6 Cấu trúc luận văn
2.2.1. Không gian làng quê
“Làng” không chỉ là sản phẩm của một nền tổ chức chính trị nhà nước mà nó còn là văn hóa mang bản sắc người Việt. Không gian làng quê được thể hiện thông qua các biểu trưng văn hóa mang giá trị truyền thống : cây đa, bến sông, con đê, mái
78
đình, giếng nước đến các bản gia phả, hương ước, hội hè đình đám, những làn điệu dân ca, dân vũ. Đó còn là nơi diễn ra những phong tục tập quán, cách ứng xử, tín ngưỡng tôn giáo, nghề đặc trưng…Được tạo dựng trên cơ sở nền văn minh nông nghiệp, làng là đơn vị cộng cư của những người vùng đồng bằng. Họ chủ yếu là người nông dân, với khuôn thước ứng xử nằm ở tầng sâu trong đời sống cộng đồng cùng hệ thống các giá trị đặc thù quy định và ngầm điều khiển các mối quan hệ xung quanh. Nói cách khác, con người nếu được sinh ra và lớn lên ở làng thì dù đi đâu về đâu, dù làm nghề này hay nghề kia, dù mang quốc tịch này hay quốc tịch khác cũng khó có thể thoát ly khỏi không gian làng, tâm thức làng, lề thói làng, giá trị làng, những cái là nền tảng xây dựng một nhân cách văn hóa.
Sáng tác thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần được xây dựng trên khung nền của những làng quê nghèo bình dị, đó là những không gian mênh mông mang đậm hơi thở văn hóa Việt. Làng quê với những cánh đồng lúa đương thì con gái, ngút ngàn màu xanh trinh nữ “cánh đồng này thật rộng lớn. Nó như một bãi xanh.” [52, tr.28], “Những cánh đồng trải dài như một vệt xanh trôi đi” [52, tr.118]. Trên những cánh đồng nắng gió là hình ảnh những người nông dân cần mẫn gồng gánh nắng mưa “Họ đang lom khom. Những cái dáng cong cong giống lưng mẹ. Họ đang làm…họ cúi mình xuống vũng xanh.” [52, tr.37]. Rồi đến mùa lúa chín “màu vàng trải rộng mênh mông” mang lại ấm no cho con người. Khi mùa gặt qua đi “lũ chim kéo về đông lắm. Trên cánh đồng, chúng lượm lặt những hạt thóc vương vãi..” [51, tr.89]. Một hình ảnh không hiếm thấy trong những ngày hè nơi làng quê yên bình rợp bóng cò bay, chim đậu. Thiên nhiên, đất trời, con người quyện đặc sóng sánh trong bức tranh quê bình dị, nơi đồng ruộng nhuốm vị bùn đất, mồ hôi và nỗi nhớ.
Không gian làng quê còn hiện hình với vườn tược cây trái xum xuê “Một vườn ổi xanh bạt ngàn mênh mông như mê cung, những trái ổi lủng liểng đầy trên đầu. Trái xanh non mỡ màng, trái vàng thơm ngậy... Những trái ổi như thế bao giờ cũng vừa to vừa mềm, cắn vào rất đã” [56, tr.45]. Người ta sẽ chỉ có thể tìm thấy một vườn xanh bạt ngàn cây cối ở những thôn quê mà chốn thành thị khó lòng thấy được. Những khu vườn như nặn bao trái chín thơm vàng, như mang lại sự ấm no trù
79
phú cho con người nơi đây “Vườn nhà ông ấy đầy cây trái, lủng liểng đủ loại quả vàng xanh có cả, nghe đâu một mùa thu mấy chục triệu” [53, tr.17].
