thấy giận dữ và phiền muộn gì” [16, tr.48]. Thiên nhiên khúc xạ qua nhiều lăng kính khác nhau. Con người sống cô

đơn giữa một không gian mà thiên nhiên như bị bóng đêm bao trùm. Đó có thể là bóng đêm của kí ức, bóng đêm của thực tại.

KẾT LUẬN

Truyện ngắn là một thể loại tự sự cỡ nhỏ, nhưng nội dung của truyện bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi. Truyện ngắn cổ xưa rút đề tài từ những vấn đề siêu nhiên và tự nhiên, lãng mạn và hiện thực, quái dị và bình thường. Nó khắc hoạ cái bình thường lẫn không bình thường. Khác với nó, truyện ngắn hiện đại là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời mới, nắm bắt đời sống rất riêng. Nhân vật trong truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Do dung lượng nhỏ, nắm bắt những nét cơ bản nhất của cuộc sống, truyện ngắn có khả năng chuyển tải những vấn đề của thời đại, con người một cách chính xác nhạy bén.

Murakami Haruki sử dụng thể loại truyện ngắn để triển khai những khía cạnh mới mẻ, linh hoạt trong quan niệm về con người, thời đại và văn hóa Nhật Bản hiện đại. Ông đã khẳng định tài năng của mình ngay trong tác phẩm đầu tiên. Sự nghiệp sáng tạo văn chương của ông tiếp diễn theo thăng trầm của cuộc sống. Nghĩa là ông quan tâm đến hiện thực cuộc sống, với những điều tưởng chừng như không ai quan tâm đến. Truyện ngắn của ông là một sự sáng tạo tìm tòi đổi mới cả phương diện nội dung và hình thức biểu hiện. Những biến động phức tạp của đời sống kinh tế, sự ảnh hưởng của các trào lưu văn học Phương Tây, đang gây xáo trộn trong cuộc sống của con người Nhật Bản hiện nay. Sống trong một xã hội đầy đủ tiện nghi nhưng họ cảm giác bất an, thiếu thốn về mặt tinh thần. Kết hợp giữa dấu ấn văn hóa Phương Tây và Phương Đông, trong mỗi tác phẩm của Murakami là một bức tranh đời sống của con người Nhật Bản hiện đại. Họ được tác giả quan tâm với những vẻ đẹp khác nhau. Đằng sau con người bình thường ấy ẩn chứa một tâm hồn đa cảm nhưng rất đẹp. Các tác phẩm của nhà văn cung cấp cho bạn đọc những điều mới lạ, là việc cảm thụ cái đẹp của thời đại soi chiếu qua cái ảo. Truyện ngắn của Murakami đan xen các yếu tố thực và ảo. Và nó góp phần làm phong phú văn xuôi Nhật Bản hiện đại, không chỉ ở thể loại tiểu thuyết mà còn ở thể loại truyện ngắn.

Những kết cấu mãnh vỡ của xã hội và con người được nhà văn tìm thấy giữa một thế giới siêu thực. Nơi đó con người bỏ quên thời gian, không gian vô định, nơi các thần thoại và huyền thoại được làm mới, nơi niềm tin và hạnh phúc

trong đời sống thực của con người không còn. Haruki Murakami thích đọc tiểu thuyết, nghe âm nhạc cổ điển châu Âu, tiểu thuyết trinh thám, hình sự Mỹ và rất mê các loại văn hóa đại chúng như phim ảnh Hollywood, nhạc Jazz…Vì thế, trong truyện ngắn của ông luôn tràn ngập các hình ảnh, biểu tượng của văn hóa đại chúng cũng như ông luôn sử dụng thủ pháp, lối kể chuyện, cách sử dụng các tình huống hấp dẫn và lôi cuốn của các thể loại trinh thám, hình sự. Ngoài ra, nhà văn còn dùng nhiều giọng điệu kể khác nhau: triết lý, hài hước, tưng tửng…, kết hợp ngôn từ đại chúng, ngôn ngữ địa phương hoàn hảo và sinh động. Thông qua các yếu tố siêu thực, nhà văn mở ra một thế giới khác cho nhân vật. Ở đó họ khám phá bản thể của mình. Những ai từng bế tắc trong cuộc sống, cô đơn, hoài nghi tất cả mọi vật xung quanh, ai đã từng yêu mê say đắm văn chương của Murakami chắc hẳn sẽ không quên được những gì mà nhà văn thể hiện trong những truyện ngắn này. Qua mỗi nhân vật ai trong chúng ta cũng tìm thấy một chút của mình trong đó.

Qua năm tập truyện ngắn Đom đóm, Ngày đẹp trời để xem kangaroo, Sau

cơn động đất, Bóng ma ở Lexington, Người Ti-Vi, độc giả thấy được tài năng

của Haruki Murakami. Ông không chỉ trở thành siêu sao trong làng tiểu thuyết mà ngay cả trong thể loại truyện ngắn, tên tuổi của ông cũng được khẳng định. Tất cả như một bản kí sự ghi chép lại những gì xảy ra trong xã hội Nhật Bản hiện đại. Nghệ thuật truyện ngắn của ông lặn sâu trong từng câu chữ, được ẩn dấu trong xây dựng tính cách nhân vật – với thế giới ngoại hình và nội tâm đa màu. Kết hợp những yếu tố trên tác phẩm của ông tạo được ấn tượng mạnh mẽ, có sức lôi cuốn, thu hút tính tò mò của giới bạn đọc.

Trên chặng dường dài cống hiến cho nghệ thuật, làm việc không mệt mỏi, luôn tìm tòi sáng tạo, Haruki Murakami đã góp phần làm rạng danh cho văn học nhân loại bằng những tác phẩm bất hủ. Kết hợp điêu luyện tư tưởng nhân đạo sâu sắc với bút pháp hiện đại, vì thế văn chương của ông đã lập nên một thị trường hâm mộ khắp thế giới. Còn việc ông có là một nhà văn đoạt giả Nobel văn chương hay không, điều đó thời gian sẽ chứng minh. Bởi không có giải thưởng cao quý ấy, văn chương của ông cũng được công nhận là cao quý rồi.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w