Quan niệm của Nguyễn Ngọc Thuần về văn chương

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 32)

6 Cấu trúc luận văn

1.4.3.Quan niệm của Nguyễn Ngọc Thuần về văn chương

Nếu coi tác phẩm là đứa con tinh thần của mỗi nhà văn thì quan điểm và tư tưởng của nhà văn chính là dòng máu, sức sống nội tại nuôi dưỡng đứa con ấy lớn mạnh mãi với thời gian. Những gì họ viết ra đều thể hiện chính tâm tư tình cảm và những quan điểm của họ về cuộc sống con người, về nhân tình thế thái.

Nguyễn Ngọc Thuần rất nghiêm túc trong việc sáng tạo văn chương, anh luôn hướng đến chức năng cao cả của văn chương đó là Chân – Thiện – Mỹ “Văn chương thì phải đẹp và nhân văn. Yếu tố con người là quan trọng… Tôi là dân mỹ thuật, nếu viết không đẹp thì thà rằng không viết”[6, tr.53]. Có lẽ trong tâm khảm của Nguyễn Ngọc Thuần luôn đau đáu những lời dạy dỗ của mẹ thuở ấu thơ “Mẹ tôi dạy tôi hai điều: Đừng bao giờ cay nghiệt vì chính mình có cuộc sống khốn khó, hoặc đem cái khốn khó mà dằn hắt người khác và một miếng thịt ngon cũng cần có một nhát cắt thật đường nét, huống hồ là văn vẻ”[34, tr.2]. Vì thế, trong những đứa con tinh thần của mình, anh luôn “chăm bẵm” rất cẩn thận và tinh tế đến từng chi tiết. Với anh, văn chương phải vươn tầm thế giới, phá tuông khỏi sự rập khuôn cổ hủ máy móc, thoát khỏi tiếng nói “đồng thanh” và phải thổi vào nó một sức gió mới lạ dạt dào “Một cuốn sách hay phải là một cuốn sách khác biệt trước đã, sau đó nó sẽ tự khắc trở thành phổ quát. Văn học Việt Nam, theo tôi nghĩ, nó phải khác biệt hơn, cá nhân hơn, nó không thể giống nước này nước nọ để rồi mong nó len ra nước

33

ngoài. Không ai thích đọc cái mình đã đọc rồi. Phương Tây sẽ không dại gì đọc lại chính họ một lần nữa”[34, tr.3]. Từ quan điểm đó, Nguyễn Ngọc Thuần đi làm nghệ thuật như một “người câu mồi nhỏ”, thứ “mồi” ấy phải “có một không hai”, anh ta khoái những chi tiết be bé xinh xinh nhưng nó lại trở thành lãnh địa chất chứa những bài học sâu sắc nhất vì đơn giản rằng “Sau những gì to lớn trong đời, người ta bao giờ cũng mang theo những gì nho nhỏ bình thường”[34, tr.1]. Tác giả trẻ này luôn soi mình vào tác phẩm để thấy “Văn chương đã giúp tôi hiểu về giá trị bản thân hơn những gì tôi nghĩ về mình” và tự khám phá ra những nội lực bằng chính con đẻ của mình[34, tr.2].

Với tâm thế “viết cho thiếu nhi thì không thể dùng tâm hồn của một ông già”, Nguyễn Ngọc Thuần luôn đặt mình vào điểm nhìn của một đứa trẻ để lượm nhặt câu chữ thật cẩn thận. Đôi khi sự gồng gánh cảm xúc chênh vênh khiến tác giả chiêm nghiệm “Trẻ con thích nhìn sự vật lớn hơn hoặc nhỏ hơn với bản thân chúng. Khi giá trị cực tiểu và cực đại đứng gần nhau, thường sự bất thường sẽ xảy ra”[34, tr.4], và điều bất thường ấy chính là sự khác biệt giữa điểm nhìn người lớn và điểm nhìn trẻ thơ. Nhưng cái hay của Nguyễn Ngọc Thuần là luôn cân bằng được trạng thái người sáng tạo văn chương cũng như sự rạch ròi về đối tượng mà anh hướng đến. Người đọc chưa bao giờ bị lẫn cảm xúc “trẻ con - người lớn” khi chiêm ngưỡng những tác phẩm của anh.

Nguyễn Ngọc Thuần đặc biệt quan tâm đến văn hóa ứng xử trong thế giới trẻ thơ, anh luôn tâm niệm rằng “một đứa trẻ cần phải được đối xử trân trọng như một tòa lâu đài, một con người biết tự trọng, một con người trưởng thành về nhân cách, một người đàn ông”[33, tr.2]. Anh luôn tôn trọng những nhân vật nhí của mình, điều đó được tác phẩm minh chứng sắc nét khi nhân vật người lớn bên cạnh việc giáo dục con bằng những bài học nhỏ, họ hóa thành những người bạn thân thiết để lắng nghe tâm tình của trẻ, thậm chí, trẻ có quyền thay đổi quan niệm sống của bố mẹ nếu chúng đúng. Nguyễn Ngọc Thuần viết văn cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc cũng phải “say mềm”, bài học không chỉ tặng riêng cho trẻ mà còn nhắn nhủ với cha mẹ chúng “giáo dục phải đúng cách”. Trên hành trình sáng tác, anh luôn bảo vệ nhân vật của mình, dù nhân vật có bị cái nghèo vật chất “va chạm” thì

