“Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nếu như trong đời sống ta thường chỉ nghe giọng nói là nhận ra con
người, thì trong văn học cũng vậy. Giọng điệu giúp nhận ra tác giả” [24, tr.132]. Giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn, quy định cách xưng hô gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [10, tr.134]. Giọng điệu là cơ sở để phân biệt nhà văn này với nhà văn khác, đồng thời có vai trò rất lớn tạo nên phong cách của nhà văn. Khi trần thuật tác giả tạo ra những sắc thái giọng điệu khác nhau, cái mà M. Bakhtin gọi là “tính đa thanh trong giọng điệu”. Vì vậy, việc “nghiên cứu giọng điệu là tìm hiểu ngôn ngữ của chủ thể, cách nói của chủ thể về vấn đề được nói đến và với đối tượng mà lời văn nhắm tới” (Nguyễn Đăng Điệp).
Trong truyện ngắn của Haruki Murakami, giọng điệu trần thuật của tác giả hòa lẫn với giọng điệu của nhân vật, hóa thân vào từng nhân vật. Điều này thể hiện một tinh thần dân chủ và nhu cầu đối thoại, tranh biện nhằm nhìn lại các giá trị truyền thống cũng như các giá trị hiện đại. Để nhận ra cuộc sống đời thường vô vị, chỉ có lối thoát duy nhất là tìm những cái vô lý, kì ảo, khó tin ở thực tại. Phối hợp nhiều giọng điệu, nhà văn “dường như trao nhòi bút cho nhân vật, để nhân vật tự viết lấy giọng điệu riêng của nó” (Antonov).