Không chỉ có cây trái, làng quê còn chứa đựng một bức tranh rực rỡ những mảnh vườn hoa đậm sắc hương được vun trồng kéo léo “khu vườn của những mùi hoa quen thuộc, thơm nhè nhẹ trong không trung, những màu hoa lẫn trong bóng tối quê tôi…”[52, tr.89], “tôi trồng nhiều hoa trong vườn…những bông hoa đang nở rực màu sắc. Vườn đẹp lung linh và thơm ngào ngạt, ứ đọng lại trên từng giọt sương
mai. Khu vườn rộn ràng những mùa hoa” [52, tr.53]. Hay cậu bé trong Vừa nhắm
mắt vừa mở cửa sổ còn phát hiện vẻ đẹp hoang dã của loài hoa lạ, tự vươn mình
trong nắng mới, tự trải qua những ngày mưa “Một ngày lạ, vườn tôi bỗng xuất hiện loài hoa mới, cánh vàng nhụy trắng…cuối mùa mưa, cây hoa đó nảy ra nhiều nhánh và hạt của nó đã mọc ra nhiều cây con. Một khu vườn rợp bóng loài hoa lạ, lung linh dưới cơn mưa lướt nhẹ” [56, tr.151].
Bên cạnh không gian vật thể, Nguyễn Ngọc Thuần còn tái hiện những miền quê đậm đà tình nghĩa với những sinh hoạt cũng như phong tục tập quán của con người. Những tập tục ấy mang tính cộng đồng sâu sắc, là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự giàu có của quê hương. Nó đã tạo nên niềm cộng cảm sâu sắc giữa các thành viên trong cộng đồng, là sự nhất quán trong việc trao truyền các giá trị vǎn hóa qua các thế hệ.
Nguyễn Ngọc Thuần đã lí giải rất rõ khởi nguyên của những làng quê, thôn xóm cùng những tập tục được sản sinh ra từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước “Không mảnh đất khô cằn nào mà không mọc được cây xanh. Không có xóm làng nào tự nhiên đông đúc. Từ các miền xuôi ngược, người dân đổ về đây là trù phú thêm. Họ lập ra những ấp, những thôn, chọn những người già làm chủ chốt, tự coi ngó nhau, giáo dục trẻ con lòng tự hào về mảnh đất của mình” [50, tr.52]. Họ ngợi ca lúa bằng những bài ca bài vè truyền tụng “Những buổi chiều trên cánh đồng, người ta lấy ngắm lúa làm trò tiêu khiển, lấy hát đối làm ngôn ngữ giao tiếp và ăn mừng những vụ lúa bội thu. Người ta đặt vè, người ta tôn vinh lúa. Người ta đặt cho nó cái tên mỹ miều của người con gái đương thì: Nàng Thơm” [51, tr.52]. Với họ, hạt lúa giống như nguồn vui sớm tối, nhựa sống đủ đầy, hương lúa được thổi hồn
80
vào từng nếp áo nếp khăn, thổi bùng bùng bằng những lời ca dao trìu mến “Người ta gọi lúa bằng ca dao, gọi cuộc sống đâm trỗi dậy bằng mồ hôi, và nụ cười đến với họ chỉ bằng một hình thức đơn giản là được ôm vào lòng những hạt lúa mẩy tròn” [51, tr.52]. Họ tôn thờ và ngưỡng vọng đất như người mẹ, họ khát khao người mẹ ấy sẽ ban phúc lộc đong đầy, họ tế người mẹ bằng những nghi lễ trang trọng nhất của loài người “Người ta gọi đất là mẹ đất. Vì mẹ đất cho lúa ngon, người ta cúng dâng mẹ, cúng dâng mẹ chưa đủ, người ta cúng dâng bầu trời. Cầu mưa thuận gió hoà, cầu đất đai được sưởi ấm, cầu cho con gái con trai sinh đẻ tốt tươi” [51, tr.52]
Trong mạch nguồn văn hóa Việt, một trong những mỹ tục được con người lưu truyền từ đời này sang đời khác như một truyền thống bất diệt đó là lễ Tết. Ở tác
