Một số mô típ nghệ thuật 1 Mô típ phân thân giấc mơ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 39 - 43)

2.3.1. Mô típ phân thân giấc mơ

Mỗi tác phẩm của Murakami là một dạ yến linh đình của sự phân thân và những giấc mơ đầy ma ảo. Cuộc sống đi sau những giấc mơ. Mơ để thoát ra khỏi bế tắc hiện thực. Nhờ vào tưởng tượng và giấc mơ mà thế giới trong truyện ngắn của Murakami lại rất thật, thật hơn nhiều nhà văn khác. Trong nghệ thuật cũng vậy, thiếu giấc mơ, phân thân, tưởng tượng, tác phẩm trở nên rỗng tuếch. Thế nên Donald Barthelme cho rằng: “Phúc cho chúng ta là có thể tưởng tượng những thực tại khác, những khả tính khác”. Nghệ thuật là thế giới của “nghìn lẻ một đêm”. Để sống sót ta phải tưởng tượng, phải mơ. Phải mơ ra mọi thứ, mơ ra cả những con người thực của mình. Nghệ thuật là thế giới của chơi đùa và tự do, không thể nhốt vào một cái nào.

Phân thân có nghĩa là: “Tự biến ra thành nhiều thân hình, đồng thời để có thể xuất hiện ở nhiều nơi theo phép thuật trong truyện cổ”. Hoặc: “Tách khỏi bản thân, đặt mình vào vị trí của một người nào đó hay của nhân vật nghệ thuật để hoà đồng, thông cảm với người ấy hoặc với nhân vật (người diễn phân thân vào nhân vật mình)” [22, tr.957]. Mô típ phân thân được Murakami ảo hoá qua hình tượng tôi hay là cái bóng của cái bóng tôi. Nó là sự phân tách và gặp gỡ

giữa hai cái tôi trong hiện thực. Hai cái tôi gặp nhau để cái tôi đích thực được hoàn thiện.

Tác phẩm Gương soi là câu chuyện ma quái gợi mở một nghi vấn siêu hình. Bởi: “Người tưởng tượng và chất liệu tưởng tượng không thể đến từ tưởng tượng, nên khả năng tưởng tượng có thể làm mờ xoá đi một ranh giới của một biên thuỳ. Giữa ý thức và vô thức, giữa nghiệm sinh và thần khải, giữa mê cuồng và giác ngộ chỉ là một biên giới mong manh” [16, tr.161]. Nhưng đằng sau đó là một sự đối diện lương tâm. Phân thân từ một người thành hai người thông qua tấm gương: “Bóng hình trong gương không phải là tôi. Diện mạo bên ngoài thì đúng là tôi. Không cần phải nghi hoặc về điều ấy. Nhưng nó là một cái tôi bên ngoài tôi. Hình dạng là tôi mà không phải là tôi” [16, tr.166]. Một đêm trời chuyển giông bão, người gác trường trung học đã nhận ra cái bóng khác của mình: “Đó chính là tôi. Điều tôi muốn nói là có một tấm gương. Không ai khác ngoài tôi phản chiếu bóng mình trên tường” [16, tr.166]. Hai hình ảnh cái tôi thực và ảo đối diện nhau, nhìn thấy nhau: “Chúng tôi cùng nhìn nhau…Cuối cùng thằng kia tôi cũng chuyển động. Hắn đưa những ngón tay của bàn tay trái từ từ chạm vào má và xoa khắp mặt. Tôi nhận ra mình cũng làm y chang như vậy. Như thể tôi chính là hình ảnh trong gương. Điều muốn nói là, dường như hắn điều khiển được tôi” [16, tr.166]. Câu hỏi: “Tôi là tôi hay là cái bóng của chính cái bóng mình” luôn ám ảnh trong tâm trí của nhân vật “tôi”. Đối diện với nhau để biết được cái tốt mà phát huy, còn cái xấu để khắc phục.

Quá khứ có sức ám ảnh to lớn đối với nhân vật của Murakami. Do ám ảnh quá khứ mà họ không thể đón nhận cuộc sống ở hiện tại, nhân vật của Murakami chìm trong cô đơn, day dứt. Cái tôi của Người thứ bảy ở tuổi ấu thơ đầy đau thương dằn vặt lương tâm. Bởi anh đã không cứu được người bạn thân tên K thoát khỏi tử thần của ngọn sóng mang tới: “Cả một thế giới dài, tôi vẫn không sao phục hồi được sau cú sốc tâm lý đó. Tôi không đến trường, không ăn uống được gì nhiều và suốt ngày chỉ nằm trên giường nhìn trân trối lên trần nhà” [16, tr.80]. Nhưng khi đối diện với hiện thực, quay trở về quê hương, nơi đã xảy ra cú sốc ấy, người thứ bảy không còn sợ gì nữa, bởi đó đã là quá khứ. Cái tôi bây giờ không còn gặp ác mộng và bắt đầu lại cuộc sống mới.

