Không gian thiên nhiên

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 29)

Không gian trong văn học chính là không gian tâm hồn con người, những sân trường, mái ngói, con đường nhỏ…tượng trưng không gian thân thuộc. Ngọn suối, núi vắng…tượng trưng không gian ẩn dật vắng vẻ. Chân trời góc bể tượng trưng sự xa cách, chốn tha hương lạnh lẽo. Đó là không gian đậm màu quan niệm và lý tưởng, khác xa với không gian thực tại đời thường.

Truyện ngắn của Haruki Murakami xuất hiện nhiều tầng không gian về thiên nhiên. Không gian thiên nhiên bao bọc lấy con người, làm cho họ phơi trải lòng mình. Mở đầu tác phẩm Đom đóm ta bắt gặp một không gian thiên nhiên nhè nhẹ trôi dạt trong miền kí ức của chàng sinh viên. Xung quanh cư xá có một tầm nhìn thoáng đẹp: “Khuôn viên rộng rãi, có tường xi măng cao bao quanh. Bước qua cổng thì ngay chính diện là một cây cử to tướng, xoè cành lá bao sân. Tuổi cây đâu chừng 750 năm, có khi còn xưa hơn thế nữa. Đứng ở gốc cây nhìn lên không thấy nổi khoảng trời bị che khuất bởi đám lá cành chi chít” [7, tr.17]. Thiên nhiên thi vị khiến tâm hồn con người bay bổng thăng hoa. Gió mát trăng thanh tạo dựng khung cảnh lãng mạn cho những đôi trai gái trẻ đang hẹn hò nhau: “Tôi cùng nàng rời vũ trường, bước dọc theo bờ sông. Đến một con dốc thoai thoải, khắp trong không khí có mùi hương vị ngọt ngào của loài hoa trắng nở về đêm” [7, tr.112]. “Lên hết con dốc là một cánh đồng cỏ bao la. Chung quanh bao bọc bằng những rừng tùng, cánh đồng trông như một hồ nước tĩnh lặng. Cỏ mềm cắt đều đến ngang hông, theo gió đêm thổi qua mà xao động như múa lượn. Đó đây, những cánh hoa lấp lánh ánh trăng, ló lên mời gọi côn trùng. Tôi ôm vai nàng bước vào giữa đồng cỏ rồi không nói một lời nào, dìu nàng nằm lên cỏ” [7, tr.113]. Không gian như tĩnh lặng đang chứng kiến những điều tuyệt đẹp của tình yêu.

“Nhắm mắt lại thì ngửi thấy mùi của gió. Luồng gió tháng Năm phồng lên như một thứ trái cây” [7, tr.118]. Không khí chạm vào da thịt con người để lại

như một kỷ niệm. Khung cảnh thiên nhiên quá đẹp làm cho con người có cảm giác nó chỉ là ảo giác: “Vẻ như thực ấy thật là sống động mãnh liệt, nhưng tôi biết đấy là ảo giác” [7, tr.129]. “Bên ngoài khung cửa sổ, vườn cỏ rộng thênh thang. Đây đó có những vòi xoay vòng phun nước thành tiếng, tung toé những ánh trắng lên thảm cỏ xanh… Khỏi đám sân quần vợt là một dãy những cây cử, qua những cành cây nhìn thấy biển. Những đợt sóng nhỏ loang loáng phản chiều rực rỡ ánh mặt trời đầu mùa hạ” [7, tr.129]. Thiên nhiên thơ mộng kết hợp hài hoà khung cảnh nhân tạo vẽ nên bức tranh muôn màu cho cuộc sống.

Không gian thiên nhiên trong truyện ngắn của Murakami mang đậm màu sắc tự nhiên của nó. Đó là sự chuyển mùa và giao mùa theo dòng thời gian trôi đi vô định. Mùa xuân cây cỏ xanh tươi, mùa hạ ta bắt gặp những cơn mưa ngắn ngủi, mùa thu không khí lạnh như thức tỉnh cảm giác của con người. “Bên ngoài cửa sổ, khoảng không mây mờ của tháng Tư năm 1974 đang dàn trải mênh mông. Tầng mây phẳng rộng không một vết nối trông như một cái vung khổng lồ màu tro đậy lên cả bầu trời. Những tia nắng vàng nhạt của hoàng hôn sắp tắt chầm chậm phiêu du trên không như những hạt bụi trong dòng nước, rồi đọng lại âm thầm ở những thung lũng nơi đáy biển” [7, tr.270]. “Mưa tạt vào khung cửa sổ, luồng nước biển tối đen rửa lên dãy núi bị lãng quên” [7, tr.291]. Một đêm mưa tháng 11 đánh thức con người thoát khỏi mộng mị. Không gian mùa trôi qua và tình cảm con người cứ thế thay đổi theo thời gian, theo hướng tích cực chứ không phải tiêu cực.

