Quan hệ giữa vợ và chồng

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 62)

6 Cấu trúc luận văn

2.1.2.3.Quan hệ giữa vợ và chồng

Bên cạnh việc miêu tả tình anh em, chị em thật sâu nặng, Nguyễn Ngọc Thuần còn rất chú ý đến lối ứng xử giữa vợ và chồng, anh đã tế nhị nhắc khéo trong nhiều chi tiết. Trong dân gian, ông cha ta đã có những câu tục ngữ ca dao ngợi ca tình cảm vợ chồng như “Vợ chồng sống gửi thịt, chết gửi xương”, “Có chồng thì phải theo chồng / Đắng cay cũng chịu mặn nồng cũng vui” hay “Chồng giận thì vợ bớt lời / Cơm sôi nhỏ lửa cả đời không khê”,…Chính tình cảm yêu thương vợ chồng êm ấm là hạnh phúc chở che cho những đứa con. Mối quan hệ vợ chồng sống bằng nghĩa bằng tình, bằng sợi dây kết nối là những đứa con, bằng những trái tim rung động thủa yêu đương đến khi “đầu bạc răng long” vẫn mặn nồng tình nghĩa.

Nguyễn Ngọc Thuần đã xây dựng những tình cảm vợ chồng đằm thắm và đáng trân trọng. Dưới con mắt của trẻ thơ, tình cảm của bố mẹ sao mà che giấu nổi chúng “Bố em chịu thua mẹ. Bố em nói mẹ em cứng đầu lắm! Nhưng em biết bố đùa, bố không bao giờ nói mẹ cứng đầu. Có hôm em còn nghe bố nói mẹ là cục

63

cưng. Em thắt cười lắm. Mẹ to như vậy mà bảo là cục cưng. Vậy mà bố cứ nói cục cưng, cục cưng…” [56, tr.54]. Sự đáng yêu của cậu bé trước tình cảm của cha nó dành cho mẹ nó khiến nó “thắt cười”, nhưng nó cũng đủ lớn để cảm nhận được “bố em yêu mẹ nhiều thật nhiều” [56, tr.54].

Tình cảm vợ chồng chân quê thật thà, hiền hậu. Họ rất tế nhị khi biểu lộ tình cảm với nhau, họ không phô trương vật chất hay “toang toác công bố cho bàn dân thiên hạ” mà thứ tình đó sâu lắng, đằm thắm, nhẹ nhàng và có chút gì giản dị đơn sơ. Đôi khi nó là sự ngóng đợi kiên nhẫn “Mẹ vẫn còn chải tóc. Mẹ sẽ chải cho đến lúc bố tôi về. Những buổi chiều tối chờ bố, mẹ đều làm như vậy”[56, tr.88], đôi khi lại là những câu nịnh yêu ngọt ngào “Tôi nhặt sợi tóc sâu cho mẹ. Có những sợi tóc sâu vẫn dài cả mét. Tôi nói những sợi tóc đó đẹp nhất. Bố “nịnh” mẹ, bảo tóc mẹ sợi nào cũng đẹp. Mẹ cứ im im không nói gì nhưng khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên. Trong ngày mưa, tôi thích nhìn mẹ những lúc như vậy” [56, tr.104]. Dù là sự ngóng đợi lặng lẽ hay những “câu nịnh yêu” tình tứ thì đều chứa đựng xúc cảm xao xuyến lạ thường. Nó chẳng cháy bỏng nồng nhiệt như lúc yêu, cũng không ngượng ngùng như thời còn hò hẹn mà sâu lắng sự đợi chờ thủy chung, sự hi sinh thầm kín. Thứ tình cảm đong bằng niềm thương, nỗi nhớ và cả nghĩa trọng cao vời vợi.

Tình vợ nghĩa chồng còn phải trải qua bao sóng gió, nỗi đau cuộc đời luôn thử lửa “ta và mình, mình với ta”. Cuộc sống nhiều chông gai, vợ chồng chú Hùng và cô Hồng đã đánh mất đứa con thân yêu khi “cô Hồng sinh em bé thiếu tháng”. Trước nỗi đau mất con và lòng thương vợ ngập tràn, người đàn ông ấy đã “Đứng dưới gốc cây, mắt chú Hùng đỏ hoe. Tôi chưa bao giờ thấy chú như vậy, đây là lần đầu. Chú không hề rên rỉ cũng không kêu hu hu, chỉ chớp mắt liên tục. Lâu lâu lại lấy tay quệt vài giọt nước mắt rồi quay đi chỗ khác” [56, tr.116]. Khi biết rằng vợ mình bị mất máu quá nhiều đang trong cơn nguy kịch, người chồng đã “òa khóc” và trước sự cấm cản của bác sĩ, anh ta đã không làm chủ được nữa “Chú quát lớn: Vợ tôi đang chết, các người không cho vào hay sao!” và anh “xông” vào với vợ, vào để được bên vợ, xoa dịu nỗi đau cho vợ [56, tr.117]. Hình ảnh một người chồng với những giọt nước mắt từ tâm hồn khi thấy vợ mình quằn quại trong đau đớn cứ ám ảnh người đọc - sự ám ảnh của những mất mát, của niềm thương yêu chân thành

64

nhất. Nỗi đau mất con vô cùng lớn như vết cứa ở tim nhưng người đàn ông cứng cỏi tạm cầm máu trong tim, và bình tâm an ủi vợ. Với anh, lúc này những lời nói, hành động, cách ứng xử của anh với vợ mới là quan trọng nhất. Trong những lúc đau đớn nhất, người chồng không bỏ mặc những cảm xúc của vợ, họ cùng nhau gồng gánh nỗi đau và cùng nhau hướng đến những điều tốt đẹp ở tương lai. Nguyễn Ngọc Thuần đã “thử lửa” tình cảm vợ chồng, qua đó người đọc có thể thấm thía được thế nào là tình nghĩa vợ chồng trăm năm “sống gửi thịt, chết gửi xương”.