34

“Những nhân vật của tôi luôn giàu. Tinh thần thì ai cũng giàu cả, tôi tin vậy. Khi một đứa trẻ ra đời, nó đã là một kẻ giàu có về tinh thần rồi” [34, tr.3]. Để xây dựng được những lối ứng xử mang đậm tính văn hóa đó, Nguyễn Ngọc Thuần luôn chú ý đến tất cả các mối quan hệ xung quanh trẻ, từ gia đình đến những người hàng xóm, bạn bè, thầy cô, từ thiên nhiên mơ mộng đến thế giới loài vật đáng yêu kỳ thú đều thật đẹp, thật dịu hiền và trở thành dấu ấn sắc nét trong tâm hồn trẻ, nuôi dưỡng những mầm non trưởng thành.

Trong hành trình cần mẫn gom nhặt những nét đẹp của cuộc sống làm giàu có cho tâm hồn trẻ thơ, Nguyễn Ngọc Thuần đặc biệt chú ý đến niềm tin cổ tích, niềm tin vào cuộc đời thực “Truyện của tôi là những con người, địa danh, những sự việc cụ thể…Tuy nhiên, mối giao cảm giữa các nhân vật có vẻ như vượt khỏi đời thực. Có lẽ cũng vì vậy mà nhiều người khi đọc đã có cảm giác về sự hư ảo. Bản thân tôi

luôn mơ ước cái đẹp từ những mối giao cảm đó”[34, tr.2]. Đó là mối giao cảm lung

linh diệu kỳ của những “thiên thần”, “mảnh hồn tí con”, “con ma yêu thương”, những điều phi thực, huyễn hoặc quyện đặc sóng sánh trong tâm thức trẻ. Thực chất nó là nét văn hóa tâm linh được khúc xạ qua cái nhìn ngây ngô của trẻ. Cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã từng nói: “Nếu văn nghệ sĩ là kỹ sư tâm hồn và nhà giáo dục cũng là kỹ sư tâm hồn thì văn nghệ sĩ sáng tác cho thiếu nhi là hai lần kỹ sư tâm hồn”. Nguyễn Ngọc Thuần đã thực sự xứng với danh “hai lần kĩ sư tâm hồn” vì trong anh luôn kỳ công đi tìm những mảnh ghép sáng rực để tạo thành một thế giới tình thương, cái nôi tinh thần vững vàng nhất trong tâm hồn trẻ.

Như vậy, những quan niệm của Nguyễn Ngọc Thuần về văn chương cũng như những ý niệm về văn hóa trẻ thơ đã khiến mỗi độc giả khâm phục cái “tâm” của một người làm nghệ thuật. Ở anh, sự giản dị tuềnh toàng bên ngoài “Cao, ốm nhách, răng xỉn vì cà phê và thuốc lá, những ngón tay gần như lấm lem vì sự đeo bám của chất nicotine và cả màu vẽ. Lơ ngơ và có vẻ vô lo. Hoàn toàn không quan tâm tới chuyện người khác”[46, tr.1], không che lấp nổi trái tim ấm nóng người cầm bút “Anh luôn hướng trẻ em đến một thế giới tươi đẹp. Ở đó trẻ em được ước mơ và thực hiện mơ ước của mình, trẻ được sống một cuộc sống hạnh phúc, đầm ấm, tự do

35

và thoải mái; trẻ thoát khỏi sự trói buộc, sự “cưỡng chế” của người lớn. Anh đã gieo trong tâm hồn các em “hạt giống niềm tin” về một điều kỳ diệu”[46, tr.2].

Tiểu kết

Trong chương 1, chúng tôi đã làm rõ bốn vấn đề cơ bản : khái niệm văn hóa, mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, phương pháp tiếp tận văn hóa học trong nghiên cứu văn học và hành trình sáng tác của Nguyễn Ngọc Thuần. Ở phần khái niệm văn hóa, chúng tôi đã cố gắng mô phỏng ngắn gọn quá trình hình thành những ý niệm văn hóa và chọn lọc những khái niệm tiêu biểu nhất để đưa vào bài viết. Có thể thấy đây là một khái niệm có nội hàm khá rộng, bao hàm tất cả những giá trị liên quan đến đời sống tinh thần của con người. Tiếp đó, chúng tôi khai thác mối quan hệ văn hóa và văn học ở ba phương diện : văn học là sản phẩm và hiện thân của văn hóa, văn học kết tinh các giá trị văn hóa, văn học như một ứng xử văn hóa. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tìm ra những ưu thế của góc nhìn văn hóa như một chìa khóa để giải mã văn học. Ngoài ra, qua việc tìm hiểu văn nghiệp của Nguyễn Ngọc Thuần, chúng tôi đã lý giải cội nguồn văn hóa đã chi phối đến những sáng tác thiếu nhi của anh. Đây cũng chính là những lý thuyết cơ bản để chúng tôi đi cắt nghĩa, giải mã sáng tác thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần như một hiện tượng văn hóa đặc sắc.

36

Chương 2 : CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG SÁNG TÁC CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN NGỌC THUẦN

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 32)