Thế giới nội tâm

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 70 - 75)

Thế giới nội tâm các nhân vật trong truyện ngắn của Murakami rất phong phú, đa dạng. Mỗi người có một thế giới sống riêng của mình. Nghệ thuật xây dựng đối thoại linh động với lối dẫn từ lời trần thuật sang đối thoại, đối thoại như độc thoại, đối thoại qua thư. Trong nghệ thuật xây dựng đối thoại, Murakami không có những điểm đột phá nhưng tài năng của ông thể hiện ở chỗ đã kế thừa một cách sáng tạo từ các nhà văn đi trước và tạo cho đối thoại hay độc thoại những điểm nhấn như đối thoại qua thư…Qua đó, ông để nhân vật bộc lộ con người thực của mình với tất cả những gì nó có.

Đan xen với những đoạn độc thoại nội tâm là những khoảnh khắc độc thoại nội tâm. Chúng diễn ra thời gian ngắn, thoáng qua. Những khoảnh khắc ấy là những ý nghĩ chợt đến, những tia chớp chợt lóe lên trong đầu óc có tác dụng khắc họa những biến động tức thì trong tâm hồn nhân vật, làm rõ thêm tính cách nhân vật. Thông báo kangaroo là một câu chuyện được nhà văn sử dụng hình thức độc thoại qua thư. Trong một lần đi xem kangaroo ở sở thú gần nhà, anh ta đâm ra muốn viết thư cho cô gái – người viết thư than phiền về tiệm bách hóa: “Chỉ cần biết là tôi ngắm kangaroo một hồi đâm ra muốn viết thư cho cô. Có thể cô lấy làm lạ. Vì sao mà ngắm kangaroo lại đâm ra muốn viết thư cho tôi? Giữa tôi và kangaroo có quan hệ gì chứ? Tuy nhiên xin cô đừng bận tâm. Chuyện ấy thì sao cũng được. Bởi kangaroo là kangaroo, còn cô là cô mà” [5, tr.91]. Và rồi

trong lúc viết thư cho cô gái, nhân vật “tôi” lại chuyển sang tâm sự chuyện cá nhân. Cụ thể là muốn chia sẻ những suy nghĩ riêng của mình: “Bởi lẽ…bởi lẽ nhân viên quản lý thương phẩm của tiệm bách hóa mà lại trả lời thư than phiền của khách hàng bằng cách thu vào băng nhựa mà lại là thông báo có tính cách cá nhân rồi gửi đi thì quả là chuyện cực kì khác thường, tùy cách suy nghĩ còn cho là điên khùng nữa” [5, tr.95]. Qua bức thư, cảm giác thực của nhân vật “tôi” hiện lên rõ nét: “Tôi muốn làm tình với cô” [5, tr.102]. Hoặc “khát khao thực hiện được đồng thời hiện hữu ở hai nơi mà thôi. Tôi muốn mình vừa nghe giàn nhạc giao hưởng diễn tấu ở thính đường trình tấu âm nhạc, vừa chơi trượt giày bánh xe. Tôi muốn là nhân viên quản lý thương phẩm của tiệm bách hóa, đồng thời là bánh mì kẹp hamburger phần tư “pao”ở tiệm McDonald. Muốn vừa ngủ với người yêu vừa làm tình với cô. Tôi muốn vừa là cá thể vừa là quy luật” [5, tr.105].

