Không gian thực và ảo

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 31)

Truyện ngắn Haruki Murakami đậm đặc tính siêu thực, huyền ảo. Tuy nhiên, câu chuyện không phải xảy ra ở một thế giới cung trăng hay một thiên đường địa ngục nào khác, mà nó xảy ra ngay trong chính đời sống thường ngày.

Bằng lối viết và lối tạo dựng khung cảnh tân kỳ, sử dụng nhiều yếu tố mới lạ, truyện ngắn của Murakami đã thực sự lôi cuốn độc giả. Ranh giới giữa thực và ảo nằm lẩn khuất ở trong từng trang sách.

Không gian ảo, siêu thực là đặc trưng cơ bản trong truyện ngắn Murakami. Và là nơi tính biểu tượng của tác phẩm được thể hiện rất rõ. Có những không gian ảo hoàn toàn, có những không gian nửa thực nửa ảo. Tiếp xúc truyện ngắn của ông, bạn đọc sẽ như lạc vào một thế giới với nhiều điều kỳ ảo, mà trước tiên phải nói đến những không gian vừa như thực, vừa như hư xen lẫn nhau. Qua không gian siêu thực ấy cuộc sống của các nhân vật sinh động muôn màu, đa tâm hồn.

Cuộc sống luôn tồn tại không gian hư ảo và không ai trong chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được nó, như một cái gì đó nằm sâu thẳm trong tiềm thức của mỗi con người. Thế giới ấy có thực trong tưởng tượng để rồi tan biến trong khoảnh khắc, chỉ còn đọng lại trong cái nhìn của độc giả. Không gian thực và ảo lẫn lộn trong truyện ngắn Murakami thường được thể hiện qua những giấc mơ, cái giếng, căn hầm… Ở đó nhân vật đối diện với ảo để hiểu thực. Tồn tại trong một thế giới của mình mà như lạc vào thế giới của người khác. Cảm giác thực - ảo đã xoá nhoà ranh giới mơ tưởng và hiện thực. Cư xá là nơi mà nhân vật “tôi” trong Đom đóm theo học và ở trọ, được mô tả rất thực, thực đến nỗi cứ theo chỉ dẫn trong sách ta có thể thấy được quang cảnh cư xá ấy như thế nào. Nhưng khi nhắc đến việc cư xá được vận hành bởi một pháp nhân tài chính thì ngay lập tức cái thực biến mất: “Bề mặt là như thế, nhưng sau lưng thì như thông lệ, cứ mờ mờ ảo ảo, không ai nắm chắc là được như thế nào” [7, tr.18 - 19]. Thực và ảo hỗ tương nhau, làm cho con người cảm nhận cuộc sống ở hai chiều.

Sống trong khung cảnh tĩnh lặng, con người như mất dần cảm giác với cuộc sống, sự cách ly về khoảng cách, không gian và thời gian. Con người bước vào không gian siêu thực để tìm cảm xúc về với thế giới thực tại. Trong truyện ngắn Haruki Murakami, nhân vật được tác giả đưa vào không gian huyền ảo để quên đi cái thực tại, nhưng có lúc ông lại đưa nhân vật bước vào không gian ấy để đối diện với thực tại, với mục đích làm rõ nỗi cô đơn đang ẩn sâu trong tâm hồn mỗi nhân vật. Trong truyện ngắn Chuyện quái đản trong thư viện, Murakami đã vẽ nên những đường nét không gian kỳ ảo, huyền bí. Tồn tại ngay giữa trung tâm thành phố, trong một thư viện có một căn hầm với những con đường đi lại như một mê cung: “Một hành lang quái dị, bước một hồi thì rẽ ra

hai ngã trái phải. Ông già rẽ phải. Ngay sau đó, cứ như là trong ổ kiến, hai bên hành lang hiện ra vô số những hẻm nhỏ…Tôi bước đi mà chẳng biết mình đã đi vào hẻm thứ mấy nữa. Đi một hồi lại đến một chỗ nhiều hẻm khác. Rồi lại đến ngã rẽ. Đầu óc tôi rối loạn hoàn toàn rồi. Dưới hầm thư viện mà lại có thứ mê cung rộng lớn đến mức như thế này chắc chắn là chuyện xuẩn ngốc quá rồi” [4, tr.184]. Không gian ảo nhưng lại tạo cho độc giả cảm giác như đang bước đi qua các ngã rẽ thực của hành lang.

