Điểm nhìn người trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 48 - 49)

3.1.1.1.Vài nét về điểm nhìn người trần thuật

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, điểm nhìn trần thuật là “vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể không có nghệ thuật nếu như không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện sự chú ý, quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn trong nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với đời sống. Sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu từ sự đổi thay của điểm nhìn” [10, tr.113].

Điểm nhìn nghệ thuật có thể phân chia thành điểm nhìn của không gian, thời gian. Từ điểm nhìn của mình, người kể chuyện đóng vai trò người dẫn truyện để dẫn dắt người đọc từ sự kiện, nhân vật, hành động này đến sự kiện, nhân vật, hành động khác. Người kể chuyện còn tạo nên không gian của cả những câu chuyện khá điển hình hoàn toàn biệt lập với tác phẩm bên ngoài cùng những tình huống bi kịch cao độ nhằm để nhân vật bộ lộ hết bản chất và cá tính, bộc lộ hết giá trị đạo đức tinh thần của mình. Chính trong những không gian, tình huống đó, người kể chuyện sẽ cho bạn đọc thấy được cuộc sống nội tâm vô cùng phong phú và sinh động của cả những con người rất đỗi bình thường trong cuộc sống hàng ngày.

Điểm nhìn của người trần thuật có khi thể hiện ở những đoạn miêu tả khung cảnh thiên nhiên. Qua đó, người kể chuyện muốn dẫn dắt người đọc hiểu rõ tính cách, cuộc sống nội tâm cũng như sự tác động của hoàn cảnh đối với đời sống con người. Với mỗi điểm nhìn của nhân vật, người kể chuyện khám phá thêm sắc màu của cuộc sống nội tâm của con người. Qua dòng ý thức, độc thoại nội tâm của nhân vật làm rõ “con người bên trong” của nó và theo dõi sự biến hóa khôn lường của cảm xúc, suy nghĩ dựa vào các quy luật tâm lý như liên tưởng, tưởng tượng…Người kể chuyện không còn miêu tả, quan sát bên ngoài

thuần túy mà đi từ ngoại cảnh đến tâm hồn, từ tâm hồn đến ngoại cảnh nhằm móc nối các sự kiện một cách tự nhiên và logic, hợp lý.

Trong quá trình kể chuyện, người kể chuyện trao điểm nhìn cho nhân vật để tạo tính sinh động, hấp dẫn cho câu chuyện. Tác giả để nhân vật tự nói lên tiếng nói của mình. Đi vào điểm nhìn của nhân vật, thời gian có thể quay ngược lại quá khứ thông qua hồi tưởng, kí ức của nhân vật hay hướng đến tương lai trong thế giới tưởng tượng của nhân vật đó.

Trong tác phẩm văn học, mọi sự biểu hiện, miêu tả đều đi từ phía tác giả mà ra. Song để có hình tượng nghệ thuật, tác giả thường tạo ra những kẻ môi giới đứng ra kể chuyện, quan sát, miêu tả. Người kể chuyện có khi kể bằng cái nhìn của mình nhưng để đi sâu vào con người tâm trạng, khám phá thế giới nội tâm bên trong của con người thì buộc người kể chuyện phải thông qua điểm nhìn nhân vật. Vì vậy việc gắn kết điểm nhìn với vấn đề người kể chuyện là vô cùng cần thiết để khám phá sâu quan điểm, cách nhìn, cách nghĩ của tác giả trong vai trò người kể chuyện dưới bất kì hình thức hóa thân nào.

Để tạo nên một tác phẩm cần rất nhiều yếu tố như lựa chọn đề tài, nghệ thuật tổ chức cốt truyện và xây dựng nhân vật, những vấn đề về thể loại và tổ chức lời văn nghệ thuật…, bao hàm cả việc lựa chọn ngôi trần thuật, điểm nhìn trần thuật. Tất cả để làm nỗi bật lên sự cảm nhận riêng độc đáo của nhà văn về thế giới và con người. Nghệ thuật trần thuật ngày càng đa dạng theo chiều hướng hiện đại “sự đa dạng không chỉ trong bút pháp, mà sự đa dạng ở cấp độ bao trùm là phương pháp” [14, tr.347].

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 48 - 49)