Truyện ngắn Haruki Murakami là sự đan xen hài hoà giữa thực và ảo. Cái thực làm phông nền cho cái ảo, ngược lại cái ảo giải mã cái ẩn chứa sau phông nền đó. Sự đan xen thực và ảo trong phong cách viết của nhà văn đầy tài năng này mang dấu ấn từ truyền thống Phương Đông - Nhật Bản và dấu ấn Phương Tây.
Không – thời gian kỳ ảo và không – thời gian hiện thực hoà trộn nhau xây dựng nên tính cách con người và xã hội Nhật Bản trong truyện ngắn Murakami. Bên cạnh những yếu tố thực có sẵn trong tâm thức của con người thì ông lại biến hoá nó thành thế giới kỳ quái với không gian xã hội Nhật Bản đầy rẫy những toan tính, nhạc Jazz, sex, những món ăn yêu thích…Không dừng lại ở đó, trong thế giới kỳ lạ ấy còn có những người lùn, xác ướp, những người còng queo, những cô gái mang mã số 208, 209, những bóng ma…Những cái kỳ ảo đó xuất hiện làm đảo lộn cuộc sống bình thường của con người. Không gian ảo, thời gian không xác định cụ thể. Nhưng giữa cái ảo đó cái thực hiện lên sinh động. Cả hai có mối quan hệ biện chứng với nhau: “Cả ba đều coi như tôi không có mặt trong phòng. Họ mở cửa khuôn tivi vào phòng. Hai người đặt tivi lên tủ chưng. Người thứ ba cắm dây nối vào ổ điện…Người Ti-Vi lôi đồng hồ ấy xuống, đặt trên sàn…Lại nữa, đồng hồ ấy mà để trên sàn, đêm tối chân tôi thế nào cũng động phải. Đêm nào, khoảng 2 giờ tôi cũng thức dậy đi tiểu, đầu óc còn mơ màng, không vấp phải vật này cũng đụng phải vật kia thôi” [8, tr.20]. Không thời gian kỳ ảo xuất hiện trong giấc mơ và không thời gian hiện thực có sự trùng khít đến kỳ lạ. Cái ảo làm nên cái hư - thực trong truyện ngắn Murakami.
Truyền thống văn hoá Phương Đông với những câu chuyện dân gian huyền bí, những câu chuyện tâm linh được xem như những triết lý để nhận thức và phản ánh đời sống. Sự đan xen thực - ảo trong truyện ngắn của Murakami được Nhật Chiêu nhận định: “Yếu tố ma ảo của ông có nguồn gốc Phương Đông, ngay chính trong văn học cổ điển”. Thiên nhiên và cuộc sống trong
truyện của Y.Kawabata đẹp khi nhìn từ góc quay “ảo”. Trong Xứ tuyết, nhân vật của ông từng nói: “Một nửa thuộc về chính thiên nhiên, một nửa kia thuộc về một thế giới xa xôi nào đó. Một vũ trụ tồn tại ở nơi khác”. Trong văn học Nhật Bản, đa số cái đẹp đều gắn liền với cái ảo. Trong truyện ngắn Haruki Murakami ông không tạo nên những nỗi sợ hãi bản năng mà để lại những nỗi kinh hoàng cứ ám ảnh ta, nó như không tưởng đến khó tin. Với Người lùn nhảy múa, nhà văn miêu tả bằng những ngôn từ thật ghê rợn: “Từ hai hốc mũi có những gì trăng trắng nhão nhoẹt ùn ra. Trời ơi, giòi đấy, những con giòi lớn chưa từng thấy lổm nhổm nối tiếp nhau trườn ra khỏi hốc mũi ấy…Đám giòi vẫn liên tục bò ra từ hai lỗ sâu ấy, dính đẵm những vụn thịt thối rửa” [7, tr.113]. Hình ảnh hoang đường mang lại cảm giác sợ hãi kinh hoàng nhưng nói lên sự chịu đựng của con người. Nếu không ai dám đối diện với cảnh tượng ấy thì không thoát khỏi địa ngục trần gian.
