Ưu thế của phương pháp tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 26)

6 Cấu trúc luận văn

1.3.2. Ưu thế của phương pháp tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa

Phương pháp tiếp cận văn hóa học được manh nha từ giữa thế kỉ XX, khi các nhà nghiên cứu vận dụng các quan điểm và thành tựu văn hóa để lý giải văn học. Người khởi xướng chính là M.Bakhtin, một giáo sư hàng đầu về nghiên cứu văn học ở Nga. Phương pháp tiếp cận văn hóa học lấy con người làm trung tâm để xây dựng hệ thống những vấn đề được miêu tả trong tác phẩm. Nó ưu tiên cho việc phục nguyên không gian văn hóa. Trong đó tác phẩm văn học đã tồn tại, xác lập sự ảnh hưởng của các quan niệm triết học, tôn giáo, đạo đức, chính trị, thẩm mỹ, quan niệm về con người…cùng tồn tại trong một không gian văn hóa xác định. Nói cách khác, phương pháp này chủ yếu đi giải mã các hình tượng nghệ thuật, tìm ra nét thời đại của tác phẩm. Nó không chủ trương phản ánh thế giới nghệ thuật của tác phẩm như một vũ trụ khép kín mà “đặt ra nhiệm vụ đối chiếu, so sánh, truy nguyên các quan niệm văn hóa” của thời đại cụ thể, nơi tác phẩm được ra đời, để tìm nguồn gốc của các dạng thức quan niệm về con người, về không gian thời gian trong tác phẩm” [39, tr.9]. Mặc dù phương pháp tiếp cận văn hóa học “sinh sau đẻ muộn” nhưng nó đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và đã khẳng định được thế mạnh cũng như tính ưu việt của mình.

Trước hết, phương pháp tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa giúp độc giả có thể hình dung được đời sống văn hóa với những phong tục, tập quán, quan niệm đạo đức, ứng xử xã hội…của một thời đại đã qua, nơi mà tác phẩm đã được sinh ra. Chúng ta hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng những hiện tượng văn hóa của một quá khứ xa xôi đã không còn tồn tại trong hiện tại. Thậm chí nó phục nguyên nền văn hóa của một quốc gia bất kỳ trên thế giới mà chúng ta chưa từng đặt chân tới. Nói cách khác, tiếp cận văn hóa học thực hiện nhiệm vụ cao cả là gìn giữ những nét truyền thống xa xưa của cha ông và xây dựng mô hình đầy đủ về bất cứ xứ sở nào nó muốn. Tuy nhiên, cần phải xét chúng dưới điều kiện lịch sử xã hội cụ thể để tránh cái nhìn sai lệch. Chẳng hạn, ở Việt Nam, nếu nhìn theo quan điểm của người

27

hiện đại thì “hồng nhan bạc mệnh”, “tài mệnh tương đố” là một sáo ngữ, một quan niệm duy tâm, siêu hình. Nhưng thực chất, triết lý này đã phán ánh thực tế của một xã hội trọng nam khinh nữ, nơi không có luật pháp bảo vệ cho con người, đặc biệt là người phụ nữ. Trong xã hội thối nát ấy, người hồng nhan thường phải chịu nhiều cay đắng tủi hờn. Từ đó hình thành tâm lí xa lánh, khinh thường sắc đẹp và sự tài hoa, họ coi sắc đẹp là yêu ma quỷ quái hiện hình, là căn nguyên cho những tai họa động trời. Nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay, nơi luật pháp đủ mạnh để bảo vệ quyền và thân phận con người, thì “hồng nhan bạc mệnh”, “tài mệnh tương đố” không còn tồn tại nữa thậm chí sắc đẹp còn được lên ngôi và nhân tài được ưu ái.

Hơn thế nữa, phương pháp tiếp cận văn hóa học giúp người thưởng thức tác phẩm văn học (độc giả, người nghiên cứu) xác định được vị trí và vai trò của người sáng tác trong hành trình phát triển của lịch sử văn hóa – văn học dân tộc. Bởi thực chất, mỗi nhà văn là sản phẩm của một cộng đồng và tồn tại như một thành tố trọng yếu của nền văn học, văn hóa dân tộc cụ thể. Những sáng tác của họ sẽ góp thành “bộ mặt” cho nền văn học văn hóa dân tộc vươn tầm thế giới. Nói cách khác, diện mạo của một nền văn học đồ sộ cần phải quy tụ nhiều nhà văn với tư cách là những nhà văn hóa lớn và những sáng tác của họ phải lưu giữ, phản ánh và phát triển nét tinh hoa của một nền văn hóa dân tộc.

