Một nét đặc sắc trong truyện ngắn Haruki Murakami là ông đã vẽ nên những cảnh siêu thực, những không gian ám ảnh nơi mà hành động của nhân vật diễn ra. Suốt cả cuộc đời nhân vật, không gian ấy được nhắc đi nhắc lại như một ám ảnh, ám ảnh trong đời sống thường ngày và ngay cả trong giấc mơ, thời gian ảo.
Trong thế kỷ XX, sự phát triển của các lý thuyết văn chương, các quan niệm mỹ học, một trong những điều bị đẩy đến mức độ tận cùng của sự khủng hoảng chính là mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Những truyện ngắn của Murakami mang đến một hình ảnh về nước Nhật đương đại, dẫu là dưới dạng một ẩn dụ. Đó là một xã hội mà quá khứ vẫn không ngừng hiện diện và ám ảnh. Hơn thế nữa, đó là một ẩn dụ về con người và bản sắc dân tộc Nhật. Trong sự vận động của một thế giới đang dần trở thành một thế giới phẳng, nhiều người hay ám ảnh bởi những việc bảo tồn, gìn giữ cho một bản sắc văn hoá. Liệu chàng trai trong Người thứ bảy có trưởng thành thật sự được không nếu như không trải qua một khoảng không gian ám ảnh về cơn sóng thần năm anh mười bốn tuổi: “Tôi chợt nhận ra bóng tối dày đặc vây quanh tôi bỗng nhiên biến mất. Cũng đột ngột như khi xuất hiện, bóng tối đột ngột biến đi không để lại dấu vết” [16, tr.85]. “Quá khứ và hiện tại trộn lẫn vào nhau, như căn nhà cũ kỹ của tôi bị phá huỷ rồi tất cả mảnh vỡ cuộn tròn trong dòng xoáy của thời gian. Tất cả những âm thanh xung quanh ngừng lại, và ánh sáng chập chờn hư ảo… Nhưng tôi không sợ gì hết. Không có gì phải sợ. Tất cả đều đã là quá khứ” [16, tr.86]. Vấn đề lớn đối với con người nơi đây không phải là gìn giữ một giá trị mà là tìm kiếm một giá trị cho cuộc sống. Trong ý thức, vấn đề lớn nhất đối với đời sống đương đại là con người phải đối diện và vượt qua sự vô nghĩa của đời sống. Bởi đời sống suy cho cùng, không thể là một đời sống vô nghĩa.
Ám ảnh là điều không hay, lởn vởn trong trí, làm cho ta phải băn khoăn lo lắng, mà không sao xua đi được. Murakami tạo ra những không gian ám ảnh về những kí ức đau thương của các nhân vật. Người thanh niên trong Lưỡi dao săn ám ảnh về con dao xuất hiện trong giấc mơ của mình. Không gian của vườn trí nhớ đầy sương mù cứ luẩn quẩn xung quanh anh ta. Đó là những nỗi niềm không thể chia sẻ cho người khác biết nhưng nó lại làm nên cuộc đời ta. Ai cũng bị thương cả. Cùng một con dao sắc chém vào phần mềm của đầu nhưng vết thương của mỗi người lại khác nhau. Kí ức lôi ta vào những biển hoài nhớ, và chỉ có thời gian mới chấm dứt được thời gian: “Đêm sâu thẳm và thời gian dễ bị uốn cong. Ánh sáng tròn đầy của mặt trăng càng làm tăng thêm chiều sâu thẳm đó và dễ uốn đó” [16, tr.187].