Ở Phương Đông có những tác phẩm nổi bật yếu tố ma ảo trộn lẫn hiện thực như: Liêu Trai chí dị, Tây Du Ký của Trung Quốc, Truyền kỳ mạn lục của Việt Nam… Tất cả đều mang dấu ấn dân gian của văn hoá Phương Đông. Cái thực và ảo đan cài vào nhau xuất hiện trong truyện ngắn của Haruki Murakami lý giải các hiện tượng đời sống và tự nhiên, trở thành truyền thống tâm linh trong cộng đồng. Khác với hình ảnh những người anh hùng trong lịch sử, anh hùng trong truyện ngắn Murakami không bình thường. Cậu Ếch có một sức mạnh phi thường cùng với chàng Katagiri chiến đấu với Cậu Trùn khổng lồ để cứu Tokyo thoát khỏi thảm hoạ trận động đất. Còn hình ảnh chú sư tử biển gánh vác một nhân tố tinh thần tạo nên thế giới: “Chúng tôi hy vọng rằng lễ hội của chúng tôi sẽ là một bàn đạp nhằm đạt đến một cuộc hồi sinh như thế. Đó là lời nhắn gửi của chúng tôi đến thế giới” [16, tr.58]. Phục hưng loài sư tử biển đi đôi với phục hưng thế giới. Thực và ảo đan xen kiến tạo một thế giới nhận thức mới. Cái kì ảo phản ánh: “Một sự đụng chạm, một chỗ nứt rạn, một sự tràn ngập đột ngột gần như không chịu đựng nỗi trong thế giới thực tại” (Roger Caillois). Ở thế kỉ XIX độc giả bắt đầu được tiếp xúc với một số tác phẩm mang dấu ấn huyền ảo như: Bọ hung bằng vàng của Edgar Poe, Trăm năm cô đơn của Macket… Cuộc hôn phối Đông - Tây đã góp phần cho ra đời diện mạo mới của văn học. Tuy nhiên, trong sáng tác của Haruki Murakami, yếu tố kì ảo hoàn toàn không mang tính chất “huyền” như bút pháp hiện thực huyền ảo của Mĩ-Latinh. Những tác phẩm mang dấu ấn hậu hiện đại của Murakami mang tính phi lý,
nguỵ tạo, được giễu nhại trong kỹ thuật sử dụng yếu tố ảo. Lấy xúc cảm từ một thời kỳ hậu công nghiệp, cái ảo trong văn phong của ông không xa rời thực tế. Ngược lại ảo - thực hoà quyện vào nhau. Từ bối cảnh là căn hầm dành nơi đọc sách trong thư viện, nhà văn lắp ghép và đẩy những tình tiết ấy lên mức kỳ ảo. Ảo để con người nhận thức được chân lý cuộc đời. Hay như người đàn ông băng và thế giới băng trong Người đàn ông băng nói lên sự xa cách giữa con người và tha nhân. Trong vấn đề tình dục, ở Đĩa bay đáp xuống Kushiro nhà văn cho hai người vừa làm tình vừa lắc chuông keng keng vì sợ gấu đến. Sự cô đơn của các nhân vật trong truyện ngắn Murakami không mới nhưng khác ở cách thể hiện. Thực và hư, hư và thực trộn đều với nhau.
Murakami dùng cái ảo để giải mã cái thực. Hiện thực là mạch nguồn để nuôi dưỡng yếu tố kỳ ảo, bởi “không xuất phát từ cuộc sống, không tham gia vào cuộc sống của nhân loại, yếu tố kỳ ảo sẽ trở nên leo lét như ngọn đèn trước gió” (Alejo Carpentier). Khám phá những điều kỳ lạ, bí ẩn trong cuộc sống cùng những trí tưởng tượng phong phú là mảnh đất phù sa phát triển sự nghiệp văn chương của Haruki Murakami.