Trên con đường hội nhập với tiến trình văn chương thế giới, “tác phẩm cùng với những giá trị và sự tỏa sáng của câu chữ là bảo hiểm tối cao cho tư cách nhà văn của nghệ sĩ và là nơi hồn vía của anh ta hiện lên một cách đầy đủ nhất” (Nguyễn Đăng Điệp). Và sáng tạo nghệ thuật cần một tiếng nói riêng mà ngôn ngữ là yếu tố thể hiện tiếng nói riêng ấy. Ngôn ngữ “là nơi giao hòa các dấu hiệu nỗi bật nhất diễn đạt phong cách của nhà văn, biểu hiện tập trung nhất nét độc đáo trong cá tính của nhà văn” (Hà Minh Đức).
Ngôn ngữ trần thuật là “phần lời văn độc thoại thể hiện quan điểm của tác giả hay quan điểm người kể chuyện (sản phẩm sáng tạo của tác giả) đối với cuộc sống được miêu tả, có những nguyên tắc thống nhất trong việc lựa chọn và sử dụng các phương tiện tạo hình và biểu hiện ngôn ngữ” [10, tr.212 – 213]. Nó “chẳng những có vai trò then chốt trong phương thức tự sự mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách của nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cái nhìn của tác giả” [10, tr.213]. Ngôn ngữ người trần thuật dưới hình thức lời người kể chuyện ngoài đặc điểm trên còn mang thêm sắc thái, quan điểm bổ sung cho lập trường, đặc điểm tâm lý, cá tính của nhà văn – người kể chuyện mang lại.
Haruki Murakami đã làm một cuộc thử nghiệm ngôn ngữ rất táo bạo và có hiệu nghiệm: khi ngôi kể của tác phẩm được thay đổi thì theo đó ngôn ngữ cũng không kém phần linh hoạt và đa dạng. Nhà văn đã tạo dựng nên những chân dung, có đối thoại và độc thoại nội tâm. Ngoài ra, còn thể hiện độc đáo trong
ngôn ngữ kể chuyện của tác giả. Với lối kể chuyện thú vị, tình tiết ngôn ngữ chảy theo dòng tâm trạng khác nhau của các nhà văn làm cho độc giả bị cuốn hút vào thế giới mà tác giả dựng nên.
Trong văn phong của mình, Haruki Murakami cũng đã tạo được dấu ấn đặc biệt. Chính bản thân Murakami là một tấm gương về những nỗ lực, tìm tòi sáng tạo không ngừng. Ngôn ngữ của Murakami sáng tỏ, sống động, gần gũi với tiếng nói hàng ngày của người dân Nhật Bản. Và không chỉ ngôn ngữ, mà những gì diễn ra giữa các nhân vật với nhau cũng là những chuyện thường ngày như tình yêu, tình dục, tìm kiếm bản ngã của mình. Ông sử dụng từ ngữ bản địa rất sinh động: “- Nầy ông Miyake, lửa tắt ngóm rồi đấy, phải không? Keisuke nói, có vẻ nghi ngờ.
- Đừng lo, đã bắt lửa rồi đó. Bây chừ chỉ cần chuẩn bị cho bốc lửa lên thôi. Khói lên liên tục rồi đó, thấy không? Người ta nói: Không có lửa, răng có khói, rứa đó.
- Người ta cũng nói: không có máu thì khỏi có cương, nữa đấy.
- Ông Miyake chán ngán: - Mi không có chuyện chi để suy nghĩ ngoài chuyện nớ răng mi?” [6, tr.54].
Murakami sinh ra trong một gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều là những giáo viên dạy văn chương cổ điển Nhật Bản. Nhưng, ông lại ham mê văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học Mỹ. Thứ âm nhạc mà ông yêu thích là nhạc Jazz và Rock. Vì thế trong ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ âm nhạc hòa trộn tạo một phong cách riêng Murakami. Ngôn ngữ mượt mà như một bản tình ca: “Chàng trai ấy đang đi đâu? Chàng trai ấy đang về đâu?” [8, tr.175]. “Rồi brandy cũng hết. Tôi đã uống hết nguyên một chai brandy rồi đấy. Tôi đến tiệm bách hóa mua một chai Remy Martin mới. Mua luôn một chai rượu vang đỏ. Cả một ly pha lê thượng hạng để uống brandy nữa. Và socola với bánh quy” [8, tr.140]. Ngay cả món Spaghetti được nhắc đi nhắc lại như một bài hát:
“Spaghetti Bolognese Spaghetti basirico, Spaghetti pesi
Spaghetti carbonara, Spaghetti lưỡi bò,
Spaghetti nghêu, nước sốt cà chua Spaghetti tỏi” [4, tr.149].