phẩm Trầu không, Nguyễn Ngọc Thuần đã phục nguyên không gian văn hóa làng
quê những ngày tết với nhiều tập tục truyền thống xa xưa. Nào là tục hỏi thăm vườn trầu “hái lá làm lộc tết”, nuôi heo thịt để cúng tiên tổ và cũng là “hả họng ba ngày tết”, rồi tục ăn cơm bằng chén cổ, đốt vàng mã kêu người âm thụ hưởng...tất cả phải được thực hiện thành tâm, thành ý. Nhưng trong ngàn vạn những nghi lễ ấy, tục cúng tất niên và “lễ đóng giếng” được làm cẩn trọng nhất. Cúng tất niên cần phải thực hiện trước khi giao thừa “Năm nay khởi hành hướng bắc thì thượng kiết. Phúc, lộc, thọ mẹ rước trên tờ giấy to. Tự tay dán lên vách kỹ càng, rách thì xui, ba cái thứ đó không vào nhà coi như vô phước” [53, tr.60]. Còn “lễ đón giếng” là để rửa sạch những bụi bẩn của năm đã qua, tinh khiết đón chờ năm mới đang gõ của từng nhà. Tất cả mọi thành viên trong gia đình phải “tắm trước tết”, nếu không “sang năm mới được tắm” cũng bởi vì “tục lệ ông bà mình vậy, thương từ cái vạt thương ra; cái giếng cũng phải có ngày yên tĩnh phong trần. Thần giếng. Người xưa làm sao thì mẹ làm vậy” [53, tr.58]. Tục này cần phải nghiêm chỉnh thực hiện, một khi đã “đóng cửa giếng” mà bất cứ ai còn “mon men” ra lấy nước thì “đứa nào xách nước mẹ chặt tay” [53, tr.59]. Rồi cái thời khắc linh thiêng đón chờ năm mới sắp đến gần “Đêm 30 trịnh trọng trải chiếu hoa trên cái sân vuông. Trẻ con nằm bò trên đó được phát cho cái bánh, loại bánh cây nhà lá vườn ngọt ngắt, màu lòe loẹt…cốm thì được đóng hộc từ ba hôm trước, vuông vắn phẳng phiu, nơ tua đầy đủ” [53, tr.62]. Những nét đẹp văn hóa không chỉ được tái hiện một cách giản dị, trong trẻo mà còn thấm
81
đẫm tình người. Một không gian làng quê với tình làng nghĩa xóm luôn giúp đỡ yêu thương tương trợ lẫn nhau đã mang lại những giây phút yên bình trong tâm hồn người đọc (phần này chúng tôi đã làm rõ ở mục 2.1.1.2).
Với tình yêu và hiểu biết sâu rộng về mảnh đất quê hương, Nguyễn Ngọc Thuần đã đem đến cho người đọc xúc cảm thú vị, những tri thức phong phú về không gian đời sống làng quê của người dân hiền hậu chất phác. Những mảng không gian đó không chỉ hiện hình vô cảm mà đó là nơi tác giả nói cũng như người dân quê Việt bộc lộ những xúc cảm, tư tưởng, khát vọng của mình.
Trước hết, làng quê là cái nôi nuôi dưỡng con người, là đại diện cho sự no đủ, đầm ấm, trù phú. Không gian của những làng hoa, vườn cây trái trĩu quả, bông lúa mẩy tròn…mang đến hơi thở yên bình cho vùng quê yêu dấu. Con người không chỉ có đủ gạo thơm cơm dẻo, được tráng miệng bằng thứ quả vườn ngọt lịm mà còn biết thưởng thức món ăn tinh thần là trồng hoa để ngắm, để bầu bạn. Trong tâm thức cậu bé Dũng, vườn hoa mà cậu và bố vun trồng chẳng khác gì một thiên đường, nơi mà bông hoa sẽ hóa thành “người đưa đường” và con người sẽ trở thành một vị khách đặc biệt. Không gian mênh mông không chỉ nuôi nấng con người bằng đất mẹ mà còn “tắm gội” thứ tinh thần phong phú đa sắc đa hương.
