Niệm về niềm tin cổ tích

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 71)

6 Cấu trúc luận văn

2.1.3.2.niệm về niềm tin cổ tích

Nhân vật trẻ thơ của Nguyễn Ngọc Thuần được xây dựng với một thế giới tinh thần vô cùng phong phú. Không chỉ là những ý niệm về hồn ma, trẻ thơ còn mang trong mình niềm tin về một thế giới cổ tích, thần tiên, thiên thần. Nơi mà chúng có thể thả hồn mình vào những suy nghĩ riêng tư, có thể ảo tưởng những điều kỳ diệu và có thể “bịa” ra những câu chuyện cổ tích của riêng mình để “tự cứu rỗi tâm hồn” của chính mình.

Trước tiên, với bản tính hồn nhiên ngây thơ, những đứa trẻ tưởng tượng ra thế giới cổ tích của ông bụt bà tiên luôn hiện hữu trong cuộc sống thường nhật. Với chúng, tiên bụt chẳng ở đâu xa lạ, chính là những người xung quanh “hóa thân”

thành. Trong Một thiên nằm mộng, nhân vật em đã tưởng tượng ông cả Bảy khi chết

đi chính là ông tiên “ông ấy đã thành tiên rồi…một ông tiên hiền” [52, tr.15]. Em còn ví người đàn bà điên Cả Sề hiện thân là một nhân vật cổ tích “một nàng tiên vì lỡ đánh rơi chén ngọc rồi trong cơn giận dữ của thần linh, người ta giam giữ bà trong lồng đúng ba trăm năm. Rồi bà sẽ được hóa kiếp trong chiếc lồng đó” [52, tr.84]. Sau đó, bà được trời phái xuống trần gian để ban phát cho con người những câu chuyện kỳ ảo như những món quà tinh thần. Đến khi không còn gì để trao tặng, bà sẽ trở lại làm thiên tử “Mỗi người sẽ được bà kể cho nghe một ít. Rồi một hôm bà sẽ bay vút về trời” [52, tr.32]. Thậm chí, lũ trẻ còn hồ nghi “một đôi giàu có” – hai anh em tật nguyền cùng làng là bà tiên, “thật là khó hiểu, có khi nào anh em nó là bà tiên!...Mắt thịt là mắt bằng cục thịt thì thấy gì được. Có khi gặp tiên lại ngỡ là cục thịt, gặp cục thịt lại ngỡ bà tiên” [52, tr.33].

Với khả năng tiếp nhận và mơ mộng đệ nhất của mình, những đứa trẻ tự gán hình hài cho tác phẩm tưởng tượng, đã là tiên là bụt thì dáng dấp phải giống y như những câu chuyện cổ tích chúng đã từng được nghe. Ông tiên thì nhất định “phải

72

hiền lắm, phải đẹp lắm và đặc biệt phải có râu để vuốt. Em chưa bao giờ thấy một ông tiên nào lại không có râu” [52, tr.15]. Bà tiên thì “ thường hiện ra dưới dáng vẻ kì dị để thử lòng người. Có tiên làm người cùi, người cụt chân…” [52, tr.33]. Hơn thế nữa, nhân vật của Nguyễn Ngọc Thuần còn ngộ nghĩnh cho rằng tiên bụt cũng sẽ bị ốm, bị sốt và cần được chăm sóc nâng niu như người bình thường “Có lẽ khi một ông tiên bị bệnh thì ông cũng nằm bẹp và rất mong có người đút cháo. Khi muốn hóa phép ông phải nhờ ai đó khiêng cây phất trần lên, và như vậy thì cú hóa phép chắc cũng không linh lắm” [52, tr.78]. Thế giới tiên bụt trong suy nghĩ trẻ được sinh ra từ những con người bình thường nơi trần gian. Họ mang dáng dấp của những nhân vật trong câu chuyện cổ tích nhưng họ cũng “ốm đau như lẽ thường”, cũng gần gũi và thân thương đến lạ.

Tiếp thu chọn lọc những tinh hoa của nền văn hóa phương Tây, Nguyễn Ngọc Thuần còn xây dựng một thế giới tinh thần trẻ thơ luôn có sự ngự trị của những hữu thể thần linh, sự chiếm lĩnh của những thiên thần, thiên sứ, những vị thần luôn phù trợ cứu giúp con người. Giống như cô bé Thiên Sứ mang nụ cười “mê hồn” và “môi

hôn thơm mùi sữa” xuống thế gian lộn xộn và đau khổ trong Thiên sứ của Phạm Thị

Hoài, thiên sứ trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Thuần không chỉ là hiện tượng để soi sáng thế giới xung quanh mà đồng thời còn có nhiệm vụ cao cả: khám phá con người từ thuở ấu thơ còn nguyên sơ, trong trắng.