Trong truyện ngắn của Haruki Murakami, sự di động không gian giữa thực và ảo rất linh hoạt. Người Cừu đi lại giữa hai lớp không gian thực và ảo. Không gian hiện thực của người cừu đang sống có công viên, có nhà thờ, có ngôi nhà của vị giáo sư cừu: “Đó là một căn nhà gạch cũ kĩ và những đám cây bụi xung quanh được cắt trở thành hình những chú cừu” [16, tr.197]. “Và họ ngồi bên nhau trên những chiếc ghế đá công viên, cùng nhai bánh rán” [16, tr.197]. Thông qua một cái hố đường kính hai mét và chiều sâu hai trăm lẻ ba căn - ti -mét, nhà văn Murakami đã dẫn dắt ta đi đến không gian huyền ảo. Sâu bên dưới cái hố là một thế giới rộng lớn. Nơi đó là “một vùng quang đãng, trống trải và rộng rãi. Những cây cao đến mức như thể Người Cừu mới thấy lần đầu vây bọc xung quanh nơi quang đãng này. Từng đám mây trắng dày lơ lửng trôi trên nền trời, và Người Cừu có thể nghe tiếng chim” [16, tr.204]. Lạc vào thế giới kỳ ảo ấy, Người Cừu gặp những con người kỳ lạ về tính cách và ngoại hình: “Người Cừu thấy hai cô gái sinh đôi đứng đó: một cô mặc chiếc áo sơ mi có dán số 208 và cô kia là số 209” [16, tr.205], gặp phu nhân của ngài mòng biển… Tất cả là một giấc mơ để nhân vật bớt cô đơn. Không gian thực tại quay trở về ngay sau khi tỉnh giấc mơ: “Ngoài cửa, tuyết đã rơi. Trên các cành cây, trên những hộp thư, trên những cây cột trào, tuyết trắng chất cao” [16, tr.215]. Khi gặp được những con người kỳ dị ấy, Người Cừu đã có khoảng thời gian rất hạnh phúc. Nhưng giờ họ đã hoàn toàn biến mất, nước mắt tuôn trào từ đôi mắt của Người Cừu: “Mình sẽ chẳng bao giờ có thể gặp ai trong số bọn họ nữa rồi” [16, tr.216]. Không gian li kì mang tính cổ tích. Từ một lời đề nghị sáng tác bản nhạc đêm Giáng Sinh, Người Cừu tập trung sáng tác bản nhạc nhưng không sao viết được, lý do vì một lời nguyền. Hành động đào một cái hố sâu để hoá giải lời nguyền đã đưa Người Cừu đến một không gian huyền ảo. Ở đó Người Cừu gặp được những nhân vật chỉ có trong cổ tích. Nhưng nơi đó cũng là không gian hoá giải nỗi cô đơn của Người Cừu.

Mang màu sắc kỳ ảo, liêu trai, truyện ngắn của Murakami đã thu hút độc giả trên thế giới với số lượng lớn. Không gian ảo mà thực, thực mà ảo. Cái trừu tượng đầy mơ hồ ấy chính là một thủ pháp nghệ thuật của Murakami. Không gian có thể xuất hiện trong mộng tưởng, cũng có khi không gian tồn tại trong đời thực nhưng bản chất của nó vốn mơ hồ. Không gian ảo giúp con người thoát khỏi thực tại, đồng thời rời xa cuộc sống thực là để chiêm nghiệm bản thân. Từ thực đến ảo là một ranh giới vốn rất xa nhưng qua ngòi bút và tài nghệ biến hoá của Murakami mà ranh giới ấy thu ngắn, đan xen vào nhau, xây dựng một niềm tin vào tương lai tươi đẹp.

Qua những câu chuyện nửa thực nửa ảo trong năm tập truyện ngắn của Murakami, người đọc như lạc vào một thiên đường. Nơi đó thực và ảo của thời gian và không gian đan xen hoà vào với nhau. Kết hợp cả thời gian và không gian nghệ thuật, Murakami đã vẽ nên một bức tranh cuộc sống muôn màu tượng trưng cho sức sống của người Nhật.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 31)