Đôi lúc, sống giữa những khung cảnh ấy, con người cảm thấy thời gian như ngưng đọng, không có xung đột, biến cố mà như một không gian thiền. Con người càng trở nên cô đơn, buồn chán hơn. Đó là nỗi buồn chung của một xã hội, mà ở đó giới trẻ no đủ về vật chất nhưng thiếu thốn về tinh thần: “Phong cảnh nhìn qua cửa sổ tàu điện Shinkansen thì lúc nào cũng giống nhau. Thứ phong cảnh bị cưỡng ép phải mở toang ra, trải dài khô khan, không mạch lạc gì trên suốt một đường thẳng. Cứ như là những bức tranh đóng khung treo trên tường đám nhà - xây - để - bán - lại - hàng - loạt ấy, thứ phong cảnh này chỉ tạo cho tôi cảm giác nhàm chán” [4, tr.100]. “Trong nắng chiều yên lặng, vọng đến tiếng chuông của trường trung học cấp hai gần đấy. Đám chung cư cao tầng tiếp nối nhau không dứt. Trông cứ như là một bãi thiêu xác. Chẳng có bóng người nào. Chẳng có mùi đời sống” [4, tr.109]. Thiên nhiên yên lặng, tiếp tục nhịp thở nhỏ nhoi

trong một không khí sôi động của nền kinh tế thị trường. Vì lẽ đó con người càng thấy cô đơn, tuyệt vọng: “Không biết khi mở mắt ra mình sẽ ở nơi nào”.

Haruki Murakami đúc kết các bức tường không gian thiên nhiên với một mục đích là tìm hướng giải quyết những vấn đề sinh tồn mà thời đại họ đang sống tạo ra. Ước mơ hiểu hết cuộc đời, hiểu mình của tầng lớp thanh niên là một con đường đi mờ mịt. Trong không gian thiên nhiên, mỗi người lại có một tâm trạng khác nhau. Hoà vào thiên nhiên cũng là cách mà nhà văn để cho nhân vật của mình cảm nhận được sự ấm áp: “Ngay cả mặt trời đã lặn, hay đêm đã về khuya, người băng vẫn ngồi trên ghế, im lặng như quang cảnh mùa đông ngoài cửa sổ” [16, tr.34]. Hay như tâm trạng lo lắng, sợ hãi của người thứ bảy trước không gian của trời biển sau cơn bão: “Màu của trời, sắc của biển, tiếng thét gào của sóng, hương vị mặn mà của muối và sự hùng vĩ của phong cảnh thiên nhiên…Tất cả những cảnh quan ven bờ biển đã thay đổi hết…Ngay cả khi thuỷ triều xuống, mực nước cũng không rút quá xa như vậy. Bờ biển trông giống như một căn phòng lớn sau khi người ta đã di chuyển hết đồ đạc, trống vắng không thể chịu nổi” [16, tr.74]. Thiên nhiên có lúc hiền dịu nhưng có lúc hung dữ vô cùng: “Đôi khi chúng ta không thể dự đoán trước được hậu quả khủng khiếp mà mà những con sóng gây ra” [16, tr.75]. Thiên nhiên náo nhiệt với những tiếng chim hót: “Khu vườn giống như cả một cánh rừng mênh mông, những con chim giẻ cùi xanh biếc chuyển từ cành này sang cành khác, không ngừng cất tiếng hót cao vút, vui tươi” [16, tr.130]. Âm thanh mà thiên nhiên ban tặng cho con người như một bản nhạc không lời tuyệt hay. Thiên nhiên là cái phông nền bên ngoài, nhưng bên trong là bao điều bí ẩn.

Bằng cách khám phá một không gian mênh mông, lạnh lùng, nhà văn đã khắc hoạ nên những tâm hồn cô đơn, u uẩn. Trong bầu không gian như vậy con người muốn sống với bản ngã đích thực của mình. Hoà vào thiên nhiên cùng với Haruki Murakami người đọc cảm thấy âm thanh thiên nhiên xung quanh như lắng đọng, không khí trở nên trong trẻo thanh lọc tâm hồn con người. Mỗi không gian gắn liền với một đời sống riêng của con người. Họ tồn tại và tìm thấy mình giữa thế giới độc lập của thiên nhiên ban tặng.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 29)