6 Cấu trúc luận văn
2.1.1.1. Ứng xử với thiên nhiên
Triết học phương Đông bằng cái nhìn “vạn vật nhất thể” đã nhận định: trong bộ ba Thiên – Địa – Nhân, con người là một bộ phận hữu cơ của thế giới, là dấu nối gắn kết giữa trời và đất thành một thể thống nhất. Trong tâm thức văn hóa của người Việt Nam, thiên nhiên được coi như người bạn tâm tình gần gũi của con người, con người với thiên nhiên luôn gắn liền với nhau, hòa quyện với nhau làm một. Con người không thể sống nếu tách rời khỏi thiên nhiên và ngược lại. Nếu chúng ta hiểu văn hóa là ứng xử giao tiếp của con người với môi trường xung quanh (môi trường tự nhiên và môi trường xã hội) thì những xúc cảm, suy nghĩ, phản ứng của con người trước thiên nhiên, cuộc sống chính là những biểu hiện trong thái độ ứng xử văn hóa con người. Bởi thế, thiên nhiên giữ vai trò như một đối tượng thẩm mỹ cơ bản của sự khám phá và sáng tạo nghệ thuật. Thiên nhiên trở thành nhân vật không thể thiếu trong tất cả những ngành nghệ thuật, nó hiện hữu như địa hạt của những sáng tạo độc đáo nhất.
Bước thay đổi của thời gian dẫn đến nhận thức của con người về thiên nhiên cũng thay đổi, những đổi mới sao cho phù hợp với đời sống hiện thực. Nhìn lại tiến trình phát triển văn học Việt Nam, nếu con người trong văn học cổ “hòa mình với thiên nhiên trong một bầu trời” thì con người hiện đại lại tách mình ra khỏi thiên nhiên như một chủ thể độc lập. Nhưng tách ra không có nghĩa là dứt mọi mối quan hệ mà tách ra để rồi có độ lùi nhất định bộc lộ những suy nghĩ, trăn trở cảm xúc riêng tư trước nhiên nhiên, khiến thiên nhiên mang dáng dấp con người. Con người đã “nhào nặn thiên nhiên theo quan điểm chủ quan của mình” [6, tr.34]. Trong văn học Việt Nam hiện đại, thiên nhiên như một bức tranh vi diệu được vẽ nên bởi sự say sưa nhận biết những bí ẩn xa xôi trong tâm hồn người nghệ sĩ. Con người đối
38
diện với thiên nhiên để khẳng định cái tôi của mình. Qua đó, thổi hồn vào thiên nhiên – cái hồn cá thể đã khiến cái nhìn thiên nhiên tiến thêm một bước mới.
Ngày nay, đứng trước những thay đổi lớn về cuộc sống, sự lên ngôi của đời sống hiện đại kéo theo vấn nạn môi trường thiên nhiên đang bị hủy hoại trầm trọng. Văn học phải luôn gắn liền song hành với cuộc sống. Vì vậy, trước sự “kêu gào sự giúp đỡ” của thiên nhiên, nhà văn cần lên tiếng. Nguyễn Ngọc Thuần bằng những trang văn hết sức tinh tế của mình đã ngầm giáo dục con người nói chung và thế hệ thiếu nhi Việt Nam nói riêng cần phải có những thái độ ứng xử đúng đắn với thiên nhiên. Tác giả như nhắn nhủ thiên nhiên là người bạn, là chứng nhân cho bao nỗi buồn vui của con người và con người cũng cần phải đáp lại thứ tình cảm ấy bằng một trái tim biết yêu thương, trân trọng. Nhà văn đã để cho nhân vật đứng trước thiên nhiên, tự trải nghiệm và đưa ra những nhận xét, cảm nhận và cách ứng xử rất
thú vị về thiên nhiên. Không phải thiên nhiên dữ dội như trong Ông già và biển cả
của Hemingue, cũng chẳng hoang dã như Một cần câu của Trần Thanh Định, hay sự
kì vĩ trong Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán,…thiên nhiên trong những trang văn
của Nguyễn Ngọc Thuần hiện lên thật bình dị, hiền hòa giữa làng quê. Con người mộc mạc, giản dị giao hòa với thiên nhiên, đất trời nơi thôn dã.
