Không gian miền biển

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 83)

6 Cấu trúc luận văn

2.2.2.Không gian miền biển

Trong sáng tác thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần, bên cạnh không gian làng quê Việt Nam yên bình, đầm ấm là mảng không gian miền biển gắn liền với đói nghèo, chết chóc và sự kiên cường của con người trước nghịch cảnh. Không gian ấy được gom lại từ những hình ảnh thực của xứ Bình Thuận “chang chang cồn cát” và “lũ quét mùa mưa”. Những kí ức tuổi thơ về biển, về những con người bám biển, vượt qua bão lũ giành giật sự sống với tử thần để tồn tại đã trở thành những mảng không gian “tối” trong mỗi trang văn.

Trước hết, không gian miền biển hiện lên với hình ảnh của cát trắng bao phủ một khoảng mênh mông đất trời, triền miên ngày tháng, cát chảy ào ạt như mãnh lực thú hoang “Mùa hè nắng cháy, không nói gì. Mùa đông vẫn nắng, khô, lạnh và gió. Cứ một mùa gió, cát dời lên đồi từng mảng da bị bóc lớp. Cát không chảy xuôi, ai bảo thế là sai, cát chảy ngược” [53, tr.73]. Xứ sở hãi hùng của những cơn nắng cháy xém da thịt, cát nóng như lửa thiêu và nó trở thành mối nguy hiểm của bất cứ loài động vật nào “ở đây, ngày và đêm hầm hập. Một con gà lơ đễnh có thể cháy thui như được vùi trong tro nóng” [53, tr.73]. Khủng khiếp nhất là những cơn bão cát, Nguyễn Ngọc Thuần ví chúng như rồng đi, nhanh và hung tợn “Đêm, cát dưới chân nhà lướt đi như sóng dậy, như tung hoành trong cõi không…gió như vậy là gió rồng đi. Rồng không đi trên trời, rồng đi dưới chân” và chỉ sau có một đêm thôi, cát có thể nuốt chửng những căn nhà của ngư dân “cát gần như lấp ngôi nhà ông Bảy dưới chân đồi” [53, tr.76].

Không gian ngập tràn của cát, cát len lỏi ở khắp nơi, bát cơm ăn vội cũng lẫn cát, con người sạm đen vì nắng gió và làn da như nhuốm vị mặn mòi của nước biển, của mồ hôi. Những con người lầm lũi bám biển, tìm những “bóng mát” bé nhỏ, dù biển ở nơi đâu cũng nóng, cũng cháy, cũng khắc nghiệt “Qua mùa gió, đàn bà moi cát ra khỏi nhà như xua đuổi lũ ma tà ám chướng. Đàn ông gánh lúa bên kia đồi về bóng đổ dưới chân một khoảng sâu sâu như lún xuống dưới lớp cát mặt. Bóng đổ nhưng không mát là vậy. Nhưng dù sao, ngoài bóng mình chẳng có nơi nào mát bằng trong trùng trùng ngút trắng này” [53, tr.73]. Cát xâm nhập cả vào những lớp học “Nhìn đâu đâu cũng thấy cát, không thấy chữ”, những thân thể “vừa tắm xong

84

cát đã bu đầy”, những khuôn mặt “cát làm rộp da, mặt trắng như bạch tạng” [53, tr.74]. Con người nơi đây luôn ngập ngụa trong không gian chờ đợi mòn mỏi “Những vùng biển chỉ có đàn bà và trẻ con ở nhà, còn đàn ông thì đi biền biệt ngoài khơi sóng gió. Có người không về, có người nằm lại trong hàm cá mập… Đàn bà vá lưới chờ chồng về” [53, tr.19]. Những người đàn ông ra khơi, những người đàn bà chờ đợi, và nhiều khi sự chờ đợi là vô vọng vì biển chết đâu có từ một ai.

Không gian miền biển Bình Thuận không chỉ có hanh khô cát biển mà còn chứa cả những mùa mưa lũ kéo dài lê thê, giai giẳng và âm ỉ. Những mùa mưa lũ “khủng khiếp, không biết cơ man nào là nước. Nước xối xả. Nước chảy tràn” [52, tr.71]. Mưa vùng vằng không dứt, mưa kéo theo lũ lụt và những cái chết thương