Không gian làng quê còn là biểu trưng của niềm hạnh phúc, mái ấm gia đình bao bọc chở che bao thế hệ. Với người nông dân, ruộng đồng chính là cội nguồn nuôi dưỡng họ cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ coi thế giới đó như là một căn nhà thứ hai nuôi dưỡng họ lớn lên, đó là niềm yêu thương, gắn bó máu thịt “Bố nói đó là căn nhà lớn nhất thế giới. Những người bước vào căn nhà đó sẽ không bao giờ đi đâu nữa. Bố nói nội tôi ngày xưa cũng nói như vậy. Nội tôi yêu cánh đồng như yêu ngôi nhà của mình. Khi nội tôi mất, những người trong làng phải khiêng cái hòm đi ngang từng ruộng lúa một rồi mới đem chôn. Mỗi năm đến mùa lúa chín, bà nội tôi phải gõ gõ vào mộ bia để nội nhớ năm nay vụ gặt xong rồi” [56, tr.104]. Niềm yêu ấy đã hóa thành niềm tự hào và kiêu hãnh “Bố tôi rất hãnh diện vì chưa bao giờ ra khỏi làng. Bố nói, nơi nào có ruộng lúa bố mới đi”, “Tổ tiên tôi cũng là người nông dân, nhưng là người nông dân tự hào về mình” [51, tr. 52]. Những cánh đồng thơm hương lúa chín chính là niềm vui, hạnh phúc sớm tối của họ“Bố vui khi nhìn thấy
82
cánh đồng. Một ngày không ra đồng bố buồn quay quắt” [56, tr.103]. Và cao hơn cả, không gian làng quê hiện hình như một người mẹ sớm tối ủ ê những hoa thơm, trái ngọt, hạt gạo trắng ngần để nuôi nấng những đứa con thân yêu mà nơi đó, “nó đẹp như trái tim người mẹ” [52, tr.151].
Thêm nữa, không gian làng quê là biểu tượng cho chính con người nơi đây. Những hình ảnh cây đa, giếng nước, dòng sông là hiện thân của tình nghĩa giản dị,
nó ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người. Trong Nắng mang chân ngựa, nhân vật tôi
sau những ngày đi muôn trùng khắp nhân gian, nhưng hình ảnh của cây đa nơi quê nhà cứ ám ảnh bám víu như một phần xương máu. Nỗi nhớ làng da diết, cậu đi tìm kí ức như một kẻ mộng du “Ở phố chợ không có cây đa - không có cây đa không có cái tình nên phố chợ không giữ chân tôi được. Tôi lang thang tìm đến một cái đền. Đền cũng không có cây đa, không giữ chân tôi được” [51, tr.14]. Không gian ấy đã hóa thành máu thịt nên phải về “Bến sông cũ vẫn còn đây, cây đa tôi từng yêu, từng sợi rễ dài đong đưa. Cây đa nghìn năm, con sông cũng nghìn năm. Thương sông quá tôi ngồi ngắm một mình dưới gốc đa. Con sông giống như một người nhà quê. Hai người nhà quê hai cái tình” [51, tr.11]. Dòng sông, cây đa chính là con người, một con người tình nghĩa, mà dù “đi ngược về xuôi” chúng ta không thể quên được.
Không gian làng quê qua ngòi bút Nguyễn Ngọc Thuần hiện lên sinh động, nên thơ và hấp dẫn. Đặt nó trong toàn bộ không gian tác phẩm ta thấy nó là mảng sáng, hoàn toàn đối lập với không gian cát biển mà chúng tôi triển khai ở phần sau. Nó hiện lên trọn vẹn trong tâm tư suy nghĩ của những nhân vật như những gì thiêng liêng, giản dị, gần gũi nhất. Không gian làng quê gắn liền với thăng trầm của những người nông dân nghèo đói nhưng sống có tình, có nghĩa. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã ưu ái thể hiện tình yêu của mình dành cho quê hương cũng như tấm lòng trân trọng đối với những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Vẻ đẹp luôn bắt nguồn từ những gì giản dị, thật thà. Làng quê chính là vẻ đẹp chân phương đó. Hay nói khác đi, không gian này chính là nơi lưu giữ hồn cốt của văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa làng quê nói riêng.
83