Trước hết, mỗi nhân vật trẻ thơ trong sáng tác thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần được xây dựng với lối ứng xử thân thiết, tâm tình với thiên nhiên vạn vật. Chúng coi thiên nhiên như những người bạn gắn bó keo sơn, mật thiết, chẳng thể tách rời. Nguyễn Ngọc Thuần đã xây dựng nhân vật nhí của mình thành những nghệ sĩ yêu hoa và ứng xử với chúng như người bạn thân thiết, người bạn ấy thường tham
gia những trò chơi thú vị. Đến với Vừa nhắm mắt vừa mở sổ, người đọc sẽ được
xem một trò chơi ú tim vô cùng hấp dẫn, trò chơi ấy có sự tham gia của ba người: đứa bé, ông bố và tất cả những loài hoa ở trong vườn. Lúc đầu, trò chơi diễn ra ở mức độ dễ “chạm hoa đoán tên” : “Bố hay bảo tôi nhắm mắt lại, sau đó dẫn tôi đi chạm từng bông một. Bố nói: - Đố con hoa gì? Tôi luôn nói sai. Nhưng bố nói không sao cả, dần dần tôi sẽ nói đúng” [56, tr.41]. Thế là từ đấy, ngày ngày cậu bé tập “sờ vật đoán tên”, những bông hoa chơi trò ú tim bỗng trở thành một kho tàng bí mật cần được khám phá. Cậu bé tích cực hăm hở “đột nhập” vào thế giới kì diệu về
39
các loài hoa để sử dụng giác quan nhạy bén của mình, cho đến khi cậu ấy thấy rằng: “không bao lâu tôi đã đoán được hết vườn hoa. Từ trong nhà ra ngoài vườn, tôi có thể chạm bất cứ loại cây nào và nói đúng tên của nó. Tôi cũng đã thuộc khu vườn. Tôi có thể vừa nhắm vừa đi mà không chạm vào vật gì” [56, tr.42 ]. Rồi người bố đổi món “trò chơi với các loài hoa” bằng cách “Bố lại nghĩ ra trò chơi khác. Thay vì chạm vào hoa, bây giờ tôi chỉ ngửi rồi gọi tên nó. Bố đưa bông hoa trước mũi tôi rồi nói, hoa gì? Trò chơi cứ được diễn ra liên tục cho đến hồi tôi nhận diện được tất cả mùi hương của các loài hoa”[56, tr.47 ]. Dường như trò chơi được tăng thêm một cấp độ mới “ngửi hương đoán hoa”. Lúc này cậu bé phải sử dụng khứu giác “tinh ranh” của mình mà đoán định. Rồi cho đến một ngày, người bạn chân tình hoa cũng nói hết những bí quyết về mùi hương đặc trưng của mình cho cậu bé “Những bông hoa cứ đem hương đến cửa sổ như báo cho tôi biết từng mùa. Hoa gì nở sớm, hoa gì nở muộn. Tôi còn phân biệt đồng một lúc những hoa gì đang nở. Bố tôi nói tôi có cái mũi tuyệt nhất thế giới” [56, tr.47]. Lúc này khu vườn đã hóa thành một người bạn tri kỷ của cậu bé để tâm sự với cậu bé những bí mật “cuộc đời mình”. Phải yêu quý và thương mến khu vườn rất nhiều thì trái tim non nớt của một cậu bé mới có
thể nói những điều tuyệt diệu và đẹp đẽ đến vậy. Hay trong Một thiên nằm mộng,
nhân vật “em” đã làm thơ trước thiên nhiên, đầu hàng trước vẻ đẹp mĩ miều của cánh đồng và không thể không “mơ giữa ban ngày” với lý thuyết rằng “Nhưng mà hình như em không thể im lặng trước một cánh đồng. Nhất là nó rộng như thế này. Không có lý do gì em phải im lặng trước một cánh đồng. Và khi nó xanh đến thế thì em lại càng muốn nói. Mẹ đã từng nói: “Đứng trước cánh đồng thì con có quyền làm thơ…”[51, tr.29].
Không chỉ thân thiết với thiên nhiên, đối xử với thiên nhiên tâm tình trìu mến mà con người còn trân trọng, ngưỡng vọng và coi thiên nhiên như một “bản thể đậm chất người”. Tức là thiên nhiên trở thành đối tượng giao tiếp và ứng xử như một con người thực sự trong tâm thức văn hóa của trẻ thơ.