tâm. Trong truyện Chín cây nến trắng, Nguyễn Ngọc Thuần đã miêu tả không gian

ghê rợn của những ngày lũ tràn về làng. Mở đầu là không gian trước khi lũ đến “từ đầu xóm đến cuối xóm, người ta khuân chuyển đồ đạc bỏ lung tung ngoài đường. Nào là mùng mền, quần áo, chén bát, nào là lúa gạo, khoai sắn, chưa kể vật nuôi. Bỏ thì thương, vương thì tội, thôi thì cứ vứt tung ra ngoài, nếu đem được đi thì đem, còn không thì đành vậy” [51, tr.25]. Rồi khi lũ tràn về, những con người nơi đây gồng mình chống lũ, họ dùng cả trí và lực đấu trọi lại với những cơn cuồng nộ. Sự mỏi mệt đã ngấm dần, người ta nhìn thấy sự chết tồn tại trong lòng sự sống “Trong bóng tối dày đặc bao phủ,…cả làng quê vốn đã nghèo nàn lại lắm u buồn này. Bây giờ nỗi buồn đó hiện rõ hơn bao giờ hết. Trong từng thước đất, sự lầy lội bấu chặt; trong những luống rau, sự hôi thối nhen mầm; ngoài đê nước gào rú điệu tiễn đưa, điệu ly biệt” [51, tr.31]. Cuộc chiến đấu là không cân sức, con người bé nhỏ đã bị “xiết cổ” bởi mãnh lực của dòng nước lũ cuồn cuộn gầm ghè. Kết thúc của năm ngày lũ kinh hoàng, một không gian ảm đạm bao trùm “Lũ tan. Nước rút dần. Người ta lầm lũi kéo nhau về. Không khí nặng nề, u uất mùi tử thi. Theo sổ sách của ông Bá công bố lúc bảy giờ sáng có chín người chết, ba mươi bảy người mất tích và mười sáu người bị thương nặng. Xác chết được đặt lên ba chiếc xe bò” [51, tr.47]. Những cái chết được ghi lại bằng những hình ảnh thực đến trần trụi, rợn người “thân thể xanh tím và gần như trần truồng”, “đôi bàn tay rách nát lòi cả xương”, “một dòng máu từ trong hốc mũi trào ra”, “trên ngọn cây, lủng liểng thi thể

85

bầm tím”, “co quắp như nhăn nhúm như con khỉ chết trôi”[51, tr.47]… Mùa mưa lũ khiến con người nơi đây như chết chìm trong những buồn đau, lũ tan nhưng nỗi đau còn âm ỉ mãi, họ trở về trong đống đổ nát, xác chết và dịch bệnh. Họ chứng kiến cái cảnh này cũng nhiều, có thể một ngày lũ nào đó, họ cũng không còn may mắn là người “được nhìn những cái chết” bởi họ sẽ là “những thi thể bốc mùi” kia. Những cơn lũ như hung thần, lướt qua nhanh và cuộc sống mất mát cũng đến nhanh, không gian như bao phủ nước mắt và những tiếng khóc hờ.

Nguyễn Ngọc Thuần miêu tả không gian miền biển với đói nghèo và “xác chết” nhưng đằng sau những bức hình đau đớn ấy là trái tim yêu thương và niềm tin mạnh mẽ vào con người. Anh đã đi tìm chân lý muôn đời, quê hương dù nghèo dù khó thì nó cũng mãi là những mảnh tâm hồn con người nơi đây ghép lại mà thành. Không gian của thiên nhiên vạn vật cũng chính là không gian của những cuộc thử sức, thử trí và cao hơn tất cả là tình người chân quê ấm áp.

Không gian miền biển là nơi thử sức con người, nơi con người thể hiện tài năng và ý chí cũng như sức sống bất diệt của họ. Cát biển không phủ lấp được dấu chân họ, không cuốn đi những hoạt động hằng thường diễn ra “Bọn trẻ đã đọc được sách, còn làm cả tập làm văn tả cảnh” [53, tr.77]. Chúng “cười khúc khích vừa chụm lưng nhau vừa viết”, chúng viết tên của bố, của mẹ và của con bằng những con chữ “đẹp nhất” với niềm tự hào kiêu hãnh. Những bài văn mà chúng tả, lấy cát trắng làm “nhãn tự”, điểm sáng để tả cho thật hay “Những bài viết nhắc đi nhắc lại một màu cát trắng ngút ngàn, cát đêm rồi cát ngày…nhưng nó thật hay, thật đầy nhựa sống” [53, tr.78]. Hay khi cơn lũ qua, hình ảnh cậu bé Toàn sống sót sau những ngày kinh hoàng như một cơn gió kì diệu thổi bừng sức sống cho những con người nơi đây “Mặc mưa, gió, rét, đói, không quần áo, tinh thần suy sụp trầm trọng, nó vẫn sống. Nó đã lấy đâu ra ngần ấy nghị lực như thế?” [51, tr.45]. Nghị lực đó là phi thường, là nhựa sống nội sinh, là cuộc chiến thắng của con người trước thử thách của thiên nhiên. Hay là nụ cười trên khuôn mặt của một tử thi đã khiến mọi người ngỡ ngàng “nụ cười kỳ bí trên khuôn mặt của lão Vịnh. Lão nằm thanh thản, tay xuôi dài theo thân thể, giống như chỉ vu vơ bay theo ngọn gió rồi buồn ngủ ghé vào lùm cây. Mi mắt khép dần, giấc ngủ đến với lão…Bay nhẹ như lông ngỗng”

86

[51, tr.44]. Một cái chết nhẹ như không, dòng nước xối mạnh không làm tan biến vẻ thản nhiên đó. Có cái chết nào mà con người chọn được dáng nằm cho mình? Hay đó chính là sức mạnh nội tại nên dù chết người ta cũng đón nhận nó một cách bình thản nhất.