Những tác phẩm của Murakami thường đẫm màu tình dục, và như một chủ đề xuyên suốt. Thế nhưng, đây không phải là những tác phẩm nhằm câu
khách, mà sex ở đây cũng chính là một ngôn ngữ khác của Murakami. Sex trong tác phẩm của ông thường mang tính ẩn dụ hơn là trần trụi tính giao. Ngôn ngữ của ông nói lên sự tương quan giữa con người với nhau trong một thế giới mà người ta đã quá chán chường và mệt mỏi với vật chất. Ngòi bút của Murakami khi miêu tả tình dục, cái ác… thường tự nhiên và sắc lạnh. Kĩ thuật xử lý ngôn từ của ông rất tinh xảo: “Hai người trần truồng, ôm nhau dịu dàng. Vụng về sờ sẫm khắp những vùng thân thể của người yêu như đôi thiếu niên thiếu nữ trong lần giao hợp đầu tiên trong đời. Xác nhận nhau một hồi thật lâu xong, Junpei nhẹ nhàng vào trong Sayoko. Cô đón nhận anh như mời gọi vào sâu thêm… Junpei không nghĩ là chuyện thật đang xảy ra. Anh như đang bước đi trong ánh sáng mờ nhạt trên một chiếc cầu vắng không có bóng người, kéo dài miên man không dứt. Junpei chuyển động thân mình đến đâu, Sayoko đáp ứng đến đấy. Vài lần đã muốn xuất tinh nhưng Junpei gắng kềm lại được. Anh sợ rằng khi đã xuất tinh thì giấc mộng sẽ dứt, tất cả sẽ tan biến đi” [6, tr.219]. Đó là khát vọng tương quan với đồng loại, khát vọng tình yêu, tình bạn: “Đôi vú cô càng áp chặt lên ngực tôi, và dương vật của tôi lại áp vào phần bụng dưới mềm mại của cô” [8, tr.213]. Và “suốt từ khi mang thư cô về nhà, tôi chỉ nghĩ đến chuyện ăn nằm với cô. Nằm lên giường thì có cô nằm bên cạnh, sáng mở mắt dậy thì cũng có cô bên mình. Khi tôi mở mắt dậy thì cô đã trở dậy rồi, nghe có tiếng kéo khóa áo đầm lên” [5, tr.101].
Haruki Murakami viết bằng ngòi bút tự do. Ông như đang nghe các nhân vật nói trong quán, trên đường phố, trong phòng ngủ: “Một buổi sáng đẹp trời tháng Tư, tôi đã thoáng gặp một cô gái trăm phần trăm của tôi trên con đường hẻm ở Harajuku” [4, tr.25]. “Nhìn vào thực đơn, thấy mục bia có đến hai mươi hiệu khác nhau. Tôi gọi đại một thứ bia, còn đồ nhắm thì lưỡng lự một hồi chọn đĩa đậu hồ trăn Pistachio” [8, tr.242]. Kết hợp ngôn ngữ uyên bác cùng ngôn ngữ bình dân, văn phong của ông rất mượt mà và cái đọng lại sau khi đọc tác phẩm của ông là một cảm giác lửng lơ, mập mờ kì lạ. Giống như giấc mộng lớn mà Katagiri trong Cậu ếch cứu Tokyo gặp phải. Bạn đọc khó định vị đâu là thực, đâu là ảo: “Katagiri mở mắt thấy phòng sáng choang. Toàn thân ướt đẫm mồi hôi, như vừa bị ai tạt nước vào. Chẳng còn con giòi bọ nào. Chỉ còn cảm giác nhơn nhớt, rờn rợn trên da” [4, tr.174]. Ngôn ngữ của ông không gia công gọt giũa nhưng khi viết đời sống thường nhật của các nhân vật thì rất hay, có lúc sắc lạnh, có lúc đắng cay, chua xót.