Những đứa trẻ trân trọng, ngưỡng vọng thiên nhiên khi chúng nhìn thiên nhiên như một thực thể có tên tuổi, ngoại hình và hành động rất người. Cậu bé trong
40
và cánh đồng: “những hàng cây ốm yếu thêm khô vàng”, “những cơn mưa mùa trước ngắt quãng từng chập một như mắc nghẹn”, “mười hai giờ trưa, cánh đồng
luôn hắt hơi”…[51, tr.89]. Hay trong Nhện ảo nhân vật tôi đã ngắm vì sao và phát
hiện “như gã khổng lồ nằm vắt lên bầu trời những vũng đen”. Ở tiểu thuyết Trên đồi
cao chăn bầy thiên sứ, ta bắt gặp một hình ảnh bầu trời có “dung nhan”, vẻ đẹp giống như những bức vẽ vui nhộn của bọn trẻ con giàu tưởng tượng, nó thú vị bởi sự lý giải “cái dung nhan đó cũng trở nên mờ ảo” khi triết lý rằng “Bầu trời cũng có khác gì khuôn mặt đâu, thế nhưng chưa từng ai nhìn gần một đôi môi của nó chỉ vì nó quá xa, nó đã bị gộp lại vừa mắt vừa môi, vừa làn da....”, hay “Khu vườn như người đàn bà già cỗi không còn điểm trang” [54, tr.228]. Độc đáo nhất là vì sao
lung linh hóa thành con người khi cậu bé trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đặt
tên cho nó “Tôi đặt tên nó là Lê Văn Tí, tên thằng Tí bạn tôi” [56, tr.93]. Rõ ràng cậu bé đã coi vì sao như một con người, một con người cần có một cái tên để gọi, con người ấy là người bạn thân thiết nhất của mình. Vì sao được mang tên Tí – một vì sao luôn cận kề, đi chơi cùng, đi học cùng,... và hàng đêm vẫn cùng nhau ngắm thế giới chung quanh. Thiên nhiên lúc này trở thành một chủ thể thực thụ, một chủ thể dễ thương có tên gọi rất người.
Con người coi thiên nhiên là bản thể đậm chất người khi phát hiện thiên nhiên không chỉ có hoạt động mà còn có chức năng và nhiệm vụ mang tính người. Thiên nhiên được tôn vinh như người dẫn đường trong những khu vườn bí mật “Bạn sẽ không bao giờ lạc trong bất cứ một khu vườn nào, bởi vì, những bông hoa sẽ chỉ lối cho bạn, một lối đi an toàn và thơm ngát”[56, tr.48]. Rõ ràng nếu bỏ qua vẻ bề ngoài, bông hoa ở đây đã hiện hình như một con người, với chức năng và nhiệm vụ như “hướng dẫn viên du lịch” vậy. Người hướng dẫn viên ấy sẽ chỉ dẫn cho cậu bé đi lối nào thì “an toàn và thơm ngát” để rồi cậu băn khoăn “Bạn sẽ tiếc lắm nếu thế giới này vắng đi những bông hoa. Bạn sẽ tự hỏi, tại sao trong khu vườn không có người dẫn lối? Người ta sẽ ngạc nhiên hỏi lại, người dẫn lối nào? Bạn sẽ từ từ nói, đó là NHỮNG BÔNG HOA….những bông hoa chính là người đưa đường”[56, tr.49].
41
Nếu trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, thiên nhiên có công việc như một
người hướng dẫn du lịch tài ba thì ở Giăng giăng tơ nhện, con người coi thiên nhiên là chốn dừng chân những ngày mệt mỏi, là niềm thương yêu bao bọc chúng lúc muộn phiền và hóa thành máu thịt “tôi vẫn đều đặn ra sông vào những buổi chiều. Cũng có khi không tắm, chỉ ngồi chơi nhưng cứ phải ra. Nó đã trở thành một thói quen trong tôi liền lặn da thịt” [51, tr.88]. Và những khi mỏi gối chùn chân được ngả đầu vào dòng sông thì nhân vật cảm nhận “tôi thấy tâm hồn mình như nhẹ nhõm hơn, cuộc sống nhẹ nhàng hơn và đáng yêu gấp bội” [51, tr.88]. Chúng ta còn
bắt gặp trạng thái cảm xúc này trong Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ khi hai chị em
quá chán ghét thứ thiên nhiên nhân tạo và chúng đã choáng ngợp trước “Một thế giới thiên nhiên lạ lùng mà chúng gần như không còn biết đến…khi màu vàng ập vào mắt, trí nhớ khôi phục dần, tuy vậy chúng cứ nghĩ đó chỉ là hình ảnh thần tiên mà chúng đã từng được gặp trong giấc mơ”[54, tr.85]. Thế là từ đấy, cô bé ba có một nơi để thoát khỏi cuộc sống quá ư ủ dột và chật hẹp, mùa thu bên kia đồi trở thành một con người có chức năng đón nhận. Cứ ngày ngày cô bé ba trốn khu vườn để tới chỗ mùa thu vàng như giấc mơ. Ở nơi đó, nó có thể làm những gì nó thích. Nơi ấy nó tha hồ vui đùa cùng những bông hoa, những con ong con bướm và thả hồn mình vào trong những giấc mơ. Nó nằm vắt vẻo trên bãi đất bằng đầy cỏ và hoa dại ngẩn ngơ ngắm những đám mây đang trôi nhè nhẹ trên bầu trời cùng sắc vàng của những chiếc áo được dệt từ lá cây bay bay trong gió chiều phảng phất. Thiên nhiên đón nhận những rung động của tâm hồn thơ ngây, đón nhận những tháng ngày ủ dột úa tàn của khu vườn giả tạo, đón nhận một đứa bé đã phát điên cuồng vì thế giới tồn tại bấy lâu nay “chỉ bé bằng bàn tay”.
