Bên cạnh sử dụng mô típ phân thân, giấc mơ, Haruki Murakami còn sử dụng mô típ hoá thân, đội lốt. Chính mô típ này làm sinh động bức tranh nhận thức về cuộc đời. Mang dấu ấn hậu hiện đại, truyện ngắn của Murakami thường lấy các mô típ làm biện pháp nghệ thuật, điều này làm cho tác phẩm không nhàm chán, ngược lại còn tạo hứng thú cho người đọc.
Mô típ hoá thân trong truyện ngắn Haruki Murakami là biến dạng trong hành trình con người tự biến mình thành những người khác lạ, dị thường mà chỉ có trong thế giới cổ tích, huyền ảo. Trong Người lùn nhảy múa, người lùn được Murakami cho gia nhập vào cuộc sống hiện đại của con người. Lùn nhưng tài năng nhảy múa thì không ai sánh bằng. Đồng thời, ở con người đó ẩn giấu bao bí hiểm: “Người lùn lợi dụng quyền lực mà làm chuyện xằng bậy nơi cung điện vì thế mà cách mệnh đã nổi dậy” [7, tr.98]. Tài nhảy của người lùn không chỉ thu hút sự ngạc nhiên, hâm mộ của mọi người, mà còn lọt vào tầm mắt của nhà
vua. Và người lùn có tài thuyết phục anh chàng chế tạo đầu voi cho người lùn xâm nhập vào thân thể của mình. Nhưng những hành động qúa đà ấy đã gây ra rất nhiều hậu quả. Con người làm gì cũng phải ý thức được hành động của mình. Tuy nhiên, biến thành những con người khác cũng là cách làm mới cuộc sống vốn tẻ nhạt, giảm bớt đi nỗi buồn và cô đơn của con người.
Cái thực và ảo đan xen trong cách sử dụng mô típ hoá thân. Người Ti-Vi xuất hiện làm tê liệt và ngưng đọng cuộc sống của nhân vật “tôi: “Từ lúc bọn người tivi vào phòng đến lúc họ ra khỏi, tôi chẳng hề cử động chút nào. Cũng không nói một lời nào. Chỉ nằm trên ghế dài mà nhìn họ làm việc” [8, tr.24]. Hình dáng bên ngoài của Người Ti-Vi không có điểm gì là của cá nhân nên phân biệt được từng người là chuyện vô cùng khó khăn. Sự hoá thân của Người Ti-Vi đã nhập sâu vào cuộc sống của nhân vật “tôi”. Kim đồng hồ thời gian không quay, cảnh vật xung quanh bị xáo trộn càng làm cho cuộc sống con người trong thời đại hậu công nghiệp cô đơn và lạc lõng hơn.
Một mô típ khác gần với mô típ hoá thân là mô típ đội lốt. “Đội lốt mang danh nghĩa hình thức bề ngoài nào đó để che dấu bản chất, hành động xấu xa, tội lỗi” [ 22, tr.430]. Nhà văn sáng tạo và cấp giấy thông hành cho những nhân vật mang lốt thú hoặc những con thú mang hình bóng con người. Họ tồn tại như những cá thể tất yếu, bình thường trong xã hội hiện đại. Cậu Ếch tuy mang thân ếch nhưng đã thể hiện sức mạnh mà con người bình thường khó có thể làm được, đó là đánh Cậu Trùn khổng lồ để cứu Tokyo thoát khỏi trận động đất. Đội lốt nhà ếch nhưng những việc làm của cậu đều giống như của một con người thực sự: đun nước pha trà, biết lễ nghi, có óc hài hước…Sự tồn tại của Cậu Ếch trong thế giới hiện đại được mọi người công nhận. Họ không ngạc nhiên khi có những con vật kì dị ấy bên cạnh mình. Có lẽ chính những con vật ấy hiểu biết tình hình biến động thế giới nhiều hơn là con người. Thông qua đó, nhà văn Murakami muốn gửi đến một thông điệp, mọi người hãy sống có lương tâm với mọi thứ xung quanh và với bản thân. Sẽ là niềm vui nếu ta biết chia sẻ cùng đồng loại những công việc có ích. Hay như Quái thú màu lục có những tình cảm như con người, đôi mắt giống đôi mắt của con người. Quái thú cũng có những tâm sự như chúng ta. Hay chính con người ta đội lốt dưới dạng một con thú để làm mới hình thể và cách nhìn nhận khác về bản thân. Dù muốn ở thế giới ảo lâu hơn nữa nhưng con người cũng như quái thú phải quay trở lại thực tại để hoàn thiện phần còn thiếu mà ta chưa làm được.
Trong truyện ngắn Đại nhạc hội của sư tử biển và Giáng sinh của người
cừu, mô típ đội lốt xuất hiện suốt trong tác phẩm. Đội lốt là Người Cừu, con
người lạc vào một không gian kì ảo để gặp những con người kì quái. Dù là kì quái nhưng ở họ có một tâm hồn cao quý, thân thiện. Không giống như con người hiện đại, mối quan hệ giữa người và người ngày càng xa dần, chạy theo cuộc sống đô thị hoá con người cũng cô đơn như thường. Tiện nghi đầy đủ nhưng tinh thần thì thiếu. Người Cừu đi sang thế giới kì ảo bên kia quen và thích hai người cong queo, hai cô gái sinh đôi 208 và 209, phu nhân ngài mòng biển... Ở họ yếu tố vật chất không bị chi phối. Đội lốt dưới dạng đại nhạc hội của sư tử biển, người đọc sẽ cảm nhận được điều thiếu sót của mình với những loài vật xung quanh. Lòng người hẹp hòi hơn những con vật. Đại nhạc hội của sư tử biển là một sự hồi sinh của thế giới: “Cuộc sống là sự dọn mình cho lễ hội bởi vì lễ hội giúp chúng tôi nhận thức được chân tính của bản sắc loài sư tử biển - những lễ hội xác nhận bản sắc của chúng tôi - bản sắc của sư tử biển, có thể nói như vậy” [16, tr.58].
Dẫu sống trong các mối quan hệ xã hội, nhưng con người cảm thấy xa lạ với cuộc sống, thậm chí xa lạ với chính bản thân mình. Từ đó nảy sinh tâm trạng bất an, vì vậy con người xuất hiện dưới nhiều hình thức nhằm tìm niềm vui, cuộc sống trong thế giới thực - ảo lẫn lộn. Sáng tác của Murakami là sản phẩm của thời đại với niềm tin “dương cao ngọn đèn soi cho dân chúng giữa trận bão lớn”. ( Báo Yomiuri Shimbun)