Trước tiên, giống với những ý niệm về thế giới tiên bụt, các thiên thần trong suy nghĩ trẻ cũng luôn “bay lượn quanh ta” và được sinh ra từ những con người bình thường. Thiên thần có khi chỉ là đứa trẻ con, “một thiên thần động đậy và biết cười” để từ đó “những đứa trẻ đã được truyền tụng, đã được nối tay qua những bà mẹ. Chúng lan khắp nhân gian. Mỗi bà mẹ tự chọn lấy cho mình những đứa trẻ xinh xắn nhất như những gì họ mong muốn. Họ chọn lấy cho mình một hạt mầm. Một thiên thần” [52, tr.67]. Người mẹ hạnh phúc khi thấy thiên thần đáng yêu bên mình là “một tình yêu cao quý nhất cuộc đời” và còn là “ánh sáng kì diệu nhất trần gian” [52, tr.63]. Một vị thần có sức mạnh lớn nhất, vượt ra khỏi những luồng sáng tầm thường, một vị thần không xa lạ, không xuất hiện ở địa đàng, vị thần ấy có cái tên đẹp nhất là vị thần mẹ “Ngày xửa ngày xưa, tại một khu rừng nọ, các thiên thần

73

luôn luôn mang những khuôn mặt buồn. Họ chờ đợi một điều gì đó kì lạ bên kia cánh rừng. Vị thần thứ nhất nói : tôi không còn muốn ca hát nữa. Vị thần thứ hai nói : tôi không còn thiết tha bay lượn nữa. Vị thần thứ ba bước ra chói lòa ánh sáng. Vị thần đó chính là một người mẹ” [52, tr.129]. Và đỉnh cao của quyền lực, sức mạnh không phải chúa trời ban xuống mà là vì “trên tay người mẹ luôn có một thiên thần để yêu, để ca hát, để bay lượn. Và từ đó, một đứa trẻ được ra đời” [52, tr.129].

Ngoài ra, thiên thần còn được hiểu theo đúng nghĩa, họ luôn có một sự minh trí vượt trội và khả năng phú bẩm kì diệu. Hình ảnh thiên thần với sứ mạng nâng đỡ những con người “có quá nhiều nỗi buồn” trên đôi cánh trắng muốt đã in sâu vào

tâm thức trẻ. Trong Một thiên nằm mộng, nhân vật em luôn nghĩ thiên thần sẽ hiện

hữu khi nỗi buồn đã không thể chứa đựng thêm được nữa trong một con người. Khi một ai đó quá buồn, thiên thần sẽ đậu xuống đôi vai của họ để gom nhặt những nỗi buồn, để sưởi ấm những tâm hồn khô héo. Em chờ những vị thần tốt bụng nhất trần gian, những vị thần bất tử hóa cho tình yêu vĩnh viễn đến cứu giúp bà Cả Sề khỏi nỗi bất hạnh mất con “Em đã chờ ba hôm nay. Em chờ buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều... Em không nghĩ có những vị thần chết sau những buổi chiều. Mỗi buổi chiều họ chỉ đi ngủ thôi. Họ là thần. Một vị thần luôn bất tử.” [52, tr.39].

Suy nghĩ là bước khởi phát của lời nói hành động, những ý niệm về niềm tin cổ tích được kết lại thành những ngôn từ, những câu chuyện kỳ thú mà trẻ thơ tự “bịa” ra với nhau. Nhưng” bịa” có tình có ý, có cơ sở, có mục đích, không đơn thuần “bịa để chơi” mà bịa để răn dạy, để tạo niềm tin. Những câu chuyện cổ tích mà lũ trẻ kể cho nhau nghe đôi khi là sự gom nhặt những mẩu chuyện mà cha mẹ chúng từng kể còn rơi rớt lại, đôi khi lại như một vô thức không thể gọi tên. Nhưng tất cả không chỉ cứu rỗi tâm hồn của chính lũ trẻ mà còn đánh thức suy nghĩ của mọi người xung quanh.