Mô típ phân thân được hư cấu thông qua cuộc dạo chơi bên bờ tưởng tượng trong Nàng Ipanema 1963/1982. Nhân vật “tôi” tưởng tượng được gặp và trò chuyện với nàng Ipanema: “Thân hình thon gọn, da rám nắng tươi trẻ, xinh

đẹp, nàng Ipanema bước đi trên bãi cát” [4, tr.82]. Chàng trai chìm đắm trong sắc đẹp, giọng nói dịu dàng của thiếu nữ ấy. Một thế giới khác được thiết lập, thế giới ấy tinh khôi và lãng mạn. Tuy nhiên nàng Ipanema chỉ là một nhân vật được nói đến trong một bản nhạc: “Trong tiếng kèn Tenor sax êm như nhung của Stan Getz, nàng mãi là nàng Ipanema 18 tuổi, thanh tú, hiền dịu” [4, tr.83]. Không chỉ nàng Ipanema hiện ra trong bản nhạc mà nhân vật tôi còn nhớ đến hành lang trường trung học, nhớ đến món xà lách trộn đủ thứ rau. Món xà lách gợi nhớ đến người bạn gái mà nhân vật “tôi” quen ngày trước. Sự tưởng tượng đưa con người thoát khỏi cuộc sống chật chội, tầm thường đến một cuộc sống lãng mạn, tươi trẻ.

Cái tôi hay hình bóng của cái tôi được triển khai theo hướng kỳ ảo - giả tưởng qua Quái thú màu lục. Nhân vật “tôi” ngồi đó cho đến khi bất chợt nghe tiếng thì thào mơ hồ kì dị có vẻ như ảo giác. Quái thú màu lục dần dần xuất hiện với đôi mắt hệt như mắt người: “Bởi đôi mắt ấy có thứ gì như tình cảm thật chứa đựng bên trong. Không khác gì mắt tôi hay mắt người nào khác” [5, tr.219]. Qua những lời nói và tâm trạng bày tỏ trên nét mặt của quái thú, nhân vật “tôi” sợ chuyện tâm tư của mình bị kẻ khác đọc được. Quái thú không có ý đối đầu với cô nhưng trong thâm tâm cô cũng không dám đối diện với con người thực bên trong của mình. Hai cái tôi cùng xuất hiện cùng một lần thông qua nhân vật trung gian là con quái thú màu lục: “Có nhìn tôi thế nào đi chăng nữa, cũng chẳng được gì đâu. Mầy chẳng nói gì được, mầy chẳng làm gì được đâu. Hiện hữu của mầy đã mất tiêu hết cả rồi” [5, tr.223]. Dù sống trong hoàn cảnh nào, con người ai cũng không muốn khuyết điểm của mình bị phơi bày. Tuy nhiên, nếu biết nhận ra và khắc phục những điểm yếu ấy chúng ta mới sống tốt hơn được.

Nếu phân thân là sự phân tách và gặp gỡ của hai nữa cái tôi trong hiện thực, thì giấc mơ là sự phân tách và gặp gỡ của hai nữa cái tôi trong giấc mộng. Giấc mơ vốn là một điều bí ẩn nằm sâu trong tiềm thức của con người. Cùng với những bất an, ước vọng những điều trong cuộc sống thì giấc mơ như một sự giải phóng những bất an và ước vọng ấy. Giấc mơ là cầu nối giữa các nhân vật, là một thế giới khác tồn tại song song với thế giới thực. Giấc mơ của chàng trai về lưỡi dao săn là một ví dụ. “Đôi khi tôi mơ, người thanh niên ngồi trên xe lăn nói… Có một con dao sắc chém vào phần mềm của đầu tôi, nơi mà kí ức hiện hữu. Nó mắc kẹt sâu trong đó. Nhưng nó không làm tổn thương hay đè nặng lên tôi” [16, tr.187]. Mỗi người ai cũng có một thế giới riêng. Trong đó, thời gian bị

uốn cong. Chỉ cần bắt chuyện với một người là ta biết thêm một thế giới: “Làm sao biết từng nỗi đời riêng, để yêu thêm, yêu cho nồng nàn” (Trịnh Công Sơn). Hoặc như giấc mơ kinh hoàng của cô gái trong Xác ướp. Chuyện cô có nốt ruồi trong tai, hay hôi nách, chân đi vòng kiềng…tất cả ám ảnh, dằn vặt cô. Cô mơ thấy vị hôn phu của cô nhục mạ và chê bai những khiếm khuyết của cô: “Chân vòng kiềng, hôi nách, tay áo bẩn, tai có nốt ruồi, chỉ là một phần nhỏ thôi đấy. Ừ tại sao lại đeo hoa tai chẳng hợp tí nào cả thế? Cứ như là gái đĩ ấy. Không, gái đĩ còn sang hơn nhiều kia” [8, tr.102]. “Còn chỗ ấy của em, ấy à. Rõ thật là tàn tệ. Phải nhắm mắt mà làm, chứ đã dãn ra hết mức rồi, cứ như là đồ cao su rẻ tiền ấy. Mang phải thứ ấy như thế thà chết còn hơn” [8, tr.102 – 103]. Những ám ảnh trong giấc mơ không lớn nhưng đủ để ám ảnh trong lòng người đọc. Người lùn