Không chỉ thế, miền biển dù có nghèo có khổ thì mỗi con người nơi đây cũng mãi thuộc về nó, tôn thờ nó như những đứa con cần lao tôn thờ người mẹ của mình. Cát biển có trùng trùng ngút trắng thì con người khi “tách khỏi những đụn cát kia chúng không còn lại gì”, “không ý nghĩa gì” [53, tr.78]. Những thế hệ tiếp nối vẫn kiên cường bám biển như một truyền thống cha ông truyền lại “Nhưng trẻ con vẫn vui đùa và lớn lên. Đàn bà vá lưới chờ chồng về…Trẻ con vẫn vui đùa và lớn nhanh như thổi. Lớn để đi ra biển. Gia tài là những cái thúng câu” [51, tr.19]. Mưa lũ có buồn có khổ, nhưng “thiếu mưa người ta lại thấy nhớ, thiếu lũ người ta không biết tình người lớn thế nào” [51, tr.80]. Biển có dữ dội nhưng nó là nguồn sống nuôi dưỡng cả vật chất và tinh thần con người, lũ có ác nghiệt nhưng là lời cảnh cáo sự xâm hại của loài người lên giới tự nhiên.

Nếu không gian làng quê chứa cái sự nghèo nàn nhưng yên ấm, an vui thì không gian miền biển sự nghèo nàn lại gắn liền với nỗi lo thường trực của mất mát hi sinh. Nguyễn Ngọc Thuần sinh ra ở vùng đất Bình Thuận, một miền quê chứa đựng cả cát biển và cánh đồng, hai không gian như những mảng kí ức nhà văn tìm kiếm để xâu ghép lại bằng sợi dây của thứ tình quê hương nghèo về vật chất nhưng luôn giàu có về tinh thần.

Có thể thấy, trên cái nền của bức tranh bình dị làng quê Hàm Tân Bình Thuận, Nguyễn Ngọc Thuần đã gửi gắm tâm tư tình cảm của mình vào miền đất giàu văn hóa truyền thống. Nó không phải một rừng đước Cà Mau bạt ngàn màu

xanh cây lá trong Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, cũng không giống dòng

sông Thu Bồn “trong vắt những bãi cồn cát trắng xanh ngát ngàn dâu” trong Quê

nội của Võ Quảng, cũng chẳng phải rừng sim mênh mông trải dài trong Mắt biếc

của Nguyễn Nhật Ánh… mà nó là những miền quê mang nét riêng rất Bình Thuận. Những cồn cát chang chang nắng đổ, những dòng sông, bến cũ, con đò thủa xưa, những cánh đồng nứt nẻ chân chim…là những hình ảnh khắc sâu vào kí ức tuổi thơ

87

của Nguyễn Ngọc Thuần. Mùa bão cát phủ trắng xóa một vùng, mùa nước lũ nhấn chìm cuộc sống trong biển nước nhưng những con người Nam Trung Bộ vẫn gồng mình lên để chống đỡ thiên tai, để ngày đêm bám đất, bám biển kiên cường.

Tiểu kết.

Ở chương 2, chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu những giá trị văn hóa trong sáng tác thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần ở hai nội dung cơ bản là : con người và không gian văn hóa. Trong đó, con người được nhìn nhận như một đối tượng thẩm mỹ mang dấu ấn văn hóa. Con người là nơi hội tụ những nét đẹp tinh túy của văn hóa ứng xử, văn hóa gia đình và văn hóa tâm linh. Ứng xử tình nghĩa được coi như là phương châm sống của con người. Văn hóa gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn cũng như nhân cách con người. Dưới sự quy phạm của đặc điểm truyện viết cho thiếu nhi, văn hóa tâm linh mới chỉ đơn thuần là những ý niệm, những hiểu biết sơ khai của lũ trẻ về một thế giới thần bí, đa sắc màu. Trong phần hai, chúng tôi lí giải không gian văn hóa như một nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa dân tộc với hai hạt nhân trọng yếu là : không gian làng quê và không gian miền biển. Những mảng không gian mang đậm dấu ấn Việt không chỉ ở cảnh vật cụ thể mà còn ở những phong tục tập quán của con người nơi đây. Từ những giá trị văn hóa đó, chúng tôi đã tìm ra những nét truyền thống và hiện đại trong tâm thức sáng tác của nhà văn. Đó chính là ước vọng gìn giữ những nét đẹp văn hóa của cha ông để lại và “cải tổ” những giá trị cũ mèn sao cho phù hợp với thời đại mới.

88

Chương 3 : NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG SÁNG TÁC CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN NGỌC THUẦN

Một phần của tài liệu Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (Trang 83)