Ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 88)

6 Cấu trúc luận văn

3.1.Ngôn ngữ

Ngôn ngữ là yếu tố quan trọng hàng đầu, là chất liệu để xây dựng một tác phẩm văn học, “yếu tố trước hết của văn học là ngôn ngữ” (Gorki). Bởi vì chính ngôn ngữ đã cụ thể hóa, điển hình hóa cốt truyện và tư tưởng tác phẩm như một phương thức hiệu quả nhất. Vấn đề ngôn ngữ văn chương dưới góc nhìn văn hóa từ lâu đã trở thành mối quan tâm của nhiều nhà ngôn ngữ học. Ở Châu Âu phải kể đến F.de. Saussure (1857 – 1913) khi tìm ra mối quan hệ giữa ngôn ngữ và dân tộc là mối quan hệ gắn bó mật thiết. Phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ, và đôi khi, chính ngôn ngữ làm nên dân tộc. Còn Claire Kramsch đã nghiên cứu mối quan hệ này ở ba phương diện rất cơ bản: 1 là ngôn ngữ diễn tả thực tại văn hóa (ở đó các từ ngữ con người sử dụng có mối liên hệ đến những kinh nghiệm chung và những kho kiến thức mà một cộng đồng đã tích lũy và chia sẻ), 2 là ngôn ngữ quyện hòa vào hiện thực văn hóa (bằng cách tạo những kinh nghiệm mới qua ngôn từ), 3 là ngôn ngữ biểu tượng văn hóa (symbolize) thực tại văn hóa (ngôn ngữ là hệ thống kí hiệu trong khi chính hệ thống này tự nó đã là một giá trị văn hóa).

Ngôn ngữ cũng giống như tín ngưỡng, tập quán, lễ hội,… đều là một bộ phận quan trọng của văn hóa. Nó chính là phương thức lưu giữ và truyền tụng những quan niệm cũng như cách ứng xử của con người trước cuộc sống. Vì thế, có thể coi văn hóa được văn học lưu giữ bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Bởi một điều tất yếu: giữa tiếng nói và nền văn hóa của một quốc gia dân tộc có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Con người nhận diện được bài học đầu tiên từ các hình ảnh, biểu tượng, niềm tin và giá trị, vốn là những cội rễ của văn hóa truyền thống từ gia đình, từ nhà trường nhưng trước hết vẫn là qua ngôn ngữ - giao tiếp ứng xử. Thêm nữa, thông qua ngôn ngữ có thể đánh giá tầm vóc văn hóa của người nghệ sĩ. Bởi vì nhà văn chính là con đẻ của một nền văn hóa dân tộc, thế giới ngôn từ của anh ta sẽ phục nguyên bản sắc văn hóa của dân tộc đó “Nếu như ngôn ngữ là kho lưu trữ và đồng thời biểu hiện của ký ức tập thể hoặc ký ức văn hóa của cả một cộng đồng thì đến

89

lượt mình, thông qua ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, nhà văn sẽ đánh thức, làm hiển thị diện mạo văn hóa cộng đồng một cách hiện hình nhất”[5, tr.156].

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy vốn ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Thuần được hình thành từ nhiều nguồn: một nguồn trực tiếp lấy từ lời ăn tiếng nói của người dân vùng Nam Trung Bộ, thường gọi là khẩu ngữ (phương ngữ) Nam và một nguồn là từ văn học dân gian, bao gồm những từ thuần Việt được nhà văn sử dụng linh hoạt, tinh luyện qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, dưới quy phạm của đặc điểm sáng tác văn học thiếu nhi, nhà văn còn khai thác triệt để thứ ngôn ngữ dân gian trong thế giới trẻ thơ Việt để làm giàu có thêm những tâm hồn văn hóa trong chúng.

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 88)