Haruki Murakami để nhân vật thoải mái xưng tôi để nói về mình, về những gì xảy ra xung quanh với những giằng xé phức tạp trong tâm hồn. Đó là dòng độc thoại nội tâm đau đớn của người thứ bảy khi kể về cơn sóng thần cách đây nhiều năm về trước. Cơn sóng cướp đi sinh mạng của người bạn thân. Mỗi thời khắc trôi qua đi là một cơn đau nhói lòng về người bạn. Ám ảnh vì mình đã không cứu được bạn: “Trong khoảnh khắc cậu ta nhìn tôi chăm chú với vẻ như không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng dường như K cũng nhận ra điều gì đó đang đến và nhìn xung quanh. Cậu ta cố gắng thoát khỏi nó. Nhưng cậu đã đường cùng. Trong khoảnh khắc kế tiếp ngọn sóng nuốt chửng cậu ta. Nó như một sự va chạm với một đầu máy vô hồn đang lao hết tốc lực” [16, tr.76]. “Dù cố gắng bao nhiêu đi nữa tôi cũng chẳng thể nào quên được cảnh tượng K tựa trên những bọt biển trên đầu đỉnh sóng, ngoác miệng vười vui vẻ” [16, tr.80]. Người thứ bảy không phải là một người vô tâm mà do con sóng đến quá nhanh. Anh đã cố hết sức làm những gì con tim mách bảo. Nhưng khi dám đối diện với nó những ám ảnh ấy cũng tan biến dần trong tâm trí của nhân vật “tôi”. Hay là những hoài nghi và phản ứng của nhân vật “tôi” trong Người Ti-Vi khi có sự xuất hiện Người Ti-Vi: “Thế mà mọi người trong phòng lúc ấy chẳng ai có biểu lộ phản ứng gì đối với bọn Người Ti-Vi. Đâu phải họ không nhìn thấy bọn Người Ti-Vi. Họ cũng phải thấy chứ. Bằng chứng là khi bọn ấy khuôn ti vi vào, mấy người đứng gần đấy đã dạt đi nhường đường cho bọn ấy kia mà… Họ biết là Người Ti-Vi đấy, nhưng ứng xử như không có Người Ti-Vi trong phòng” [8,

tr.34]. Quen thuộc với những gì diễn ra hằng ngày, nên giờ có sự xuất hiện của một cái mới cũng không làm suy nghĩ và cuộc sống của họ xáo trộn.

Có khi độc thoại nội tâm đan xen vào giữa những đoạn đối thoại: “Có lần ngồi bên cạnh tôi là một cô gái 18 tuổi. Tôi ngồi ghế gần cửa sổ, cô ngồi ở gần lối đi ở giữa xe.

- Cô có muốn đổi sang ghế này không? Tôi hỏi.

- Cảm ơn ông. Nàng nói. – Ông tử tế quá nhỉ” [4, tr.126]). Hay như :

“Tôi là chủ nhà nên bắt đầu rót rượu vang vào ly của hai người xong, cả ba cụng ly. Loại rượu vang có vị đặc biệt càng uống càng thấy ngon:

- Em quay đĩa nhạc nghe nhé? Nàng hỏi. - Cứ tự nhiên tôi đáp” [7, tr.63].

Độc thoại đan xen phá vỡ không khí buồn tẻ của cuộc sống. Giao tiếp là để cùng hiểu về nhau nhiều hơn.

Lúc độc thoại nội tâm, trong tâm tưởng của người độc thoại luôn có sự hiện diện hình ảnh của người khác: “Vậy hả? Tiếc quá. Chủ hãng (người trự ra dáng nhà chuyên môn trồng tỉa) nói. Rồi thở dài, ngồi xuống ghế mà hút thở ra khói thuốc” [4, tr.112]. Có khi là khát khao tìm hiểu về các nhân vật trong tác phẩm văn học “Anna và Vronsky đã đắm nhìn nhau ở tiệc khiêu vũ, rồi rơi vào tình yêu định mệnh. Ở trường đua ngựa (quả thật có trường đua ngựa trong truyện này) Anna thấy Vronsky ngã ngựa, bấn loạn mà thú thật việc ngoại tình với chồng. Tôi như cùng được Vronsky cỡi ngựa vào rào cản, nghe tiếng người xem hoan hô” [8, tr.126].