Trong những trang truyện của Nguyễn Ngọc Thuần, người đọc còn được chứng kiến lối hành xử tuyệt hảo của trẻ thơ khi chúng coi thiên nhiên là mẹ, là món quà tuyệt vời nhất cho những đứa con – một kiểu mẫu thiêng liêng cao cả. Đây cũng chính là sự biểu hiện cao nhất về lối hành xử tình nghĩa của con người với thiên nhiên, coi thiên nhiên không chỉ là bè bạn, mà còn là người cất công “thai nghén chín tháng mười ngày” và nuôi dưỡng chăm chút chúng trên từng chặng đường đời gian khó. Hình ảnh bà mẹ thiên nhiên xuất hiện rất nhiều lần trong hầu hết các tác
42
phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần. Nhân vật tôi trong Biển đã bắt đầu từ nơi không
nhìn thấy chững chạc và cứng cỏi khi ứng xử với thiên nhiên như “đức mẹ”. Nó đắm mình trong sông nước, hạnh phúc chợt nhận ra rằng “Mặt nước ấm áp dễ chịu, như một lòng mẹ vĩ đại sau bao năm tháng lớn lên, tôi vẫn là một bào thai khi hòa mình vào nơi này” [53, tr.9]. Nhân vật nhận mình là “bào thai”, một thứ “bào thai” vĩnh cửu trước bà mẹ sông nước và đặt một niềm tin chắc chắn rằng “một đứa trẻ sinh ra từ con sông, tâm hồn nó suốt đời ở đó” [53, tr.10]. Hay trong tiểu thuyết
Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, cô chị cả đã “tung” kết luận hiển nhiên về người
sinh thành ra em gái mình chính là “từ cánh đồng mùa thu mà thụ thai sinh ra một đứa trẻ thần tiên như vậy” [54, tr.173]. Và từ đó cô khẳng khái thừa nhận “dòng sữa” nuôi dưỡng đứa cháu kỳ diệu là “ánh nắng từ cánh đồng mùa thu đó sẽ làm thằng bé cứng cáp hơn”, nuôi lớn từng ngày để thành “một người đàn ông theo đúng nghĩa”. Một bài học từ bà mẹ thiên nhiên ban tặng cũng chính là lối ứng xử loài người cần hướng đến “và con người không thể học một bài học về sự vị tha nào tốt hơn, ngoại trừ từ thiên nhiên” [54, tr.186]. Trẻ thơ ở đây đã coi thiên nhiên là mẹ, là nguồn cội nuôi dưỡng tâm hồn, là tất cả những gì tinh túy nhất của tình mẫu tử linh thiêng. Có thể nói, khi những đứa trẻ của Nguyễn Ngọc Thuần yêu mến và trân trọng thiên nhiên như người mẹ “mang nặng đẻ đau” ra chúng thì chắc hẳn chúng đã thấm thía “Vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ” (Bernard Shaw).
Con người với phương thức sống tình nghĩa, không chỉ ứng xử với thiên nhiên thân thiết, tâm tình mà còn ngưỡng vọng thiên nhiên như một con người có tên, có tuổi, có dáng hình rất người và đặc biệt là có những hành động, chức năng cũng rất người. Thiên nhiên thoát khỏi vỏ bọc của những vô tri vô giác đón nhận bộ quần áo mới mẻ từ cặp mắt trẻ thơ và hiện nguyên hình là một người bạn, người anh em và cao hơn tất cả là người mẹ tuyệt vời nhất thế gian. Thiên nhiên không tồn tại đơn thuần như vốn có, mà bung nở thành những nhân vật luôn song hành, yêu thương và chở che cho con người.
43