Giọng triết lý

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 60)

Nhu cầu khám phá và phản ánh chiều sâu hiện thực, trong văn Haruki Murakami xuất hiện giọng triết lý, có thể hiểu một cách khái quát là những suy tư đậm màu sắc chủ quan về các vấn đề của đời sống, thể hiện cái nhìn sắc sảo về nhân sinh quan. Nhân vật rất hay triết lý, họ thể hiện và nhìn đời bằng kinh nghiệm riêng và mạnh dạn bày tỏ quan niệm của mình trước cuộc sống. Mỗi vấn đề, mỗi nhân vật của Murakami đều có một quan niệm riêng, một chính kiến không ai giống ai. Đó cũng là cách mà nhà văn cho người đọc thấy nhân vật của ông là lớp trẻ luôn có nhu cầu khẳng định mình. Họ không chấp nhận sự thật dễ dàng mà luôn hoài nghi, tranh biện để nhìn ra bản chất của cuộc sống.

Trước một đối tượng hay một vật thể nào đó, nhà văn để cho nhân vật tự triết lý như một cách chia sẻ, đối thoại với bạn đọc. Khi đứng trước vấn đề sinh tử, nhân vật “tôi” trong Đom đóm khẳng định: “Tử không phải là đối cực của Sinh, mà tồn tại như một phần của Sinh…Tử đã tồn tại bên trong. Và mọi người giống như đã hấp thụ Tử như hít một hạt bụi li ti vào sẵn trong phổi mà mình tiếp tục sống” [7, tr.36]. “Tử một ngày nào đó sẽ tóm được ta. Nhưng như thế cũng có nghĩa ngược lại là cho đến khi Tử tóm được ta, thì ta vẫn chưa bị Tử tóm. Đối với tôi, như thế này là tư duy vô cùng nghiêm trang và luận lý. Sinh hiện hữu ở phía bên này, còn Tử hiện hữu ở phía bên kia” [7, tr.37]. Nhân vật “tôi” trong Dãi bờ biển tháng Năm cũng có quan niệm riêng của mình về cái

chết “như đánh mất lạc trong dòng thời gian, cái chết dần dần chậm cuốn theo sóng biển ngày nào đấy, đã giạt vào bờ biển của khu phố yên tĩnh này” [4, tr.108]. Đây là triết lý của một người chứng kiến cái chết quá nhiều trên bờ biển. Số phận của mỗi người đã được định, nên phải chấp nhận mà sống: “Mỗi người ai cũng có quan niệm riêng mà suy nghĩ. Cho đến ngày đã định của mình, ai cũng tiếp tục sống theo phận ấy” [4, tr.210 – 211].

Chất triết lý không tập trung ở một tầng lớp, mà có thể tìm thấy ở trong bất kỳ nhân vật nào mà nhà văn đã hóa thân. Trên đời, cái thực giả, đúng sai khó phân biệt. Đừng vì vẻ hào nhoáng bên ngoài mà công nhận là tốt và ngược lại: “Có lẽ đó là một vấn đề không thể phán định được trên cơ chuẩn đúng sai. Bởi lẽ trên đời này có những lựa chọn sai mang kết quả đúng, mà có những lựa chọn đúng mang kết quả sai” [7, tr.161]. “Cái gì thấy trước mắt chưa hẳn là thật” [6,

tr.175]. Để nhận ra chân lý đúng sai trong khoảng một thời gian ngắn là vô cùng khó khăn, mà phải trải nghiệm bằng những việc cụ thể mới thấu hiểu được.

Giọng triết lý có lúc trầm lắng, đầy trải nghiệm: “Trên đời này có những người, khi quá một mức tuổi nào đó thì ngoại hình không còn thay đổi theo tuổi tác nữa” [7, tr.193]. “Người ta chỉ có cảm giác đích xác là đã mất đi vật gì không phải ở ngay thời điểm đánh mất, mà chính ở thời điểm người ta để ý đến sự mất mát” [7, tr.292]. Và “tôi bắt đầu lý giả được tâm tình của những người dù có bị hút hết óc não đi cũng vẫn chịu, để kiếm cho bằng được những tri thức mới, dù chỉ giữ trong một tháng nữa thôi” [4, tr.199].

Giọng triết lý của nhà văn và nhân vật không giới hạn trong một vấn đề. Ngược lại, tất cả những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của con người đều có thể triết lý bằng những trải nghiệm riêng. Cuộc sống diễn ra hằng ngày, có lúc thăng trầm, lúc dữ dội, vì thế khó mà tránh khỏi những chấn động: “Chung quy, chẳng phải âm thanh đã tiêu đi mất, mà chỉ là chấn động không khí đã bị hút mất đó thôi…Chấn động chỉ đơn giản là tiêu tan đi mà thôi. Bởi trên thế giới này, không thể có thứ chuyển động nào lại có thể tồn tại vĩnh viễn được. Chuyển động vĩnh viễn thì vĩnh viễn không có được” [4, tr.177]. Sống ở thời đại nào, ai cũng đón nhận được những cái mới, nhưng bên cạnh đó ta cũng mất đi một số thứ. Sống là phải dung hòa giữa cho và nhận. Thời gian kéo theo tuổi tác của con người: “Ngay cả thời gian cũng chẳng phải là chuyển động vĩnh viễn. Tuần này không có tuần sau tiếp nối, là chuyện có thể xảy ra. Tuần này không có tuần trước khởi dẫn lại cũng có thể là chuyện có thể xảy ra” [4, tr.177]. Đời sống

luôn có những chuyện buồn, chuyện vui, nhưng chuyện buồn vẫn ẩn chứa cái cười bên trong: “Tôi nghĩ, chuyện buồn sâu đậm nào cũng có chút gì đấy thật buồn cười, hàm chứa bên trong” [8, tr.90].

Từ triết lý của các nhân vật trong truyện ngắn của Haruki Murakami, cho thấy họ là những con người có cá tính, nhìn cuộc sống bằng triết lý chủ quan của mình. Chính điều này đã làm cho truyện ngắn của Murakami có chiều sâu và mang ý nghĩa khái quát hơn. Đồng thời, giọng triết lý cũng góp phần bộc lộ tài năng phân tích và khả năng phản ánh hiện thực của nhà văn, khai thác mổ xẻ bản chất của cuộc sống.

Các giọng điệu kết hợp như dàn đồng ca, tung hứng, bè đệm ăn nhịp với nhau tạo nên một cái mới trong văn phong của Haruki Murakami. Thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, các giọng điệu giúp người đọc hiểu ra một phần cuộc sống của Nhật Bản hiện đại, xã hội Nhật Bản sôi động và phức tạp như thế nào. Sôi động ở mặt hình thức, nhưng tầng sâu lại là sự cô đơn.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện ngắn của Haruki Murakami (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w