Trong Chuyện quái đản trong thư viện, nhà văn Haruki Murakami để
nhân vật của mình lạc vào một không gian căn hầm dưới thư viện tối tăm, đầy sự ghê sợ. Và rồi “giờ đây, trong bóng đêm 2 giờ khuya, tôi lại nghĩ đến căn
phòng dưới hầm thư viện ấy” [4, tr.226]. Một không gian chứa nhiều bí ẩn, ở đó có người cừu, có ông già hung tợn, có thiếu nữ tuyệt đẹp với nhan sắc mà ai cũng mơ mộng. Nhưng chính không gian dưới căn hầm ấy đã dạy cho anh ta nhiều bài học về cuộc đời. Gương soi lại có không gian ám ảnh kiểu khác. Đó là không gian của đêm gác ở một trường trung học vào tháng 11 lộng gió. Gió hú suốt đêm, các cánh cửa hồ bơi bị gió va đập mạnh. Không gian đêm ấy sởn gai ốc khiến người canh gác không tập trung suy nghĩ được gì. Lối vào trường nằm khoảng giữa chiều dài hành lang. Và đó cũng chính là khoảng không mà tấm gương xuất hiện, soi rọi cái tôi bên ngoài của chính người bảo vệ: “Nhưng nó là một cái tôi bên ngoài tôi. Hình dạng tôi mà không phải là tôi” [16, tr.166]. “Và tôi chẳng bao giờ quên được nỗi sợ hãi tối hôm đó” [16, tr.167]. Nỗi ám ảnh của đêm tối gió lớn ấy đi suốt trong kí ức của người bảo vệ.
Bước vào thời kỳ hiện đại, quan hệ xã hội tăng cấp thì sợi dây liên hệ giữa con người với con người mỏng manh biết chừng nào. Khi ấy, con người thấy mình cô đơn giữa cuộc sống đời thường. Nỗi lo sợ cứ ám ảnh họ và nỗi cô đơn không của riêng ai mà nó tràn ngập khắp mọi nẻo của không gian. Ám ảnh về không gian thành phố Kushiro có đĩa bay đáp xuống mà người vợ của Komura đã bỏ đi vĩnh viễn. Không hiểu vì lý do gì, mà ngay thời điểm ấy chị đã nhận ra cuộc sống của mình với chồng như sống với “một khối không khí” [6, tr.19]. Hay như, không gian chạng vạng tối chủ nhật vào một mùa xuân, Người Ti - Vi xuất hiện đã làm đảo lộn cuộc sống của nhân vật “tôi”: “Nói đúng hơn là khối tịch mịch dày cộm đang nghiến vào khoảng không tăm tối mà phát ra một chuỗi u u trong tai tôi” [8, tr.16]. Ngay ở cơ quan, anh ta cũng cứ bị ám ảnh về không gian bị chiếm trọn của tối chủ nhật mà bọn Người Ti - Vi xuất hiện và đảo lộn mọi thứ trong gia đình: “Tôi tóm tắt các ý kiến đã nghe được thành đề nghị chỉnh tề, mà còn thêm vài câu nói đùa ý nhị để làm nhẹ bớt không khí thảo luận nữa. Có lẽ cũng vì tôi muốn làm nhẹ bớt cảm giác u uẩn vì bị ám ảnh bởi bọn Người Ti-Vi” [8, tr.31]. Kano Creta ám ảnh về căn hầm nơi hai chị em cô đã giết lão cảnh sát khi đang cưỡng dâm cô. Bóng ma tên cảnh sát lởn vởn quanh cô khiến cô vừa ngủ vừa run. Cô gái trong Xác ướp ám ảnh bởi không gian nửa đêm khuya sương mù bên nghĩa địa. Không gian “nghe rờn rợn quá đỗi” [8, tr.100]. Tại đây, anh chàng người yêu nói về cô với những điều rất thô tục. Đồng thời chàng trai tự tay lột hết da mặt mình: “Chàng tự tay lột hết da mặt mình. Tròng mắt rớt thõng xuống. Mũi chỉ còn là hai lỗ tối đen” [8, tr.103]. Ám ảnh về
xác ướp cùng đêm đi trên con đường qua nghĩa địa làm cho cô gái như bừng tỉnh một cái gì đó, như mình cũng có những điều xấu chứ không phải hoàn hảo.
Cùng với thời gian hồi tưởng, bằng văn phong độc đáo, Haruki Murakami đã tạo dựng nên những không gian về nỗi cô đơn, cái chết…ám ảnh suốt hành trình cuộc đời của các nhân vật. Hai thế giới thực và ảo luôn đan cài trong hầu hết các tác phẩm, những tình tiết bất ngờ, những cuộc săn đuổi đầy hồi hộp trong bóng tối nhưng lại rất đỗi thuần tuý nhân văn, đi tìm ánh sáng chính nghĩa cuộc đời.