Khoảnh khắc độc thoại nội tâm thường đến ngay sau đối thoại, sau một tin tức hay là một kết quả của một quá trình suy tư của nhân vật. Nó làm tiền đề cho những hoạt động của nhân vật. Khi làm tình với người yêu của bạn đã mất, nhân vật ‘tôi” trong Đom đóm lóe lên trong suy nghĩ những thắc mắc: “Tôi không biết làm thế có nên hay không. Nhưng mà làm thế nào khác được?” [7, tr.45]. Hoặc: “Tôi đã thử hỏi rằng sao em đã không ngủ với hắn” [7, tr.45]. Đó là câu hỏi vang lên từ một tâm hồn vừa trải qua một thời gian đơn độc: “Đã lâu lắm rồi tôi không ngủ với người con gái nào” [7, tr.45]. Qua kí ức, nhà văn có thể biết nguồn gốc tâm trạng, tình cảm của nhân vật trong thực tại. Độc thoại nội tâm ngoài khắc họa tâm lý của nhân vật, nó còn xây dựng thế giới sống của những

con người ấy thiên về quá khứ hơn hiện tại. Từ đó thấy được nhân vật trong truyện ngắn của Murakami luôn cô đơn, bế tắc trong cuộc sống thực tại.

Mỗi nhân vật là một chủ thể độc lập, mỗi tiếng nói của họ không bị khống chế hoặc bị lấn át bởi chủ thể sáng tạo. Lời đối thoại của nhân vật cũng là một hình thức thông báo về cuộc sống hiện tại:

“- Anh này, không biết bé kangaroo mới sinh còn sống không nhỉ? Nàng hỏi tôi trong tàu điện.

- Anh nghĩ là còn sống. Chứ có thấy báo đăng nó chết đâu. - Nhưng có khi bé ấy bệnh phải vào bệnh viện nữa chứ. - Nếu thì cũng có báo đăng” [4, tr.17].

Hoặc:

- Nhưng mà tôi thì chẳng viết lách được gì cả. Nàng nói. - Bắt đầu viết từ bấy giờ vẫn chưa muộn mà. Tôi nói.

- Chứ anh là người đã cho biết là tôi chẳng viết lách được gì cả đấy thôi. Nàng cười, nói.

- Nhưng mà văn chương của chị có sự chân thành lắm chứ” [4, tr.97]. Tính cách nhân vật được thể hiện qua các hành động, giao tiếp, suy nghĩ của nhân vật. Nhân vật có tính cách phức tạp bao nhiêu thì càng khó hiểu bấy nhiêu. Khi giao tiếp với nhau, giọng điệu của họ biến đổi linh hoạt: “Ngày xưa em có một con chó giống Maltese. Nàng nói. – Lúc còn bé kia. Xin bố em mua cho đấy. Em là con một, ít nói, không có bạn bè, nên thèm bạn chơi lắm. Thế ông có anh em gì?

- Có một người anh

- Người anh tuyệt vời chứ?

- Xà, chẳng biết. Chứ bảy năm rồi, có gặp nhau đâu” [5, tr.166].

Bằng cách đối thoại như thế, Murakami để con người thực của các nhân vật bộc lộ ra một cách tự nhiên, không gò ép hay bị đóng khung trong một khuôn mẫu nào.

Khi đối diện với cuộc sống, các nhân vật trong truyện ngắn của Murakami thường mang tâm lý chán nản, tuyệt vọng, những lý tưởng ước mơ hiện thực đã làm cho các nhân vật hoang mang. Nhân vật ‘tôi” trong Chim vặn dây thiều và

người phụ nữ thứ ba cũng thế. Anh học giỏi, tốt nghiệp và làm cho một hãng

luật, có ước mơ của riêng mình: “Ngày trước tôi nghĩ tôi cũng là người đàng hoàng, hừng hực lửa hi vọng đấy chứ. Thời trung học cấp ba đã đọc truyền

