Ngôn ngữ Nam Trung Bộ

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 89)

6 Cấu trúc luận văn

3.1.1.Ngôn ngữ Nam Trung Bộ

Văn học khởi phát bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt, thứ ngôn ngữ được tái tạo xây dựng dựa vào ngôn ngữ tự nhiên đời sống thường nhật. Thế nên, ngôn ngữ trong một tác phẩm văn học ngoài ý nghĩa thông báo, truyền đạt còn chứa đựng sắc thái biểu cảm ở mức độ cao. Bằng những trải nghiệm cuộc sống, Nguyễn Ngọc Thuần đã thiết kế tác phẩm của mình trên nền tảng ngôn ngữ tự nhiên hằng thường của người dân miền Nam Trung Bộ. Đây là một vùng thuộc phương ngữ Nam, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của ngôn ngữ Nam Bộ. Đồng thời, đây lại là nơi giao thoa, là cầu nối của hai vùng Nam Bộ và Trung Bộ nên đã tạo sự phong phú trong lối nói cũng như lối diễn đạt. Phương ngữ Nam trong sáng tác thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần không quý phái hay độc sáng mà nó là những “lời ăn tiếng nói” dân dã, bình dị gom nhặt từ cuộc sống đời thường xung quanh. Nếu ai đã từng một lần chiêm ngưỡng tác phẩm của anh chắc hẳn không thể quên được hương vị chân chất mộc mạc trong từng câu chữ. Tất cả đều hòa quyện sóng sánh vào nhau tạo nên một nét văn hóa tiếng nói vùng miền đặc sắc.

Trước hết, Nguyễn Ngọc Thuần đã sử dụng đa dạng, phong phú các từ loại mang đậm hơi thở miền Nam Trung Bộ. Từ danh từ, động từ, tính từ đến đại từ xưng hô đều được nhà văn thụ hưởng trực tiếp từ những ngôn ngữ thường nhật của người dân nơi đây. Nhà văn đã sử dụng những danh từ trong tác phẩm của mình để gọi tên các sự vật hiện tượng, thiên nhiên thường thấy trong không gian sinh sống của con người. Những danh từ chỉ cây cối hay những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày

90

như : “mền” , “chén cơm”, “ góc kẹt”, “chảng ba”, “gàu nước”, “trắng chạch”

(Giăng giăng tơ nhện), “cù nèo”, “ụ rơm”, “bồ lát”, “lu nước”, “áo bà ba”, “bông

sen”, “rặng ráng”, “cà ràng” (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)…v.v. Những danh từ

chỉ nghề nghiệp cũng mang đặc trưng của quê hương miền cát biển : “nghề đánh

cá khơi xa”, “nghề đan lưới giăng buồm”, “nghề muối mặn (Nhện ảo)…v.v. Như

vậy, mỗi vùng miền đều có nét khu biệt về địa lý văn hóa cũng như những đặc trưng sản vật riêng. Cách nhà văn gọi tên các sự vật, hiện tượng bằng ngôn ngữ hằng thường đã giúp độc giả thấu nhận sự đa dạng của thế giới xung quanh vùng đất Nam Trung Bộ.

Phương ngữ trong sáng tác Nguyễn Ngọc Thuần còn là những từ chỉ hoạt động và trạng thái, tính chất của con người vùng Nam Trung Bộ. Đó là những hành động được mô phỏng bằng thứ ngôn ngữ bản địa : “nói xạo”, “đụng”, “ẵm”, “la”, “giùm”, “vọc nước”, “bu quanh” , “đi ruộng”, “lội sình”, “thắt cười”, “ráng dậy sớm”, “cười miết”, “xốc”, “chọi”, “ỷ đông”, “ăn hiếp”, “lùa cơm vô bụng”, “té”,

“dế gáy”, “xối”, (Vừa nhắm mắt vừa mở của sổ); “bữa hổm”, “đụng”, “dằn”, “móc

giò”, “bụm chặt”, “cưng chìu”, “phập”, “nạnh nhau”, “ưng”, “lung” (Một thiên nằm

mộng)…v.v. Bên cạnh những động từ đặc trưng đó, những tính từ mang đậm màu

sắc phương ngữ Nam như : “rất bự”, “lùn xịt”, “dơ”, “bị bịnh”, “nhỏ thó”, “mừng húm”, “sang” (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ); “xỉn”, “lãng xẹt” (Nhện ảo)…v.v. Các tính từ chỉ mức độ cảm xúc được nhà văn nhập cảnh trực tiếp mà hoàn toàn

không có chọn lọc như : “quá trời”, “ nhẹ hều”, “chút xíu”, “kì thấy mồ” (Một thiên

nằm mộng),…v.v. Ngoài ra, hàng loạt những từ biến âm và biến âm có rút gọn được

sử dụng như một sự cộng hưởng của ngữ điệu : “bi nhiêu”, “dè”, “hi sanh”, “mơi mốt”, thí mồ”, “ảnh”, “chậy”, “ổng”, “bển” (Giăng giăng tơ nhện)…v.v. Độc đáo nhất là hệ thống những tiểu từ tình thái thể hiện sự giao thoa, hòa quyện giữa tiếng nói miền Trung và miền Nam như : “chớ bộ”, “mần chi rứa”, “vậy ta”, “nghen”, “ủa”, “dễ sợ”, “ui”, “lẹ vầy”,…v.v. Những đại từ xưng hô mang nét riêng biệt vùng miền

như: “tui”, “anh hai”, “ba”, “má”, “tía”, “bây” (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)…v.v.

