6 Cấu trúc luận văn
1.4.2. Sự chuẩn bị vốn sống, vốn văn hóa
Những trang văn thấm đượm thứ tình quê trong trẻo tinh khiết của Nguyễn Ngọc Thuần không đơn giản mà có được. Đó là sự trải nghiệm cuộc đời chênh chao tiếng khóc, là nỗi buồn dài thườn thượt mỗi mùa mưa, là cái nghèo dắt díu những cồn cát trắng và cũng là một cuộc đời vững vàng trước bão tố để thanh lọc gìn giữ những nét đẹp tâm hồn thuần khiết nhất. Để tác phẩm có mặt với đời thêm ý nghĩa, nhà văn đã lựa thật khéo “chất sống, chất văn hóa” từ những trải nghiệm của bản thân góp nhặt lên. Cái hay và thú vị là sự hóa thân diệu kỳ vào nhân vật khiến chúng ta đồ rằng “nhà văn vẫn là thiếu nhi” nên giọng điệu mới trong trẻo lạ thường đến vậy. Ứng xử giữa con người với vạn vật xung quanh, khoảng trời quê hương mênh mông bất tận mà được khúc xạ qua tâm hồn trẻ thơ thì quả đúng là cái dị biệt!
Nguyễn Ngọc Thuần sinh ra trong một gia đình nghèo khó về vật chất nhưng lại may mắn thừa hưởng những yêu thương mênh mông từ những người xung quanh. Bố, mẹ, anh, chị, em trong gia đình là cái nôi của “hơi ấm”, nơi mà mỗi kí ức tuổi thơ được nuôi dưỡng chăm chút nâng niu. Bài học cha mẹ dạy qua những lời nói thủ thỉ, những câu chuyện cổ tích hay cả những lời “mắng yêu” đều trở thành những chi tiết truyện độc đáo. Những người hàng xóm tốt bụng hiền lành, những đứa bạn cùng lứa tuổi, những con người vô tình gặp trên đường đi học…cũng trở thành những nhân vật “luôn giàu có về tinh thần” trong mỗi trang văn của Nguyễn Ngọc Thuần. Gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình bè bạn thầy cô là cội nguồn tình cảm nuôi dưỡng tâm hồn của một đứa trẻ lớn dần lên và trưởng thành hơn.
Quê hương của nhà văn là một vùng quê nghèo, người dân nơi đây lam lũ với đồng ruộng, nỗi nhọc nhằn vất vả rải đầy mặt đất. Sự khắc nghiệt của thời tiết, những cơn bão cát, những nắng gió cháy sạm da, những mùa mưa ỉ ôi không dứt làm biến dạng sức sống con người nơi đây. Nhưng cũng chính nó lại khiến con người xích lại gần nhau hơn, mạnh mẽ và cứng cỏi hơn, là nguồn cảm hứng bất tận để Nguyễn Ngọc Thuần cho ra đời những đứa con tinh thần như từng mảng tâm hồn trải rộng khôn nguôi. Khi nhớ về miền quê yêu
31
dấu, tác giả từng xúc động “Quê hương tôi là những khoảng trời rộng rãi. Nằm đâu cũng có thể ngủ được, ở đâu cũng có một mùi thơm lúa non, mùi rạ, mùi cây lá được ủ ê trong ngập ngụa không khí…” [51, tr.40]. Sự mộc mạc, chân quê nghèo nàn về vật chất nhưng chứa đựng biết bao ân tình, tất cả những xúc cảm phả vào tâm hồn nhà văn mãnh liệt khiến anh sau này dù xa quê nhưng vẫn bộc bạch thẳng rằng “Thực ra đến bây giờ là sinh viên của trường Đại học Mỹ Thuật, sống giữa trung tâm thành phố ồn ào, náo nhiệt, công việc sau này cũng sẽ gắn bó với môi trường này nhưng thật lòng tôi chỉ muốn về quê. Tôi khoái ở quê hơn. Đời sống ở đấy giản dị, chân chất, nó hợp với tôi hơn” [34, tr.2]. Nơi chôn rau cắt rốn, nơi con người sống với nhau bằng thứ tình quê ấm áp chân tình, nơi ấy Thuần đã gìn giữ trong tim những kỉ niệm tuyệt vời nhất để những tác phẩm ra đời như một sự truyền tay hơi ấm. Chính vì lẽ ấy, trong các trang truyện của anh, mỗi độc giả luôn được thả hồn mình theo không gian mênh mông của cánh đồng quê, con sông quê, khu vườn rực rỡ muôn vàn hoa thơm trái ngọt và có cả những cồn cát bất tận màu trắng bạc.
Nguyễn Ngọc Thuần đam mê ngành mỹ thuật, anh đã lựa chọn tương lai của mình gắn liền nó, còn với văn chương đó chỉ là sự tình cờ đến ngẫu nhiên “Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ. Một hôm, tôi ghé chơi nhà người dì, nhìn thấy một cái máy đánh chữ cũ kỹ bụi bám đầy... Tôi bèn mang ra lau dầu. Lau dầu xong, tiện tay tôi gõ chơi vài chữ rồi ngẫu hứng viết lung tung, không ngờ càng viết lại càng thấy thích... Từ đó, tôi bắt đầu viết và dần dần hình thành ý thức viết. Đến lúc ấy tôi mới tập trung học ngữ pháp...”[34, tr.34]. Duyên nợ với cả mỹ thuật và văn chương, anh hoàn toàn chiếm thế mạnh khi dùng hội họa tô điểm cho văn học. Hay nói cách khác, anh nhìn văn học với con mắt của một họa sĩ nên tạo ra một thứ văn mới lạ độc đáo thu hút người đọc. Anh đã tự tay vẽ những hình họa mô phỏng trong những câu chuyện nhỏ bé. Thế giới con người và vạn vật đều được nhà văn thiết kế tỉ mỉ bằng đồ họa, khiến đường nét sắc ngọt mĩ miều. Vì thế, trong những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần, độc giả hoàn toàn được chiêm ngưỡng những bức tranh với đầy đủ những gam màu hình khối đặc sắc của hội họa. Hội họa trở thành nguyên liệu cho tác giả nhào nặn, tạo hình cho những nhân vật của mình. Chính những điều đó đã quyện đặc vào nhau làm nên một thứ văn chương mà mỗi chúng ta không chỉ ngắm, chiêm ngưỡng mà còn phải cảm nhận.
32
Nguyễn Ngọc Thuần đi nhặt từng câu chữ từ những câu chuyện ân tình của con người xung quanh cuộc sống làng quê bình dị, từ mảnh vườn hoa trái trải tổng hòa những mùi quen thuộc, từ mùi bùn ngai ngái trên những cánh đồng bờ sông, từ biển cát mênh mông của xứ Bình Thuận chang chang nắng lửa và mưa ào ào đổ,… để làm thành những miền giá trị văn hóa độc đáo trong tác phẩm của mình. Cái tài của một họa sĩ kết hợp với cái tâm văn chương tạo thành thế mạnh không ai có được, những tác phẩm mang hình hài dị biệt nó vượt lên trên cái phổ quát thông thường, chất văn hóa được khơi lên trong tâm hồn trẻ thơ thật đáng để ngưỡng vọng. Tất cả hòa quyện sóng sánh vào nhau tạo thành nét riêng biệt của con người miền quê Nam Trung Bộ hay cũng chính là nét văn hóa chung trên mọi làng quê Việt Nam dung dị, yên bình.