Trong Một thiên nằm mộng, nhân vật chính em đã “bịa” một câu chuyện cổ tích vô cùng thú vị để kể cho anh trai mình nghe với mong muốn “cứu rỗi những giấc mơ đẹp” của anh “ngày xưa có một hoàng tử đi cùng trời cuối đất để tìm một loài hoa quý dâng lên nàng tiên tóc xanh. Nhưng chàng đi tìm mãi mà không tìm được loài hoa quý như chàng mong muốn” [52, tr.49]. Người em dẫn dắt anh trai

74

đến một nơi huyền bí của “vực sâu”, “mặt trời” để anh hiểu rằng việc có một giấc mơ đẹp về một loài hoa quý thật không dễ dàng chút nào. Vì ở tâm hồn con người luôn chênh vênh hai địa đàng bóng tối và ánh sáng, nơi thì “rực rỡ quá đến chói mắt”, nơi lại “đen đủi như bóng tối”. Nếu biết kéo tâm hồn theo một giấc mơ đẹp thì sự tuyệt vọng đôi khi chẳng nghĩa lý gì “phải chào thua”. Và khi ấy, con người sẽ tìm thấy những điều huyền diệu, những niềm tin cổ tích trong mỗi giấc mơ dài “Quá tuyệt vọng, chàng bỏ lên đồi nằm ngủ và ngủ một giấc dài. Trong giấc mơ chàng bỗng lạc vào một vườn hoa tuyệt đẹp, từng cánh trắng ngần thơm tho như thỏi son, lại như một con mắt mở to mở lớn. Một rừng con mắt mở to mở lớn. Chúng nhìn chàng ngạc nhiên và trìu mến. Chúng là hoa Lan” [52, tr.49].

Trong Chương bảy, lũ trẻ còn “hội họp” nhau để “diễn” những câu chuyện cổ

tích do chính mình sáng tác. Đó là những câu chuyện chắp ghép, móc xích từ những lời kể của cha mẹ, thầy cô. Truyện cổ tích “bịa” độc đáo nhất vẫn thuộc về cậu bé tên Chình khi cậu kể về sự ra đời kỳ diệu của con người và vạn vật trong cuộc sống “Ngày xưa khi loài người chưa xuất hiện, lúc đó loài người ở đâu?...lúc đó con người nằm trên đọt cây. Một hôm, bỗng có một người trèo xuống đất, người đó nói, ha ha ta là vua. Thế là vua sinh ra. Ông vua nói, quân sĩ đâu? Thế là quân sĩ sinh ra. Quân sĩ nói, kiếm đâu? Thế là bác thợ rèn sinh ra. Bác thợ rèn nói, lửa đâu? Lửa sinh ra. Lửa nói, nóng nực quá, thế là mùa đông sinh ra. Mùa đông nói, lá rụng đâu? Hàng cây sinh ra…” [52, tr.57]. Theo chúng, mọi thứ được sinh ra vì “nó cần và nó muốn được sinh ra”. Từ nhà vua đến quân sĩ, từ bác tiều phu đến hàng cây, từ phù thủy đến thú rừng…tất cả đều xuất hiện vì nhau, kết dính với nhau để làm thành thế giới “quá ư rộng lớn”. Lũ trẻ khẳng đinh cội nguồn của những đôi cánh chính là vì “Đôi cánh lại sinh ra từ trẻ con vì chỉ có trẻ con mới mơ ước được bay thôi. Người mẹ còn sinh ra từ bàn tay nữa. Bàn tay cần cù mềm mại nên dịu dàng sinh ra…” [52, tr.57]. Mỗi một sự vật tồn tại đều chứa đựng những ý nghĩa lớn lao riêng và con người được sinh ra từ niềm yêu thương của vạn vật gắn kết với nhau nên cần phải được trân trọng.

Trong Và những giấc mơ cuối cùng trên dây, câu chuyện “cổ tích bịa” để lại

75

của thằng Tí anh kể cho thằng Tí em vào một ngày chúng nó phải lìa xa nhau. Câu chuyện người anh bịa ra không đơn thuần là để vui, để “ru ngủ em” mà ẩn chứa bên trong là tiếp nguồn sức mạnh, là tình thương rộng lớn, là nguyện cầu và ước mơ “Nó đã nói trong một ngày kỳ lạ lúc loài người chưa xuất hiện. Bông hoa đó đã sống thật tội nghiệp vì không có một ai ngắm nhìn cả [52, tr.119]. Chúng thấy mình giống như loài hoa, một loài hoa “tội nghiệp” và lạc lõng, có mặt ở đời từ kiếp trước, kiếp mà con người chưa có trên trần gian. Và chúng ước ao rằng con người sinh ra và ban cho chúng niềm vui “Chỉ có con người mới có thể đem đến cho bông hoa những niềm vui bằng cách ngắm nhìn nó. Con người biết chiều chuộng” [52, tr.119]. Từng lời kể như muốn gồng gánh cảm xúc để nước mắt không ào ra, chúng tự thân hiểu sự bất hạnh mà chúng đang mang trên người nhưng giấc mơ tuổi thần tiên sẽ chẳng bao giờ tắt, chẳng thể nào ngăn được hành trình gom nỗi buồn để góp nhặt những niềm vui.