Có thể thấy hầu hết những từ loại mà Nguyễn Ngọc Thuần sử dụng chủ yếu là vốn từ hàng ngày trong đời sống người dân Nam Trung Bộ. Đó là thế giới ngôn từ mang

91

hình hài bình dị, một vẻ đẹp chân phương điểm chút hoang sơ. Nhà văn đã thực sự thành công khi khéo léo khơi gợi tiếng nói quê hương trong từng mẩu chuyện “be bé xinh xinh” của mình.

Ngoài những phương ngữ trong đời sống hằng thường, Nguyễn Ngọc Thuần còn dành một vị trí đặc biệt cho những ngữ khí từ Nam Trung Bộ như: “hà”, “há”, “vậy cà”, “chi”, “hén”, “nghen”, “hen”, “chớ bộ”, “bộ”, “dễ sợ”, “mà”, “nè”...v.v. Viết bằng ngôn ngữ Nam Trung Bộ không có nghĩa là chỉ sử dụng những từ địa phương mà còn sử dụng cách diễn đạt ngôn từ theo kiểu của người dân vùng miền đó. Bởi vì cách nói của mỗi vùng miền không chỉ khác nhau về mặt từ vựng mà còn khác ở cách thức dùng từ, đặc biệt là những từ mang nghĩa tình thái, cụ thể là những ngữ khí từ trong vốn từ vựng của mỗi phương ngữ. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã sử dụng các ngữ khí từ một cách đa dạng trong hầu hết các kiểu câu: câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm thán. Chúng tôi xin tìm hiểu một vài ngữ khí từ tiêu biểu mà nhà văn sử dụng như một minh chứng cho cách diễn đạt độc đáo của con người Nam Trung Bộ. Trong lời ăn tiếng nói của người dân Nam Trung Bộ, ngữ khí từ “nghen” được dùng phổ biến và rộng rãi. Trong cuốn Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín thì “nghen” có nghĩa là “Từ dùng để hình thái hóa phát ngôn : tỏ ý thân mật với người tiếp chuyện”, là hình thức rút gọn của “nghe không” và được dùng chủ yếu để dặn dò hay nhắc nhở điều gì [59, tr.123].Xuyên suốt tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần, ngữ khí từ “nghen” được dùng như một phương thức chuyển giao tình cảm giữa những con người chân quê mộc mạc. Từ “nghen”được sử dụng tương ứng với từ “nhé”, “đấy nhé” trong ngôn ngữ phổ thông, toàn dân như một lời nhắn nhủ, gửi gắm ước mong: “Nhớ quay về nghen” [50, tr.90], “nhớ thỉnh thoảng viết thư cho tui đó nghen” [50, tr.119], “Đi xa xứ đừng quên quê hương con nghen” [51, tr.8],.... Từ “nghen” cũng được dùng trong câu hỏi, trong trường hợp muốn hỏi ý kiến người đối thoại xem có đồng thuận hay không: “Ổng cho tui bông này nghen?” [51, tr.11], “Con có về nghen?” [53, tr.122],... Thêm nữa, Nguyễn Ngọc Thuần còn sử dụng đậm đặc ngữ khí từ “vậy cà”, nó là biến thể của “vậy à”. Nó được dùng để hỏi khi người nói còn hồ nghi không biết rõ suy nghĩ của đối tượng cùng tham gia giao tiếp với mình. Nó tương ứng với “vậy ạ” trong ngôn ngữ toàn

92

dân. Nguyễn Ngọc Thuần dùng nó để mô tả rất nhiều cuộc đối thoại giữa nhân vật trẻ con và nhân vật người lớn với mong muốn điều chỉnh độ dung hòa thấu hiểu của hai đối tượng này với nhau “Sao tui không thấy ai mở cửa vậy cà?”, “Vậy ai lên

tiếng với tôi vậy cà?” (Thương nhớ ngón tay), “Tui chụp hình với ai vậy cà?”, “Có

ai ở nhà không vậy cà?”(Tình yêu). Nhà văn đã sử dụng ngữ khí từ với nhiều nghĩa

tình thái khác nhau để bộc lộ rõ nét nhất sự riêng biệt trong cách diễn đạt độc đáo của người dân miền Nam Trung Bộ.

Như vậy, Nguyễn Ngọc Thuần đã vận dụng những yếu tố ngôn từ trong cuộc sống hằng thường người dân Nam Trung Bộ để xây dựng những tác phẩm mang đậm tiếng nói văn hóa vùng miền. Có thể thấy, việc sử dụng ngôn ngữ ấy vào sáng tạo văn chương không làm nhà văn hiện lên với tư cách như một nhà khảo cứu văn hóa mà bằng thế giới nghệ thuật ngôn từ của mình, Nguyễn Ngọc Thuần đã đánh thức trong tâm hồn độc giả trở về với giá trị văn hóa Việt Nam qua nghệ thuật giao tiếp và sử dụng ngôn từ.

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 89)