Tình nghĩa vợ chồng hội tụ ở những đứa con hay những đứa con chính là kết quả của một tình yêu thương trọn vẹn. Vợ chồng cùng nhau vượt qua sóng gió, chăm chỉ làm việc, cần mẫn cấy cày cũng là để cho đời sau được no đủ. Nó là khúc khải hoàn sung túc, là niềm mơ ước phấn đấu ngày đêm không ngừng nghỉ của bậc làm cha làm mẹ. Nó thực sự trở thành quy luật bất biến trong cuộc sống vạn biến, thế hệ đi trước hi sinh cho thế hệ sau, ngàn đời cứ tiếp nối như vậy. Vợ chồng thương nhau khi bất chấp khốn khó để “cùng nhau nuôi dạy con nên người” [25, tr.211]. Kết quả của một tình yêu đẹp, một cuộc hôn nhân trọn vẹn khi một ngày kia “bố mẹ đã già, tóc trắng phau, ngồi bàn về chuyện con cháu lớn khôn” [25, tr.145]. Con cái chính là minh chứng cho niềm hạnh phúc mà “thủa xưa bố yêu mẹ, đứng nhẵn cả vách nhà mẹ mới thương lại” [56, tr.43]. Tình cảm của người bố và người mẹ dưới ánh mắt ngây ngô của nhân vật trẻ thơ hiện lên thật đẹp. Họ đối xử với nhau ân tình, họ yêu thương và trân trọng nhau. Qua những hình ảnh, lời nói ấy thấu hiểu được tình vợ chồng không đơn thuần là tình yêu nam nữ khác giới mà nó còn là cái nghĩa nặng lòng với nhau. Sợi dây gắn kết họ lại trước hết là ở trái tim chân thành rồi sau đó đơm hoa kết trái hóa thành những đứa con.

Tất cả những thành viên trong gia đình gắn kết với nhau bằng sợi dây tình cảm vô hình mà dân gian gọi là “giọt máu đào”. Mỗi người sống một cuộc đời riêng trong một cuộc đời chung, họ hòa vào nhau, hi sinh cho nhau, yêu thương nhau bằng trái tim chân thành nhất. Những đứa con mang hình hài của bố mẹ và bố mẹ là tấm gương soi sáng cho những đứa con bé bỏng của mình. Một gia đình họ thương nhau không cần cái cớ gì. Họ thương nhau, đối xử với nhau ân tình đơn giản vì là thương, là yêu, là hiển nhiên, là dĩ nhiên. Những nét văn hóa đó trở thành nền tảng,

65

cội nguồn nuôi dưỡng nhân cách trẻ thơ từ thủa nằm nôi cho đến khi vững chắc bước trên đường đời. Nguồn cội ấy chính là niềm hạnh phúc được đong đầy sớm tối “Cả nhà tôi đều vui. Mỗi người đều tìm thấy một niềm vui riêng thuộc về mình, nhưng cũng có những niềm vui chung thuộc về tất cả. Niềm vui đó như một sợi dây đàn, chạm vào thì nó ngân lên cả nhà và thế là ta vui”[52, tr.105]. Họ truyền cho nhau tiếng nói dịu ngọt, hành động âu yếu, truyền cho nhau những nét văn hóa gia đình truyền thống, và tất cả hội tụ thành hơi ấm tình thương.

Bằng những hình ảnh và chi tiết độc đáo, tác giả đã cho người đọc chiêm ngưỡng những khoảng trời bình yên của tình cảm anh em, cha mẹ con cái, vợ chồng với những hệ giá trị văn hóa đáng trân trọng và những bài học đắt giá về tình yêu thương. Văn hóa gia đình trong những trang văn của Nguyễn Ngọc Thuần như vươn đến một vẻ đẹp toàn mĩ đạt đến độ trác tuyệt mà ở đó, mỗi nhân vật như một tòa lâu đài mà tác giả thiết kế để ngày đêm trau chuốt nâng niu. Trẻ con tri nhận được cuộc sống, hiểu được tầm quan trọng cũng như sức mạnh nội sinh của gia đình, xã hội để từ đó nhân cách được hình thành dần dần. Chúng thấu cảm và ngưỡng vọng tất cả mọi thứ tồn tại xung quanh như một điều thiêng liêng cao quý. Nhân vật người lớn là những nhà giáo dục quan trọng của trẻ thơ, không chỉ tác động vào nhận thức của trẻ để chúng định hình đúng đắn cuộc sống mà họ còn là người khách quan tiếp ứng những phản hồi đáp trả trở lại từ chúng. Tức là giáo dục trong mối quan hệ giữa người lớn và trẻ con mang tính hai chiều và có sự tương tác qua lại, bổ sung cho nhau.

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 62)