thuyết Clarence Darrow mà lập chí trở thành luật sư đấy. Thành tích học tập cũng không tệ. Trong cuộc bầu phiếu người có triển vọng thành công nhất trong lớp 12, tôi đã đứng hạng nhì cơ mà. Rồi vào được khoa luật của một trường đại học khá nổi tiếng nữa” [7, tr.132 – 133]. Nhưng cuộc sống của anh giờ đây vô cùng chán: “Chán thật, tôi nghĩ. Chán ơi là chán. Con mèo cứ muốn đi đâu thì cứ đi, muốn ở đâu cứ ở. Chứ đàn ông ba mươi tuổi đầu rồi còn làm cái giống gì ở đây thế này? Giặt áo quần, lo cơm tối, và đi tìm con mèo à?” [7, tr.312]. Hành động lột vỏ quýt của cô gái trong Đốt nhà kho diễn ra trong vô thức, sự lặp lại tẻ nhạt trong cuộc sống: “Nàng lấy một quả quýt đưa lên miệng, ngậm lấy và nhai, xong nhả rác ra. Ăn xong một quả quýt thì dồn xác vào trong vỏ quýt cuộn lại và vất vào trong chậu đựng vỏ quýt. Chuỗi động tác ấy cứ thế mà lặp đi lặp lại với những quả quýt vô hình” [7, tr.56]. Hành động lột vỏ quýt diễn ra trong vô thức, nó tượng trưng cho một lối sống tẻ nhạt, vô vị, và bất ngờ vào một ngày họ chợt thấy mình không còn là mình nữa. Đây là bi kịch chung của thanh niên Nhật Bản. Hoàn cảnh sống quy định tính cách của nhân vật.

Trong Vương quốc đã băng hoại, qua lời kể của nhân vật ‘tôi”, con người anh Q hiện lên sắc nét: “Anh Q bằng tuổi với tôi, nhưng đẹp trai gấp 570 lần tôi, tính tình cũng tốt hơn, chưa hề thấy anh ra vào làm phách với ai. Cũng chẳng tự cao tự đại dù ai làm thất bại đến phiền lụi cả anh đi nữa, anh cũng không hề giận dữ, anh nói: “Chẳng làm sao hơn. Ta cùng chịu vậy”, thế thôi” [4, tr.113]. Qua sự mô tả người đọc cảm nhận được anh Q là một con người hòa nhã, vô tư đối với mọi người xung quanh. Còn cô gái trong Cây liễu mù và cô gái ngủ là một con người thích sự yên tĩnh, lãng mạn: “Cô đã vẽ hình ngọn đồi, trên đỉnh đồi có ngôi nhà nhỏ, trong nhà có mỗi một cô gái đang ngủ. Quanh nhà là đám liễu mù. Đám liễu mù đã ru cô gái ngủ say” [7, tr.113]. Tâm trạng cô đơn, cô muốn tìm một nơi yên tĩnh làm điểm dừng chân, sống thực đối với con người mình. Thiên nhiên luôn nâng đỡ con người trong mọi hoàn cảnh.

Nếu như việc xây dựng ngoại hình, hành động thiên về bộc lộ tính cách thì việc xây dựng đối thoại, độc thoại nội tâm chủ yểu thể hiện tâm lý nhân vật. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo những hình thức đối (đối thoại qua thư…), Murakami đã kế thừa thành quả của các nhà văn đi trước và tạo ra một không gian tâm lý sống động. Thông qua việc lựa chọn, xây dựng tình huống, bố trí các đoạn độc thoại nội tâm, thế giới tâm lý của nhân vật xuất hiện sinh động, tạo hiệu quả nghệ thuật cao. Đặc biệt, tâm điểm ngòi bút của Murakami hướng đến

các giá trị bền vững trong cuộc sống của con người (tình yêu, tình bạn, sự sống, cái chết), do vậy tạo nên sự đồng cảm sâu sắc với bạn đọc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w