Haruki Murakami chủ yếu sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Nhiều đoạn ông kết hợp ngôn ngữ hình sự lẫn trinh thám. Nhịp điệu biến ảo rất khó đọc. Tuy nhiên bằng những cách dùng ngôn từ mới lạ, ông đã để cho mọi sự vật, sự việc xoay trộn vào nhau tạo thành một mớ hỗn mang. Nhưng xuyên suốt mạch truyện là con đường mà nhân vật của ông đi tìm bản ngã của mình. Ở
Bóng ma ở Lexington, câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ trinh thám, hấp dẫn,
lôi cuốn bạn đọc: “Tôi thở một hơi dài và sâu rồi bước xuống cầu thang, tiến vào hành lang chính. Đế giày cao su của đôi giày thể thao rón rén đi từng bước trên sàn gỗ. Khi đến chỗ phòng đợi, tôi lập tức rẽ trái và tiến thẳng xuống bếp” [16, tr.137 – 138]. “Tôi rời khỏi bếp, bước vào phòng đợi và ngồi xuống chiếc ghế dài ở đó. Tiếng nhạc và những câu chuyện vẫn tiếp tục không ngừng…Có bao nhiêu người ở trong đó? Ít nhất phải mười lăm người. Hay có lẽ nhiều hơn, khoảng hai mươi người gì đó. Dù sao đi nữa, dường như căn phòng khách lớn kia chứa đầy những người là người” [16, tr.138]. Độc thoại nội tâm cũng là cách con người tìm hướng đi mới cho cuộc sống của mình, giải thoát khỏi thực tại buồn chán: “Tôi nghẹo cổ trên gối, nhìn đồng hồ để xác định thì giờ một lần nữa. 6 giờ 15. Nhưng không hiểu 6 giờ 15 tối, hay 6 giờ 15 sáng. Có cảm giác là chiều tối, mà cũng có cảm giác là buổi sáng. Bật ti vi lên thì biết được sáng hay tối nhưng tôi chẳng muốn chỉ vì thế mà phải bước đến trước ti vi” [5, tr.158]. “Ngoài vỏn vẹn hai tuần lễ gặp nàng, đời tôi thời ấy có lẽ rất đơn điệu. Thỉnh thoảng đến đại học nghe giảng bài, qua vừa đủ số môn học cho bằng người ta. Còn thì đi xem phim một mình, dạo chơi thơ thẩn vô chủ đích trên phố, hay hò hẹn với bạn gái thân mật không có khoản làm tình. Vốn tính không quen chuyện tụ họp đông người để chơi đùa náo động, nên người chung quanh tôi nghĩ tôi là người trầm lặng. Khi chỉ có một mình thì chuyên là nghe nhạc Rock and Roll. Những lúc ấy cảm thấy vẻ vui sướng, mà cũng cảm thấy có vẻ buồn bực” [8, tr.110]. Với ngòi bút biến ảo, văn phong của Murakami dùng trong bình luận, dẫn truyện đến độc thoại, đối thoại của nhân vật rất đặc biệt.
Với ngôn ngữ trần thuật giản dị, mộc mạc, cách tạo tình huống tự nhiên và cách khai thác các mối quan hệ của con người một cách sâu sắc, tác phẩm của Murakami luôn có sức ám ảnh và ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Quả thật, có những điều rất đơn giản, như việc một đôi vợ chồng trẻ đọc báo và biết có một chú kangaroo mới sinh. Phải mất một tháng trời, họ mới có một ngày đẹp trời để vào vườn bách thú xem chúng. Họ đặt ra bao nhiêu câu hỏi về thành viên xa lạ này: “Anh nghĩ là còn sống. Chứ có thấy báo đăng nó chết đâu” [4, tr.17]).
Những câu thoại của ông đặc biệt lôi cuốn, nó cho người đọc những cảm nhận trực tiếp nhất. Câu đối thoại tưng tửng nhưng hấp dẫn:
“- Komura nói: Mà nầy, cái hộp tôi mang đến ấy mà, không biết có gì bên trong không nhỉ?
- Anh thắc mắc hả?
- Mãi không quan tâm đến nó, nhưng bây giờ tự dưng lại đâm ra thắc mắc lạ lùng.
- Từ lúc nào?
- Mới ngay đây thôi. - Đột nhiên chăng?
- Sực nhớ lại thì thắc mắc ấy mà.
- Sao mà lại đâm ra thắc mắc nhanh thế nhỉ?” [6, tr.44]. Hoặc:
“Tôi cần thám tử tư. Người Cừu nói. - Thế ạ. Tôi nói.
- Thế nhưng đến đâu thì gặp thám tử tư, tôi lại chẳng biết. - Ừm, ừm.
- Thế rồi, thì tôi nói chuyện trong quán pizza ở góc đường, cô gái ở đấy mách là cứ đến đây thì gặp được.
- Cô gái ấy là Charlie rồi.
- Vậy thì ông là Người Cừu ạ. Tôi nói: - Tôi sẵn sàng nghe đây” [5, tr.183].
Haruki Murakami không gọt giũa từ ngữ mà để cho ngôn ngữ tự thể hiện qua cách ứng xử giao tiếp của nhân vật, tạo ra một thứ ngôn ngữ đa thanh, luôn chứa đầy tâm trạng, cất lên từ một trái tim đầy trách nhiệm với cuộc đời. Cùng với cách trần thuật giản dị, chân thực, giàu tính biểu cảm, tác phẩm của Murakami đi vào lòng người và đã đạt được những thành công nhất định. Ngôn ngữ chính là phương tiện giao tiếp, thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa của các quốc gia. Murakami đã đóng góp tích cực cho quá trình bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, làm phong phú thêm hệ thống ngôn ngữ của người Nhật Bản.