Những ý niệm của trẻ thơ về niềm tin vào thế giới của thần tiên, thiên sứ là cội nguồn sức mạnh nuôi dưỡng tâm hồn con người. Với chúng, một người nghèo khổ bất hạnh có khi cũng là một bà tiên, một đứa trẻ tật nguyền dị dạng đôi khi chính là thiên sứ, người mẹ là vị thần vĩ đại nhất của những đứa con…Tất cả mọi con người bình dị thường nhật đều có thể là dấu tích của tiên bụt, thiên thần, họ tiềm tàng một sức mạnh siêu nhiên, kỳ bí. Và vì điều ấy, nên chúng ta cần trân trọng và ngợi ca tất cả những mảnh đời ở cuộc sống này như khởi nguồn nhân cách của những thiên thần bé nhỏ.

Như vậy, văn hóa tâm linh cũng in dấu sâu đậm trong từng trang văn của Nguyễn Ngọc Thuần. Anh đã xây dựng một thế giới niềm tin thiêng liêng, vững vàng trong tâm thức con người. Đó là thế giới thần linh, âm phù, địa ngục…được sinh ra để bảo vệ cái tốt, để lưu giữ những mảnh hồn của người đã khuất. Dưới con mắt trẻ thơ, những ý niệm về văn hóa tâm linh mà chúng học từ những câu chuyện của ông bà, cha mẹ chúng kể lại đã trở thành những điểm sáng của niềm tin cổ tích thời hiện đại. Đó là kết quả của một quá trình lưu truyền những giá trị văn hóa linh thiêng của thế hệ đi trước để lại cho thế hệ đi sau.Với trẻ thơ, chúng tin vào thế giới thần tiên, âm phù sẽ luôn đại diện cho cái tốt, luôn ban phát những đôi cánh thiên

76

thần để nâng đỡ con người khỏi nỗi bất hạnh. Chúng hạnh phúc hơn là lo sợ khi nghĩ đến thế giới hồn ma, thiên thần bởi chúng tin rằng khi con người luôn sống tốt đẹp thì thế giới xung quanh sẽ phản chiếu lại y nguyên như vậy. Đó cũng chính là tư tưởng mà Nguyễn Ngọc Thuần muốn nhắn nhủ với bạn đọc “Hãy cứ sống tốt đi rồi cuộc sống của bạn sẽ tốt theo” [38, tr.1]

Có thể thấy, tâm linh trong văn chương Nguyễn Ngọc Thuần cũng được phát triển ở một tầm cao mới. Tâm linh là để giáo dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ thơ. Tâm linh không xâm lấn quá sâu vào đời sống mà chỉ là kết quả từ những trải nghiệm bản thân hoặc từ những bài học yêu thương mà cha mẹ dạy dỗ con cái. Nó là hiện thân của một xã hội văn minh, phát triển. Niềm tin vào thế giới tâm linh là niềm tin thiêng liêng, niềm tin cao cả và có giá trị bền vững. Nó vừa đáng yêu non nớt lại vừa mang sức chứa của tuổi đời bao thế hệ. Đời sống tâm linh của trẻ thơ nói riêng và con người nói chung là một phần của đời sống tinh thần, ở đó tất cả tin vào cái thiêng với phần tâm linh của mình. Đó là không gian của những mảnh hồn, của Thiên Sứ, Phật, Tiên, Bụt. Đó là thời gian giỗ, tết, các lễ hội với phần lễ thiêng liêng, những thời điểm giúp con người giao hòa với trời đất, thiên nhiên và các thế lực thánh thần. Sống trong không gian, thời gian mang tính tâm linh ấy, trẻ thơ có một niềm tin vững chắc vào cuộc sống xung quanh. Chúng trân trọng thiên nhiên vạn vật như tất cả sinh ra đều mang sự kỳ thú, thiêng liêng. Tự lũ trẻ tưởng tượng bay bổng để được giải tỏa, hồn nhiên yêu đời và luôn nguyện cầu những điều tốt đẹp cho mình và cho mọi người.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 71)