nhảy múa là một giấc mơ lớn và có tác động mạnh đến cuộc sống của nhân vật

“tôi”. Người lùn vừa có trong giấc mơ vừa có trong hiện thực. Người lùn như thử thách sự kiên trì vượt qua khó khăn của nhân vật “tôi”. Điều này chứng tỏ, giấc mơ và hiện thực không cách xa nhau mà nó luôn hiện hữu trong mỗi con người.

Nhân vật “tôi” trong Giấc ngủ cũng có những giấc mơ kì lạ: “Lúc ấy tôi mộng thấy một chuyện ghê rợn. Giấc mộng thật tối ám, nhơn nhớt” [8, tr.117]. “Tôi muốn nhìn đồng hồ bên gối, nhưng sao không nghẹo cổ lại được. Lúc ấy chợt cảm thấy có thứ gì dưới chân mình. Giống như bóng đen mờ mờ. Tôi nín thở. Tim, phổi, tất cả mọi thứ ấy trong người tôi ngưng đọng tức khắc như đông cứng lại” [8, tr.117]. Thời còn đi học, cô cũng là người ham mê đọc sách. Nhưng từ khi lập gia đình cuộc sống của cô tẻ nhạt, công việc hàng ngày chỉ là nội trợ chăm sóc gia đình. Mặc dù gia đình chị rất hạnh phúc, chồng yêu thương vợ con, con cái thì ngoan ngoãn nhưng bên trong con người có nhiều sở thích ấy luôn có một ngọn lửa khao khát một điều gì đó rất mạnh mẽ. Cuộc sống bằng phẳng khiến nàng phải tìm kiếm những đam mê thuở ban đầu nên những giấc ngủ không đến được.

Haruki Murakami đã từng nói: “Với việc sáng tác ra một cuốn tiểu thuyết như đang mơ khi vẫn còn thức, và có thể mơ tiếp giấc mơ ngày hôm qua, có thể mơ cả đời”. Vì thế, mỗi truyện ngắn của ông là một giấc mơ khổng lồ. Katagiri nằm trong bệnh viện vì anh bị ngất xỉu không biết rõ nguyên nhân. Tại đây, anh đã có những giấc mơ khủng khiếp. Anh mơ mình và Cậu Ếch đánh nhau với Cậu Trùn, mơ Cậu Ếch bị bung ra thành những cục u, giòi bọ đủ cỡ lớn nhỏ lúc nhúc chui ra: “Những con giòi ú na ú nần bò lổn nhổn. Tiếp theo là những con rết đen

nhỏ, vô số chân bò đi, tạo nên âm thanh rào rạo ghê người. Giòi và rết rồi trùn liên tục bò ra từ các lỗ hổng ấy. Thân thể Cậu Ếch, nói đúng hơn là khối bầy nhầy. Đây là thân thể Cậu Ếch đã bị bao kín bởi lũ giòi, rết, trùn, tối ám ấy” [6, tr.173]. Nhân vật trong tác phẩm của Murakami đảm nhiệm hoàn thành giấc mơ của nhà văn qua những giấc mơ của chính mình .

Y.Kawabata sử dụng yếu tố giấc mơ để làm nổi bật những yếu tố kì ảo trong tác phẩm. Hầu hết các giấc mơ trong tác phẩm của Y. Kawabata đều là của người già, và chủ yếu là ông già. Các giấc mơ đó đều liên quan đến những điều khủng khiếp như: ngôi nhà đổ, phụ nữ bốn chân, con tàu, chiếc mặt nạ biến thành cô gái, quái thai…Ngược lại, các giấc mơ trong truyện ngắn của Haruki Murakami, nhân vật chủ yếu là giới trẻ, đều là chàng và nàng thanh niên…Với những điều khủng khiếp như: khuôn mặt con người và con vật bị thối rữa, xác ướp, quái thú…, và giấc mơ là sự giải phóng ức chế của cuộc sống thường ngày, giải toả tâm lý của con người. Tuy nhiên giữa hai nhà văn này đều sử dụng giấc mơ như một biện pháp nghệ thuật để khai thác tâm lý nhân vật.

Mô típ phân thân và giấc mơ là cánh cửa hé mở để độc giả thâm nhập vào thế giới kì ảo của tác phẩm. Với cuộc sống bề bộn, giả tạo, con người cần phải có giấc mơ, phân thân để soi chiếu hiện tại và hoàn thiện nhân cách. Phân thân vào giấc mơ cũng là cái chân thực mà mọi sáng tạo đều hướng tới. Với những mô típ ấy, tác phẩm của Haruki Murakami thực sự thu hút được giới độc giả hâm mộ.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w