Thêm nữa, góc nhìn văn hóa cho phép ta hình dung rõ hơn các yếu tố chính của hiện tượng văn học trong quan hệ đa chiều kích với các hiện tượng văn hóa ngoài cuộc sống. Thực tế đã minh chứng rằng mỗi tác phẩm văn học không chỉ có mối liên hệ ý nghĩa giữa những yếu tố nội sinh bên trong, yếu tố hiện hình ở bề mặt mà còn nằm ở mối liên kết liên văn bản. Theo Đỗ Thị Ngọc Chi thì “Liên văn bản, hiểu theo nghĩa rộng nhất sẽ đưa lại cho đối tượng thụ ngôn các “văn bản” xếp chồng lên nhau qua các lớp từ ngữ, chi tiết, hình ảnh biểu tượng nhằm “tìm ra mắt xích của sự giao tiếp nghệ thuật rộng lớn” [5, tr.60 ]. Chính vì lẽ đó, mỗi tác phẩm văn học cộng hưởng của vô vàn yếu tố và khi khám phá nó cần phải được đặt trong bối cảnh rộng lớn của đời sống chính trị, truyền thống nghệ thuật, các điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xuất thân.

28

Giống như hầu hết các phương pháp nghiên cứu văn học, góc nhìn văn hóa học sẽ khắc phục được hạn chế khám phá văn học chỉ gói gọn trong phạm vi hạn hẹp ở góc nhìn đơn lẻ, mang tính chất chuyên biệt. Phương pháp tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa giúp “những con đẻ tinh thần” sẽ được nhìn nhận trong một mối tương quan rộng lớn. Văn học là một phần “ruột thịt” của văn hóa, nếu biết sử dụng cái nhìn văn hóa thích hợp sẽ hiểu văn học sâu hơn, có thể mở rộng diện nghiên cứu. Hơn thế nữa, bản chất đặc thù của văn hóa là một phạm vi rộng, bất kể nhân tố nào được ươm mầm trong một mảnh đất lớn và sinh quyển rộng đều phát triển tối đa tố chất nội tại. Vì thế, dễ hiểu văn học trong văn hóa sẽ “vùng vẫy lớn mạnh” và người nghiên cứu sẽ cắt nghĩa, thẩm định, lý giải các hiện tượng văn học một cách bao quát nhất, có cái nhìn sâu rộng đa chiều nhất, tránh được sự thiên lệch, phiến diện một chiều, chủ quan trong những công trình nghiên cứu của mình.

Sau cùng, với cách tiếp cận văn hóa, chúng ta sẽ có trong tay phương tiện để tìm kiếm những cấp độ ý nghĩa độc đáo nhằm giải quyết cái khó khăn của người nghiên cứu trong quá trình giải mã các hiện tượng văn học mới mẻ, dị biệt. Trong giới nghiên cứu, việc có những nhận thức, phê bình và những lời thẩm định trái chiều khi đứng trước cùng một hiện tượng văn học không chỉ đơn thuần là vì hiện tượng đó đa sắc đa trị mà có thể do những nhà nghiên cứu phê bình văn học chưa có ý thức gắn kết góc nhìn văn hóa với văn bản tác phẩm. Nếu vấn đề đó được giải quyết sẽ cho phép người nghiên cứu có cái nhìn thông suốt về tính đa nguyên của nội hàm văn hóa trong tác phẩm với nhiều phát hiện thú vị. Hơn thế nữa, còn có cơ hội đề xuất những mô hình diễn giải thích hợp cho sự phát triển có hiệu quả của nền văn học dân tộc. Đặc biệt trong bối cảnh văn hóa ngoại lai du nhập ồ ạt, dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa thị trường, nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa sẽ định hướng đúng đắn cho con người trong việc hòa nhập nhưng không hòa tan.

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)